Nhạc sĩ Hoàng Vân với “Bài ca người giáo viên nhân dân”
QĐND – Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh năm 1930. Năm 1946 ông tham gia Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế rồi phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Hòa bình lập lại, ông được cử đi học tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc của đài. Ông là một trong những người sáng tác nhiều bài hát về các ngành nhất, trong đó bài nào cũng được coi là truyền thống, ví dụ: Tôi là người thợ lò (ngành khai thác than), Bài ca xây dựng (ngành xây dựng), Bài ca người giáo viên nhân dân (ngành giáo dục), Bài hát về cây lúa hôm nay (ngành nông nghiệp). Các bài khác cũng rất nổi tiếng, như: Bảy sắc cầu vồng, Chim vành khuyên, Quảng Bình quê ta ơi, Tình ca Tây Nguyên, Tình ca Hà Nội, Tình ca Vũng Tàu…
Nhạc sĩ Hoàng Vân giao lưu với khán giả. Ảnh: Internet
Mỗi lần nghe Bài ca người giáo viên nhân dân, chúng ta lại bồi hồi xúc động và tự hào về người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, đó là các thầy, cô giáo. Và cũng đã từ lâu rồi, cứ vào dịp tháng 11, Ngày Nhà giáo Việt Nam, người ta lại nghĩ nhiều hơn về người thầy với tất cả tấm lòng tri ân sâu sắc, thầm cảm ơn nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác được một bài hát sống mãi cùng năm tháng. Những lời ca rất đỗi quen thuộc: “Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi, có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em, người giáo viên nhân dân. Tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng. Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ” … “ Em đi gieo hạt giống đẹp bao tâm hồn, noi gương anh hùng cách mạng chiếu sáng ngời. Tuổi trẻ bên em là tương lai Tổ quốc lớn lên trong chiếc nôi quê hương Việt Nam”.
Có thể nói, Bài ca người giáo viên nhân dân của nhạc sĩ Hoàng Vân là ca khúc nổi tiếng nhất về đề tài sư phạm trong gần nửa thập kỷ qua. Nhạc sĩ kể ông cũng không nhớ rõ viết bài hát này vào năm tháng nào, chỉ biết vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Lúc đó ngành giáo dục đang phát triển khá mạnh, hình ảnh các thầy, các cô trong suy nghĩ của mọi người thật đẹp, hình ảnh đó thể hiện bằng khẩu hiệu treo ở các lớp học: “TẤT CẢ VÌ HỌC SINH THÂN YÊU”. Hình ảnh người thầy vô cùng đẹp đẽ cả trong ánh mắt của học sinh cũng như cha mẹ các em. Vì lẽ đó, thế hệ học sinh học hết phổ thông thời ấy phần lớn đều thi vào các trường sư phạm. Hoàng Vân muốn tôn vinh những thầy, cô giáo trẻ, mới ra trường và bước lên bục giảng, tuổi đời còn ít nhưng sớm gánh vác trọng trách “trồng người”-một công việc đòi hỏi tình yêu, lý tưởng cháy bỏng khát vọng.
Bài ca của ông có giai điệu trẻ trung, tươi mát và tiết tấu sôi nổi. Toàn lời ca phù hợp với công việc của các thầy cô gắn với học sinh: “Tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng. Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ”. Năm đó nhạc sĩ ở tuổi 40. Ông đã hát bài này mỗi khi đến với các trường học và trước công chúng, người nghe đón nhận như một món quà dành cho ngành sư phạm. Bài hát được lan tỏa nhanh trong giới sư phạm và tiếp đó truyền đi trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Người hát bài này khá thành công là ca sĩ Mỹ Bình. Sau đó bài ca trở nên phổ biến trong các đêm hội diễn văn nghệ của ngành giáo dục.
Đỗ Thông – Xuân Miễn