Nhức nhối luận án tiến sĩ: Vai trò quyết định của người hướng dẫn
Niềm vui sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ của một nghiên cứu sinh (thứ hai từ trái sang) tại Trường ĐH Kỹ thuật Dresden, Đức, bên cạnh giáo sư hướng dẫn (thứ ba từ trái sang) – Ảnh: TUD
Để giữ uy tín của mình, giáo sư sẽ ít khi chấp nhận một đề tài nghiên cứu chất lượng thấp.
Mục tiêu đào tạo tiến sĩ
Đào tạo tiến sĩ (TS) là hệ đào tạo cao nhất trong các bậc đào tạo hàn lâm. Mục tiêu của đào tạo TS là đào tạo ra một người có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó. Sau khi làm TS, người đó có khả năng làm nghiên cứu độc lập, có khả năng xuất bản và trao đổi thông tin khoa học đạt tiêu chuẩn cao và hiệu quả.
Người có khả năng làm nghiên cứu độc lập nghĩa là đọc hiểu được các vấn đề chuyên sâu của lĩnh vực mình theo đuổi, biết đặt ra những giả thiết, vấn đề nghiên cứu có ý nghĩa, biết cách tìm lời giải, biết sử dụng những phương pháp nghiên cứu phù hợp với giả thiết, biết cách diễn giải và phản biện phù hợp với kết quả nghiên cứu.
TS phải là người có khả năng xuất bản và trao đổi thông tin khoa học hiệu quả, phải biết viết và xuất bản các công trình khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế trên các tạp chí khoa học chính thống. Ngoài ra, những người làm TS phải biết trình bày các công trình nghiên cứu và biết cách trao đổi, thảo luận, phản biện khoa học với các cộng đồng khoa học.
Nhìn vào các mục tiêu trên, chúng ta có thể thấy hai phần chính của đào tạo TS là đào tạo nghiên cứu và đào tạo kỹ năng.
Phần chính và quan trọng nhất trong đào tạo TS chính là công trình nghiên cứu. Mục tiêu của nghiên cứu là tìm ra các tri thức mới và có ý nghĩa. Nếu là nghiên cứu cơ bản thì mục tiêu là khám phá ra những hiểu biết, những tri thức khoa học mới mẻ, nghĩa là chưa từng được khám phá trước đây.
Trong nghiên cứu cơ bản thì đó có thể là các kiến thức khoa học, các phương pháp khoa học mới có thể dẫn đến, tạo ra hoặc ứng dụng được trên các sản phẩm. Như vậy, có thể thấy các bài dạng tổng hợp, tổng kết, đánh giá và các đề xuất thì không phải là các công trình khoa học.
Uy tín học thuật
Để thực hiện được các công trình nghiên cứu khoa học chất lượng thì các nghiên cứu sinh (NCS) thường được hướng dẫn bởi một người hướng dẫn chính và 2 -3 hướng dẫn phụ, thường là các giáo sư (GS) có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu trong cùng một nhóm chuyên ngành.
NCS phải tham gia các khóa học, các seminar chuyên môn cũng như kỹ năng, các hội thảo khoa học lớn. Để có khả năng viết và xuất bản các bài báo khoa học thì các NCS phải tự viết các công trình nghiên cứu của mình theo tiêu chuẩn khoa học đã được quy định, phải biết nhận dạng các tạp chí khoa học chính thống và uy tín, phải biết cách trao đổi khoa học với các phản biện viên và tạp chí.
Các chương trình đào tạo TS tại châu Âu và Mỹ thường kéo dài trong 3 đến 5 năm, chương trình đào tạo tập trung và liên tục tại các viện nghiên cứu và trường đại học. Các NCS làm nghiên cứu toàn thời gian nên họ được trả lương hoặc học bổng để đảm bảo cuộc sống trong suốt quá trình làm nghiên cứu.
Tuy nhiên, cũng có một số ít NCS làm nghiên cứu bán thời gian, tức là họ đang làm việc ở một nơi khác nhưng vẫn vừa làm nghiên cứu TS, họ được phép làm nghiên cứu tại các cơ sở đủ tiêu chuẩn làm nghiên cứu ngoài trường đại học. Những trường hợp này cũng phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về chất lượng công trình khoa học và các kỹ năng khoa học khác.
Chất lượng đào tạo TS ảnh hưởng lớn đến uy tín của các viện nghiên cứu và trường đại học, do vậy các hội đồng khoa học và hội đồng hướng dẫn thường chú trọng rất nhiều vào các công trình nghiên cứu và các khóa đào tạo kỹ năng cho NCS. Đặc biệt, người hướng dẫn có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng của luận án tiến sĩ, đến mức dường như nhà trường hay các hội đồng ít khi phải “đau đầu” với bài toán chất lượng nghiên cứu.
Thu hồi bằng tiến sĩ
Nhà trường và các hội đồng thường chỉ phải vào cuộc đối với các vụ nghi ngờ có “đạo văn”. Với những công trình nghiên cứu đã hoàn thành, các NCS đã được cấp bằng TS, nhưng một khi nhà trường hay bất kỳ một hội đồng độc lập nào đấy phát hiện ra rằng công trình đó vi phạm về chất lượng hay đạo đức như “đạo văn” thì bằng TS đã được cấp vẫn có thể bị rút lại.
Có thể kể ra đây một vài ví dụ về các nhân vật nổi tiếng tại Đức đã bị rút bằng TS vì những vi phạm trong nghiên cứu như cựu bộ trưởng quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg (bị rút bằng TS năm 2011), bà Annette Schavan – cựu bộ trưởng đào tạo và khoa học liên bang (bị rút lại bằng TS năm 2013).
‘Nhức nhối luận án tiến sĩ’: Tâm lý sính bằng cấp trong mắt nhà quản lý