Nhớ thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu thành phố Huế vào lúc 0h ngày 22-1-2022. Điều này, dường như ta cũng đã linh cảm trước rồi. Vậy mà khi sự việc không ai mong đợi ấy diễn ra, ta vẫn thấy bàng hoàng. Một tổn thất không gì bù đắp được.

Với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, từ lâu, thiền sư Thích Nhất Hạnh được xem là một trong số ít những vị lãnh tụ tinh thần nổi tiếng nhất thế giới. Người Phương Tây gọi ông một cách kính trọng là “Thầy”, với hàm nghĩa Thiền sư là người thầy tâm linh, trong khi người Việt Nam trìu mến, thân thương lại chỉ gọi ông bằng cái tên rất giản dị: Sư Ông Làng Mai. Đúng như ông mong muốn. Rất nhiều Phật tử còn coi ông như một vị Phật sống. Ông là tác giả của hàng trăm cuốn sách, trong đó có rất nhiều cuốn được xếp hạng best sellers như “An lạc từng bước chân”, “Phép lạ của sự tỉnh thức”, “Chúa ngàn đời Bụt ngàn đời”, được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Ông còn có hàng ngàn buổi thuyết pháp bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, được lưu truyền trên khắp hành tinh. Từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, ông đã là ứng cử viên của Giải Nobel hòa bình. Và thực sự, từ lâu, ông đã là một sứ giả Hòa bình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926–2022)

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất an. Chiến tranh, khủng bố, bạo lực. Sự suy thoái kinh tế, suy thoái đạo đức diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, đạo đức xuống cấp gần như đã tới tận đáy. Cái đẹp mong manh luôn bị dồn đuổi, nhiều khi không có đất sống, trong khi cái ác lại lộng hành, lên ngôi. Cuộc sống của chúng ta nhiều lúc ngột ngạt và nóng đến mức, có cảm giác chỉ sơ ý đánh rơi một tàn lửa là cả hành tinh đã bùng cháy thành một Hoả Diệm Sơn khủng khiếp.

Liệu có cách nào cứu được thảm họa ấy không?

Có đấy. Ngay từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhà văn nổi tiếng thế giới M. Dostoevky đã phát hiện ra một phương thuốc hữu hiệu: “Chỉ có tình yêu mới cứu được thế giới này”. Tình yêu ở đây không chỉ là tình yêu lứa đôi mà rộng hơn, cao hơn, đó là tình yêu thương của con người với con người. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng quan niệm như vậy. Ông cho rằng, chỉ có tình thương yêu mới xóa bỏ được mọi hận thù. Vậy mà có thời, chúng ta còn cho rằng “Hạnh phúc là đấu tranh”. Với quan niệm như thế thì làm sao tránh được đau khổ? Không thể có hạnh phúc từ những cuộc tranh giành. Sự thành công của mình không thể lại được xây đắp bằng máu, nước mắt và sự thất bại của kẻ khác. Làm thế nào để tôi thành công và anh cũng thành công thì hạnh phúc của ta mới lớn hơn, trọn vẹn hơn. Hạnh phúc không bao giờ bắt nguồn từ quyền lực, danh vọng và tiền bạc. Hạnh phúc đích thực chỉ có khi chúng ta có tình yêu thương, sự hiểu biết và lòng nhân ái. Nếu tất cả mấy tỷ người trên thế giới này hàng ngày nói với nhau bằng ngôn từ hòa ái, nếu tất cả các vị lãnh đạo trên thế giới này ứng xử bằng cái tâm chứa đầy Hiểu và Thương thì tất cả chúng ta sẽ trở thành những vị Bồ Tát và hành tinh của chúng ta sẽ tràn ngập hạnh phúc, tình yêu thương. Ở đó, sẽ không có chiến tranh, không có bạo lực, không có những kiếp người bị đọa đày.

Suốt mấy chục năm qua, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đã cần mẫn gieo hạt mầm yêu thương như thế trên khắp thế giới. Trọn một đời tu hành, ông luôn hướng chúng ta đến cõi thiện, giúp chúng ta có được sự an lạc, thảnh thơi giữa đời sống bộn bề lo toan, hờn trách. Ông chỉ, bày cho chúng ta cách có thể đứng vững trước bao nhiêu bon chen, đố kỵ, những mưu ma, chước quỷ của con người. Vì thế, mỗi bước chân của ông là bước chân của an lạc, thương yêu. Mỗi hơi thở của ông là là hơi thở của từ bi, bác ái.

Có thể nói, một trong những công lao lớn nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là đã hiện đại hóa đạo Phật, đưa đạo Phật vào cuộc sống và một trong những nét đặc sắc nhất trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của ông là đã dạy cho người đời cuộc sống tỉnh thức bằng hơi thở, bước chân có chánh niệm. Nhờ thế, ông đã cứu được biết bao tâm hồn đau khổ, đã gột rửa được những bụi bặm, bùn nhơ cho biết bao phận người, giúp họ tự giải thoát, và hơn thế, trở thành những vị Bồ Tát giữa đời thường. Trước hết là tự cứu mình, rồi cứu gia đình mình và những người xung quanh.

Có lẽ cũng cần nhắc lại câu chuyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh với một người lính Mỹ. Anh ta đã từng tham chiến ở Việt Nam. Trong một trận càn ở Sơn Mỹ, anh đã vô tình giết một đứa trẻ. Đứa trẻ hoàn toàn vô tội. Vì thế mà anh ân hận, dằn vặt và đau khổ. Nhiều người lính khác cũng thế. Đó là những người tốt. Chỉ những người tốt mới biết ân hận. Trở về Mỹ, họ mắc một căn bệnh – bệnh hội chứng chiến tranh Việt Nam. Có người bị tâm thần, không sống được bình thường, mà không bệnh viện nào chữa khỏi. Họ tìm đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh, học một khóa tu của ông. Thiền sư bảo, dẫu sao anh cũng đã giết người rồi. Bây giờ, anh có dằn vặt, ân hận hay đổi cả mạng sống của mình thì đứa trẻ ấy cũng không thể sống lại được nữa. Tội của anh rất nặng. Nhưng anh vẫn có thể thoát được nghiệp chướng. Đứa trẻ không sống lại được, nhưng vẫn còn rất nhiều những đứa trẻ khác đang nguy kịch. Chúng đang đói khát và tật bệnh. Chúng sẽ chết nếu không được cứu. Vậy anh hãy cứu chúng đi. Cứu được một đứa trẻ thoát khỏi cái chết là anh đã giải được nghiệp rồi. Cứu được đứa thứ hai, thứ ba, thứ tư… anh sẽ thành vị Bồ Tát. Và như thế, ngay cả những kẻ tội đồ cũng có thể thành Bồ Tát, nếu biết tu tập và yêu thương. 

Người lính ấy bỗng như được giải thoát. Anh đã khỏi hẳn bệnh. Đã khỏe mạnh trở về với đời sống thường ngày. Rồi anh đi làm việc thiện. Không chỉ cứu được một đứa trẻ thoát khỏi cái chết mà anh cứu được hàng trăm đứa trẻ bất hạnh ở Việt Nam và ở khắp nơi trên thế giới. Và thế là, từ một kẻ tội đồ, anh  đã trở thành một vị Bồ Tát nhờ biết thương yêu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là thế. Ông là một vị Phật sống. Ông xuất hiện ở đâu là nơi đó thành ngôi chùa linh thiêng. Ngôi chùa ấy có tên là TÌNH YÊU THƯƠNG. Và ở đó chỉ có tình yêu thương ngự trị. Và ông ngồi ở đâu thì trên đầu ông cũng tỏa rợp bóng bồ đề. Người Việt Nam chúng ta tự hào vì có ông. Ông là một trong những người Việt Nam rất đẹp. Cả một đời tu tập, chỉ để đem hạnh phúc, thương yêu đến cho mọi người.

Tôi rất thích những buổi thuyết giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ông  nói về Phật Pháp mà không thấy chùa, không thấy Sư, cũng không thấy Kinh Kệ, không thấy linh hồn, ma quỷ hay Niết Bàn, Địa ngục như một số các nhà sư khác vẫn thuyết trình. Câu chuyện ông bàn toàn là chuyện đời thường, không nhuốm màu duy tâm, mà rất khoa học. Ví như một vấn đề mà ta hay quan tâm: Có sự sống sau cái chết không? Người chết đi về đâu? Bố mẹ ta mất thì có còn không? Thiền sư bắt đầu câu chuyện bằng một giọt nước rơi trên phiến đá. Nó bắt đầu là một chấm nâu sậm. Rồi nhạt dần và biến mất. Người ta tưởng giọt nước đã chết. Nhưng không. Nó không mất đi mà tồn tại ở một hình dạng khác. Nó hóa thành đám mây. Rồi đám mây lại hóa những giọt mưa tưới nhuần mặt đất. Bố mẹ ta cũng vậy thôi. Các cụ chết nhưng có mất đâu. Các cụ vẫn tồn tại. Vẫn bên ta, ở ngay trong ta, trên từng mỗi tế bào. Chả cần phải thử AND, ta chỉ cần đứng trước gương là thấy bố mẹ. Thấp thoáng sau gương mặt ta là gương mặt bố mẹ ta, gương mặt ông bà và xa hơn nữa là các cụ kị tổ tiên ta. Vậy thì ta phải sống làm sao để gương mặt ta luôn sáng. Gương mặt ta sáng thì gương mặt bố mẹ, ông bà, tổ tiên cũng sáng. Bằng cách hiện đại hóa Đạo Phật, đưa Đạo Phật vào đời sống đương đại như thế, ông mới thuyết phục được những nhà khoa học, những học giả uyên bác và thông minh. Buổi thuyết pháp nào của ông cũng đông nghịt người. Đến nghe ông, có cả những vị từng là Tổng thống, các nhà khoa học từng đoạt giải Nobell và rất nhiều người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, từng theo những tôn giáo khác.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thành đạt ở xứ người nhưng những năm cuối đời, ông lại về quê hương, về lại ngôi chùa Từ Hiếu – Huế– nơi cách đây trên 80 năm, ông xuất gia đầu tiên. Về để rồi sẽ hóa ở quê hương. Ông đã dặn các đệ tử của mình: “Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Nhìn đâu cũng thấy người nghèo. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung với nhau. Vui lắm đấy”. Có một đệ tử của thiền sư ở Hà Nội, vì quá kính trọng Thiền sư, đã xây sẵn cho ông một cái tháp trong khuôn viên chùa. Thiền sư bảo: “Thầy không muốn sau này quý vị xây cho thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì thầy trao lại. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của thầy rồi bỏ vào một cái hũ, đặt trong tháp. Thầy không phải là nắm tro đó đâu. Chả lẽ thầy chỉ là nắm tro ấy thôi sao? Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có thầy, trong các vị cư sĩ đều có thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám pháp địa xúc, có tình thương yêu là có thầy! Cho nên không được nhốt thầy trong cái hũ nhỏ rồi cầm tù thầy trong một ngọn tháp như thế. Thầy đâu có muốn thầy là một ngọn tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư thầy Đàm Nguyện đã xây cho thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán rồi. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.” Thầy có nằm trong tháp ấy đâu. “There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa: “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn có người còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là: “Nếu có gì thì chỉ có trong bước chân và hơi thở của bạn”.

Đấy là những gì Thiền sư Thích Nhất Hạnh căn dặn lại các học trò của mình ở chùa Đình Quán, Hà Nội và ở Tổ Đình Từ Hiếu (Huế). “Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp hay làm mộ cho thầy. Đó không phải là điều thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của thầy như cuốn “Phép lạ của sự tỉnh thức”, tảng đá đó có thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây cỏ. Đừng ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy”.

Ôi Thiền sư Thích Nhất Hạnh! Một người viên tịch mà không có mộ. Người đã siêu thoát ngay từ khi vẫn còn đang sống! Một con người đẹp biết bao!

8-12-2022

Trần Đăng Khoa

Nguồn Văn nghệ số 2+3+4/2023