Nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là gì?

Tôn trọng sự tự do thỏa thuận và tự định đoạt của đương sự là một những nét đặc trưng trong quan hệ dân sự và nó là một trong những nguyên tắc cơ bản của TTDS nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, giúp họ thể hiện được ý chí, quyền tự quyết và quyền tự định đoạt trong pháp luật dân sự.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được quy định như sau:

“Điều 5. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự

1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”

2. Một số khái niệm.

– “Đương sự” theo khoản 1 Điều 68 BLTTDS 2015 được hiểu như sau: Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

– Nguyên tắc quyền quyết định và  tự định đoạt của đương sự trong TTDS là một trong những nguyên tắc cơ bản của BLTTDS, theo đó đương sự có quyền tự do thể hiện ý chí của mình trong việc lựa chọn thực hiện các hành vi tố tụng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, quyết định các quyền, lợi ích của mình trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền tự định đoạt của họ trong TTDS.

3. Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự.

Khác với pháp luật TTHS giải quyết quan hệ giữa một bên là nhà nước, đại diện cho lợi ích công và một bên  sẽ là người phạm tội, pháp luật TTDS giải quyết những tranh chấp các lợi ích tư giữa các đương sự. Mục đích trực tiếp của pháp luật TTDS là bảo vệ lợi ích tư của các đương sự – chủ thể của các lợi ích, sẽ không có quy trình tố tụng dân sự, nếu như đương sự không tự mình quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, các chủ thể tiến hành tố tụng chỉ thực hiện các nhiệm vụ làm sáng tỏ vụ việc để giải quyết trên cơ sở pháp luật chứ không thay mặt cho đương sự quyết định những lợi ích của chính họ.

Như vậy, đương sự có quyền tự mình lựa chọn những phương thức giải quyết tranh chấp dân sự miễn sao không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Những biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế như hòa giải (ngoài tố tụng), thương lượng, trọng tài đều được khuyến khích. Trong trường hợp không thỏa mãn với những giải pháp đó, các chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo trình tự TTDS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Quyền tự định đoạt trong việc khởi kiện của vụ án dân sự được ghi nhận tại Điều 186 BLTTDS 2015: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.” Ngoài ra, đối với việc dân sự, tuy không có tranh chấp trực tiếp giữa các bên, nhưng người yêu cầu việc dân sự cũng phải chủ động như nguyên đơn trong vụ án dân sự. Họ được quyền đưa ra yêu cầu cho Tòa án giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

4. Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc chấm dứt, thay đổi và thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ việc dân sự.

Trong suốt quá trình tố tụng kể từ khi khởi kiện đến trước khi kết thúc phiên tòa, các đương sự có quyền thay đổi, bổ sung, rút bớt hay bãi bỏ yêu cầu của mình. Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc này cũng có những ngoại lệ nhất định. Nhằm bảo đảm cho quá trình tố tụng được diễn ra theo thời hạn luật định và nhằm bảo vệ lợi ích của các đương sự khác, pháp luật cũng có những quy định ngăn ngừa sự lam dụng quyền tự quyết và quyền tự quyết định, định đoạt của đương sự. Đó là trường hợp đương sự không thể tự ý thay đổi, bổ sung yêu cầu nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu đó diễn ra tại phiên tòa mà vượt quá giới hạn đã khởi kiện ban đầu.

Xuất phát từ bản chất của quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các bên đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp dân sự ở bất cứ một giai đoạn nào trong TTDS. Cùng với đó, hòa giải được xem là một trong những thủ tục có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết các tranh chấp đã phát sinh. Theo quy định tại Điều 10 BLTTDS 2015 thì: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Tuy nhiên, việc hòa giải phải đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự, xuất phát từ ý chí chủ quan, tự nguyện của chính đương sự, không ai có thể cưỡng ép, bắt buộc đương sự thỏa thuận trái với ý muốn của họ. Tòa án chỉ công nhận thỏa thuận của các đương sự nếu thỏa thuận đó là phù hợp với các quy định của pháp luật, không xâm phạm tới quyền và lợi ích của các chủ thể khác (quy định tại khoản 2 Điều 205 BLTTDS 2015).

Quyền tự định đoạt của đương sự còn thể hiện ở quyền tự thỏa thuận, dàn xếp, thương lượng với nhau về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án sau khi Tòa án đã thụ lý. Trong trường hợp này, Tòa án không phải là người chủ động đưa vụ án ra hòa giải mà các đương sự tự thương lượng, thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án. Việc các đương sự tự thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án có thể được thực hiện ở mọi giai đoạn trong quá trình tố tụng.

Tòa án có trách nhiệm phải đảm bảo cho đương sự thực hiện quyền tự quyết định và định đoạt của họ. Cụ thể, Tòa án phải thụ lý vụ án để giải quyết nếu không có căn cứ trả đơn. Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi mà đương sự yêu cầu chứ không thể tự mình giải quyết ngoài phạm vi đó. Tòa án phải chấp nhận yêu cầu của đương sự nhờ Luật sư hay người khác khi đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Như vậy, nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự có những ý nghĩa và vai trò rất quan trọng đã giúp Nhà nước thể chế hóa quyền tự định đoạt của đương sự; Tòa án sẽ không được xem xét và giải quyết vụ việc dân sự khi không có yêu cầu của đương sự góp phần làm rõ Tòa án có trách nhiệm thực hiện chức năng xét xử từ đó hoạt động xét xử đảm bảo được tính đúng đắn, khách quan và phát huy được vai trò của hoạt động này đối với việc ổn định trật tự kỷ cương xã hội.

Luật Hoàng Anh