NHÂN CÁCH VÀ SỰ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH

1. Khái niệm chung về nhân cách

1.1. Khái niệm con người, cá nhân, cá tính, chủ thể, nhân cách

1.1.1. Con người

Con người vừa là thực thể tự nhiên, vừa là thực thể xã hội. Bằng thân thể, máu thịt và bộ não của mình, con người thuộc về thế giới tự nhiên, tuân theo các quy luật tự nhiên. Mặt khác, con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể trong các mối quan hệ xã hội. Vì thế, sự phát triển của con người còn hịu sự chi phối của các quy luật xã hội. Mặt tự nhiên và mặt xã hội trong con người thống nhất với nhau, tạo thành một cấu trúc chỉnh thể con người

Tóm lại, con người là một khái niệm chung chỉ một thực thể sinh vật xã hội có ý thức, có ngôn ngữ, là chủ thể của hoạt động nhận thức và hoạt động xã hội – lịch sử. Ở con người ta cần phải nghiên cứu cả 3 mặt: Sinh vật – Tâm lý – Xã hội.

1.1.2. Cá nhân

Cá nhân là thuật ngữ dùng để chỉ một con người với tư cách đại diện cho loài người, là thành viên của xã hội loài người. Theo nghĩa đó, một người là nam hay nữ, trẻ thơ hay cụ già, người dân bình thường hay cán bộ lãnh đạo cấp cao đều là cá nhân. Mỗi cá nhân là sự phân biệt với người khác, với cộng đồng.

Tóm lại, cá nhân là xét đến một con người cụ thể, đơn giản là một đại diện của loài người, đó là một đơn vị người không thể chia cắt được, có những đặc điểm riêng để phân biệt người này với người khác. Ở cá nhân ta cũng cần phải nghiên cứu cả ba mặt: Sinh vật – Tâm lý – Xã hội.

1.1.3. Cá tính

Cá tính là thuật ngữ dùng để chỉ cái đơn nhất, cái đọc đáo trong tâm lý hoặc sinh lý của cá thể động vật hoặc cá thể người.

Cá tính là tính đặc thù của mỗi cá nhân, đó là khái niệm chỉ cái độc đáo, cái có một khônghai, cái không lập lại trong sinh lý và tâm lý của cá nhân. Người ta dùng từ cá tính để nhấn mạnh một đặc điểm nổi bật nào đó của cá nhân (phân biệt nó khác với người khác).

Chúng ta phải chú ý cá tính có thể thể hiện trong nhiều lĩnh vực như; trí tuệ, ý chí, xúc cảm hoặc ở tất cả các mặt. Những đặc điểm riêng về cá tính của một con người cụ thể có thể làm cho hoạt động và cách xử sự của người đó có sắc thái riêng.

1.1.4. Chủ thể

Khi cá nhân thực hiện một cách có ý thức, có mục đích một hoạt động hay một quan hệ xã hội nào đó thì cá nhân đó được coi là chủ thể.

1.1.5. Nhân cách

Khái niệm nhân cách chỉ bao hàm phần xã hội – tâm lý của cá nhân với tư cách là thành viên của xã hội, là chủ thể của các mối quan hệ xã hội và hoạt động có ý thức.

Nhà tâm lý học Xô Viết, X.L.Rubinstein cho rằng “Con người là cá tính do nó có những thuộc tính đặc biệt không lập lại, con người là nhân cách do nó xác định được quan hệ của mình với những người xung quanh một cách có ý thức”.

Nhân cách được hình thành và phát triển nhờ các mối quan hệ xã hội, trong quá trình thực hiện các mối quan hệ xã hội đó cá nhân phát triển và bắt đầu quá trình hoạt động sống của mình, do vậy có nhiều định nghĩa khác nhau về nhân cách, nhưng nhân cách thường được xác định như là một hệ thống quan hệ của con người với thế giới xung quanh và với chính bản thân mình.

Từ đó có thể hiểu, “Nhân cách chính là con người xét về mặt bản chất xã hội, hoạt động xã hội và giá trị xã hội của người đó”.

1.2. Khái niệm nhân cách trong tâm lý học

Nhân cách là một khái niệm rộng lớn và phức tạp của tâm lý học, Ở mỗi góc độ khác nhau, các tác giả có những quan điểm khác nhau về nhân cách.

1.2.1. Một số quan niệm sai lầm về nhân cách

– Quan niệm sinh vật hóa nhân cách : Quan niệm này coi bản chất nhân cách nằm trong các đặc điểm hình thể (Krest Chmev), ở góc mặt (C.Lombrozo), ở thể trạng (Sheldon), ở bản năng vô thức (S.Freud),…

– Quan niệm xã hội học hóa nhân cách : Quan niệm này lấy các quan hệ xã hội như gia đình, họ hàng, làng xóm,…để thay thế một cách đơn giản, máy móc các thuộc tính của cá nhân con người.

Trong những quan niệm trên, có quan niệm chỉ chú ý đến cái chung, bỏ qua cái riêng trong nhân cách, đồng nhất nhân cách với con người. Ngược lại, cũng có quan niệm chỉ chú ý đến tính đơn nhất, có một không hai của nhân cách.

1.2.2. Quan niệm khoa học về nhân cách

Các nhà tâm lý học cho rằng khái niệm nhân cách là một phạm trù xã hội, có bản chất xã hội lịch sử, nghĩa là nội dung của nhân cách là nội dung của những điều kiện lịch sử cụ thể của xã hội được chuyển vào trong mỗi con người. Có thể nêu lên một số định nghĩa nhân cách như sau :

– Nhân cách là một cá nhân có ý thức, chiếm một vị trí nhất định trong xã hội và đang thực hiện một vai trò xã hội nhất định. (A.G.Covaliov)

– Nhân cách là con người với tư cách là kẻ mang toàn bộ thuộc tính và phẩm chất tâm lý, quy định hình thức hoạt động và hành vi có ý nghĩa xã hội. (E.V.Sôrôkhôva)

– Nhân cách là cá thể hóa ý thức xã hội. (V.X.Mukhina)

– Từ những điều đã phân tích ở trên, có thể đi đến định nghĩa về nhân cách như sau :

Nhân cách là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý của cá nhân quy định bản sắc và giá trị xã hội của con người.

+ Trước hết, nhân cách không phải là tất cả các đặc điểm cá thể của con người mà chỉ bao hàm những đặc điểm quy định con người như là một thành viên của xã hội, nói lên toàn bộ mặt tâm lý xã hội, giá trị và cốt cách làm người của mỗi cá nhân.

+ Nhân cách không phải là một nét, một phẩm chất tâm lý riêng lẻ mà là một cấu tạo tâm lý mới. Nói cách khác, nhân cách là tổng hợp những đặc điểm tâm lý đặc trưng với một cơ cấu xác định. Do đó, không phải con người sinh ra là đã có nhân cách. Nhân cách được hình thành dần dần trong quá trình con người tham gia vào các mối quan hệ xã hội.

+ Nhân cách quy định bản sắc, cái riêng của cá nhân trong sự thống nhất biện chứng với cái chung, cái phổ biến của cộng đồng mà cá nhân đó là đại diện. Ví dụ, mỗi sinh viên Việt Nam đề là nhân cách duy nhất với tất cả những đặc điểm riêng biệt của mình, song đều có cái chung của con người Việt Nam là tình yêu xóm làng, quê hương, đất nước mình.

+ Nhân cách biểu hiện trên 3 cấp độ : cấp độ bên trong cá nhân; cấp độ liên cá nhân; cấp độ siêu cá nhân.

(1) Ở cấp độ thứ nhất, nhân cách được thể hiện dưới dạng cá nhân, ở tính không đồng nhất, ở sự khác biệt với mọi người, với cái chung. Chính vì vậy, giá trị nhân cách ở cấp độ này là tính tích cực của nó trong việc khắc phục những hạn chế của hoàn cảnh và những hạn chế của bản thân. Có thể nói phân tích nhân cách ở cấp độ bên trong cá nhân là xem xét nhân cách từ bên trong bản thân như một đại diện của toàn xã hội.

(2) Ở cấp độ thứ hai, nhân cách được thể hiện trong các mối quan hệ, liên hệ với nhân cách khác. Nhân cách nằm trong mối quan hệ liên nhân cách, tạo nên đặc trưng của mỗi nhân cách. Giá trị của nhân cách ở cấp độ này được thể hiện trong các hành vi ứng xử xã hội của chủ thể. Như vậy, phân tích nhân cách ở cấp độ liên cá nhân là đã tách ra thành các mức độ trong nhóm của nó (trong giai cấp, trong nhóm, trong tập thể).

(3) Ở cấp độ thứ ba, cũng là cấp độ cao nhất, cấp độ siêu nhân cách, nhân cách được xem xét như là một chủ thể đang tích cực hoạt động và gây ra những biến đổi ở người khác. Ở cấp độ này, giá trị nhân cách được xác định ở những hành động và hoạt động của nhân cách này có ảnh hưởng như thế nào đến những nhân cách khác.

2. Các đặc điểm cơ bản của nhân cách

2.1. Tính thống nhất của nhân cách

– Nhân cách là một cấu trúc tâm lý, tức là một chỉnh thể thống nhất các thuộc tính, đặc điểm tâm lý xã hội, thống nhất giữa phẩm chấy và năng lực, giữa đức và tài. Các phần tử tạo nên nhân cách liên hệ hữu cơ với nhau làm cho nhân cách mang tính trọn vẹn X.L.Rubinstêin đã nhấn mạnh “Khi giải quyết bất cứ hiện tượng tâm lý nào, nhân cách nổi lên như một tổng thể liên kết thống nhất của các điều kiện bên trong và tất cả các điều kiện bên ngoài đều bị khúc xạ”.

– Tính thống nhất của nhân cách còn thể hiện ở sự thống nhất giữa ba cấp độ : cấp độ bên trong cá nhân, cấp độ liên cá nhân và cấp độ siêu cá nhân. Đó chính là sự thống nhất giữa tâm lý, ý thức với hoạt động, giao tiếp của nhân cách.

2.2. Tính ổn định của nhân cách

– Những thuộc tính tâm lý là những hiện tượng tâm lý tương đối ổn định và bền vững. Nhân cách là tổ hợp những thuộc tính tâm lý tạo thành bộ mặt tâm lý xã hội của cá nhân, phần nào nói lên bản chất xã hội của cá nhân đó. Vì thế, các đặc điểm nhân cách cũng như cấu trúc nhân cách khó hình thành và cũng khó mất đi.

– Trong thực tế, từng nét nhân cách (cá tính, phẩm chất) có thể thay đổi trong quá trình sống của con người, nhưng nhìn một cách tổng thể thì chúng vẫn tạo thành một cấu trúc trọn vẹn, tương đối ổn định. Chính nhờ vậy, chúng ta mới có thể dự kiến trước được hành vi của một nhân cách nào đó trong một tình huống, hoàn cảnh nhất định nào đó.

2.3. Tính tích cực của nhân cách

– Nhân cách là chủ thể của hoạt động và giao tiếp, là sản phẩm của xã hội. Vì thế, tính tích cực là một thuộc tính của nhân cách. Tính tích cực của nhân cách được biểu hiện trước hết ở việc xác định một cách tự giác mục đích hoạt động, tiếp đó là sự chủ động, tự giác thực hiện các hoạt động, giao tiếp nhằm hiện thực hóa mục đích. Ở đây, nhân cách bộc lộ khả năng tự điều chỉnh và chịu sự điều chỉnh của xã hội. Đây cũng là biểu hiện của tính tích cực của nhân cách. Tùy theo mức độ và loại hình hoạt động mà mục đích của nó được nhân cách xác định là nhận thức hay cải tạo thế giới, nhận thức hay cải tạo chính bản thân mình.

– Giá trị đích thực của nhân cách, chức năng xã hội và cốt cách làm người của cá nhân thể hiện rõ nét tính tích cực của nhân cách. Tính tích cực của nhân cách cũng biểu hiện rõ trong quá trình thỏa mãn các nhu cầu của nó. Không chỉ thỏa mãn với các đối tượng sẵn có, con người luôn luôn sáng tạo ra các đối tượng mới, các phương thức thỏa mãn những nhu cầu ngày càng cao của con người. Quá trình đó luôn là quá trình hoạt động có mục đích, tự giác, trong đó con người làm chủ được những hình thức hoạt động của mình.

Trong giáo dục và dạy học với đối tượng là học sinh, những nhân cách đang hình thành và phát triển, cần chú trọng phát huy tính tích cực học tập của các em.

2.4. Tính giao lưu của nhân cách

Nhân cách chỉ có thể hình thành, phát triển, tồn tại và thể hiện trong hoạt động và trong mối quan hệ giao lưu với những cá nhân khác. Nhu cầu giao tiếp, giao lưu được xem như là một nhu cầu bẩm sinh của con người. Thông qua quan hệ giao tiếp với người khác, con người gia nhập các quan hệ xã hội, lĩnh hội các chuẩn mực đạo đức và hệ thống giá trị xã hội. Đồng thời cũng thông qua giao tiếp mà con người được đánh giá, được nhìn nhận theo quan hệ xã hội. Điều quan trọng là thông qua giao tiếp, con người còn đóng góp các giá trị nhân cách của mình cho người khác, và cho xã hội. Giao tiếp chính là điều kiện để nhân cách biểu hiện cả ba cấp độ của mình. Đặc điểm này của nhân cách là cơ cở của nguyên tắc giáo dục trong tập thể và bằng tập thể do A.X.Macarencô xây dựng.

3. Cấu trúc của nhân cách

Giống như bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào, nhân cách cũng có một cấu tạo nhất định, được đặc trưng bởi một tổ chức nhất định. Tùy theo quan niệm về bản chất nhân cách, mỗi tác giả đưa ra một cấu trúc khác nhau về nhân cách.

3.1. Loại cấu trúc 2 thành phần

– Trong tài lệu tâm lý học Việt Nam đã đưa ra quan niệm cho rằng cấu trúc của nhân cách gồm hai thành phần cơ bản là đức và tài hay còn gọi là phẩm chất và năng lực.

– Quan niệm cấu trúc nhân cách có hai tầng : Tầng “nổi” sáng tỏ gồm ý thức, tự ý thức, ý thức nhóm và tầng “sâu” tối tăm bao gồm tiềm thức và vô thức.

3.2. Loại cấu trúc 3 thành phần

– A.G.Côvaliốp cho rằng trong cấu trúc nhân cách bao gồm : các quá trình tâm lý, các trạng thái tâm lý, và các thuộc tính tâm lý cá nhân.

– S.Phrớt quan niệm cấu trúc nhân cách gồm ba phần : cái nó, cái tôi và cái siêu tôi. Mỗi bộ phận hoạt động theo nguyên tắc nhất định và có liên hệ chặt chẽ với nhau.

– Có quan điểm coi nhân cách bao gồm ba lĩnh vực cơ bản, là nhận thức (bao gồm cả tri thức và năng lực trí tuệ), tình cảm (bao gồm rung cảm và thái độ) và ý chí (bao gồm phẩm chất ý chí, kỹ năng, kỹ xảo, thói quen).

3.3. Loại cấu trúc 4 thành phần

– K.K.Platônốp cho rằng nhân cách gồm 4 tiểu cấu trúc sau :

+ Tiểu cấu trúc có nguồn gốc sinh học : bao gồm khí chất, giới tính, lứa tuổi và cả những đặc điểm tâm lý;

+ Tiểu cấu trúc các đặc điểm của các quá trình tâm lý : các phẩn chất trí tuệ, trí nhớ, ý chí, đặc điểm của cảm xúc,…

+ Tiểu cấu trúc về vốn kinh nghiệm : tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, thói quen,…

+ Tiểu cấu trúc xu hướng nhân cách : nhu cầu, hứng thú, lý tưởng, thế giới quan, niềm tin,…

– Quan điểm coi nhân cách gồm 4 nhóm thuộc tính tâm lý điển hình của cá nhân : xu hướng, tính cách, khí chất, năng lực.

– Theo nhà tâm lý học Việt Nam, Phạm Minh Hạc, thì nhân cách con người bao gồm 4 bộ phận sau :

+ Xu hướng của nhân cách;

+ Những khả năng của nhân cách;

+ Phong cách, hành vi của nhân cách;

+ Hệ thống điều khiển của nhân cách.

3.4. Loại cấu trúc gồm 5 thành phần

Nhà tâm lý học Cộng hòa Séc J.Stêfanôvic đưa ra cấu trúc nhân cách bao gồm 5 đặc điểm :

+ Đặc điểm tích cực – động cơ của nhân cách như xu hướng, nguyện vọng, hứng thú, kế hoạch sống.

+ Đặc điểm lập trường – quan hệ của nhân cách thể hiện mặt giá trị của nhân cách bao gồm lập trường, lý tưởng và quan điểm sống.

+ Đặc điểm về mặt hành động của nhân cách bao gồm tri thức, kỹ xảo và thói quen.

+ Đặc điểm tự điều chỉnh của nhân cách bao gồm tự ý thức, tự đánh giá, tự phê bình của nhân cách.

+ Đặc điểm về động thái của nhân cách thể hiện ở khí chất của nó.

3.5. Quan điểm cấu trúc nhân cách gồm 2 mặt ĐỨC và TÀI

Sau đây, chúng ta phân tích chi tiết hơn về quan điểm cấu trúc nhân cách của các nhà tâm lý học Việt Nam để có thể dễ dàng vận dụng trong công tác giáo dục thế hệ trẻ ở nước ta. Đó là quan điểm coi cấu trúc nhân cách gồm hai mặt thống nhất với nhau, đó là ĐỨC và TÀI (phẩm chất và năng lực).

– Quan điểm coi cấu trúc nhân cách gồm hai mặt thống nhất với nhau là đức và tài (phẩm chất và năng lực), có thể tóm tắt cấu trúc của nhân cách theo hướng này qua bảng sau :

4. Sự hình thành và phát triển nhân cách

4.1. Những yếu tố chi phối đến sự hình thành và phát triển nhân cách

Theo quan điểm tâm lý học mácxít, không phải con người khi được sinh ra đã có sẵn nhân cách và cũng không phải nó được bộc lộ dần dần từ các bẳn năng nguyên thủy. Nhân cách là một cấu tạo tâm lý mới được hình thành và phát triển trong quá trình sống, hoạt động, giao tiếp của mỗi người.

Như V.I.Lênin khẳng định : “Cùng với dòng sữa mẹ, con người hấp thụ tâm lý, đạo đức của xã hội mà con người là thành viên”.

Nhà tâm lý học Xô viết nổi tiếng A.N.Lêonchiép cũng chỉ ra rằng : “Nhân cách cụ thể là nhân cách con người sinh thành và phát triển theo con đường từ bên ngoài chuyển vào nội tâm, từ các quan hệ với thế giới tự nhiên, thế giới đồ vật, nền văn hóa xã hội do các thế hệ trước tạo ra, các quan hệ xã hội mà nó gắn bó”.

Trong quá trình hình thành, nhân cách bị chi phối bởi nhiều yếu tố như : yếu tố sinh thể; môi trường xã hội; giáo dục và tự giáo dục; hoạt động và giao tiếp. Mỗi yếu tố đều có vai trò nhất định. Sau đây sẽ phân tích từng yếu tố và vai trò của chúng trong việc hình thành và phát triển nhân cách.

4.1.1. Yếu tố sinh thể

Không thể có nhân cách trừu tượng ở bên ngoài một con người bằng xương, bằng thịt mà là nhân cách của một con người cụ thể sống trong một xã hội cụ thể. Ngay từ lúc trẻ em ra đời, mỗi đứa trẻ đã có những đặc điểm hình thái – sinh lý của một con người bao gồm các đặc điểm bẩm sinh và di truyền. Những thuộc tính sinh học có ngay từ lúc đứa trẻ ra đời được gọi là những thuộc tính bẩm sinh. Những đặc điểm, những thuộc tính sinh học của cha, của mẹ được ghi lại trong hệ thống gen truyền lại cho con cái và được gọi là di truyền.

Yếu tố sinh thể bao gồm các đặc điểm hình thể như cấu trúc giải phẫu sinh lý, đặc điểm cơ thể, đặc điểm của hệ thần kinh và các tư chất.

Những yêu tố sinh học này có vai trò như thế nào trong sự hình thành và phát triển nhân cách ? Theo quan điểm của tâm lý học Mácxít thì di truyền với các đặc điểm sinh học nêu trên không quyết định chiều hướng cũng như giới hạn phát triển của nhân cách con người. Mặc dù những đặc điểm sinh học có thể ảnh hưởng mạnh đến quá trình hình thành tài năng, xúc cảm, sức khỏe thể chất,…trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển con người nhưng nó chỉ đóng vai trò tạo nên tiền đề cho sự phát triển nhân cách.

4.1.2. Yếu tố môi trường

Môi trường là hệ thống các hoàn cảnh bên ngoài, các điều kiện tự nhiên và xã hội xung quanh cần thiết cho hoạt động sống và phát triển của con người. Có thể phân thành hai lại là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

– Môi trường tự nhiên bao gồm các điều kiện tự nhiên – hệ sinh thái phục vụ cho các hoạt động sinh sống của con người. Hoàn cảnh địa lý, nước, không khí, đất đai, động vật, thực vật, khí hậu, thời tiết,…đều thuộc môi trường tự nhiên.

– Môi trường xã hội bao gồm cả hệ thống quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội – lịch sử, văn hóa, giáo dục,…được thiết lập. Con người hòa nhập được với xã hội qua môi trường này. Tác động của môi trường xã hội đến sự hình thành và phát triển nhân cách qua các mối quan hệ xã hội mà mỗi cá nhân tham gia tích cực vào các mối quan hệ đó. Các mối quan hệ giữa các cá nhân được thiết lập lại do các quan hệ sản xuất, quan hệ kinh tế quyết định.

Sự hình thành và phát triển nhân cách chỉ có thể thực hiện trong một môi trường nhất định. Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đều tác động đến con người một cách tự phát hay tự giác, nhưng trước hết phải nói đến môi trường xã hội mà đặc biệt là giáo dục có tác động mạnh mẽ đến mỗi cá nhân. Vì môi trường xã hội, đặc biệt là giáo dục, góp phần tạo nên mục đích, động cơ, phương tiện và điều kiện cho hoạt động và giao lưu của cá nhân. Qua đó, con người chiếm lĩnh được các kinh nghiệm xã hội loài người. Chính trong quá trình đó nảy sinh, hình thành và phát triển nhân cách của mình.

Tuy nhiên, con người không phải là một chủ thể thụ động trước các tác động của môi trường mà là một chủ thể tích cực. Tính chất và mức độ ảnh hưởng của môi trường còn phụ thuộc vào các đặc điểm tâm lý bên trong của cá nhân như xu hướng, năng lực, thái độ, niềm tin,…và phụ thuộc vào mức độ cá nhân tham gia cải tạo môi trường. Ở đây, có sự tác động qua lại giữa các nhân cách và môi trường. Những tác động của môi trường hay hoàn cảnh sống đã được phản ánh vào nhân cách. Chính trong quá trình con người tác động cải biến hoàn cảnh nhằm phục vụ cho lợi ích của mình và xã hội thì cũng là quá trình cải tạo chính bản thân mình.

Nói về mối quan hệ này, C.Mác đã viết : “Hoàn cảnh đã sáng tạo ra con người, trong chừng mực mà con người đã sáng tạo ra hoàn cảnh”.

Vậy môi trường có vai trò như thế nào trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người ? Khi xem xét môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; khi xem xét yếu tố sinh vật và yếu tố xã hội thì cái quyết định sự hình thành và phát triển tâm lý, nhân cách là môi trường xã hội, là yếu tố xã hội.

Trong môi trường xã hội, yếu tố xã hội rộng lớn đó thì giáo dục, hoạt động, giao tiếp có tư cách như là những phương thức hay các con đường có vai trò quyết định quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Sau đây chúng ta sẽ phân tích từng con đường hình thành và phát triển nhân cách.

4.1.3. Giáo dục và nhân cách

a. Định nghĩa giáo dục

Môi trường xã hội tác động đến mỗi cá nhân một cách tự phát và tự giác nhưng chủ yếu bằng con đường tự giác là giáo dục.

Giáo dục là những tác động tự giác (có hệ thống, có mục đích, có kế hoạch, có sự chuẩn bị một lực lượng nhất định có năng lực, có phẩm chất..) của thế hệ trước đến thế hệ sau, nhằm hình thành ở thế hệ sau những phẩm chất, những năng lực,…theo yêu cầu của xã hội.

Giáo dục là hoạt động chuyên môn của xã hội nhằm hình thành và phát triển nhân cách con người theo những yêu cầu của xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Từ giáo dục thường được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

– Theo nghĩa rộng, giáo dục là toàn bộ tác động của gia đình, nhà trường, xã hội bao gồm cả dạy học và các tác động giáo dục khác đến con người.

– Theo nghĩa hẹp, giáo dục có thể xem như một quá trình tác động đến thế hệ trẻ về mặt tư tưởng, đạo đức, hành vi,…nhằm hình thành thái độ, niềm tin, thói quen cư xử đúng đắn trong gia đình, nhà trường và xã hội.

b. Vai trò chủ đạo của giáo dục đối với sự hình thành và phát triển nhân cách

Trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách thì giáo dục giữ vai trò chủ đạo (theo quan điểm của tâm lý học Mácxít). Vai trò chủ đạo của giáo dục được thể hiện ở những điểm sau :

– Thứ nhất, giáo dục vạch ra phương hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách. Vì giáo dục là một quá trình tác động có mục tiêu xác định, hình thành một mẫu người cụ thể cho xã hội, một mô hình nhân cách phát triển, đáp ứng những yêu cầu của xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Điều đó được thể hiện qua việc thực hiện mục tiêu giáo dục, đào tạo của nhà trường và các tổ chức giáo dục ngoài nhà trường.

Giáo dục bao giờ cũng căn cứ vào mục đích, yêu cầu của xã hội, căn cứ vào trình độ phát triển của khoa học kĩ thuật, để xây dựng nên mục đích giáo dục, kế hoạch, nội dung, chương trình giáo dục,…từ đó tác động đến thế hệ trẻ, điều khiển thế hệ trẻ, tạo dựng con đường “an toàn” cho thế hệ trẻ, hoàn thiện nhân cách đáp ứng yêu cầu xã hội.

– Thứ hai, thông qua giáo dục, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm xã hội – lịch sử đã được kết tinh trong các sản phẩm văn hóa vật chất và tinh thần của nhân loại.Thế hệ trẻ lĩnh hội những kinh nghiệm đó đển biến chúng thành kinh nghiệm của bản thân và tạo nên nhân cách của mình.

– Thứ ba, giáo dục có thể đem lại cho con người những cái mà các yếu tố bẩm sinh – di truyền hay môi trường tự nhiên không thể đem lại được. Ví dụ, đứa trẻ được sinh ra, theo thời gian nó được tăng trưởng, nhưng tự nó không thể biết đọc, biết viết nếu không được học chữ. Một ví dụ khác, năm 1945, 90 % dân ta mù chữ, nhưng với một lòng quyết tâm giáo dục không mệt mỏi, dân ta đã xoá mù trong một khoảng thời gian ngắn nhất.

– Thứ tư, giáo dục có thể phát huy tối đa các mặt mạnh của các yếu tố khác chi phối sự hình thành và phát triển nhân cách như các yếu tố sinh thể (bẩm sinh di truyển), yếu tố hoàn cảnh sống, yếu tố xã hội.

– Thứ năm, giáo dục có thể bù đắp cho những thiếu hụt, hạn chế do các yếu tố bẩm sinh – di truyền không bình thường, hoàn cảnh bị tai nạn hay chiến tranh gây nên. Ví dụ, giáo dục cho người bị khuyết tật, bị bệnh hoặc gặp phải hoàn cảnh không thuận lợi.

– Thứ sáu, giáo dục uốn nắn những sai lệch của nhân cách về một mặt nào đó so với các chuẩn mực, do tác động tự phát của môi trường gây nên và làm cho nó phát triển theo hướng mong muốn của xã hội. Ví dụ, hoạt động giáo dục trong các trường giáo dưỡng (giáo dục lại).

– Thứ bảy, giáo dục có thể đi trước, đón đầu sự phát triển, giáo dục có thể “hoạch định nhân cách trong tương lai” để tác động hình thành và phát triển phù hợp với sự phát triển của xã hội. Như vậy, giáo dục không chỉ tính đến trình độ hiện tại của sự phát triển nhân cách mà còn tính đến bước phát triển tiếp theo của nhân cách.

c. Kết luận

– Từ những điều nêu trên có thể nhận thấy, không thể có sự phát triển tâm lý, nhân cách của trẻ em mà không thông qua dạy học, giáo dục.

– Giáo dục giữ vai trò chủ dạo đối với sự hình thành và phát triển nhân cách, song không nên tuyệt đối hóa vai trò của giáo dục. Giáo dục không phải là vạn năng, bởi vì giáo dục chỉ vạch ra phương hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách và thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển nhân cách theo hướng đó. Còn cá nhân có phát triển theo hướng đó hay không và phát triển đến trình độ nào thì giáo dục không quyết định trực tiếp được mà cái quyết định trực tiếp lại chính là hoạt động và giao tiếp của mỗi cá nhân.

Do đó, cần phải tiến hành giáo dục trong mối quan hệ hữu cơ với việc tổ chức hoạt động, tổ chức quan hệ giao tiếp, hoạt động cùng nhau trong các quan hệ xã hội, quan hệ nhóm và tập thể. Đặc biệt, con người là thực thể tích cực, có thể tự hình thành và biến đổi nhân cách của mình một cách có ý thức, có khả năng tự cải tạo chính bản thân mình, có nhu cầu tự khẳng định, tự ý thức, tự điều chỉnh cho nên con người có hoạt động tự giáo dục.

Hoạt động này là quá trình con người biết tự kiềm chế mình, biết hướng nhu cầu, hứng thú, giá trị của mình cho phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, giá trị của xã hội. Vì vậy, giáo dục không được tách rời với tự giáo dục, tự rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách ở mỗi cá nhân.

d. Kết luận sư phạm :

– Cần phải nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển nhân cách.

– Ý thức được trách nhiệm của cán bộ giáo dục trong việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ.

– Phải luôn luôn rèn luyện bản thân để nâng cao trình độ nhận thức.

– Đặc biệt phải có lòng nhiệt tình, yêu nghề, yêu trẻ.

4.1.4. Hoạt động cá nhân và nhân cách

Mọi tác động có mục đích tự giác của giáo dục sẽ không có hiệu quả, nếu cá nhân con người không tiếp nhận tác động đó, nếu họ không trực tiếp tham gia vào hoạt động để hình thành nhân cách của mình. Do đó, hoạt động của cá nhân mới là yếu tố quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách.

a. Định nghĩa hoạt động

Hoạt động là phương thức tồn tại của con người. Hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, mang tính xã hội, mang tính cộng đồng và được thực hiện bằng những thao tác nhất định với những công cụ nhất định.

Vì vậy, mỗi loại hoạt động có những yêu cầu nhất định và đòi hỏi ở con người những phẩm chất tâm lý nhất định. Quá trình tham gia hoạt động làm cho con người hình thành những phẩm chất đó. Vì thế, nhân cách của họ được hình thành và phát triển.

b. Vai trò của hoạt động cá nhân đối với sự hình thành và phát triển nhân cách

Giáo dục và hoạt động cá nhân đều quyết định sự phát triển nhân cách. Nhưng giáo dục quyết định gián tiếp, còn hoạt động của cá nhân quyết định trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người.

– Thứ nhất, thông qua quá trình đối tượng hóa và chủ thể hóa trong hoạt động mà nhân cách được bộc lộ và hình thành. Con đường lĩnh hội kinh nghiệm xã hội và lịch sử xã hội bằng hoạt động của bản thân để hình thành nhân cách. Mặt khác, cũng thông qua hoạt động “xuất tâm” lực lượng bản chất như sức mạnh thần kinh, cơ bắp, trí tuệ, năng lực,…của con người vào xã hội, đã tạo nên sự đại diện nhân cách của con người trong người khác. Đây là sự sáng tạo, là những đóng góp của nhân cách vào sự phát triển xã hội.

– Thứ hai, hoạt động để lại những dấu ấn lên chính con người, tâm lý được hình thành và phát triển trong hoạt động và bằng hoạt động. Mỗi một dạng hoạt động đều đề ra cho con người những yêu cầu nhất định, đòi hỏi con người thực hiện nó và tạo điều kiện cho con người thực hiện các yêu cầu đó.

– Thứ ba, thông qua các dạng hoạt động khác nhau mà con người có điều kiện thể hiện năng lực, phẩm chất của bản thân, có cơ hội thể nghiệm một cách thực tế những mặt mạnh, mặt yếu, những điểm cần rèn luyện, những điểm nên phát huy của bản thân. Ví dụ, trong công việc học tập của sinh viên, sinh viên nào hăng say nghiên cứu, học tập, tìm tòi tự khắc sẽ phát hiện ra những ưu nhược điểm của mình và sẽ có cách phát huy cũng như hạn chế những ưu khuyết điểm đó, mục đích là để hoàn thiện nhan cách bản thân.

– Thứ tư, mối quan hệ giữa hoạt động và sự phát triển nhân cách là mối quan hệ biện chứng. Tuỳ thuộc vào tính chất và nội dung của hoạt động khác nhau, mà hoạt động có thể tạo điều kiện cho sự phát triển nhân cách ở những mức độ khác nhau. Nói chung, hoạt động càng phong phú, phức tạp sẽ càng thuận lợi và tạo điều kiện cho cá nhân phát triển hơn. Mặt khác, cá nhân càng phát triển thì càng có thể tham gia vào các hoạt động phức tạp hơn.

– Phân loại hoạt động: Dựa vào mức độ của các yếu tố trong hoạt động, người ta có thể phân chai hoạt động thành hoạt động “bột phát” và hoạt động có ý thức.

+ Hoạt động “bột phát” là những hành vi, hành động mà người ta thực hiện ngay lập tức khi có tác động, khi còn thiếu sự suy nghĩ, thiếu sự đối chiếu với các yêu cầu của hoạt động, thiếu sự đối chiếu với chuẩn mực đạo đức và hoàn cảnh cụ thể (Hoạt động này thường diễn ra ở trẻ em hoặc ở người lớn trong các tình huống nguy hiểm, khẩn cấp, tâm trạng căng thẳng, hoặc khi con người tập trung quá cao độ vào một vấn đề nào đó, hoặc đang xúc động mạnh).

+ Hoạt động có ý thức là hoạt động có ý chí, con người ý thức được động lực thúc đẩy nó, đối chiếu với hoàn cảnh mình đang sống, tính đến hiệu quả và chú ý đến yêu cầu của xã hội, của hành động, yêu cầu của chuẩn mực hành vi,…Hoạt động có ý thức cũng được chia thành hai mức độ: (1) Hoạt động có ý thức, nhưng làm theo yêu cầu của người khác, cuả xã hội, (2)Hoạt động có ý thức, độc lập và theo quan điểm của chính mình. Nhân cách của cá nhân chỉ thực sự trưởng thành khi tham gia tích cực các hoạt động tự ý thức ở mức độ (2).

c. Kết luận sư phạm

– Hiểu được mối quan hệ giữa hoạt động và nhân cách nên hoạt động phải được coi là một phương tiện giáo dục cơ bản. Nhưng không phải ở tất cả các giai đoạn hay thời kỳ phát triển và cũng không phải tất cả các dạng hoạt động đều có tác động như nhau đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Theo quan điểm của nhà tâm lý học nổi tiếng A.N.Lêônchiép thì có những dạng hoạt động đóng vai trò chủ đạo gọi là hoạt động chủ đạo trong sự phát triển nhân cách, còn các dạng hoạt động khác đóng vai trò thứ yếu.

– Do đó, cần phải hiểu rõ, sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người phụ thuộc vào hoạt động chủ đạo ở mỗi thời kỳ nhất định. Muốn hình thành nhân cách, con người phải tham gia vào các dạng hoạt động khác nhau, trong đó đặc biệt chú ý tới vai trò của hoạt động chủ đạo. Vì thế phải lựa chọn, tổ chức và hướng dẫn các hoạt động đảm bảo tính giáo dục và tính hiệu quả đối với việc hình thành và phát triển nhân cách ở học sinh.

– Trong công tác giáo dục cần chú ý thay đổi làm phong phú nội dung, hình thức, cách thức tổ chức hoạt động để lôi cuốn cá nhân tham gia tích cực, tự giác vào các hoạt động học tập.

– Hoạt động của con người luôn mang tính chất xã hội, tính cộng đồng. Điều đó cũng có nghĩa là hoạt động luôn luôn gắn liền với giao tiếp. Vì thế, giao tiếp cũng là một con đường cơ bản để hình thành và phát triển nhân cách.

d. Kết luận cho việc học tập và rèn luyện của bản thân

– Trước hết, phải nhận thức rõ được vai trò quyết định trực tiếp của hoạt động cá nhân đối với sự hình thành và phát triển nhân cách bản thân.

– Phải tích cực tham gia trực tiếp vào các hoạt động mới mẻ để trải nghiệm những kinh nghiệm những kinh nghiệm thực tiễn.

– Ở mỗi một giai đoạn nên xác định, xây dựng một kế hoạch hoạt động cụ thể. Kế hoạch hoạt động sẽ định hướng cho bản thân và mô hình hoá nhân cách của mình trong tương lai gần.

– Phải thường xuyên thay đổi các hình thức hoạt động và nâng cao dần mức đội hoạt từ dễ đến khó hơn, từ đơn giản đến phức tạp hơn, để có thể thử sức mình và trưởng thành hơn sau mỗi lần thử sức đó.

– Đặc biệt phải nhận thức và thực hiện hành động một cách tự giác, tự ý thức, tuyệt đối không tham gia hoạt động vì yêu cầu gián tiếp của xã hội, của người khác mà phải tham gia tích cực, độc lập dựa trên quan điểm của chính mình.

4.1.5. Giao tiếp và nhân cách

a. Định nghĩa giao tiếp

Cùng với hoạt động của cá nhân, giao tiếp cũng là một con đường quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách.

– Giao tiếp là sự tiếp xúc giữa người với người, trong quá trình đó con người trao đổi tư tưởng, tình cảm, thông tin, tác động qua lại lẫn nhau.

– Có thể xem giao tiếp là một dạng hoạt động đặc biệt của hoạt động vì trong giao tiếp con người có hoạt động với những người khác, nhưng trong giao tiếp vai trò của chủ thể và khách thể có thể chuyển hoá cho nhau.

b. Vai trò của giao tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách

Giao tiếp là một trong những con đường cơ bản để hình thành và phát triển nhân cách. Vì thế, giao tiếp có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách. Liên quan đến vấn đề này, nhà tâm lý học Xô viết B.F.Lômô đã viết : “Khi chúng ta nghiên cứu lối sống của một cá nhân cụ thể, chúng ta không thể chỉ giới hạn ở sự phân tích xem nó làm cái gì và làm như thế nào, mà chúng ta còn phải nghiên cứu xem nó giao tiếp với ai và giao tiếp như thế nào”.

Nói về vai trò của giao tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách, C.Mác nói : “Sự phát triển của một cá nhân được quy định bởi sự phát triển của tất cả các cá nhân khác mà nó giao lưu một cách trực tiếp hay gián tiếp với họ”.

– Trong hoạt động có đối tượng, đối tượng của hoạt động đều là những khách thể chứa đựng những đặc trưng tâm lý nhất định đã được “gửi” vào trong đó. Vì vậy, trong hoạt động có tượng, chủ thể tác động qua lại với những hiện tượng tâm lý riêng rẽ của loài người và biến đổi tương ứng với chúng. Trong hoạt động nói chung, ở chủ thể sẽ hình thành nên những đặc điểm tâm lý chi phối mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, chủ yếu như tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, năng lực,…

Trong hoạt động giao tiếp, đối tượng của hoạt động lại là những con người, những nhân cách trọn vẹn, trong giao tiếp diễn ra mối quan hệ giữa chủ thể với chủ thể, tức là mỗi chủ thể tác động qua lại với những tổng thể tâm lý phức tạp, sống động, có ý thức…Do đó, thông qua giao tiếp, ở chủ thể sẽ hình thành nên những thuộc tính có tính chất tổng hợp của nhân cách, và liên quan nhiều hơn đến mối quan hệ giữa con người với con người. Ví dụ như; niềm tin, định hướng giá trị, thái độ ân cần, tôn trọng, trung thực, lòng vị tha,…

→ Như vậy, hoạt động đối tượng liên quan nhiều hơn đến việc hình thành mặt năng lực của nhân cách, còn hoạt động giao tiếp liên quan nhiều hơn đến việc hình thành mặt đạo đức, ý thức, phẩm chất của nhân cách.

– Giao tiếp có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội cũng như mỗi cá nhân :

+ Đối với xã hội : Xã hội là cộng đồng người, sẽ không có xã hội nếu không có sự giao tiếp giữa người với người, giao tiếp phục vụ nhu cầu chung của xã hội, của một nhóm người trong xã hội, nhằm tổ chức, điều khiển, phối hợp những hoạt động chung, những thông tin giữa các nhóm, các tập thể tạo thành xã hội. Ví dụ: Hò kéo pháo

+ Đối với cá nhân : Giao tiếp là điều kiện tồn tại, là nhân tố quyết định phát triển tâm, nhân cách của mỗi cá nhân. Mác nói “Sự phát triển của một cá nhân được quy định bởi sự phát triển của tất cả các cá nhân khác mà nó giao lưu một cách trực tiếp và gián tiếp với cá nhân đó”. Giao tiếp phục vụ nhu cầu của từng thành viên trong xã hội.

– Có thể nói, nhu cầu giao tiếp là nhu cầu xã hội xuất hiện sớm nhất ở con người. Nếu nhu cầu này không được thoả mãn con người sẽ có những rung động tiêu cực, có những lo âu về một cái gì đó không hay.

+ Nếu giao tiếp của trẻ nhỏ với người lớn không đầy đủ về số lượng, nghèo nà về mặt nội dung thì sẽ dẫn tới những hậu quả nặng nề như trẻ sẽ bị trì trệ trong sự phát triển tâm lý cũng như thể chất.

+ Sự phát triển tâm lý của con người là quá trình họ lĩnh hội những kinh nghiệm xã hội – lịch sử, trẻ chỉ có thể lĩnh hội được những kinh nghiệm xã hội – lịch sử trong quá trình giao tiếp với những người xung quanh, chính trong quá trình giao tiếp với những người khác mà nhân cách con người được hình thành và phát triển và giao tiếp là nhân tố cơ bản của sự phát triển nhân cách đó.

– Thông qua giao tiếp con người học được cách đánh giá hành vi, thái độ của những người xung quanh, lĩnh hội được những tiêu chuẩn đạo đức của xã hội,…một cách trực tiếp từ cuộc sống vận dụng nó vào thực tiễn để tự đánh giá chính bản thân mình.

– Cũng nhờ giao tiếp mà con người tham gia vào các mối quan hệ xã hội, lĩnh hội những kinh nghiệm xã hội – lịch sử, và tổng hoà các mối quan hệ xã hội tạo thành bản sắc riêng của mỗi cá nhân.

– Giao tiếp còn thúc đẩy ở con người hình thành những hứng thú nhận thức và các hứng thú hoạt động khác nhau. Thông qua đó họ có điều kiện tự thể hiện mình, có điều kiện thoả mãn nhu cầu tự khẳng định mình của bản thân.

– Thông qua giao tiếp mà con người có thể nhận thức được bản thân, nhờ giao tiếp con người so sánh, đối chiếu những điều họ quan sát được ở chính mình với những điều họ quan sát được ở những người khác, cùng với những mong muốn ở những người xung quanh (nhất là những người gần gũi với họ) từ đó họ có điều kiện hình thành khả năng tự ý thức, tự điều chỉnh những hành vi của mình sao cho phù hợp với những những người khác, phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội. (Đây là một điều kiện bên trong cơ bản của tự giáo dục).

Như vậy, cùng với hoạt động thì giao tiếp giúp cho con người hoàn thiện nhân cách của mình.

c. Kết luận

– Cần tiến hành tổ chức, điều khiển giao tiếp của các cá nhân thật phong phú, theo đúng yêu cầu của xã hội.

– Phải phát triển tính cá thể, muốn vậy phải hiểu được những đặc điểm giao tiếp của đối tượng như; phạm vi giao tiếp, khách thể giao tiếp, tính chất giao tiếp, ảnh hưởng qua lại của các cá nhân ra sao,…

4.1.6. Tập thể và nhân cách

a. Khái niệm

– Nhóm là một tập hợp người được thống nhất lại theo mục đích chung. Hình thức phát triển cao nhất của nhóm là tập thể. Tập thể là một nhóm người, một bộ phận của xã hội được thống nhất lại theo mục đích chung, phục tùng các mục đích xã hội.

+ Tập thể cơ bản là những tổ chức hoạt động tương đối độc lập của con người. Ví dụ nhà trường là một tập thể cơ bản.

+ Tập thể cơ sở bao gồm những người ra nhập vào tập thể cơ bản với tư cách là một bộ phận của nó, nhưng mọi người trong tập thể cơ sở có quan hệ với nhau một cách trực tiếp khi thực hiện chức năng của mình. VD: Lớp học là tập thể cơ sở.

b. Vai trò của tập thể đối với sự hình thành và phát triển nhân cách.

Tập thể có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển nhân cách:

– Tập thể không chỉ là khách thể của sự giáo dục mà đồng thời nó còn là chủ thể của hoạt động giáo dục :

+ TT học sinh không chỉ thể hiện những yêu cầu của xã hội, của giáo dục, mà còn tự đề ra các yêu cầu cho các thành viên của mình.

+ Học sinh với tư cách là một thành viên trong TT, có thể tự mình ảnh hưởng tới các quan hệ xã hội trong TT, mỗi cá nhân không chỉ tự thực hiện những yêu cầu của TT mà còn đề ra các yêu cầu, tiêu chuẩn cho hành vi của TTvà của cá nhân. Những yêu cầu đó luôn tác động lẫn nhau, làm phong phú lẫn nhau.

+ TT không chỉ cùng nhau thực hiện những yêu cầu, kế hoạch đã đặt ra mà còn có thể đôn đốc, kiểm tra lẫn nhau.

+ Ảnh hưởng của tập thể đến cá nhân phụ thuộc vào mức độ phát triển của tập thể.

+ Các giai đoạn phát triển của cá nhân cũng ảnh hưởng đến sự tác động của TT đến cá nhân.

– Có thể nói, tác động của TT đến nhân cách trước hết phụ thuộc vào quá trình hoạt động cùng nhau :

+ Hoạt động cùng nhau có ý nghĩa quan trọng ở chỗ nó tạo ra sự tác động qua lại giữa các cá nhân, tạo ra sự hợp tác có tính chất xã hội cả ở hoạt động bên ngoài lẫn hoạt động bên trong, do vậy nó thúc đẩy sự phát triển của tập thể, thúc đẩy sự hình thành chủ nghĩa xã hội của TT.

+ Hoạt động cùng nhau có thể có nhiều mức độ khác nhau :

● Mức độ 1: Hoạt động của cá nhân vượt qua khuôn khổ của nhu cầu về chính mình một cách tương đối, có thể giới hạn về nhu cầu với một người khác. Ban đầu có thể tiếp nhận từ người đó một tác động hoặc có thể gắn bó về thời gian, không gian hoạt động. Nhưng ban đầu sự hoạt động, tác động lẫn nhau còn chưa thường xuyên.

● Mức độ 2: Hoạt động được thể hiện như là sự phân chia trao đổi lẫn nhau, đồng thời cũng gắn với sự phân chia, trao đổi phương tiện và đối tượng hoạt động. Hoạt động cùng nhau dẫn đến sự cần thiết phải có kế hoạch, tổ chức, hợp tác một cách có ý thức. Vì vậy, hoạt động cần có sự điều chỉnh mục đích chung, cần có sự chú ý đến tiêu chuẩn chung, cần có sự phối hợp với nhau, từ đó hoạt động cùng nhau sẽ nâng cao ảnh hưởng lẫn nhau trong TT.

● Mức độ 3: Hoạt động cùng nhau trở thành hoạt động xã hội một cách trực tiếp và có ý thức; các cá nhân cùng hướng tới việc đạt được mục đích, kết quả, đánh giá, quan điểm chung, từ đó hoạt động cùng nhau của TT có ảnh hưởng rõ rệt nhất tới nhân cách của cá nhân.

+ Tính chất của hoạt động, mục đích, yêu cầu xã hội của hoạt động và yêu cầu, mức độ sự cộng tác cần thiết trong hoạt động và cả loại hình hoạt động đều ảnh hưởng đến đặc điểm quan hệ xã hội của các cá nhân trong TT.

+ Đến lượt mình các quan hệ xã hội lại tạo điều kiện quan trọng để chuyển hoá một cá nhân thành một nhân cách, thông qua quan hệ xã hội đó mà bản thân có cơ hội phát triển thông qua các hướng sau đây :

● Ảnh hưởng đến tính tích cực, sáng tạo và sự tham gia có trách nhiệm của cá nhân vào việc lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch.

● Ảnh hưởng đến tính đồng đội, sự sẵn sàng giúp nhau giữa các cá nhân, các nhóm, ảnh hưởng đến sự quan tâm, tin cậy lẫn nhau và đoàn kết giữa các cá nhân.

● Ảnh hưởng đến sự nỗ lực chung, nhằm tạo ra khả năng, thành tích của cá nhân và của TT

● Ảnh hưởng tới sự giáo dục lẫn nhau và tự giáo dục của cá nhân và quá trình hoạt động cùng nhau. Nói cách khác, nó đồng nhất hoá một cách có ý thức của cá nhân với nhóm, với TT, với các nhiệm vụ của TT.

– Cơ chế của sự tác động mạnh mẽ nhất của TT đến sự phát triển nhân cách cá nhân là dư luận xã hội, truyền thống tập thể, bầu không khí tâm lý và đạo đức của TT.

+ Dư luận xã hội là trạng thái ý thức của xã hội bao hàm thái độ (kín đáo hoặc rõ rệt) của con người đối với các hiện tượng và các sự kiện của hoạt động xã hội đối với hoạt động của các nhóm xã hội và mỗi cá nhân.

+ Dư luận xã hội là phán đoán, là ý kiến chung của nhiều người về một vấn đề, một sự kiện, một TT, hoặc một cá nhân nào đó. Dư luận xã hội có thể ở phạm vi rộng hoặc hẹp, nội dung có thể tích cực hoặc tiêu cực, tác động có thể âm tính hoặc dương tính.

+ Dư luận xã hội khác tin đồn ở chỗ, dư luận xã hội bao giờ cũng mang tính công khai, chính thức, nó được biểu hiện ở những lập luận khác nhau, xuất hiện trong quá trình trao đổi ý kiến, tranh cãi, thảo luận, đánh giá. Tin đồn thì ngược lại.

+ Trong quá trình giao tiếp giữa các thành viên trong TT luôn luôn diễn ra sự trao đổi thông tin, ý nghĩ, tư tưởng, từ đó hình thành nên hệ thống giá trị tư tưởng, định hướng giá trị, những nhận định chung. Thông qua đó mỗi cá nhân tiếp thu được những kinh nghiệm xã hội, giá trị xã hội.

Dư luận xã hội là sự kết tinh những yêu cầu của TT đối với từng thành viên và cả những yêu cầu của cá nhân đối với TT và đối với chính mình. Như vậy, thông qua dư luận của tập thể, tập thể biến yêu cầu của xã hội thành yêu cầu của cá nhân, cũng nhờ vậy mà những yêu cầu của xã hội, giá trị của xã hội được tập thể thừa nhận trở thành tiêu chuẩn ảnh hưởng đến nhân cách mỗi cá nhân.

+ Nhận xét: TT càng phát triển, dư luận của TT càng được trao đổi công khai, có tổ chức và bình đẳng, càng dễ thống nhất và trở thành phương trâm kiểm tra hành vi của cá nhân trong TT, điều chỉnh hành vi của cá nhân.

Ngược lại, cá nhân càng gắn bó với TT, càng có nhu cầu được TT thừa nhận, tôn trọng, khen ngợi. Nhu cầu này thúc đẩy cá nhân tiếp thu và chấp nhận những yêu cầu của TT, biến nó thành những yêu cầu riêng.

Mặt khác, dư luận xã hội của tập thể cũng giúp phán đoán của cá nhân bớt chủ quan, thiên vị, trở nên khách quan, phù hợp với những yêu cầu chung.

Con người càng cảm thấy gắn bó với TT, càng cảm thấy an toàn trong TT, thì vị thế của anh ta trong TT càng bền vững, từ đó kéo theo mục đích hoạt động, những mong muốn, xúc cảm và cả tư duy của anh ta càng phong phú hơn.

Trong một TT tốt, TT phát triển ở giai đoạn cao, cá nhân được giáo dục về tình bạn, tình đồng đội, tinh thần đoàn kết rộng rãi, sự tôn trọng ý kiến của TT, sự tôn trọng và sẵn sàng tôn trọng ý kiến của bạn bè khi cần, nó còn rèn luyện cho con người nhiều phẩm chất, tính cách tốt như; ham hiểu biết, lòng yêu lao động, kiên trì, tự chủ, trung thực, độc lập,…

c. Kết luận

– Phải tổ chức, điều khiển tác động của tập thể đến cá nhân, phải tổ chức các hoạt động cùng nhau trong TT.

– Phương pháp tổ chức phải hấp dẫn và phải lựa chọn những công việc có ý nghĩa xã hội. Vì hoạt động của tập thể không chỉ cần thiết để TT tồn tại mà còn cần thiết cho sự phát triển của mỗi người, điều quan trọng là phải kích thích, lôi kéo các cá nhân tham gia vào TT.

– Để tác động của TT đến cá nhân có hiệu quả phải tổ chức, xây dựng dư luận tập thể lành mạnh, tích cực.

– Phải tổ chức các tác động của tập thể đến từng cá nhân, huy động những người này tác động đến những người khác.

– Phải tổ chức đúng đắn hệ thống lãnh đạo và phục tùng lẫn nhau.

Tóm lại, cả sáu yếu tố : sinh thể, môi trường, giáo dục, hoạt động, giao tiếp, tập thể đều tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách, nhưng có vai trò không giống nhau. Theo quan điểm của tâm lý học Mácxít, yếu tố sinh thể giữ vai trò làm tiền đề; yếu tố môi trường xã hội có vai trò quyết định; yếu tố giáo dục giữ vai trò chủ đạo; hoạt động cá nhân có vai trò quyết định trực tiếp; giao tiếp và tập thể giữ vai trò quan trọng và căn bản trong việc hình thành và phát triển nhân cách.

4.2. Tự giáo dục hay tự hoàn thiện nhân cách

4.2.1. Định nghĩa

– Con người là một thực thể tích cực, có khả năng cải tạo hoàn cảnh xung quanh, đồng thời có khả năng tự uốn nắn, cải tạo bản thân để ngày một hoàn thiện hơn.

– Tự hoàn thiện nhân cách hay chính xác là tự giáo dục là một hoạt động tự giác có hệ thống của cá nhân, nhằm hình thành cho mình những phẩm chất nhân cách có giá trị xã hội, khắc phục những thiếu sót của hành vi, những nét, những phẩm chất xấu để tự hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu của xã hội và kế hoạch phát triển của cá nhân.

– Tự giáo dục là dạng cao nhất của hoạt động vì trong tự giáo dục chủ thể và khách thể của hoạt động đồng nhất với nhau.

4.2.2. Biểu hiện của tự hoàn thiện nhân cách

– Tự giáo dục là yếu tố quyết định trực tiếp đối với sự phát triển nhân cách cá nhân. So với hoạt động và giao tiếp, nó có ý nghĩa to lớn hơn vì :

+ Tự giáo dục nhằm mục đích chuẩn bị tốt hơn nghĩa vụ xã hội cho mỗi cá nhân, Lênin cho rằng “Tự giáo dục của thanh niên là một công việc có ý nghĩa đặc biệt, nó giúp cho con người xã hội hoá trở thành một nhân cách”.

+ Thực tiễn đã chứng minh khả năng to lớn của tự giáo dục, đã có không ít các nhà khoa học, hồi nhỏ ít được giáo dục và học tập nhưng nhờ sự nỗ lực lớn ở tuổi thanh niên và lúc trưởng thành mà nhân cách của họ được phát triển cao trở thành những nhân vật vĩ đại. (Lepxtonxtoi, Thầy Nguyễn Ngọc Ký)

– Việc tự giáo dục thực sự cần thiết cho cả xã hội và cho mỗi cá nhân :

+ Với cá nhân : Khi con người phát triển về thể lực, trí tuệ, đạo đức, khi sự hiểu biết, hoạt động và tiếp xúc xã hội của cá nhân được mở rộng và trở nên sâu sắc hơn thì cá nhân sẽ nảy sinh nhu cầu có tính chất hai mặt : Một mặt nảy sinh những đòi hỏi, những hứng thú mới cần được thoả mãn; Một mặt lại nảy sinh nhu cầu loại trừ những thiếu xót của bản thân, nhất là những thiếu xót làm cản trở cá nhân đạt được những mục tiêu mới cao hơn, chính nhu cầu thứ hai này đã thúc đẩy con người rèn luyện để thay đổi và hoàn thiện mình.

Con người còn là một thực thể có ý thức, biết hướng tới tương lai. Do vậy mỗi người không chỉ tự chuẩn bị cho mình, đáp ứng những yêu cầu trước mắt, mà còn chuẩn bị cho cả tương lai. Vì thế mà con người tích cực học tập và rèn luyện.

+ Với xã hội : Xã hội và tập thể luôn luôn phát triển, luôn đề ra cho các thành viên của mình những yêu cầu mới ngày càng tăng, điều này làm nảy sinh ở con người ý thức về sự cần thiết phải rèn luyện bản thân, con người phải tính đến các yêu cầu của xã hội, phải tự hoàn thiện mình.

Con người luôn luôn phải tham gia vào một lĩnh vực hoạt động nhất định trong xã hội, mỗi một lĩnh vực hoạt động đều đề ra cho con người những yêu cầu nhất định về sức lực, trí tuệ, ý trí, các phẩm chất,…Con người phải luôn tự hoàn thiện mình để có thể đáp ứng được các yêu cầu đó.

– Cá nhân càng phát triển, thì tự giáo dục càng có vai trò to lớn hơn, nổi bật hơn và có hiệu lực hơn. Mọi tác động bên ngoài đều được chuyển hoá vào cá nhân thông qua tự giáo dục.

4.2.3. Điều kiện để tự giáo dục có hiệu quả

– Cơ thể phát triển đến một mức độ nhất định như trí tuệ, tâm lý, ý thức, ý chí,…

– Động cơ của tự giáo dục là các mâu thuẫn (mâu thuẫn giữa yêu cầu của xã hội với mức độ phát triển hiện tại của cá nhân), cá nhân phải thấy được những mặt mạnh, mặt yếu của bản thân. Khi nhận thức được những yêu cầu của xã hội mà mình chưa đáp ứng được, phải cảm thấy cần thiết và nảy sinh nhu cầu muốn thay đổi.

Như vậy, cá nhân phải nhận thức được các yêu cầu của xã hội, thấy được các yêu cầu đó là cần thiết với chính bản thân mình, khi đó xuất hiện nhu cầu muốn thay đổi bản thân, tin vào khả năng có thể thay đổi được của bản thân kết hợp với khả năng tự ý thức luôn ở mức cao, từ đó giúp cá nhân nhận thức được mặt mạnh, mặt yếu của mình. Đến đây, cá nhân mới có thể tiến hành tự giáo dục đạt kết quả cao.

– Phải biết xây dựng kế hoạch và biện pháp tự giáo dục

– Phải có sự điều khiển, ủng hộ, giúp đỡ của tập thể.

4.2.4. Kết luận sư phạm

– Giúp cho học sinh đánh giá đúng bản thân và có thái độ phê phán đúng mức về bản thân;

– Giúp học sinh có lòng mong muốn, tin vào sự thay đổi của bản thân;

– Giúp học sinh có kế hoạch và tìm được biện pháp tích cực để rèn luyện;

– Giúp học sinh thấy được những mâu thuẫn nội tại của bản thân và có nhu cầu giải quyết những mâu thuẫn ấy để hoàn thiện hơn;

– Tập thể phải khuyến khích, động viên sự tự giáo dục của cá nhân, thừa nhận sự thay đổi tích cực của cá nhân.

4.3. Những sai lệch trong sự phát triển nhân cách

Phát triển nhân cách là quá trình cá thể hóa ý thức xã hội. Đó là quá trình cá nhân tiếp thu, lĩnh hội nền văn hóa xã hội để trở thành những phẩm chất, năng lực người. Tuy nhiên, trong quá trình này, không phải không có những sai lệch nhất định. Những sai lệch đó được biểu hiện ra bên ngoài bằng những hành vi lệch chuẩn.

4.3.1. Chuẩn mực của hành vi

a. Góc độ xem xét chuẩn mực của hành vi

Có ít nhất 3 góc độ để xem xét chuẩn mực hành vi :

– Chuẩn mực xét về mặt thống kê : đại đa số các thành viên trong cộng đồng có hành vi tương tự như nhau, trong các hoàn cảnh xác định nào đó thì hành vi đó được xem xét như là chuẩn mực. Những hành vi nào khác như vậy thì được gọi là lệch chuẩn.

– Chuẩn mực hướng dẫn hay quy ước do cộng đồng hay do xã hội đặt ra. Loại chuẩn mực này được đưa ra trên cơ sở những yêu cầu chung của cộng đồng đối với từng thành viên (pháp luật, đạo đức, truyền thống,…). Những hành vi nào khác với hướng dẫn, quy định thì được gọi là hành vi lệch chuẩn.

– Chuẩn mực chức năng : loại chuẩn mực này được xác định ở mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân khi hành động đều đặt ra mục đích cho hành động của mình. Vì vậy, một hành vi được xem là hợp chuẩn là hành vi phù hợp với mục đích đặt ra. Còn hành vi không phù hợp với mục đích đặt ra là hành vi lệch chuẩn.

Như vậy, sự hợp chuẩn hay lệch chuẩn của một hành vi không phải do cá nhân phán xét mà phải xem xét hành vi đó có được môi trường chấp nhận hay không.

b. Các mức độ sai lệch hành vi

Có hai mức độ sai lệch hành vi :

– Sai lệch ở mức độ thấp và chỉ ở một số hành vi : cá nhân có những hành vi không bình thường nhưng không ảnh hưởng tới hoạt động chung của cộng đồng, đến đời sống cá nhân và gia đình họ. Mức độ này chưa có gì trầm trọng, mọi người xung quanh vẫn có thể chấp nhận được tuy họ không thật sự thoải mái.

– Sai lệch ở mức độ cao và ở hầu hết các hành vi của cá nhân, từ hành vi trong sinh hoạt đến lao động sản xuất, vui chơi, giải trí,…Những hành vi sai lệch ở mức độ này ảnh hưởng đến đời sống cá nhân họ và hoạt động chung của cộng đồng. Sai lệch ở mức độ này thường là các rối loạn hành vi bệnh lý, cần có sự chuẩn đoán và chữa trị của y tế.

4.3.2. Các loại sai lệch hành vi và cách khắc phục

Căn cứ vào mức độ nhận thức và chấp nhận chuẩn mực đạo đức, có thể chia làm hai loại sai lệch hành vi :

– Sai lệch thụ động : Những sai lệch hành vi do cá nhân không nhận thức đầy đủ hoặc nhận thức sai các chuẩn mực đạo đức xã hội. Ví dụ, người quá cẩn thận đến nhà ai mời uống nước cũng không dám uống vì sợ mắc bệnh truyền nhiễm.

Cách khắc phục : Với những người có hành vi sai lệch do không hiểu biết đầy đủ về chuẩn mực, cần cung cấp thêm kiến thức về chuẩn mực đạo đức cho họ. Đối với những người do hiểu sai chuẩn mực hoặc chưa chấp nhận chuẩn mức, cần có sự thuyết phục từ từ để họ hiểu đúng chuẩn mực, từ đó sẽ tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Đối với những người bước đầu có biểu hiện bệnh lý, cần có thời gian và sự tiếp xúc nhiều để họ nhận thấy sự khác thường trong hành vi của mình, từ đó có hướng khắc phục.

– Sai lệch chủ động : Những sai lệch hành vi do cá nhân cố ý làm khác đi so với người khác và so với chuẩn mực đạo đức xã hội. Ở đây cá nhân có thể nhận thức được yêu cầu của chuẩn mực đạo đức nhưng vẫn cố làm theo ý mình, mặc dù biết là không phù hợp. Nguyên nhân là do cá nhân không kiềm chế nổi chu cầu của mình, do ý thức tuân theo chuẩn mực còn yếu hoặc do chuẩn mực của thể chế xã hội chưa nghiêm.

Cách khắc phục : Đối với loại sai lệch hành vi chủ động, cần có sự giáo dục thường xuyên của cộng đồng; dư luận lên án của cộng đồng, sự trừng phạt của cộng đồng, tích cực ngăn ngừa sự sai lệch hành vi bằng cách tạo ra môi trường cộng đồng đoàn kết, trong sạch, không có cơ hội cho các hành vi lệch chuẩn xuất hiện.

Tóm lại, sự sai lệch hành vi gây nên hậu quả xấu cho xã hội và cho mỗi cá nhân. Nó có thể gây thiệt hại về kinh tế, mất trật tự xã hội, tổn thương tâm lý, tinh thần và thể xác, suy thoái nhân cách. Vì thế cần tăng cường giáo dục hành vi cho con người ngay từ nhỏ, chú trọng ngăn ngừa các hành vi sai lệch và trừng phạt thích đáng các hành vi sai lệch do cố ý gây hậu quả nghiêm trọng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Quang Uẩn (Chủ biên), Nguyễn Văn Lũy, Đinh Văn Vang, Giáo trình Tâm lý học đại cương, NXB Đại học sư phạm, 2007.

2. Nguyễn Xuân Thức (Chủ biên), Giáo trình Tâm lý học đại cương, NXB Đại học sư phạm, 2007.

3. Ngô Minh Duy, Tâm lý học đại cương (Tài liệu lưu hành nội bộ), Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM.

4. Nguyễn Văn Tường, Đề cương bài giảng tâm lý học nhân cách, 2010.

5. Nguyễn Văn Tường, Đề cương bài giảng tâm lý học nhận thức 2010.

#Blog #hoànthiện #Chiasẻ #giáodục #Nhâncách #Hoànthiện #Tựgiáodục