Nhiều địa phương ở Đắk Nông chậm sử dụng bản đồ số hóa đất đai

Phan Tuấn

  –  

Thứ năm, 23/02/2023 09:30 (GMT+7)

Mặc dù nhiều địa phương ở Đắk Nông đã số hóa bản đồ địa chính nhưng lại chậm áp dụng vào thực tế để giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.

Nhiều địa phương ở Đắk Nông chậm sử dụng bản đồ số hóa địa chính về đất đai. Ảnh: Phan TuấnNhiều địa phương ở Đắk Nông chậm sử dụng bản đồ số hóa địa chính về đất đai. Ảnh: Phan Tuấn

Trục trặc khi sử dụng bản đồ số hóa 

Tại Đắk Mil, bản đồ địa chính thuộc dự án cơ sở dữ liệu đã được nghiệm thu nhiều năm nay. Thế nhưng hầu hết các xã, thị trấn chậm hoặc chưa đưa bản đồ số vào áp dụng thực tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Lê Văn Hoàng, UBND tỉnh đã yêu cầu phải đưa bản đồ số vào giải quyết thủ tục hành chính về cấp sổ đỏ cho người dân. Tuy nhiên, thực tế, việc sử dụng dữ liệu này tại Đắk Mil còn nhiều hạn chế, bất cập.

“Các xã, thị trấn cho rằng có sự chênh lệch, không chính xác giữa các nguồn dữ liệu của bản đồ giấy và bản đồ số. Đối với những thửa đất không sử dụng được bản đồ số thì cán bộ địa chính phải phối hợp với chi nhánh văn phòng đất đai đi đo đạc thủ công ngoài thực địa” – ông Hoàng cho biết.

Còn tại huyện Đắk Song, vào năm 2013 đã triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Tổng kinh phí thực hiện dự án là trên 96 tỉ đồng. Hiện dự án đã cơ bản hoàn thành và đã được kiểm tra, nghiệm thu theo quy định.

Điều đáng nói, việc thực hiện các thủ tục hành chính trong cấp sổ đỏ như cấp mới, cấp đổi, chuyển nhượng, thế chấp… tại Đắk Song chủ yếu vẫn căn cứ vào bản đồ giấy cũ.

Đối với vấn đề này, lãnh đạo UBND thị trấn Đức An cho rằng, khi ráp bản đồ số vào bản đồ giấy thì có sự chênh lệch, thậm chí còn không đúng với hiện trạng đất đai bên ngoài thực tế.

Lập đoàn kiểm tra, đôn đốc

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đắk Nông, bản đồ địa chính (dự án xây dựng cơ sở dữ liệu) tại các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong và Đắk Mil đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Hiện nay, toàn bộ hồ sơ bản đồ, kê khai được bàn giao cho huyện, xã để xét duyệt, giải quyết các thủ tục hành chính về sổ đỏ cho người dân.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại 5 địa bàn trên, việc áp dụng bản đồ số và thực tế rất chậm. Thậm chí, một số xã còn không hề sử dụng tài liệu bản đồ địa chính số mới.

Ông Bùi Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường cho biết, hiện nay, sở đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố sử dụng bản đồ địa chính được đo đạc phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

“Sở đã thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện việc sử dụng bản đồ số hóa địa chính” – ông Hà thông tin thêm.