NHẬN DIỆN ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TÂY NGUYÊN HIỆN NAY
Tóm tắt: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ở vùng dân tộc thiểu số, trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay giúp cho cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nhận biết, nâng cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của chúng, từ đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Bài viết nghiên cứu, phân tích nhận diện và làm rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu tại chỗ các tỉnh Tây Nguyên và đề xuất một số giải pháp đấu tranh phòng, chống.
- Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch vùng dân t
ộ
c thi
ể
u s
ố
trên địa bàn Tây Nguyên
Tây Nguyên là vùng có đông thành phần dân tộc nhất cả nước và cũng là nơi duy nhất có đủ các nhóm ngôn ngữ – dân tộc của Việt Nam cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 26,58%, đồng bào Kinh chiếm 64,69%, các dân tộc nơi khác đến chiếm 8,73%. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng cơ hội chính trị đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, trong đó Tây Nguyên là địa bàn trọng điểm. Các tổ chức phản động tìm mọi cách kích động, lôi kéo, lừa bịp đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn; các phần tử quá khích khiếu kiện, biểu tình và vượt biên trái phép; hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động trái phép của đạo Tin lành.
Chúng lợi dụng những vấn đề dân tộc, đất đai để gây mất ổn định chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt chia rẽ dân tộc Kinh với các dân tộc thiểu số, chia rẽ đồng bào các dân tộc với Đảng và chính quyền. Bằng nhiều phương thức, các thế lực thù địch, phản động tăng cường phát tán tài liệu nhằm xuyên tạc, phủ nhận những giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với sự tiến bộ, phát triển của nhân loại và đối với cách mạng Việt Nam. Chúng tuyên truyền tới buôn làng, vùng biên giới rằng “chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời”, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể coi đó là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, từ đó kêu gọi từ bỏ học thuyết của Mác – Lênin. Chúng tuyên bố trắng trợn bác bỏ tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận, bôi nhọ và hạ thấp vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cho rằng “cụ Hồ Chí Minh không phải là nhà tư tưởng” mà chỉ là “nhà hoạt động thực tiễn” nên không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng kích động biểu tình, bạo loạn, ly khai như các cuộc bạo loạn chính tr ị ởnhiều nơi trên địa bàn Tây Nguyên đã xảy ra vào năm 2001, 2004 và năm 2008. Chúng tuyên truyền và lợi dụng các hiện tượng “Tà đạo Hà Mòn”, “Thanh Hải Vô thượng sư”, “Bơ khắp Brâu” để truyền bá mê tín dị đoan và hoạt động chính trị, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các cuộc biểu tình, bạo loạn chính trị; thường xuyên gây sức ép ta về diễn đàn “dân chủ, nhân quyền” và thực hiện dân chủ để khoét sâu mâu thuẫn, hận thù.
Chúng xuyên tạc lịch sử, bóp méo, phủ nhận đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mất lòng tin đối với Đảng, gây mâu thuẫn giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Chúng lợi dụng triệt để các hoạt động thiện nguyện, nhân đạo, đầu tư phát triển kinh tế vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn để tuyên truyền, xây dựng lực lượng, hỗ trợ, chỉ đạo các hoạt động chống phá, gây mất ổn định để tạo cớ can thiệp.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch. Từ đó, chúng kích động các đối tượng cơ hội, bất mãn viết bài đăng tải trên các mạng xã hội, tạo dư luận đòi Việt Nam phải thực hiện “đa nguyên”, “đa đảng”, “xã hội dân sự”. Cá biệt, một số đối tượng còn đưa ra những luận điệu xuyên tạc rằng, việc coi trọng “xây dựng, chỉnh đốn hệ thống chính trị” gắn với chỉnh đốn Đảng trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII cho thấy, Đảng lo ngại về vai trò và sức mạnh của Đảng. Một số đối tượng khác thì lợi dụng văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng để kêu gọi đòi thay đổi Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013 để tổ chức công đoàn trở thành các tổ chức “xã hội dân sự”, không chịu sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; thay đổi cơ cấu tổ chức và thành phần của các cơ quan như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… để những tổ chức này được thành lập dựa trên sự tự nguyện của người dân, không chịu sự chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tung tin thất thiệt, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh của Đảng, Nhà nước dẫn đến cuộc khủng hoảng tin tức, gây hoang mang trong xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Chúng tìm mọi cách mua chuộc, lôi kéo những người có uy tín trong cộng đồng tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số, cài cắm người vào hệ thống chính trị các cấp của ta, đặc biệt là cấp cơ sở để chống phá… Các tổ chức phản động từ nước ngoài còn liên tục phát sóng các chương trình tiếng Việt, tiếng dân tộc để lôi kéo, kích động đồng bào, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây ra các “điểm nóng xung đột”, làm mất ổn định chính trị – xã hội.
2. Đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên địa bàn Tây Nguyên
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác này, thời gian qua, các ban thường vụ tỉnh ủy ở Tây Nguyên đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch. Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, các tỉnh Tây Nguyên đã thành lập ban ban chỉ đạo các cấp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 35). Ban Chỉ đạo 35 các tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường và chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, kịp thời định hướng dư luận, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các phần tử xấu trên không gian mạng; giải quyết tốt những vấn đề bất cập, phát sinh từ cơ sở, không để các phần tử xấu lợi dụng kích động khiếu kiện, biểu tình gây mất ổn định an ninh trật tự và chính trị xã hội.
Cùng với cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt, chuyên sâu, lực lượng tham gia đấu tranh ở từng cấp đã hoạt động hiệu quả, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch vùng dân tộc thiểu số. Các tỉnh đã thiết lập hệ thống mạng xã hội có tính kết nối và tương tác nhanh từ tỉnh đến cấp huyện và ngược lại; tỉnh Đắk Lắk xây dựng và tổ chức vận hành 02 trang fanpage của tỉnh và 64 trang fanpage của các địa phương, đơn vị và phần mềm Reputa; biên soạn tài liệu tuyên truyền và triển khai nhiều biện pháp đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội,… Biên soạn và cấp phát 6.800 cuốn tài liệu tuyên truyền “đấu tranh phản bác âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực phản động, thù địch trên không gian mạng”; tổ chức 02 hội nghị tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 500 lượt cán bộ làm công tác đấu tranh chống âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”(1). Tỉnh Gia Lai biên tập tài liệu tình hình hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thời gian gần đây; thông tin tình hình đối ngoại phục vụ hoạt động Ban Chỉ đạo 35, Ban Chỉ đạo Thông tin đối ngoại của tỉnh; lập website, fanpage, blog đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên mạng internet, mạng xã hội(2).
Công tác tuyên truyền, định hướng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kịp thời, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh. Lực lượng cộng tác viên phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, diễn biến ở cơ sở, sớm phát hiện, kịp thời xử lý không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động trở thành điểm nóng gây mất ổn định chính trị.
3. Giải pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu của các thế lực thù địch vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên
Các thế lực thù địch, phản động vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, gây mất ổn định chính trị, bạo loạn lật đổ, ly khai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên. Do đó, để phòng, chống âm mưu và những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng về nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống âm mưu của các thế lực thù địch vùng dân tộc thiểu số
Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bọn phản động trong và ngoài nước. Tiếp tục tuyên truyền, khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần ở nước ta. Thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018, của Ban Bí thư khóa XII Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, kịp thời luận giải những vấn đề lý luận mới, khó, còn nhiều ý kiến khác nhau, tạo sự đồng thuận trong nhận thức xã hội(3). Chú trọng tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ và nắm vững bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thấy rõ bản chất phản động của những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch,… Hướng dẫn tuyên truyền, định hướng thông tin và nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, xây dựng lực lượng đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên mạng internet, mạng xã hội.
Tổ chức học tập các chuyên đề, tài liệu về đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch cho cán bộ, đảng viên. Cần tập trung vạch trần, làm rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch; những vấn đề, sự kiện mới, nóng, phức tạp mà chúng lợi dụng xuyên tạc, mức độ nguy hại, ảnh hưởng của các thông tin sai trái, thù địch đó đối với mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và giác ngộ chính trị cho đồng bào, cảnh giác với những âm mưu phá hoại của các thế lực phản động, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, đặc biệt là vấn đề lịch sử dân tộc để lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; ngăn chặn việc truyền đạo và sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật ảnh hưởng đến phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết kịp thời những mâu thuẫn giữa các tôn giáo và từng nhóm tôn giáo, nhất là mâu thuẫn giữa bà con theo đạo Công giáo, Tin lành, Thiên Chúa, Phật giáo…; giải quyết triệt để các vụ việc tranh chấp về đất đai; giáo dục, xử lý kịp thời những phần tử lợi dụng dân chủ, nhân quyền để kích động, gây rối trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Tây Nguyên.
Hai là, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên
Đây là giải pháp có ý nghĩa nền tảng để vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề khó khăn trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số để chống phá. Các cấp, các ngành cần triển khai hiệu quả các chủ trương, chương trình phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ; giải quyết tốt tình trạng tranh chấp đất đai, đẩy nhanh tiến độ giao đất, khoán rừng, tổ chức lại sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo việc làm ổn định, giúp đồng bào an cư lạc nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cuộc vận động định canh, định cư, tăng cường cán bộ khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi ngành nghề, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống để đồng bào yên tâm xây dựng cuộc sống lâu dài, nhất là ở các huyện miền núi, biên giới.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, tạo điều kiện để đồng bào theo tôn giáo hành đạo đúng quy định của pháp luật, thực hiện tốt đoàn kết đồng bào tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đấu tranh và xử lý triệt để đối với những tổ chức, cá nhân lợi dụng tôn giáo để thực hiện ý đồ chính trị của các thế lực thù địch.
Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân
Tập trung xây dựng các khu vực phòng thủ “cơ bản, toàn diện, liên hoàn, vững chắc”; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn vững mạnh, thực sự là nòng cốt trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên vùng Tây Nguyên. Chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp chống biểu tình, bạo loạn; làm tốt công tác kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các phương án bảo vệ an ninh ở địa phương, cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ động phòng, chống các hoạt động tình báo, gián điệp của địch, củng cố trận địa an ninh nhân dân vững mạnh, làm cơ sở, chỗ dựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.
Bốn là, đổi mới và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chính quyền cơ sở, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số vững mạnh về mọi mặt. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ; đồng thời tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức cho cơ sở vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, nhất là ở những địa bàn trọng điểm,… Cán bộ công tác ở vùng dân tộc thiểu số phải biết tiếng dân tộc, am hiểu phong tục, tập quán, tôn giáo của đồng bào; thực hiện tốt phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, tin dân, có trách nhiệm với dân”; không quan liêu, tham nhũng. Phát huy tích cực vai trò của các già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo; đổi mới công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số theo phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc, sử dụng nhiều phương pháp phù hợp với đặc thù từng dân tộc.
Năm là, chủ động phát hiện, kịp thời đấu tranh vô hiệu hóa các hoạt động truyền bá, kích động cực đoan gây chia rẽ các dân tộc
Chủ động đấu tranh với các thế lực thù địch chỉ đạo, hậu thuẫn số đối tượng bên trong đòi ly khai, tự trị; đấu tranh với các hoạt động quốc tế hóa vấn đề dân tộc và sự can thiệp từ bên ngoài. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, cần bám sát, nắm chắc tư tưởng của quần chúng, vận động họ tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Cần xây dựng nội dung, phương thức phù hợp để nhận diện và đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng đồng báo dân tộc thiểu số để chống phá Đảng và Nhà nước hiện nay./.
——————————————-
(1) Tỉnh ủy Đắk Lắk, Báo cáo công tác Tuyên giáo năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk, 2020, tr.12
(2) Tỉnh ủy Gia Lai, Báo cáo công tác Tuyên giáo năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, 2020, tr.9
(3) Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018, Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, Hà Nội. 2018