Nhiếp ảnh dẫn lối và là kỉ vật của lữ khách | Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên điện tử
Nếu nói: “Nhiếp ảnh với du lịch” thì thực tế người ta đã lật ngược vấn đề theo tuần tự lịch sử ra đời của hai phạm trù khác nhau. Bởi nhu cầu du lịch của loài người đã có từ thuở đồ đồng, đồ đá. Ngày mà khái niệm “du lịch” còn chưa có, nhưng thực tế nó đã hoà nhập theo vết chân những người đi khai phá, đi buôn bán trao đổi lưu thông hàng hóa, thậm chí của cả những kẻ đi chinh phạt…
Sự giao thoa tự nhiên của các thành tố tham gia du lịch tựa những vệt sóng của hàng triệu hạt mưa rơi loang trên mặt hồ. Một phương trời khác lạ, một tộc người lạ lẫm, hay chỉ một món ẩm thực ở một vùng đất xa xôi… Nó gieo mầm sự hiếu kì cho con người, rồi sau các chuyến phiêu du đầy quyến rũ, qua những điều con người đã được trải nghiệm và “tai nghe, mắt thấy”, họ du nhập về cố hương, áp dụng cải biên, nhân rộng các phương thức sản xuất tiên tiến hơn. Vậy du lịch đã kích thích cho công nghệ phát triển, hoàn thiện dần lên. Hiểu được điều đó, nhiều nước đã mở cửa du lịch có chọn lọc, nhằm nỗ lực thu về các lợi ích, trong khi vẫn bảo vệ được những bí mật tuyệt kỹ trong vương quốc của mình. Ví như hàng ngàn năm trước người Ai Cập cổ đại, chỉ giới tu sĩ mới được phép lưu truyền và gìn giữ những bí mật quốc gia và họ đã thành công khi bảo vệ được bí quyết pha trộn các nguyên liệu thành chất kết dính trong nghề xây dựng – thứ mà một số nước láng giềng nỗ lực cả trăm năm vẫn không làm sao học mót được…
Du lịch ngày nay đồng nghĩa với việc học hỏi và truyền bá văn hóa. Thông qua các chuyến tham quan, con người tự tin và mạnh dạn áp dụng những sáng tạo khoa học kỹ thuật, hay du nhập và mở rộng giao lưu văn hoá cho đất nước mình. Nên thực tế nó đã mang lại cả lợi ích kinh tế và tinh thần cho người dân… Khi người ta gọi du lịch bằng cái tên mỹ miều: “Ngành công nghiệp không khói” thì nhiều nơi trên thế giới đã tìm mọi cách quảng bá hình ảnh của quê hương đất nước mình, biến những lợi thế về cảnh quan hay một số nét văn hoá khác biệt thành tâm điểm để hút khách du lịch và nguồn lợi từ khách du lịch cho kinh tế của địa phương thật ấn tượng và đáng kể.
Nổi bật như ở Thái Lan – đất nước tổ chức du lịch thành một guồng quay ăn khớp, đồng bộ, có hệ thống khoa học hoàn hảo và khép kín như một cỗ máy. Khi họ đã gắn kết các ngành: Du lịch – Vận chuyển – Khách sạn – Nhà hàng – Sản xuất hàng tiêu dùng…, với mục tiêu: “Xuất khẩu hàng hoá tại chỗ” đã tạo ra hàng vạn việc làm cho một quốc gia, đồng thời kích thích cho nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau phát triển, thu thêm được tiền vận chuyển của khách hàng, mà lại không mất thuế xuất khẩu.
Tràn xuân
Nhiếp ảnh chỉ mới được phát minh ra từ vài trăm năm trước, so với “du lịch” thì nó thật trẻ trung. Nhưng vì vai trò quan trọng của nó, nên đã luôn được loài người ưu tiên nghiên cứu để phát triển… Nhiếp ảnh hiện diện ở hầu khắp mọi lĩnh vực trong cuộc sống con người hiện đại từ giáo dục, y tế, giao thông,… đặc biệt trong văn hóa và du lịch.
Có một thời khách du lịch thích gửi cho người thân, bạn bè những tấm postcard (bưu thiếp) chụp cảnh quan ở các địa phương nơi mình đến, chúng được bán sẵn tại những quầy lưu niệm hay trung tâm du lịch. Đằng sau mỗi tấm postcard dù chỉ ghi vài dòng, đại ý rằng ở chốn xa lạ này tôi vẫn nhớ đến bạn khôn nguôi nên đành phải gửi một hình ảnh thay lời chào thế này, thế nọ… Song ai cũng hiểu, qua “lời chào” nhà du lịch đã ngầm khoe với bạn bè, người thân thành tích “xê dịch” của mình.
Sang thế kỷ hai mốt, sự giao lưu bằng thư từ qua đường bưu chính giảm bất ngờ. Thời số hóa chuyển từ thấp lên cao liền mạch như một câu văn không có dấu ngắt. Con người hiện đại đã mất đi tính kiên nhẫn để chờ đợi và bằng chứng là hiếm ai hôm nay gửi một tấm thư qua đường bưu chính – để rồi phải mòn mỏi chờ thư phúc đáp ở một, hai tuần sau đó… Giờ người ta có thể kết nối với nhau đơn giản chỉ bằng chiếc điện thoại không dây có hòa mạng 3G, 4G. Khi tán gẫu bằng lời hay tin nhắn, người ta chụp ảnh gửi trực tiếp cho nhau. Thôi thì thay phải nói vòng vo, một cái nhấp tay sau khuôn ngắm đã nói lên tất cả! Và sự hiếu kì của loài người thêm một lần được chứng minh rằng nó vô độ, nó không giới hạn ở mức nào. Những “con bạch tuộc” của nền kinh tế thế giới lớn nhanh, lớn mạnh chẳng qua là biết chạy theo những đòi hỏi tưởng là vô lý của con người như thế. Trong nhiếp ảnh cũng vậy, khi mà chiếc điện thoại đã bão hòa tính năng nghe, nói thông thường. Nó trở thành “thông minh” khi có những chức năng khác tích hợp vào – đặc biệt là khả năng ghi hình, khả năng lưu trữ những điều “mắt thấy” cho khách hàng.
Trong phạm vi hẹp, khi nói: “Nhiếp ảnh với Du lịch Hà Giang”, thì có nghĩa nhà tổ chức đã gắn hai lĩnh vực vào một mối liên kết, cũng đồng thời công khai thừa nhận sự đóng góp của nhiếp ảnh với ngành du lịch nói chung và Du lịch Hà Giang nói riêng. Người Việt có câu nói giản dị mà từ lâu đã đi vào ca dao, tục ngữ: “Trăm nghe không bằng một thấy”, trong khi bản chất của nhiếp ảnh là ghi thực và cho đến thời đại 4.0 hôm nay, Nhiếp ảnh du lịch luôn đề cao tính trung thực, điều đó có nghĩa các bức ảnh phải tuân thủ những nguyên tắc bắt buộc: Không được thêm, bớt các chi tiết sẵn có của tự nhiên; không được dùng kỹ thuật nhấn đậm hậu cảnh để tạo hiệu ứng cho thị giác, thậm chí không cả khuyến khích những góc nhìn bằng các loại ống kính bóp méo, làm ngả nghiêng bối cảnh… Khi ngắm một tấm ảnh du lịch, người xem có thể được thỏa mãn tính hiếu kì, khi chỉ bằng một lần quan sát mà thấy được: Cái gì? Bao giờ? Ở đâu? Diễn ra thế nào?… Bức ảnh hay khi nó thay thế được cho một bài viết dài tả lại một hoạt động của con người, sự vật tại một địa chỉ và thời khắc cụ thể.
Bức ảnh càng đắt giá, khi nó đơn giản, dễ hiểu và cô đọng. Nhiếp ảnh quyến rũ và dẫn lối du khách lúc chưa đến và trở thành kỉ vật của du khách khi đã rời xa. Tỉnh Hà Giang có mười một đơn vị hành chính: thành phố Hà Giang và 10 đơn vị cấp huyện. Trong đó 7 huyện có chung đường biên giới với Trung Quốc, chỉ còn thành phố Hà Giang và 2 huyện còn lại là không có đường biên giới. Có thể nói đến bất cứ đâu của Hà Giang là đều có những điển tích lịch sử. Con người cùng cảnh quan thiên nhiên lạ lẫm, độc đáo rất riêng biệt và đầy sắc thái.
Trở về
Khi giao thông thuận lợi hơn và khi các tay săn ảnh ở khắp đất nước đã như no đủ với cảnh quan của Mũi Né (Bình Thuận), Đà Lạt (Lâm Đồng), Hạ Long (Quảng Ninh), hay Sapa (Lào Cai), giờ họ đang đổ bộ ào ạt lên vùng cao nguyên đá (Hà Giang). Rồi những bức ảnh chụp hẻm Tu Sản dựng đứng, dòng Nho Quế biếc màu xanh ngọc, những khoen ruộng bậc thang như nét hoạ ở vùng Hoàng Su Phì và nụ cười rộng mở của người Hà Giang thắm như cánh đào bản xứ… Ảnh về Hà Giang tràn lên mặt báo, xuất hiện trên các bảo tàng và trang trọng góp mặt ở khắp các cuộc thi, triển lãm lớn nhỏ ở trong nước và trên thế giới… Người ta chợt nhận ra những vẻ đẹp đầy cá tính của một vùng quê nơi địa đầu Tổ quốc.
Khó có thể lượng giá công lao của giới nhiếp ảnh với Ngành Du lịch của Hà Giang, nhưng chính bản thân những người đam mê du lịch hôm nay mới là những nhà nhiếp ảnh cự phách, khi họ hiện diện và đặt chân đến mọi ngõ ngách của Hà Giang tìm hiểu rồi say mê dùng điện thoại di động ghi lại mọi thứ họ cho là hay, là lạ hiện ra trước mắt và chỉ một phút sau đó thứ mà anh ta ghi hình được đã đến với bạn bè, rồi tràn khắp thế giới bao la… Những bức ảnh vô tình đã tự quảng bá, khiến cho rất nhiều người tự cuốn theo các hành trình của họ. Và cứ vậy ngành Du lịch được hưởng lợi, khi có những nhà quảng cáo không đòi hỏi thù lao, lại chất phác và nhiệt tâm như thể đang khoe vẻ đẹp hào nhoáng của chính quê hương họ.
Là một tỉnh có cả vựa cảnh quan, đề tài phong phú, song những nhà nhiếp ảnh bản địa đã nhiều năm nay vẫn rất hời hợt trong việc khai thác và nhân rộng ra bên ngoài. Mà trách nhiệm mở cửa giới thiệu vẻ đẹp của quê hương xứ sở thì không thể thiếu những nỗ lực, cố gắng ở các nhà nhiếp ảnh được coi là chuyên trách hay chuyên nghiệp của Hà Giang. Mỗi cá nhân họ, trước hết phải là một nhà du lịch tinh tường, dám đi đến những miền đất xa lạ để tham quan, tìm hiểu. Và quan trọng hơn là phải biết sánh cái hay, cái đẹp ở nơi họ đến – so với những sản vật, cảnh quan của Hà Giang nó có gì khác lạ. Mỗi một ngọn núi, khúc sông hay một cánh rừng của Hà Giang phải được nghiên cứu, tìm góc độ đẹp để chụp xuyên cả bốn mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông… Những góc chụp đẹp nhất, ở một mùa duy nhất trong năm, tại một điểm cụ thể của các nhà nhiếp ảnh địa phương, phải là hình mẫu thu hút khách du lịch đến và chụp theo.
Ở góc độ tổ chức, hàng năm Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật hay cơ quan báo chí nên mở các cuộc thi ảnh về đề tài du lịch, chọn ra những tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc nhất, độc đáo nhất, đẹp nhất – được giới chuyên môn đánh giá cao, để UBND in làm quà tặng ngoại giao cho khách xa, khách gần.
Các chính khách của Hà Giang hẳn muốn khách du lịch không chỉ ào lên đỉnh Lũng Cú chụp kiểu ảnh kỷ niệm rồi vội trở về xuôi… Làm gì khiến họ lưu lại dưới một mái nhà sàn ở Vị Xuyên để chứng kiến cảnh những người Tày tụ họp chúc mừng một bé gái vừa đầy tháng. Và làm gì để cả 10 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh trở thành những trung tâm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp. Chắc còn là một nhiệm vụ chính trị dài lâu của Người Hà Giang.
Làm du lịch ở địa phương, đồng nghĩa với việc rao bán những cảnh quan của quê hương, đất nước. Phải biến một khoảnh nước trở thành hồ thiêng, lục tìm giai thoại cho từng dải núi, cấy trồng thảm xanh cho đồi trọc, rủ chim chóc về xây tổ… Và phải biến những nụ cười trẻ thơ, người già, cô hướng dẫn viên thành lời mời níu chân du khách khi ở, cũng là câu hẹn hò bịn rịn rằng một ngày kia sẽ tái ngộ! Chúc Hà Giang sớm trở thành một trung tâm du lịch hấp dẫn! Chúc các nhà nhiếp ảnh Hà Giang thành công!
Vũ Kim Khoa