Nhận diện Brexit từ một góc nhìn khác

Trong những ngày này người ta đua nhau mổ xẻ ngọn nguồn của sự kiện động trời được gọi là Brexit, khi đa số người dân nước Anh bỏ phiếu ủng hộ việc đất nước họ rời bỏ con thuyền EU. Mặt khác, người ta cố dự báo về những hệ lụy của cơn địa chấn này đối với “xứ sở sương mù” cũng như đối với châu Âu và cả thế giới.

Bên cạnh những nhân tố cụ thể trước mắt, đằng sau sự kiện hy hữu này dường như còn ẩn chứa những nhân tố sâu xa, rộng lớn hơn nhiều. Trên thế gian này, những chuyện khắc nhập, khắc tách không phải là hiếm. Gói gọn trong thế kỷ 20 thôi, ta có thể thấy xu hướng hình thành “liên minh châu Âu” đã từng nhen nhóm vào giữa thập kỷ thứ hai. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất đã xuất hiện Liên bang Xô-viết và Liên bang Nam Tư. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên hiệp châu Âu (EU) lâu dần được hình thành. Thế rồi lâu dần các dạng liên bang nói trên đều đã tiêu tan hết; và nay, việc nước Anh rời khỏi EU đang khơi dậy xu hướng “thoát EU” ở nơi này hay nơi khác?

Như vậy “cuộc ly hôn” giữa nước Anh và EU không phải duy nhất và không phải lần đầu. Tất nhiên, đằng sau mỗi vụ tách nhập đều ẩn chứa nhiều căn nguyên khác nhau ở bên trong và từ bên ngoài. Nhưng một khi hiện tượng này hay hiện tượng khác cứ lặp đi lặp lại nhiều lần và ở nhiều nơi thì rõ ràng phải có căn nguyên nào đó rất cơ bản, nằm ở chiều sâu cần được phát hiện và giải mã.

Phải chăng hiện tượng này thể hiện sự va đập giữa hai xu hướng tạm gọi là “dân tộc” và “quốc tế”. Nếu nâng lên tầm “triết lý” đôi chút thì đó là sự thể hiện của cặp mâu thuẫn giữa “cái chung” và “cái riêng”, giữa “hướng tâm” và “ly tâm”; nếu vận dụng lý thuyết quan hệ quốc tế thì các hiện tượng nói trên là sự chọn lựa giữa “chủ nghĩa lãng mạn” và “chủ nghĩa thực tế”.

Ta hãy xem những mâu thuẫn ấy bộc lộ ra sao. Bên cạnh những toan tính chính trị – an ninh, sự liên kết giữa nhiều quốc gia thể hiện nhu cầu mở rộng không gian để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự liên kết như vậy không thể xóa nhòa được ý thức về bản sắc và lợi ích dân tộc – một phạm trù đã tồn tại hàng nghìn năm và đã ăn sâu bén rễ trong tiềm thức của mọi người.

Dường như các thực thể liên kết hình thành và tồn tại cho tới nay vẫn chưa tìm được cơ chế vận hành thích hợp để có thể hóa giải mâu thuẫn này.

Nhiều nhà bình luận cho rằng, các đảng thiên hữu ở châu Âu và một số phương tiện thông tin đại chúng đã lợi dụng tình hình, kích động chủ nghĩa dân tộc và kết quả là phe Brexit thắng thế. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Phải chăng họ đạt được mục tiêu của mình còn vì họ nắm bắt được và triệt để khai thác những mâu thuẫn khách quan nói trên?

Ngoài sự cố Brexit, trong sáu tháng đầu năm 2016 còn nảy sinh một hiện tượng nữa cũng khá khác lạ. Trong chiến dịch vận động bầu cử ở một số quốc gia cả ở phương Tây, lẫn phương Đông xuất hiện những nhân vật liên tiếp tung ra những tuyên bố, những ý tưởng đậm màu dân túy rất giật gân. Họ xoáy vào các vấn đề bức xúc thiết thực của người dân, nhất là tầng lớp dưới, đồng thời họ nêu cao lợi ích dân tộc, thậm chí kích động tâm lý kỳ thị chủng tộc. Nhờ những lời nói và hành vi như vậy họ tranh thủ được số lượng phiếu ủng hộ khá đông.

Vậy điều gì đã làm nảy sinh hiện tượng này? Có vẻ như trong cuộc chạy đua khốc liệt để phát triển, các vấn đề xã hội càng trở nên gay gắt, sự phân cực giàu nghèo ngày một dữ dội, môi trường sống ngày càng bị hủy hoại.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng mới về khoa học – công nghệ, nhất là về công nghệ thông tin, vừa thúc đẩy sự tiến bộ của loài người, vừa làm cho đội quân thất nghiệp ngày một lớn. Các nhân tố mới này đang làm thay đổi hẳn cách sinh sống, cách làm ăn, cách quản trị quốc gia và cả quan hệ quốc tế mà các chính quyền chưa kịp thích nghi.

Quá trình toàn cầu hóa tăng tốc một mặt mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển, mặt khác làm cho cuộc cạnh tranh trở nên gay gắt chưa từng thấy, không ít doanh nghiệp lâm vào thảm cảnh phá sản và nhiều người lao động mất việc, gây ra nhiều thảm họa môi trường, kích hoạt quá trình chuyển dịch dân cư ồ ạt… Hệ lụy tiêu cực của xu thế này tích tụ lại, làm cho người dân bức xúc.

Dưới tác động của các nhân tố trên có kẻ thắng, người thua mà người thua lại chiếm số đông. Bị ức chế, một mặt họ nhiệt liệt chào đón những tư tưởng và hành vi mang tính dân túy, khát khao có những bàn tay mạnh xử lý rốt ráo những vấn đề sát sườn, mặt khác họ chán ngán giới tinh hoa và những lý thuyết xa vời. Phe Brexit và một số ứng cử viên trong cuộc chạy đua bầu cử thắng thế một phần vì những nhân tố mới này.

Xem như vậy có thể thấy, những căn nguyên đẻ ra hai chiều hướng động trời nói trên có nguồn gốc rất sâu xa và có tác động rộng lớn, báo hiệu thế giới đang bước vào một thời kỳ có nhiều biến động mới lạ.

Là một bộ phận không tách rời của thế giới, nước ta không thể không tính đến những chiều hướng ấy. Vả lại, những vụ việc, những hiện tượng xảy ra gầy đây ngay ở nước ta làm cho lòng dân chưa yên, chừng nào cũng phản ánh những tâm tư tương tự, cần được nắm bắt, tìm cách giải tỏa thỏa đáng và kịp thời.