Nhân bản con người: nên mừng vui hay lo sợ?
TTCT – Khi thông tin nhân bản vô tính thành công cừu Dolly được công bố cách đây 21 năm, người ta đã sợ hãi như thể con người cũng có thể được “sao chép” hàng loạt ngay hôm sau. Điều lo sợ đã không xảy ra. Nhưng bây giờ, khi khỉ được sinh ra theo cách ấy thì sao?
Dolly “sinh” vào tháng 7-1996, nhưng sự ra đời của “cô cừu” nhân bản vô tính đầu tiên của nhân loại chỉ được công bố một năm sau đó. Truyền thông lúc đó “phản ứng như thể có thể chuyển từ nhân bản vô tính cừu sang con người ngay hôm sau” – The Economist nhận định trong bài viết kỷ niệm 20 năm cừu Dolly được giới thiệu cho thế giới.
Cải biến phương pháp Dolly
Từ sau Dolly, các nhà khoa học đã nhanh chóng tìm ra cách nhân bản 23 loài động vật có vú (chuột, lợn, chó, mèo, bò…) nhưng các loài linh trưởng vẫn “miễn nhiễm” với phương pháp này, khiến người ta tin rằng nhân bản khỉ là bất khả thi, theo tuần san khoa học New Scientist (Anh).
Vậy nhưng Mu-ming Poo, giám đốc Viện Khoa học thần kinh (Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc), vừa tuyên bố đầy tự hào “rào cản về nhân bản các loài linh trưởng đã bị vượt qua”, khi cùng đồng sự công bố sự ra đời của hai con khỉ từ nhân bản vô tính trên tạp chí khoa học Cell ngày 24-1.
Hai nàng khỉ, Zhong Zhong và Hua Hua (từ chữ Zhonghua tức Trung Hoa) ra đời không cùng lúc (lần lượt 6 và 8 tuần tuổi tính đến ngày công bố) và được xác nhận có bộ gen “sao y bản chính” từ tế bào nguyên bản. Hai con khỉ này được nhân bản theo phương pháp chuyển nhân tế bào sinh dưỡng (somatic cell nuclear transfer) từng tạo ra cừu Dolly.
Kỹ thuật này bao gồm việc tách nhân của tế bào sinh dưỡng (tế bào da, mỡ, gan…) của cá thể nguyên bản và cấy nó vào trứng (đã tách nhân) của cá thể cho (donor). Trứng này sẽ được tác động để thụ tinh và phát triển thành phôi. Phôi này lại được cấy vào tử cung cá thể “mang thai hộ”, từ đó sinh ra cá thể nhân bản với bộ gen y hệt cá thể nguyên bản.
Tuy nhiên, trước nhóm Poo, các thí nghiệm trên khỉ chỉ dừng ở giai đoạn túi phôi (blastocyst), chứ không phát triển được thành bào thai. Nhóm nghiên cứu người Trung Quốc đã có cách làm mới hơn, như New Scientist ví von là “thêm vào nồi xúp hai nguyên liệu mới” gồm ARN thông tin (messenger ARN, có chức năng sao chép thông tin di truyền) và hợp chất trichostatin A.
Hai chất thêm vào này giúp “đánh thức” ít nhất 2.000 gen có vai trò thiết yếu trong giai đoạn phát triển của phôi thai. Nhờ đó, phôi phát triển tốt hơn trước khi cấy vào tử cung của con khỉ mang thai hộ và cuối cùng “sinh nở” thành công.
Hai con khỉ nhân bản vô tính đầu tiên. Ảnh: nbcnews.com
Cơn ác mộng trở lại?
Thành công của việc nhân bản vô tính một loài linh trưởng được cho là chứng minh khả năng con người cũng có thể được “copy” hàng loạt trong phòng thí nghiệm đã trở nên gần với thực tế hơn.
Trong tiểu thuyết Never Let Me Go (Mãi đừng xa tôi), chủ nhân Nobel văn chương 2017 Kazuo Ishiguro dựng lên thế giới mà con người được sinh sản vô tính chỉ để lấy nội tạng cung cấp cho người cần.
Tương tự, tiểu thuyết Spares của nhà văn Michael Marshall Smith cũng vẽ ra tương lai đáng sợ khi người giàu tự nhân bản mình làm kho nội tạng dự trữ, cứ hỏng cái nào thì thay ngay cái đó. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc nhân bản người gây tranh cãi về mặt đạo đức. Trả lời phỏng vấn tạp chí The Atlantic, Poo khẳng định hoàn toàn không có ý định nghiên cứu về nhân bản con người vì các tranh cãi đạo đức xung quanh vấn đề này.
Tuy nhiên, chưa bàn đến vấn đề đạo đức thì trước mắt chắc chắn viễn cảnh đáng sợ như tiểu thuyết chưa thể thành sự thật trong tương lai gần nếu tính đến hiệu quả, chi phí của thí nghiệm nhân bản khỉ.
“Việc nhân bản vô tính con người đến gần hơn với thực tế sau sự ra đời của Zhong Zhong và Hua Hua, nhưng không có nghĩa là điều đó sẽ xảy ra” – cây bút khoa học Philip Ball viết trên The Guardian ngày 25-1.
Nhóm của Poo đã thí nghiệm trên 127 trứng, nhưng chỉ có 109 trứng phát triển thành phôi và 79 trong số phôi này được cấy vào 21 con khỉ mang thai hộ. Cuối cùng, có 6 con “dính bầu” nhưng chỉ có cặp đôi “Trung Hoa” được hạ sinh thành công. Điều này cho thấy tỉ lệ thành công rất thấp, đồng nghĩa với chi phí đắt đỏ.
Để so sánh, trong 277 phôi được cấy chỉ sinh ra được cừu Dolly duy nhất. “Thật khó có lời biện hộ về mặt đạo đức nào nếu áp dụng quá trình lãng phí như vậy với con người” – Economist bình luận.
Cũng cần nhắc thí nghiệm chỉ thành công với tế bào của cá thể muốn nhân bản ở dạng bào thai. Poo và đồng sự đã thử dùng tế bào lấy từ khỉ trưởng thành và cũng nhân bản được một cặp khỉ con, nhưng chúng chết ngay sau khi được sinh.
Ngoài ra, sức khỏe của động vật sinh sản vô tính là vấn đề cần bàn cãi. Cừu Dolly chỉ sống được sáu năm rưỡi (một nửa vòng đời thông thường) trước khi chết vì bệnh phổi, viêm khớp và các con vật sinh sản vô tính thường gặp nhiều vấn đề sức khỏe về tim, hệ hô hấp hay khuyết tật và thường “đoản mệnh”.
Một góc nhìn khác
Giữa những cảnh báo đưa ra khi tranh luận về nhân bản vô tính con người được làm nóng lại, John Harris, chuyên gia “đạo đức sinh học” (bioethicist) đến từ Đại học Manchester (Anh), cho rằng: “Chúng ta không có gì phải sợ về sinh sản vô tính người”.
Trong bài viết đăng trên The Telegraph ngày 25-1, Harris cho rằng một phương pháp có thể bị lạm dụng không nhất thiết là nó sẽ bị lạm dụng, nhất là phương pháp này sẽ rất tốn kém và mất thời gian, chưa kể liệu nó có thật sự thành sự thật hay không mà đã vội lo lắng.
Theo Harris, tạo hóa hay Chúa trời vốn dĩ đã “nhân bản hàng loạt” con người dưới dạng các cặp song sinh giống nhau hoàn toàn, vậy “cớ gì phải hoảng loạn trước triển vọng có thể có thêm vài con người được cố tình sinh ra với bộ gen giống hệt nhau?”.
Tác giả cũng nhắc chuyện thụ tinh trong ống nghiệm – phát kiến đột phá từng gây tranh cãi, song hiện nay là cứu tinh của các cặp vợ chồng hiếm muộn trên toàn thế giới.
Nhà nghiên cứu kiêm tác giả một cuốn sách về nhân bản này còn đưa ra các luận điểm như chủ động nhân bản để loại bỏ gen xấu và giữ lại gen tốt sẽ tốt hơn là “trông cậy vào trò xổ số của tự nhiên”.
Mỗi năm có khoảng 7,9 triệu trẻ em sinh ra với dị tật bẩm sinh, điều mà Harris tin rằng có thể cải thiện bằng cách “chọn lọc các bộ gen khỏe mạnh và sống thọ từ một người đang còn sống và nhân bản nó”.
Harris cũng bác bỏ ý kiến rằng nhân bản vô tính con người cho phép “những kẻ ích kỷ tạo ra bản sao của chính mình để đạt được cái gọi là trường cửu”. Những người như thế có thể có thật trên đời, song tham vọng của họ đằng nào cũng thất bại do lẽ hai người có bộ gen giống nhau không nhất thiết phải lớn lên và có tính cách giống hệt nhau, vì những thứ này được định hình bởi môi trường sống và ý chí của riêng mỗi người.
Trên thực tế, hai người sinh đôi cùng trứng (gen giống hệt nhau) chưa chắc trưởng thành giống nhau hoàn toàn. Bản sao của một nhà quý tộc hoàn toàn có thể trở thành gã giang hồ.
“Việc hai con khỉ được sinh ra từ nhân bản vô tính chẳng mang ta tới gần hơn tương lai nhân bản con người chút nào, và đó không phải là viễn cảnh mà ta phải sợ hãi” – Harris kết luận.■
Công nghệ chỉnh sửa gen hiện cho phép tạo ra các con chuột có khiếm khuyết gen và mắc các chứng bệnh như Alzheimer và Parkinson để làm đối tượng nghiên cứu tìm ra cách chữa bệnh này ở người. Thách thức của phương pháp này là các cá thể thí nghiệm có thể có biến dị di truyền, khiến việc nghiên cứu phức tạp hơn vì phải thử nghiệm nhiều lần.
Việc nhân bản khỉ thành công là mũi tên trúng hai đích: khỉ là đối tượng nghiên cứu chứng sa sút trí tuệ tốt hơn chuột (vì giống người hơn) và vì nhân bản chúng sẽ tạo ra nhiều cá thể có bộ gen giống hệt nhau, giúp việc thí nghiệm và so sánh kết quả sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. “Điều này giúp tăng tốc việc tìm ra gen và các bất thường trong tế bào khiến con người mang bệnh, vì thế cũng sẽ giúp việc tìm cách chỉnh sửa chúng nhanh hơn” – nhóm của Poo giải thích.