Nhân đạo là gì? Ý nghĩa của giá trị nhân đạo trong cuộc sống
Mục Lục
Nhân đạo là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, được truyền từ đời này qua đời khác. Đó cũng chính là nét đẹp trong tâm hồn, trong phẩm chất con người Việt Nam. Vậy nhân đạo là gì? Ý nghĩa của giá trị nhân đạo trong cuộc sống ra sao? Cùng theo dõi chi tiết qua bài viết này của Muaban.net nhé.
I. Nhân đạo là gì?
Nhân đạo là đạo đức thể hiện sự yêu thương, sự quý trọng và bảo vệ con người. Là một đạo lý thể hiện lòng tốt, lòng nhân ái đến toàn thể loài người mà không trục lợi.
Giá trị nhân đạo là một thuật ngữ mang giá trị cơ bản của các tác phẩm văn học được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của những nhà văn với nỗi đau của con người, những mảnh đời mang số kiếp bất hạnh trong cuộc sống khó khăn.
Chủ nghĩa nhân đạo là sự tổng hợp tất cả những suy nghĩ, quan điểm, hành vi đạo đức khẳng định giá trị và phẩm chất của con người, tôn trọng sự tự do của con người, nhằm thỏa mãn những nguyện vọng và nhu cầu chân chính của con người.
II. Những biểu hiện của nhân đạo
Như trên đã nói, nhân đạo là một đạo lí tốt đẹp của xã hội loài người. Là thước đo để đánh giá sự văn minh và tiến bộ của xã hội. Vậy biểu hiện của nhân đạo là gì?
1. Trong cuộc sống
Trong xã hội mà chúng ta đang sống, có không ít người có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn và bất hạnh. Những mảnh đời bất hạnh đó đang hứng chịu hậu quả từ chiến tranh, thiên tai, bệnh tật hay bị bạo hành, ngược đãi,… Chính vì vậy, họ cần sự cảm thông cũng như sẻ chia của xã hội thông qua những việc làm cụ thể như nhường cơm sẻ áo, chung tay giúp sức phần nào đó để những hoàn cảnh ấy có thể có động lực vượt qua những bất hạnh trong cuộc sống.
Những phong trào thiện nguyện liên tục được các cá nhân và tổ chức thực hiện với mục đích nhân đạo cao đẹp. Phong trào giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, giúp đỡ đồng bào lũ lụt, chia khó với vùng cao,… với những tên gọi cụ thể và việc làm vô cùng thiết thực như: “Trái tim nhân ái”, “Ngôi nhà ước mơ”, “ Vượt lên chính mình”,… Những phong trào như vậy nhằm lan tỏa tình yêu thương, tạo nên hiệu ứng tốt trong xã hội và phát huy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
>>> Tham khảo thêm: Nỗ lực là gì? Nỗ lực cần thiết cho cuộc sống như thế nào?
2. Trong văn chương
Văn chương là tấm gương phản chiếu thời đại cũng như tư tưởng của con người. Những gì phản ánh trong văn chương chính là tư tưởng tình cảm của người nghệ sĩ nói riêng và con người trong thời kỳ đó nói chung. Giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn chương từ xưa tới nay thường được biểu hiện ở các phương diện như sau:
Phương diện thứ nhất
Văn chương tố cáo xã hội cũ bất công, tố cáo mặt trái của xã hội đẩy con người vào những hoàn cảnh sống vô cùng trớ trêu và bất hạnh. Tác phẩm Chí Phèo là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nam Cao cho độc giả thấu hiểu được nỗi khổ của con người sống trong thời kỳ đó.
Nhân vật Chí Phèo vốn là một anh trai nông dân hiền lành, lương thiện chất phác. Nhưng chỉ vì một cơn ghen, Bá Kiến đã đẩy hắn vào tù. Để rồi sau bảy tám năm đi tù oan, bị đày đọa, chịu muôn vàng ấm ức, Chí Phèo trở về trong bộ dạng của một kẻ lưu manh, một nội tâm quỷ dữ. Hắn sẵn sàng đâm thuê chém mướn, sẵn sàng đập đầu và rạch mặt ăn vạ.
Nhà văn với tư tưởng nhân đạo đã nhìn rõ căn nguyên dẫn đến sự tha hóa con người khi đó. Như vậy, xã hội tàn ác, bất công đại diện cho xã hội ấy chính là tên Bá Kiến.
Phương diện thứ hai
Giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn chương thể hiện ở lời ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất và cả tâm hồn con người.
Cũng như ẩn sau bên trong nhân vật Chí Phèo, chúng ta thấy vẻ đẹp tâm hồn của những con người bị vùi dập. Đâu đó trong con quỷ dữ Chí phèo có đốm sáng của thiện lương vẫn còn những khát khao rất bình dị của anh trai nông dân hiền lành năm xưa.
Khi gặp Thị Nở, ăn bát cháo hành mà Nở nấu bằng sự quan tâm và tình yêu bỗng chốc Chí Phèo nghĩ về một cuộc sống bình dị, người chồng thì cuốc mướn cày thuê, vợ thì dệt vải… Cuộc sống bình dị ấy chính là khát khao của người nông dân lương thiện.
Ở nhân vật Thị Nở, nhà văn cho chúng ta thấy bên trong hình hài xấu “ma chê quỷ hờn” ấy hay trong tính cách “dở hơi” ấy đó là một tâm hồn rất phụ nữ. Chính nét tâm hồn ấy đã cảm hóa được con người Chí Phèo, giúp hắn nhận ra sự tha hóa của chính bản thân, nhận ra tội ác của mình và khơi dậy khát vọng hoàn lương trong chính con người hắn.
Nhà văn với cái nhìn đầy tính nhân đạo đã thấy được vẻ đẹp tâm hồn ẩn sau trong những con người ấy.
Phương diện thứ ba
Giá trị nhân đạo thể hiện ở tình yêu thương và đồng cảm với những nhân vật bất hạnh.
Đọc “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, người đọc có thể cảm nhận được sự đồng cảm của nhà văn dành cho nhân vật chính. Mị lớn lên xinh đẹp, hồn nhiên như bông hoa ban, hoa mận giữa núi rừng. Nhưng cuộc đời của Mị tăm tối từ sau cái đêm hội mùa xuân, cái đêm Mị bị bắt về làm vợ và làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lý.
Chuỗi ngày tiếp theo vô cùng tăm tối. Mị làm trâu làm ngựa trong nhà A Sử. Mị bị đánh đập và giam cầm cả tuổi thanh xuân trong khi khát khao của tuổi trẻ vẫn cồn cào trong con người Mị. Nhà văn hiểu và đồng cảm với nhân vật, nói lên được tiếng lòng của nhân vật để rồi người đọc thấy cần phải làm một điều gì đó để thay đổi số phận của những con người cùng cực.
Phương diện thứ tư
Cuối cùng, giá trị nhân đạo trong tác phẩm thể hiện ở khát vọng đổi thay và ở định hướng đi tốt đẹp hơn cho con người. Kết thúc tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, Mị và A Phủ đã trốn khỏi nhà A Sử để đến với cách mạng. Từ đây, một cuộc sống mới, một cuộc đời mới đã mở ra với các nhân vật của ông. Người đọc thấy Tô Hoài đã vạch ra cho nhân vật của mình con đường để đi tìm hạnh phúc.
>>> Tham khảo thêm: Hạnh Phúc Là Gì? Bí Quyết Để Có Một Cuộc Sống Hạnh Phúc
III. Ý nghĩa của giá trị nhân đạo trong cuộc sống
Nhân đạo là một đạo lí tốt đẹp, là phẩm chất đạo đức cốt lõi cần có ở mỗi người. Nhân đạo là phẩm chất mang lại rất nhiều ý nghĩa đối với cuộc sống. Cụ thể:
- Có lòng nhân đạo cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, người với người gần nhau trong sự cảm thông, sẻ chia và thấu hiểu hơn.
- Khi chúng ta trao đi yêu thương thì chúng ta cũng sẽ nhận về yêu thương và hạnh phúc. Cuộc sống của chúng ta cũng vì thể mà có ý nghĩa hơn.
- Càng nhiều người có tấm lòng nhân đạo thì chắc chắn xã hội này sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp.
IV. Những hành động núp bóng nhân đạo để trục lợi
Bên cạnh những việc làm, nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả thì đâu đó trong xã hội chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều những cá nhân, tổ chức vì quyền lợi mà sẵn sàng mượn danh làm từ thiện.
- Có những cá nhân tự lập quỹ hỗ trợ trẻ em trên Fanpage đăng hàng trăm bài viết kêu gọi cộng đồng chung tay đóng góp và giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền kêu gọi được từ các nhà hảo tâm lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhưng những đối tượng đã dùng số tiền trên phục vụ cho mục đích cá nhân.
- Hơn nữa, có những đối tượng còn biến mình thành nạn nhân để kêu gọi sự thương xót của cộng đồng. Khi nhận được sự hỗ trợ thì dùng vào việc ăn chơi trác táng của bản thân.
Trên đây là một vài biểu hiện trong xã hội làm cho chúng ta mất lòng tin vào những việc làm mang tính nhân đạo. Vì vậy, chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt và lên án trước những chiêu trò trục lợi như thế.
V. Tổng kết
Qua bài viết trên, hi vọng bạn đã hiểu được nhân đạo là gì, hiểu được giá trị nhân đạo là gì,… Hãy mở rộng lòng yêu thương, nhìn con người bằng cái nhìn vị tha, bao dung, chia sẻ,… Chúng ta sẽ thấy cuộc đời này thật đáng yêu, đáng trân quý biết bao. Đừng quên theo dõi Muaban.net để đón đọc những thông tin hữu ích khác.
>>> Xem thêm:
Huỳnh Trang