Nguyên tắc cơ bản trình bày tiểu luận, khóa luận cho sinh viên – Học Excel Online Miễn Phí
Tiểu luận là một trong những bài tập bất kể sinh viên nào cũng phải thực hiện. Nhưng chắc hẳn ai cũng bị giáo viên trách móc về vấn đề trình bày văn bản tiểu luận dạng world. Sau đây là những nguyên tắc cơ bản giúp cho bạn có một bài tiểu luận hoàn hảo và chuyên nghiệp.
1. Yêu cầu tổng thể
– Đề tài trình bày ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, sạch sẽ, chú thích chính xác, đánh số trang, số bảng biểu, hình vẽ, đồ thị cụ thể.
– Sử dụng phông chữ Times New Roman; cỡ chữ 13 hoặc 14 của hệ soạn thảo Winword hoặc tương đương; mật độ chữ bình thường, không nén hoặc kéo dãn khoảng cách giữa các chữ;
– Dãn dòng đặt ở chế độ 1,5 lines; lề trái: 3,5 cm; lề trên: 2,5 cm; lề dưới: 3cm và lề phải: 2cm.
– Số trang được đánh ở giữa, phía dưới mỗi trang giấy. Không chèn các tít, tiêu đề, tên đề tài ở đầu hoặc cuối mỗi trang văn bản. Không gạch chân các cụm từ cần nhấn mạnh hoặc các tiểu mục của đề tài. Nếu có bảng biểu, hình vẽ trình bày theo chiều ngang khổ giấy thì đầu bảng là lề trái của trang, nhưng nên hạn chế trình bày theo cách này.
– Đề tài hoàn thiện, được đóng thành quyển, bìa giấy mầu. Toàn văn nội dung đề tài và trang bìa phụ được in trên một mặt giấy trắng khổ A4 (210 x 297mm).
– Tóm tắt đề tài phải trung thực với nội dung đề tài, trình bày từ 10 -14 trang in trên giấy 2 mặt, kích thức bằng ½ tờ giấy khổ A4. Phông chữ Times New Roman; cỡ chữ 11 dãn dòng Exactly 17; lề trái,lề trên,lề dưới và lề phải đều là 2cm.
2. Trình bày chương, mục, tiểu mục
– Các chương được ghi bằng chữ số Arập, dưới chương là các mục gồm hai chữ số, dưới mục là nhóm tiểu mục gồm 3 chữ số, dưới nhóm tiểu mục là các tiểu mục gồm 4 chữ số. Các tiểu mục được trình bày và đánh số thành nhóm chữ số, nhiều nhất gồm 4 chữ số với số thứ nhất chỉ số chương (ví dụ: 4.1.2.1 chỉ tiểu mục 1 nhóm tiểu mục 2 mục 1 chương 4). Tại mỗi nhóm tiểu mục phải có ít nhất hai tiểu mục, nghĩa là không thể có tiểu mục 2.1.1 mà không có tiểu mục 2.1.2 tiếp theo. Tên các mục, tiểu mục cần ngắn gọn, rõ ràng, tường minh, không hiểu theo nhiều nghĩa. Không để tên tiểu mục ở dòng cuối cùng của trang văn bản. Cuối mỗi mục, tiểu mục không có dấu chấm.
– Phụ lục, tài liệu tham khảo
TimeNewRoman (viết thường) cỡ chữ13
Vd: Nguyễn Việt Hùng (2003)…
3. Trình bày bảng biểu, hình vẽ, phương trình
– Việc đánh số bảng biểu, hình vẽ, phương trình phải gắn với số chương
ví dụ: Hình 3.4 có nghĩa là hình thứ 4 trong chương 3. Mọi đồ thị, bảng biểu lấy từ các nguồn khác phải được trích dẫn đầy đủ, ví dụ “Nguồn: Bộ Tài chính 2000”. Nguồn được trích dẫn phải được liệt kê chính xác trong danh mục tài liệu tham khảo. Đầu đề của bảng biểu ghi phía trên bảng, đầu đề của hình vẽ ghi phía dưới hình. Thông thường những bảng ngắn và đồ thị nhỏ phải đi liền với phần nội dung đề cập tới các bảng và đồ thị này. Các bảng dài hoặc hình vẽ lớn có thể để ở những trang riêng nhưng cũng phải tiếp theo ngay phần nội dung đề cập tới bảng hoặc hình vẽ.
Các bảng rộng vẫn nên trình bày theo chiều đứng dài 297mm của trang giấy, chiều rộng của trang giấy có thể hơn 210mm. Chú ý gấp trang giấy này sao cho số và đầu đề của hình vẽ hoặc bảng vẫn có thể nhìn thấy ngay mà không cần mở rộng tờ giấy (Hình 1) . Cách làm này cũng giúp để tránh bị đóng vào gáy của đề tài phần mép gấp bên trong hoặc xén rời mất phần mép gấp bên ngoài. Tuy nhiên nên hạn chế sử dụng các bảng quá rộng này. Trong mọi trường hợp, 4 lề bao quanh phần văn bản và bảng biểu vẫn như quy định ở trên. (Hình 1. Cách gấp giấy rộng hơn 210 mm)
– Trong đề tài các hình vẽ phải được trình bày sạch sẽ bằng mực đen để có thể sao chụp lại, có đánh số và ghi đầy đủ đầu đề; cỡ chữ phải bằng cỡ chữ trong văn bản quy định. Khi đề cập đến các bảng biểu và hình vẽ phải nêu rõ số của hình và bảng biểu đó, ví dụ “…được nêu trong Bảng 4.1” hoặc “(xem Hình 3.2)” mà không được viết “ được nêu trong bảng dưới đây” hoặc “trong đồ thị của X và Y sau”.
– Việc trình bày phương trình toán học trên một dòng đơn hoặc dòng kép là tuỳ ý, tuy nhiên phải thống nhất trong toàn đề tài. Khi ký hiệu xuất hiện lần đầu tiên thì phải giải thích và đơn vị tính phải đi kèm ngay trong phương trình có ký hiệu đó. Nếu cần thiết, danh mục của tất các ký hiệu, chữ viết tắt và nghĩa của chúng cần được liệt kê và để ở phần đầu của đề tài. Tất cả các phương trình cần được đánh số và để trong ngoặc đơn đặt bên phía lề phải. Nếu một nhóm phương trình mang cùng một số thì những số này cũng được để trong ngoặc, hoặc mỗi phương trình trong nhóm phương trình (5.1) có thể được đánh số là (5.1.1), (5.1.2), (5.1.3).
4.Viết tắt
– Không lạm dụng việc viết tắt trong đề tài. Chỉ viết tắt những từ, cụm từ hoặc thuật ngữ được sử dụng nhiều lần trong đề tài. Không viết tắt những cụm từ dài, những mệnh đề; không viết tắt những cụm từ ít xuất hiện trong đề tài. Nếu cần viết tắt những từ, thuật ngữ, tên các cơ quan, tổ chức… thì được viết tắt sau lần viết thứ nhất có kèm theo chữ viết tắt trong ngoặc đơn. Nếu đề tài có nhiều chữ viết tắt thì phải có bảng danh mục các chữ viết tắt (xếp theo ABC) ở phần đầu đề tài.
5. Tài liệu tham khảo và cách trích dẫn
3.1. Quy định chung
– Các tài liệu tham khảo dùng để viết đề tài mà không phải của riêng tác giả phải được trích dẫn và chỉ rõ nguồn trong danh mục tài liệu tham khảo của đề tài.
– Khi cần trích một đoạn ít hơn 2 câu hoặc 4 dòng đánh máy thì có thể sử dụng dấu ngoặc kép để mở đầu và kết thúc phần trích dẫn. Nếu cần trích dẫn dài hơn thì phải tách phần này thành một đoạn riêng khỏi phần nội dung đang trình bày, với lề trái lùi vào hơn 2 cm. Khi mở đầu và kết thúc đoạn trích này không phải sử dụng dấu ngoặc kép.
3.2. Cách trình bày tài liệu tham khảo, chú thích
Tài liệu tham khảo được xếp riêng theo từng ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung…), theo thứ tự ABC họ tên tác giả theo thông lệ của từng nước:
– Tác giả là người nước ngoài, xếp thứ tự ABC theo họ.
– Tác giả là người Việt Nam, xếp thứ tự ABC theo tên nhưng vẫn giữ nguyên thứ tự thông thường của tên người Việt Nam, không đảo tên lên trước họ.
– Tài liệu không có tên tác giả thì xếp theo thứ tự ABC từ đầu của tên cơ quan ban hành, báo cáo hay ấn phẩm, ví dụ: Tổng cục Thống kê xếp vào vần T, Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp vào vần B, …
– Tài liệu tham khảo là sách, giáo trình, luận án, báo cáo phải ghi đầy đủ các thông tin sau: Tên các tác giả hoặc cơ quan ban hành (không có dấu ngăn cách) Năm xuất bản, (đặt trong ngoặc đơn, dấu phẩy sau ngoặc đơn),Tên sách, luận án hoặc báo cáo, (in nghiêng, dấu phẩy cuối tên), Nhà xuất bản, (dấu phẩy cuối tên nhà xuất bản), Nơi xuất bản. (Dấu chấm kết thúc tài liệu tham khảo)
Ví dụ :
Triều Ân (2006), Văn học chữ Hán dân tộc Tày, Nxb Văn học, Hà Nội.
– Tài liệu tham khảo là bài báo trong tạp chí, bài trong một cuốn sách phải ghi đầy đủ các thông tin: Tên tác giả (năm công bố),“Tên bài báo’’, (đặt trong ngoặc kép, in đứng, dấu phẩy cuối tên, nếu bài viết trong sách, tạp chí thì tên sách, tạp chí in nghiêng), (Số), Các số trang. (gạch ngang giữa hai chữ số, chấm kết thúc).
Ví dụ:
Đỗ Huy(1990), “ Về bản sắc dân tộc của văn hoá ”, Tạp chí Triết học, (Số 1), tr8.
Nếu là tài liệu trên Internet: Tên tác giả (thời gian công bố), tên tài liệu, địa chỉ Website, đường dẫn tới nội dung trích dẫn, thời gian trích dẫn.
Vídụ: Mai Loan (2008), “Phát triển nhiên liệu sinh học không tổn hại nông nghiệp Việt Nam”,http://vietnamnet.vn/khoahoc, trích dẫn 15/10/2010.
Cần chú ý những chi tiết về trình bày nêu trên. Nếu tài liệu dài hơn một dòng thì nên trình bày sao cho từ dòng thứ hai lùi vào so với dòng thứ nhất 1cm để phần tài liệu tham khảo được rõ ràng và dễ theo dõi.
– Các chú thích tài liệu trong đề tài không để cuối mỗi trang mà trình bày ngay sau nội dung cần chú thích, trong ngoặc móc. Ví dụ: [2, tr33] (2 là số thứ tự tài liệu trong danh mục tài liệu tham khảo, 33 là trang của tài liệu được trích dẫn).
6. Phụ lục của đề tài
Phần này bao gồm những nội dung cần thiết nhằm minh hoạ cho nội dung đề tài như: Mẫu phiếu điều tra, khảo sát, số liệu, biểu bảng thống kê, tranh ảnh…
Hi vọng những nguyên tắc vừa rồi có thể giúp ích cho các bạn hoàn thành bài tiểu luận với điểm số như ý muốn. Hãy theo dõi chúng mình để có những phương pháp vận dụng word vào việc học ở những bài tiếp theo nhé. Hẹn gặp lại