Nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm hành chính
Những năm qua, các ngành chức năng đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hành chính, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, công tác xử lý vi phạm hành chính vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nhiều vướng mắc
Theo Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Thanh tra (Sở Tư pháp), mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) cho thấy còn không ít khó khăn, bất cập. Quá trình áp dụng Luật Xử lý VPHC còn nhiều vướng mắc.
Đơn cử, theo Điều 26, Luật Xử lý VPHC quy định: “Tịch thu tang vật, phương tiện VPHC là việc sung vào ngân sách Nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến VPHC, được áp dụng đối với VPHC nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”.
Theo đó, việc tịch thu tang vật, phương tiện VPHC chỉ áp dụng đối với VPHC nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, thực tiễn trong các lĩnh vực thương mại, an ninh, trật tự… rất nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức vận chuyển hàng hóa, nhưng không được biết là vận chuyển mặt hàng gì, nên rất khó để chứng minh hành vi đó là do lỗi cố ý.
Việc quy định người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ trong trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm được quy định tại Khoản 4, Điều 4, Thông tư số 03 ngày 24/4/2018 của Bộ Xây dựng.
Lực lượng chức năng cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên địa bàn TP. Gia Nghĩa
Thực tiễn thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều đơn vị đã ban hành văn bản gửi các tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ công trình, phần công trình vi phạm khi các chủ đầu tư không tự giác chấp hành.
Thế nhưng, các tổ chức tư vấn không chấp thuận, nên các đơn vị không thể tiến hành cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó là những hạn chế do trang thiết bị, kinh phí phục vụ các hoạt động nghiệp vụ như giám định, kiểm định, phân tích còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu về tính chính xác, nhanh chóng, dẫn đến khó khăn trong việc giám định, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính.
Việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về xử lý VPHC theo quy định tại Nghị định số 20/2016/NĐ-CP của Chính phủ còn quá chậm, gây khó khăn cho các đơn vị, địa phương trong việc quản lý, thống kê xử lý VPHC.
Từ 1/10/2021 đến 30/9/2022, toàn tỉnh phát hiện 2.067 vụ VPHC, xử phạt 1.754 vụ. Trong đó, có 100 tổ chức, 1.654 cá nhân vi phạm. Tổng số tiền phạt thu được hơn 14,5 tỷ đồng. Có 22 vụ vi phạm được chuyển cơ quan công an truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cần nhiều giải pháp
Vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các ngành chức năng đánh giá thực trạng thi hành pháp luật xử lý VPHC tại các địa phương, kịp thời phát hiện những hạn chế, sai sót trong quá trình áp dụng pháp luật về xử lý VPHC để đôn đốc, chấn chỉnh, khắc phục.
Ngành chức năng cần phát hiện những bất cập để kiến nghị thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xử lý VPHC; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý VPHC để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, ngăn ngừa, hạn chế các hành vi VPHC.
Ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý Nhà nước về xử lý VPHC, người có thẩm quyền để nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng áp dụng pháp luật xử lý VPHC.
Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật theo ngành, lĩnh vực quản lý hành chính cũng cần được tăng cường.
Các ngành chức năng, các địa phương quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế, nâng cấp cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ xử lý VPHC…