Nhân cách là gì? Đặc điểm, cấu trúc, ví dụ nhân cách con người

Nhà tâm lý học Xô Viết( cũ) X.L.Rubinstein đã viết: “ Con người là cá tính do nó có những thuộc tính đặc biệt, không lặp lại, con người là nhân cách do nó xác định được quan hệ của mình với những người xung quanh một cách có ý thức”.

 

1. Đôi lời về nhân cách con người trong nghiên cứu hiện nay.

Từ xưa đến nay, khi xem xét con người với tư cách là thành viên của xã hội nhất định, là chủ thế của các mối quan hệ, của hoạt động có ý thức và giao tiếp, điều chúng ta không thể không nhắc đến đó là nhân cách của họ. Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã và vẫn đang tiếp tục những cuộc thảo luận về nhân cách và những vấn đề xoay quanh nó. Tại sao có những người dễ kết bạn, một số khác lại luôn cảm thấy cô đơn? Tại sao có những người thích giao tiếp, hướng ngoại? Bên cạnh đó lại có những người thi mình, nội tâm, dễ tức giận, dễ trầm cảm? Nhân cách của mỗi người là khác nhau. Mỗi người đều có một điểm nhấn cho riêng mình. Theo các nhà nghiên cứu, có hai khuynh hướng nghiên cứu nhân cách đang tôn tại là khuynh hướng Mô tả và khuynh hướng Giải thích. Mô tả, có thể hiểu nôm na là nhân cách của anh biểu hiện như thế nào thông qua hành động. Khuynh hướng này nghiên cứu phân tích cấu trúc của nhân cách. Còn khuynh hướng Giải thích, lại đi sâu và tìm hiểu nguyên nhân hình thành và quá trình phát triển của nhân cách (Giống như giải thích nguyên nhân và kết quả vậy).

 

2. Khái niệm về nhân cách

Trước khi xem xét nhân cách là gì, ta cần lướt qua một số khái niệm cơ bản.

Con người: Con người là một khái niệm rất rộng. Tuy nhiên, trong khoa học xã hội, một khái niệm con người được thừa nhận rộng rãi là: Con người là một thực thể sinh học – xã hội. Dưới góc độ tự nhiên, con người là một tồn tại sinh vật ở bậc thang cao nhất của sự tiến hóa vật chất. Đồng thời, nhờ có đời sống lao động và ngôn ngữ, con người có khả năng ý thức và tự ý thức. Đó là hình thức cao nhất của phản ánh. Mặt sinh vật trong con người không thể tách khỏi mặt xã hội và ngược lại, song bản thân cái tính đặc thù ở trong con người không phải do bẩm sinh, không phải do bản chất sinh vật của mình mà là ở trong quá trình sống, trong quá trình hoạt động, lao động, học tập đã được chọn lọc, cải tạo qua nhiều thế hệ.

Cá nhân: Nếu con người là khái niệm chung thì cá nhân là thuật ngữ dùng để chỉ một con người cụ thể nào đó xã hội. Cá nhân cũng là một thực thể sinh vật – xã hội, nhưng được xem xét riêng biệt từng người, với các đặc điểm về sinh lý, tâm lý và xã hội để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác với cộng đồng.

Chủ thể: Là thuật ngữ được sử dụng khi cá nhân tham gia vào một mối quan hệ nào đó, thực hiện hoạt động nhất định một cách có ý thức, có mục đích. (Ví dụ: chủ thể thực hiện các quyền công dân).

Cá tính: Là sự độc đáo riêng biệt của mỗi cá nhân về thể chất và tâm lý, có một không hai. Cá tính được hình thành trên cơ sở của những yếu tố di truyền, bằng hoạt động xã hội và giáo dục, dưới ảnh hưởng của những điều kiện xã hội và của môi trường xã hội mà trong đó con người sống được giáo dục và làm việc, cũng như bằng hoạt động tự giáo dục của bản thân họ.

Nhân cách: Trên thực tế, có nhiều khái niệm mang tính học thuật để giải thích nhân cách là gì. Như:

Nhân cách là tổ hợp những thuộc tính tâm lý của một cá nhân biểu hiện ở bản sắc và giá trị xã hội của người ấy. Trong đó, tổ hợp có nghĩa là những thuộc tính tâm lý hợp thành nhân cách có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau là thành một hệ thống, cấu trúc nhất định. Bản sắc là muốn nói trong số những thuộc tính đó có cái chung từ xã hội, từ giai cấp, tập thể gia đình vào con người nhưng cái chung này đã trở thành cái riêng, cái khác biệt của từng người. Bản sắc này có đặc điểm về nội dung và cả về hình thức, không giống với bản sắc của bất cứ một người nào khác. Giá trị xã hội là muốn nói trong số những thuộc tính đó, thể hiện ra bên ngoài ở những việc làm, những cách ứng xử, hành vi, hành động, hoạt động phổ biến của người ấy và được xã hội đánh giá.

Nói cho dễ hiểu thì nhân cách của con người là cách cư xử và phẩm chất của mỗi cá nhân – điều tạo nên giá trị của một con người trong xã hội.

 

3. Đặc điểm của nhân cách

Trong nhiều nghiên cứu, các nhà nghiên cứu học đã chỉ ra nhân cách mang các đặc điểm sau:

– Nhân cách mang tính ổn định.

Ông cha xưa có câu “mưa dầm thấm lâu”, “giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời” điều này hoàn toàn đúng khi dùng để nói về nhân cách của một cá nhân. Nhân cách được hình thành từ một quá trình học tập và tích tụ nó tạo thành một cấu trúc tương đối ổn định và khó thay đổi. Nhờ đặc điểm này của nhân cách, các ứng dụng trong nghiên cứu tâm lý, hành vi tội phạm đã đạt được nhiều thành tựu. Ví dụ như dự kiến về hiện trường, đối tượng phạm tội tiếp theo,….

– Nhân cách mang tính thống nhất.

Có thể hiểu một cách đơn giản, nhân cách có thể bao gồm nhiều nhiều thuộc tích, phẩm chất riêng lẻ. Nhưng những thuộc tính, phẩm chất riêng lẻ đó đều liên quan và không tách rời với nhau tạo lên bản sắc riêng biệt. Từ bản sắc riêng tạo ra cá tính đặc biệt của mỗi người và từ đó hình thành nhân cách của người đó.

– Tính tích cực của nhân cách.

Nhân cách là chủ thể của hoạt động và giao tiếp là sản phẩm của xã hội. Nhân cách không chỉ là khách thể mà con là chủ thể của nhiều mói quan hệ xã hội. Điều đó có nghĩa là nó mang tính tích cực. Tính tích cực của nhân cách biểu hiện trong quá trình thỏa mãn các nhu cầu của nó. Con người không thỏa mãn bằng các đối tượng có sẵn mà nhờ có công cụ, nhờ lao động con người đã biến đổi, đã sáng tạo ra các đối tượng làm cho nó phù hợp với nhu cầu của bản thân. Mặt khác, con người tích cực tìm kiếm những cách thức, các phương thức thỏa mãn các nhu cầu là một quá trình tích cực có mục đích, trong đó con người làm chủ được những hình thức hoạt động do sự phát triển của xã hội quy định nên.

-Tính giao tiếp của nhân cách.

Nhu cầu giao tiếp được coi là nhu cầu xã hội đầu tiên và cơ bản nhất của con người. Thông qua giao tiếp, con người tham gia vào các mối quan hệ xã hội, lĩnh hội các chuẩn mực đạo đức và hệ thống giá trị xã hội. Đồng thời cũng qua giao tiếp mà con người được đánh giá, được nhìn nhận trong các mối quan hệ xã hội. Qua giao tiếp, con người đóng góp các giá trị phẩm chất nhân cách của mình cho người khác, cho xã hội.

 

4. Cấu trúc của nhân cách

Như đã nêu ở trên, khi đi sâu vào nghiên cứu theo khuynh hướng mô tả, ta phát hiện ra điều khá thú vị là nhân cách – tưởng chừng là khái niệm trừu tượng vậy mà nó lại có cấu trúc hẳn hoi. Cấu trúc là cách thức liên hệ giữa các thành phần để tạo ra một chỉnh thể nhất định. Trên thực tế có nhiều quan điểm về vấn đề này. Có những quan điểm có sự tương đồng về cách phân loại cấu trúc, nhưng cũng có những quan điểm có nét khác biệt rõ rệt. Sau đây là một vài quan điểm thường thấy:

– Quan điểm nhân cách gồm 4 Tiểu cấu trúc:

Theo nhà tâm lý học người Nga K.k platonov, nhân cách bao gồm bốn tiểu cấu trúc:

Tiểu cấu trúc có nguồn gốc sinh học: như khí chất, giới tính, lứa tuổi, đặc điểm bệnh lý.

Tiểu cấu trúc các đặc điểm của các quá trình tấm lý: các sản phẩm trí tuệ, ý chí, đặc điểm xúc cảm,…

Tiểu cấu trúc về vốn kinh nghiệm: tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, thói quen.

Tiểu cấu trúc xu hướng nhân cách: nhu cầu, hứng thú, lý tưởng, thế giới quan, niềm tin,…

– Quan điểm cấu trúc của nhân cách tại Việt Nam:

Ngoài quan điểm của của nhà tâm lý học người Nga nói trên, ở Việt nam, nhà tâm lý học Phạm Minh Hạc chỉ ra rằng: Nhân cách con người gồm: Xu hướng nhân cách; Những khả năng của nhân cách; Phong cách, hành vi của nhân cách; và Cái Tôi – hệ thống điều khiển nhân cách.

Nhiều tài liệu nghiên cứu còn chỉ ra cấu trúc nhân cách gồm hai phần cơ bản là Tài và Đức (hay năng lực và phẩm chất) hoặc có quan điểm cấu trúc nhân cách có hai tầng là tầng nổi (gồm ý thức tự chủ) và tầng sâu (tiềm thức, vô thức) hoặc quan điểm cấu trúc nhân cách gồm 3 phần…

Tóm lại, cấu trúc tâm lý và các quan điểm xoanh quanh nó khá phức tạp và nhiều mặt. Nhưng chính sự phức tạp và nhiều mặt đó lại tạo nên chỉnh thế thống nhất và độc đáo, tạo ra bản sắc riêng của mỗi con người, linh hoạt, mềm dẻo, thích nghi với các điều kiện sống khác nhau.

 

5. Bình luận về vài khía cạnh chủ yếu hình thành cấu trúc nhân cách

– Xu hướng.

Xu hướng là sự thiên về một hướng nào đó trong quá trình hoạt động. Xu hướng gồm hệ thống nhiều nhân tố thúc đẩy sự phát triển từ bên trong con người, hình thành tính tích cực trong đời sống sinh hoạt của cá nhân. Xu hướng biểu hiện thông qua nhu cầu, hứng thú, lý tưởng, mục đích sống.

– Nhu cầu.

Nhu cầu là một khía cạnh thể hiện xu hướng con người hướng tới. Nhu cầu là những đòi hỏi về vật chất, tinh thần mà cá nhân cần để phát triển. Nhu cầu nảy sinh do tác động từ môi trường bên ngoài. Ví dụ: Nhu cầu ăn, ở, mặc,… Nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần phong phú: nghe nhạc thư giãn, ngâm nước nóng,…

– Hứng thú.

Hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với một đối tượng nào đó. Là sự khao khát muốn tiếp cận để tìm hiểu sâu hơn, năm bắt đối tượng đã thu hút sự chú ý của mình. Hứng thú vừa đem lại sự thoả mãn cho bản thân con người, kích thích khả năng tìm tòi, sáng tạo và vừa thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Ví dụ, khi công ty tạo được hứng thú của nhân viên đối với công việc, người lao động sẽ hăng say làm việc, hăng hái sáng tạo, kết quả là năng suất và chất lượng công việc tăng cao, tạo giá trị kinh tế cho công ty, ổn định đời sống cho người lao động, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.

– Phẩm chất và năng lực.

Phẩm chất và năng lực là hai yếu tố chính hình thành nhân cách con người. Phẩm chất có thể kể đến bao gồm thể giới quan, lý tưởng, niềm tin, tính nết, đạo đức, thói hư, tật xấu, tính tự giác, tự chủ, quả quyết, kiên định, tác phong, lễ nghĩa,… Năng lực có thể kể đến như: năng lực xã hội (khả năng thích nghi, thích ứng,…), năng lực chủ thể (bản sắc riêng, bản lĩnh,…), năng lực hành động và năng lực giao tiếp.

Luật Minh Khuê (tổng hợp từ các nguồn trên internet)