Nhiều vấn đề “nóng” tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch
Du lịch Việt Nam trong những năm gần đây liên tục đạt mức tăng trưởng 2 con số. Tháng 11/2019, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2018, tăng gấp hai lần so với năm 2016. Tuy nhiên, vẫn phải thẳng thắn thừa nhận du lịch Việt Nam vẫn nhiều điểm hạn chế.
Du lịch nước ta trong những năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch của Việt Nam hiện xếp thứ 63/140 quốc gia. Việt Nam cũng được chọn là điểm đến du lịch, văn hóa, ẩm thực hàng đầu châu Á.
Tuy nhiên, tại các phiên thảo luận tại Diễn đàn Du lịch Cấp cao Du lịch trong ngày 9/12, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế và điểm nghẽn chưa được giải quyết như: công tác xúc tiến quảng bá chưa tốt, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa đưa vào vận hành, hạ tầng sân bay quá tải, chính sách thị thực nhập cảnh còn nhiều hạn chế…
Làm thế nào để du lịch Việt Nam thật sự cất cảnh với mục tiêu thu 45 tỷ USD vào năm 2025 là câu hỏi lớn được đặt ra. Hàng loạt giải pháp đã được các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý cùng phân tích, mổ xẻ.
Du lịch Việt Nam hiện đang đối mặt với nghịch lý tăng trưởng cao nhưng số lượng khách quốc tế quay trở lại và tỷ lệ chi tiêu cho du lịch còn thấp. Tình trạng thiếu sản phẩm đặc sắc cho du lịch Việt cũng là trăn trở của các doanh nghiệp tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch 2019. Đại diện doanh nghiệp chuyên tổ chức tour khám phá kỳ quan hang Sơn Đoòng thường xuyên đón tiếp khách nước ngoài cho biết, nguyên nhân du lịch Việt thiếu điểm nhấn là do chưa thật sự am hiểu tâm lý khách ngoại khi đến Việt Nam. Bên cạnh đó, các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, Việt Nam đang thiếu các sản phẩm mang tính chất quốc gia.
Hạn chế thì ai cũng thấy rõ, nhưng các doanh nghiệp cho rằng nếu chỉ có 1,2 doanh nghiệp thì không thể thay đổi được. Vì vậy, cần có những giải pháp, quy hoạch tổng thể cho du lịch quốc gia. Các tour du lịch cho khách nước ngoài tới Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ theo từng năm nhưng đang rất thiếu sự thay đổi về chất đối với các sản phẩm du lịch.
Theo thống kế của Tổng cục Du lịch, mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam cho việc thuê phòng lưu trú và ăn uống chiếm đến 60%, mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%, còn lại là chi phí khác. Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi giải trí, chi phí chỉ bằng 7 -10%. Trong khi đó, ở các nước khác, tỷ lệ chi cho giải trí, mua sắm lại cao hơn rất nhiều, thậm chí chiếm tới hơn nửa chi phí đi du lịch. Bên lề Diễn đàn Du lịch Cấp cao, nhiều giải pháp đã đươc các chuyên gia, doanh nghiệp đề cập tới.
Các chuyên gia nước ngoài có mặt tại diễn đàn cho rằng Việt Nam cần quan tâm kịp thời tới du lịch số. Nguyên nhân là do hiện nay xu hướng sử dụng dịch vụ trên Internet để ra quyết định cho chuyến đi và các hoạt động du lịch đang ngày càng gia tăng. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tỷ lệ khách du lịch quốc tế đặt tour trực tuyến chiếm tới hơn hơn 75%.
Tháng 11/2019 ghi nhận kỷ lục mới của du lịch Việt Nam
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!