Nhiều cách làm hay trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về phòng, chống ma túy – Mạng lưới nhân viên CTXH Việt Nam
Tình hình sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp trong thanh thiếu niên thời gian gần đây diễn ra rất phức tạp. Sau ma túy đá, “cỏ Mỹ”, thì “chocolate – cần sa”, “tem giấy”, “nấm thần”, “bóng cười”… đang là những loại ma túy trá hình thịnh hành trong xã hội, có nguy cơ tấn công học đường. Trước tình hình đó, để phòng ngừa từ xa, nhiều địa phương, trường học đã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên.
Vĩnh Phúc lồng ghép tuyên truyền phòng, chống ma túy với các hoạt động ngoại khóa
Để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn thể giáo viên, HSSV về tác hại của tệ nạn ma túy và công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, các nhà trường đã phối hợp với lực lượng công an tổ chức các buổi tập huấn về công tác phòng chống tội phạm, ma túy trong tình hình mới với các nội dung như: cách phòng tránh cám dỗ dẫn đến sử dụng ma túy; cai nghiện ma túy tại cộng đồng và trung tâm; cách xử lý và giải quyết, đối xử khi biết bạn mình nghiện ma túy; hình thức xử lý kỷ luật và hỗ trợ của nhà trường đối với HSSV nghiện ma túy…Cùng với đó, để nâng cao kiến thức về pháp luật cho HSSV, hiện nay, các cấp bộ Đoàn đang duy trì có hiệu quả 512 tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật và tủ sách “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác” ở cơ sở; phối hợp với lực lượng công an các cấp duy trì hoạt động của 500 “Hòm thư tố giác” đặt tại các cơ quan, đơn vị, trường học, các thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư; xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình và chính quyền, đoàn thể địa phương để quản lý chặt chẽ các đối tượng nghiện hút, buôn bán ma tuý, không để các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ HSSV. Lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy với hoạt động ngoại khóa và sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB) của học sinh với các hình thức phong phú như: tọa đàm, thảo luận, thi tìm hiểu kiến thức, thi tiểu phẩm văn nghệ…. Thông qua hoạt động của các CLB giúp học sinh trau dồi thêm các kỹ năng mềm, có cơ hội giao lưu, học hỏi, thể hiện mình, tạo môi trường giao tiếp, ứng xử, vui chơi giải trí, giúp học sinh tránh xa các tệ nạn xã hội; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Ba không” (không sử dụng ma túy; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; không dung túng, bao che cho tội phạm và tệ nạn xã hội); tổ chức cho học sinh ký cam kết phòng, chống ma túy. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của học sinh trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, góp phần làm giảm tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội.
Hải Phòng: đưa học sinh, sinh viên trải nghiệm thực tế tại Cơ sở cai nghiện
Với mong muốn những người trẻ, nhất là học sinh, sinh viên tránh xa các tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy và biết cách phòng tránh, hàng năm, các trường học trên địa bàn thành phố phối hợp Trung tâm Giáo dục- Lao động xã hội Hải Phòng (xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên) tổ chức các chuyến trải nghiệm thực tế cho học sinh. Tại đây, các em được gặp, tiếp xúc trực tiếp với những người đang cai nghiện ma túy. Học viên Nguyễn Quang Huy, sinh năm 1986, ở phố Tô Hiệu (quận Lê Chân) chia sẻ: tôi cai nghiện tự nguyện tại trung tâm được hơn 2 năm, trước đây khi chưa vào trung tâm tôi bị mọi người xa lánh và không muốn gần. Tuy nhiên, khi ở trung tâm, được các cán bộ, thầy cô giúp đỡ tôi dần tự tin hơn và quyết tâm từ bỏ ma túy để trở về gia đình. Thời gian ở trung tâm, được đón các đoàn học sinh, sinh viên tới thăm cũng như trải nghiệm thực tế, tôi cảm thấy rất vui vì thấy các em không kỳ thị và xa lánh mà còn bắt tay trò chuyện thân mật. Tôi như được tiếp thêm sức mạnh và mong muốn các em học sinh không lạc bước, sa vào ma túy.
Học sinh Phạm Quỳnh Anh, lớp 11, Trường THPT Thái Phiên bày tỏ: Ban đầu em rất ngại, nhưng rồi rất thương mọi người ở đây, em thật xúc động nghe các học viên mắc lỗi lầm lại chính là những tuyên truyền viên giúp chúng em biết cách phòng, chống ma túy. Những bài học từ người thật việc thật giúp em hiểu và hình thành ý chí quyết không sa ngã vào con đường ma túy.
Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội Hải Phòng, Nguyễn Quang Toàn, hàng năm, nhất là trong năm học và dịp nghỉ hè trung tâm đón hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên đến trải nghiệm, tiêu biểu như các trường: THPT Thái Phiên, THPT Lê Hồng Phong, THPT Lê Ích Mộc, THCS Trương Công Định, THCS Võ Thị Sáu… Các đoàn đến ăn, nghỉ tại trung tâm và tham gia các hoạt động cùng các học viên. Ngoài ra, các em được chính các học viên cai nghiện tại trung tâm chia sẻ, giải đáp các thắc mắc, cũng như cách phòng, chống tệ nạn ma túy và các tình huống mà người nghiện hay sử dụng để lôi kéo các em dẫn đến nghiện và phạm tội. Đây là hoạt động thiết thực, hiệu quả góp phần giúp học sinh, sinh viên thêm kiến thức về phòng, chống tệ nạn ma túy trong học đường./.
T.T (Tổng hợp)