Nhanh chóng giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành giáo dục
Hôm qua (20/9), tại Dinh Thống Nhất TP HCM, đã khai mạc Hội nghị cán bộ quản lý giáo dục 6 thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế). Những vấn đề bức xúc chung của ngành giáo dục được các nhà quản lý giáo dục thẳng thắn trao đổi, phân tích.
Ông Trần Xuân Đình, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng: Phát triển đúng hướng các trường ngoài công lập.
Để các trường ngoài công lập phát triển đúng hướng, vấn đề rất quan trọng là từ trong nhận thức và hành động phải đặt các trường ngoài công lập bình đẳng như các trường công lập. Ở Hải Phòng, đa số cán bộ quản lý các trường ngoài công lập đều xuất thân từ các nhà giáo có tâm huyết, có kinh nghiệm quản lý, có quan hệ mật thiết với lãnh đạo ngành giáo dục thành phố. Đó là thuận lợi rất lớn để Sở GD&ĐT chỉ đạo trực tiếp và sát sao hoạt động của các trường ngoài công lập, từ đó kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, bất cập trong hoạt động của hệ thống trường này do quy chế cũ mâu thuẫn với sự phát triển…
Ông Nguyễn Kim Hoãn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Tổ chức học 2 buổi/ngày – cần có bước đi thích hợp.
Chủ trương xây dựng trường tiểu học 2 buổi/ngày đáp ứng nhu cầu của cha mẹ học sinh và của toàn xã hội, nhất là ở nơi có điều kiện kinh tế văn hóa phát triển, có dân trí cao như thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, do sự phát triển văn hóa không đồng đều ở mỗi vùng, miền và do các điều kiện tổ chức thực hiện chủ trương còn thiếu đồng bộ nên việc chuyển trường tiểu học sang học 2 buổi/ngày cần được tiến hành từng bước, phụ thuộc vào sự tự nguyện của cha mẹ học sinh, vào điều kiện và sự chỉ đạo tích cực của các cấp quản lý. Công việc này cần có thời gian và có bước đi chắc chắn, hiệu quả, thích hợp với mỗi địa phương. Trong chỉ đạo thực hiện không nôn nóng vội vàng, nhưng cũng không trông chờ ngại khó.
Ông Huỳnh Công Minh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM: Nhanh chóng đưa công nghệ thông tin vào trường học.
Là nước đi sau về công nghệ thông tin, chúng ta không có con đường nào khác là đầu tư mạnh cho nguồn lực con người và công nghệ, trong đó từng bước phổ cập tin học trong nhà trường. Để góp phần đưa giáo dục – đào tạo TP HCM phát triển, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên phải nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt công nghệ thông tin nhằm đào tạo bồi dưỡng lớp học sinh tương lai đuổi kịp và hòa nhập với xã hội mới. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong ngành giáo dục và đào tạo sẽ tạo ra một bước chuyển cơ bản trong quá trình đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, học tập. Để đưa tin học vào nhà trường một cách có hiệu quả, trước hết lãnh đạo ngành giáo dục, các cán bộ quản lý giáo dục cần có nhận thức rõ vấn đề này, từ đó quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách bài bản với những bước đi thích hợp.
Ông Hoàng Huy Lập, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế: Hoàn thiện và sớm thống nhất cơ chế quản lý giáo dục.
Để hoàn thiện và thống nhất cơ chế quản lý, cơ chế đầu tư và hệ thống chính sách tương xứng với chiến lược hàng đầu, công tác quản lý giáo dục phải nhanh, nhạy, hiệu quả và vững chắc. Điều này phải thể hiện trong tất cả các lĩnh vực từ quản lý nhân sự, xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục, thanh tra kiểm tra đến việc kiện toàn và đổi mới công tác tuyển sinh, thi cử để đảm bảo sự nghiêm túc, công bằng, tạo niềm tin cho xã hội. Đặc biệt là việc thực hiện quy chế dân chủ, công khai quản lý tốt công tác tài chính để tạo nên sự thống nhất đoàn kết trong toàn ngành.
Ông Tô Minh Giới, Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ: Thay đổi quy trình giáo dục theo hướng hiện đại hóa.
Tiêu chuẩn hóa trường học không chỉ đơn thuần là tiêu chuẩn hóa đơn lẻ về đội ngũ thày cô giáo, hay là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mà phải là sự kết hợp đồng bộ các yếu tố này. Và khi nào trường đã ra trường, lớp ra lớp, thày ra thày với các trang thiết bị dạy học đầy đủ thì cũng chính là chúng ta đã thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và quy trình giáo dục theo hướng hiện đại hóa. Bởi vì hiện đại hóa phương pháp giảng dạy có nghĩa là giáo viên phải biết sử dụng phương pháp mới tiến bộ hơn, biết kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, biết gợi mở và kích thích sự suy nghĩ, tìm tòi, khám phá ở học sinh để rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu của các em.
(Theo SGGP)