Nhận thức bản thân học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng to lớn mà còn để lại toàn Đảng, toàn dân ta một di sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Để tìm hiểu vấn đề về nhận thức bản thân học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê.

1. Nhận thức bản thân là gì?

Tự nhận thức bản thân là khả năng hiểu rõ chính xác bản thân mình, biết mình cần gì, muốn gì, đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mình, nhận thức được tư duy và niềm tin của mình, cảm xúc và những động lực thúc đẩy bạn trong cuộc đời. Nhận thức bản thân không những giúp bạn hiểu về bản thân mình mà còn dễ dàng hiểu được người khác, cách họ suy nghĩ về bạn cũng như thái độ và sự phản hồi của bạn.

Sự tự nhận thức là bước đầu trong quá trình tạo ra một cuộc sống mà bạn mong muốn. Điều này giúp bạn xác định được đam mê và niềm yêu thích của mình, cũng như xác định những tố chất nổi bật của bản thân có thể giúp được những gì cho bạn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, bạn sẽ có khả năng nhận biết những suy nghĩ và cảm xúc của mình đang dẫn bạn đi tới đâu và có thể thay đổi chúng khi bạn muốn. Một khi đã có nhận thức chính xác về tư duy, lời nói, cảm xúc và ngôn ngữ của bản thân thì đó là lúc bạn có thể thay đổi và nắm giữ mọi hướng đi trong tương lai của chính bản thân.

2. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu: Tư tưởng Hồ Chí Minh; đạo đức Hồ Chí Minh; phong cách Hồ Chí Minh.

*  Tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của những năm bôn ba, lăn lộn trong hoạt động thực tiễn, nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.

Từ đó, Hồ Chí Minh đã có những sáng tạo lớn, đặc sắc về lý luận, hiện thực hoá, làm phong phú, giàu có Chủ nghĩa Mác – Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã đang soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Tiếp cận tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là một hệ thống tri thức tổng hợp với các chuyên ngành Khoa học xã hội và nhân văn, cần tập trung đẩy mạnh học tập và làm theo các nội dung cốt yếu nhất, gắn liền với những nội dung cơ bản của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần nghị quyết Đại hội XII.

Đặc biệt, cần chú trọng nắm bắt cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh: Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập, tự do, hạnh phúc. Đây chính là giá trị nền móng phát triển bền vững, có khả năng giải quyết được những nhiệm vụ thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

* Đạo đức Hồ Chí Minh

Đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu và xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh. Người không chỉ để lại những tác phẩm lý luận về đạo đức, mà còn là hiện thân mẫu mực của những hành vi đạo đức. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, những giá trị của tư tưởng đạo đức phương Đông và phương Tây, đặc biệt quan trọng là những tư tưởng đạo đức của chủ nghĩa Mác – Lênin. Hồ Chí Minh đã thực sự làm một cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức ở Việt Nam. Trong đó, theo Người đạo đức là gốc, là nguồn, là nền tảng, biểu hiện tập trung thông qua ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người và đối với công việc. Đức là gốc, nhưng đức và tài phải kết hợp, phải đi đôi với nhau; người cách mạng phải có cả đức và tài mới hoàn thành được trọng trách Đảng và nhân dân giao cho. 

Về mặt đạo đức, trong thời gian tới cần tập trung vào các chủ đề:

(1) Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân;

(2) Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ra sức làm việc cho Đảng, thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, giữ nghiêm kỷ luật Đảng;

(3) Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết; toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, vì Đảng, vì nhân dân mà hy sinh quyên minh, gương mẫu trong mọi việc;

(4) Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hoà mình với nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp thu sự phê bình và chịu sự giám sát của nhân dân;

(5) Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không ngừng học tập, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao trình độ, tư tưởng, cải tiến công tác, cùng giúp nhau tiến bộ. Đặc biệt, cần chú trọng quán triệt, làm theo những giá trị cốt lõi của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư (dĩ công vô thượng), tất cả vì con người.

* Phong cách Hồ Chí Minh

Phong cách có quan hệ chặt chẽ với đạo đức, đạo đức được thể hiện qua phong cách, qua phong cách có thể đánh giá được đạo đức, đánh giá được nhân cách con người.

Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể, tạo thành một hệ thống bao gồm: Phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt,vv… Về phong cách Hồ Chí Minh, cần được nghiên cứu thấu đáo, quán triệt và làm theo một cách toàn diện, bao gồm:

(1) Học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh.

(2) Học tập và làm theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh.

(3) Học tập và làm theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh.

(4) Học tập và làm theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh.

(5) Học tập và làm theo phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh.

Trong đó, cốt lõi của phong cách Hồ Chí Minh là phong cách khoa học, dân chủ, quần chúng, hài hoà, nêu gương.

3. Nhận thức bản thân học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy nhận thức bản thân học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh là điều rất quan trọng trong việc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế và giáo dục. Hồ Chí Minh là một biểu tượng vĩ đại của đạo đức và phẩm chất con người, là người đã dành cả cuộc đời để lập nên nước Việt Nam độc lập, tự do và thịnh vượng. Nhận thức bản thân học tập nghĩa là bạn cần chấp nhận rằng học hành không bao giờ là dễ dàng và cần phải cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu của mình. Bạn phải tự trách mình trước mỗi sai lầm và cố gắng khắc phục chúng, không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức mới để có thể phát triển bản thân và đóng góp tích cực cho công việc và xã hội. Làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, bạn cần phải tuân thủ những nguyên tắc của Người: tôn trọng con người, biết ơn, đoàn kết, trung thực, đạo đức nhân văn, bản lĩnh cách mạng. Đó là những giá trị tốt nhất của đạo đức Hồ Chí Minh và nó là nền tảng vững chắc giúp bạn đối phó với mọi tình huống và giải quyết các vấn đề phức tạp trong cuộc sống. Đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là nền tảng cho con người phát triển và đóng góp cho xã hội mà còn là một nguồn cảm hứng để cố gắng, vượt qua khó khăn và giữ vững niềm tin vào tương lai. 

Để nâng cao nhận thức của bản thân trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cụ thể như sau:

– Đối với mỗi cá nhân cần phải tự tăng cường công tác để nâng cao về ý thức cũng như tinh thần trách nhiệm không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức tấm gương tốt. Bản thân mỗi chúng ta cần bảo vệ lối sống trung thực, thẳng thắn, theo lối sống liêm khiết, khiêm tốn và theo quan điểm của Đảng. Ngoài ra, cá nhân cần cải thiện thay đổi sự lười biếng, nói đi đôi với làm, không ỷ lại.

– Tích cực học tập, lao động và sáng tạo thúc đẩy phát triển về năng suất, hiệu quả, chất lượng đồng thời trân trọng những thành tích mà bản thân và người khác làm ra.

– Sau quá trình học tập thì bản thân cần rút ra kinh nghiệm và đưa ra các biện pháp cải thiện, khắc phục nhằm hoàn thiện chính mình.

– Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra và xử lý, phê bình, kỷ luật nghiêm minh những hành vi tiêu cực đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công dân trong giảng dạy và học tập.

– Luôn luôn có ý thức để giữ gìn đoàn kết của toàn dân, trong cơ quan, tổ chức, trong Đảng, đấu tranh kiên quyết với những mưu đồ chia rẽ nhân dân, chia rẽ tình đoàn kết, yêu nước.

– Đặc biệt đối với nghề giáo, phải luôn ý thức trách nhiệm và tâm huyết với nghề từ đó mỗi giáo viên sẽ giảng dạy truyền đạt lại kiến thức học tập cũng như nhân cách, đạo đức.

– Loại bỏ sự lạc hậu, những hạn chế gây ảnh hưởng tới việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức tốt hoặc không phù hợp với lối sống hiện nay.

– Thay đổi phương pháp phù hợp với việc học tập để cải thiện vốn hiểu biết, nâng cao kiến thức trong học tập. Không chỉ vậy, mỗi chúng ta cũng cần đưa ra phương hướng để phấn đấu và rèn luyện tu dưỡng về tư tưởng đạo đức, giữ gìn phẩm chất tốt đẹp mà con người Việt Nam.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của Luật Minh Khuê liên quan đến vấn đề: Nhận thức bản thân học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh. Mọi thắc mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu tư vấn qua email: [email protected] để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.