Nhìn lại Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học

Sau 3 năm (2020 – 2021 đến 2022-2023) triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) ở cấp tiểu học. Tất cả các trường tiểu học trong tỉnh đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1, lớp 2 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình.

Toàn tỉnh có 259 cơ sở giáo dục tiểu học, trong đó có 241 cơ sở giáo dục tiểu học công lập, 1 trường tiểu học tư thục và 16 trường TH&THCS công lập (có cấp tiểu học) và 1 trường liên cấp có cấp tiểu học (tư thục). Tình hình cơ sở vật chất như phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị đồ dùng dạy học được trang bị, mua sắm tương đối đảm bảo để thực hiện chương trình GDPT 2018.

33aeed89-3ee2-4dc4-b134-f24400121759.jpegThực hiện chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học

Để thực hiện chương trình mới đạt kết quả, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo dạy đúng, đủ các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đáp ứng chương trình GDPT 2018. Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học phải kể đến. Đó là kết quả triển khai dạy và học ngoại ngữ có 255/261 trường tiểu học, trường TH&THCS có lớp tiểu học dạy tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 5, đạt tỷ lệ 97,7%. Cùng với đó, việc triển khai dạy và học môn tin học cấp tiểu học đạt kết quả, có 203/261 trường tiểu học, trường TH&THCS có lớp tiểu học dạy tin học từ lớp 1 đến lớp 5, đạt tỷ lệ 77,8%. Tỷ lệ học sinh khối 3-5 là 79,3% (riêng lớp 3 đạt 100%). Trong chương trình GDPT mới đề cao nội dung giáo dục địa phương. Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bình Thuận lớp 1, lớp 2 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thẩm định, phê duyệt. Theo đó, Sở GDĐT phối hợp với Nhà xuất bản hoàn thiện các thủ tục in ấn, phát hành, triển khai tập huấn sử dụng tài liệu và triển khai dạy từ năm học 2021-2022 theo văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT. Riêng tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bình Thuận lớp 3, Bộ GDĐT đã thẩm định, phê duyệt và bắt đầu triển khai dạy học từ học kỳ II năm học 2022-2023. Bên cạnh truyền đạt lý thuyết, các trường còn tổ chức cho học sinh tham quan, học tập ở các di tích văn hóa, lịch sử ở địa phương…

Ông Huỳnh Văn Hiếu – Trưởng Phòng Mầm non & Tiểu học, Sở Giáo dục & Đào tạo cho biết: Qua 3 năm triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học cho thấy, tất cả các trường tiểu học trong tỉnh đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1, lớp 2 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số điểm nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. Qua đó, giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

Theo ông Hiếu, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn những khó khăn về đội ngũ giáo viên, không có nguồn giáo viên để tuyển dụng, dẫn đến không tuyển đủ tỷ lệ giáo viên/lớp, ảnh hưởng đến việc dạy học, đặc biệt là các môn học tiếng Anh, tin học, dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học. Theo đó, tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp là 1,43, tỷ lệ này cơ bản chưa đảm bảo thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Giáo viên chưa đảm bảo đủ để tổ chức dạy học môn tiếng Anh và môn tin học cho 100% học sinh lớp 3 theo lộ trình quy định (10 huyện, thị xã, thành phố đều thiếu)… Song song đó, kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên việc mua sắm thiết bị dạy học theo hướng tích cực, hiện đại như ti vi, bảng tương tác, hệ thống mạng còn nhiều hạn chế…

Thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả. Đồng thời có biện pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, bảo đảm giáo dục toàn diện học sinh; khắc phục tình trạng thiếu hoặc bố trí, sử dụng giáo viên không đúng cơ cấu, không phù hợp với chuyên ngành đào tạo đối với cấp tiểu học…