Nhận thức về các khái niệm “cán bộ”, “công chức”, “viên chức” theo pháp luật hiện hành của Việt Nam

Văn bản đầu tiên là Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 của Chủ tịch Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định quy chế công chức Việt Nam. Điều 1 của Sắc lệnh ghi: “Những công dân Việt Nam được chính quyền nhân dân tuyển để giữ một chức vụ thường xuyên trong cơ quan Chính phủ, ở trong nước hay ở nước ngoài đều là công chức theo quy chế này, trừ trường hợp riêng biệt do Chính phủ quy định”.

Trải qua diễn biến phát triển của đất nước, các khái niện trên cũng có nhiều cách gọi, được thể hiện dưới nhiều thể loại văn bản khác nhau. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khái niệm “cán bộ, công chức” được gọi chung là “cán bộ, công nhân viên chức nhà nước”. Khái niệm này được gọi chung cho tất cả những người làm việc cho Nhà nước, không có sự phân biệt rõ ràng. Đội ngũ này được hình thành từ nhiều con đường, có thể do bầu cử, có thể do phân công sau khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, có thể do tuyển dụng, bổ nhiệm…

Đến thời kỳ đổi mới (sau năm 1986), trước yêu cầu khách quan cải cách nền hành chính và đòi hỏi phải chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, khái niệm công chức được sử dụng trở lại trong Nghị định 169/HĐBT ngày 25/5/1991 của Chính phủ. Nghị định nêu rõ: “Công dân Việt nam được tuyển dụng và bổ nhiệm giữ một công vụ thường xuyên trong một công sở của nhà nước ở Trung ương hay địa phương, ở trong nước hay ngoài nước, đã được xếp vào một ngạch, hưởng lương do ngân sách nhà nước cấp gọi là công chức nhà nước”.

Năm 1998, Pháp lệnh Cán bộ, công chức ra đời, là văn bản pháp lý cao nhất của nước ta về cán bộ, công chức. Dưới Pháp lệnh là Nghị định số 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Nghị định đã cụ thể hóa khái niệm công chức“là công dân Việt Nam, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc giao giữ một công việc thường xuyên, được phân loại theo trình độ đào tạo, ngành chuyên môn, được xếp vào một ngạch hành chính, sự nghiệp; những người làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân quốc phòng”.

Sau hai lần sửa đổi, năm 2003, Pháp lệnh Cán bộ, công chức cho khái niệm gộp cả cán bộ, công chức (quy định tại Điều 1) như sau:

“Cán bộ, công chức quy định tại Pháp lệnh này là công dân Việt Nam trong biên chế bao gồm:

a) Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

b) Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

c) Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch công chức hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên trong các cơ quan nhà nước ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

d) Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch viên chức hoặc giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong đơn vị sự nghiệp của nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội;

đ) Thẩm phán Toà án nhân dân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân;

e) Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sỹ quan chuyên nghiệp;

g) Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo theo nhiệm kỳ trong thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân; Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ; Người đứng đầu tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội xã, phường, thị trấn;

h) Những người được tuyển dụng, giao giữ chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Uỷ ban nhân dân cấp xã”.

Mặc dù tiến bộ hơn rất nhiều so với Pháp lệnh năm 1998 và sửa đổi năm 2000, Pháp lệnh Cán bộ công chức sửa đổi năm 2003 đã phân định được đối tượng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước được gọi là “viên chức”. Khái niệm “viên chức” xuất hiện từ lần sửa đổi Pháp lệnh năm 2003. Tuy nhiên, Pháp lệnh vẫn chưa phân biệt rạch ròi giữa khái niệm “cán bộ”, “công chức” và “viên chức”.

Các khái niệm trên lần lượt được Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức của Nhà nước ta bước đầu phân biệt rõ ràng. Luật Cán bộ, công chức được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010. Khoản 1 Điều 4 quy định về cán bộ:

Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.

Khoản 2 Điều 4 quy định về công chức:

“Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

Bên cạnh các khái niệm “cán bộ”, “công chức” là khái niệm “viên chức”. Luật Viên chức được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2010. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012. Điều 2 quy định:

“Viên chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

Viên chức là người thực hiện các công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, lao động – thương binh và xã hội, thông tin – truyền thông, tài nguyên – môi trường, dịch vụ… như bác sĩ, giáo viên, giảng viên đại học…, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. 

Từ các khái niệm được quy định tại 02 văn bản Luật trên, chúng ta có thể phân biệt khái niệm “cán bộ”, “công chức”, “viên chức” theo các tiêu chí cơ bản sau: 

 

Khái niệm

Cán bộ

Công chức

Viên chức

Tiêu chí cơ bản

1. Tính chất

– Vận hành quyền lực nhà nước, làm nhiệm vụ quản lý; nhân danh quyền lực chính trị, quyền lực công.

– Theo nhiệm kỳ.

– Vận hành quyền lực nhà nước, làm nhiệm vụ quản lý.

– Thực hiện công vụ thường xuyên

– Thực hiện chức năng xã hội, trực tiếp thực hiện kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu.

– Thực hiện các hoạt động thuần túy mang tính nghiệp vụ, chuyên môn.

2. Nguồn gốc, trách nhiệm pháp lý

– Được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, trong biên chế.

– Trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và trước cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

 – Thi tuyển, bổ nhiệm, có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong biên chế.

– Trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính của công chức

– Xét tuyển, ký hợp đồng làm việc.

– Trách nhiệm trước cơ quan, người đứng đầu tổ chức, cơ quan xét tuyển, ký hợp đồng.

3. Chế độ lương

   Hưởng lương từ ngân sách nhà nước, theo vị trí, chức danh.

   Hưởng lương từ ngân sách nhà nước, theo ngạch bậc.

   Lương hưởng một phần từ ngân sách, còn lại là nguồn thu sự nghiệp.

4. Nơi làm việc

   Cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội.

   Cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức CT-XH, Quân đội, Công an, Toà án, Viện kiểm sát.

  Đơn vị sự nghiệp nhà nước, các tổ chức xã hội.

5. Tiêu chí

đánh giá

– Năng lực lãnh đạo, điều  hành, tổ chức, quản lý;

– Tinh thần trách nhiệm;

– Hiệu quả thực hiện nhiệm vụ

– Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ;

– Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ;

– Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực thi nhiệm vụ;

– Thái độ phục vụ nhân dân.

 – Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ;

– Hiệu quả công việc (số lượng, chất lượng).

– Thái độ phục vụ nhân dân.

6. Hình thức

kỷ luật

– Khiển trách;

– Cảnh cáo;

– Cách chức;

– Bãi nhiệm.

– Khiển trách;

– Cảnh cáo;

– Hạ bậc lương;

– Giáng chức;

– Cách chức;

– Buộc thôi việc.

– Khiển trách;

– Cảnh cáo;

– Cách chức;

– Buộc thôi việc.

 

Trên đây là những hiểu biết ban đầu của tôi, hy vọng sẽ được Bạn đọc cùng tham gia, góp thêm ý kiến của mình để sự hiểu biết của chúng ta về pháp luật được nhân lên, góp phần xây dựng, cải cách nền hành chính nước nhà./.