Nguyên nhân nào gây ra mụn ở âm đạo?

Mụn nhọt ở âm đạo là một vết sưng tấy chứa đầy mủ, phát triển khi một nang lông bị nhiễm trùng. Nhọt có thể xuất hiện bên ngoài âm đạo trên môi âm hộ, âm hộ hoặc vùng mu. Hầu hết nhọt âm đạo có thể tự khỏi sau 1-2 tuần nhưng trong một số trường hợp cần điều trị y tế các bác sĩ chuyên khoa.

1. Mụn nhọt ở âm đạo là gì?

Mụn nhọt ở âm đạo (còn được gọi là mụn nhọt ở vùng kín) là một nốt mụn sưng đau, chứa đầy mủ phát triển dưới da ở vùng mu. Nó thường xảy ra khi vi khuẩn Staphylococcus aureus (thường được gọi là tụ cầu khuẩn) lây nhiễm vào các túi chứa chân lông và các tuyến dầu. Mụn nhọt ở âm đạo cũng có thể phát triển do vết cắt trên da do cạo bằng dao cạo hoặc vết thương khác. Vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể qua vết thương trên da và gây nhiễm trùng.

Những nốt mụn ở âm đạo càng ngày sẽ càng gây đau và cuối cùng chúng sẽ bị vỡ ra. Mụn nhọt có thể phát triển trên môi âm hộ, ở vùng mu (nơi lông mu mọc) hoặc ở vùng xung quanh âm hộ. Một số bệnh nhân còn xuất hiện mụn nhọt ở nếp gấp da ở bẹn. Mụn nhọt có thể bắt đầu như một vết sưng nhỏ, màu đỏ và phát triển trong một vài ngày thành một nốt sưng tấy, đau đớn với đầu có mủ màu trắng hoặc vàng. Một số nốt bất thường trên da có thể trông giống như mụn nhọt vùng kín, tuy nhiên để có chẩn đoán chính xác hãy thăm khám bác sĩ phụ khoa. Nhọt hiếm khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Hầu hết các bệnh nhân mọc mụn ở vùng kín sẽ tự hết sau một hoặc hai tuần. Nhưng một số ít trường hợp mụn nhọt ở vùng kín có thể cần điều trị y tế. Điều trị có thể giúp giảm đau và giảm nhiễm trùng cho đến khi hết nhọt. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể phải cắt nhọt để dẫn lưu ổ nhiễm trùng.

2. Nguyên nhân nào gây ra mụn nhọt ở âm đạo?

Mụn ở âm đạo thường do nhiễm trùng tụ cầu, một loại vi khuẩn được tìm thấy trên da và bên trong mũi. Nó chỉ gây ra vấn đề khi nó vào bên trong cơ thể. Khi vi khuẩn xâm nhập vào các vùng da bị tổn thương sẽ hình thành một khối nhọt chứa đầy dịch hoặc mủ. Đây là cách cơ thể đang cố gắng loại bỏ nhiễm trùng. Một số nguyên nhân khiến mọc mụn ở vùng kín bao gồm:

  • Thừa cân béo phì có thể gây ra mụn nhọt giữa các nếp gấp của da.
  • Vệ sinh kém. Bạn nên rửa bộ phận sinh dục của bạn bằng xà phòng và nước hàng ngày và sau khi tập thể dục.
  • Bệnh tiểu đường hoặc các tình trạng khác làm suy yếu hệ thống miễn dịch làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng.
  • Mặc quần áo bó sát, đặc biệt là áo lót bẩn hoặc thấm mồ hôi.
  • Lông mọc ngược do cạo, chải lông hoặc tẩy lông vùng âm đạo.
  • Vết côn trùng cắn, vết thương trên da hoặc mụn trứng cá.
  • Tiếp xúc gần gũi với một người bị nhọt.

Thừa cân béo phì

3. Điều trị mụn nhọt âm đạo tại nhà như thế nào?

Hầu hết nhọt sẽ tự biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần. Bạn có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh bằng các biện pháp tại nhà. Trước khi chạm vào mụn nhọt hoặc khu vực xung quanh nó, hãy nhớ rửa tay kỹ. Bạn nên sử dụng xà phòng có khả năng diệt khuẩn và nước ấm để vệ sinh tay. Nếu không rửa tay, bạn có nguy cơ đưa thêm vi khuẩn vào nhọt và có thể làm cho tình trạng nhiễm trùng ngày càng nặng hơn. Tương tự như vậy, hãy rửa tay lại sau khi bạn điều trị xong. Vì nếu không sẽ có nguy cơ lây lan vi khuẩn sang các vùng khác trên cơ thể. Các biện pháp hỗ trợ điều trị mụn nhọt âm đạo tại nhà bao gồm:

3.1 Giữ vệ sinh

Nếu mụn nhọt vùng kín xuất hiện, hãy chú ý giữ vệ sinh vùng da đó thật sạch và đắp một miếng gạc hoặc băng dính vô trùng. Giữ khu vực này sạch sẽ và thay băng hàng ngày.

3.2 Không cố gắng chích mụn hay làm vỡ mụn

Một số người không thể chống lại sự cám dỗ việc làm vỡ hoặc chích nhọt. Nếu làm vậy bạn sẽ giải phóng vi khuẩn và có thể làm lây lan nhiễm trùng sang các vùng khác của cơ thể. Bạn cũng có thể làm cho cơn đau và tình trạng nhiễm trùng trở nên tồi tệ hơn.

3.3 Chườm ấm

Nhúng khăn với nước ấm, vắt hết nước thừa. Đặt khăn ấm lên mụn nhọt và để ở đó từ 7 đến 10 phút. Hãy lặp lại quá trình trên ba đến bốn lần mỗi ngày cho đến khi mụn nhọt vùng kín thuyên giảm. Hơi nóng từ khăn sẽ giúp thúc đẩy lưu thông máu nhiều hơn, do đó các tế bào bạch cầu có thể chống lại nhiễm trùng còn sót lại.

3.4 Mặc quần rộng trong khi vết thương đang lành lại

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra nhọt là do quần áo bó sát gây ma sát hoặc cọ xát vào vùng da mu mỏng manh. Cho đến khi mụn nhọt biến mất, hãy cố gắng mặc quần áo và đồ lót rộng rãi thoải mái. Sau khi tập luyện thể dục, thay đồ lót sạch và khô.

3.5 Sử dụng thuốc mỡ

Thuốc mỡ có thể giúp bảo vệ mụn nhọt khỏi ma sát với quần áo và đồ lót. Tương tự, nếu mụn nhọt bùng phát, hãy sử dụng thuốc mỡ kháng sinh như bacitracin, neomycin và polymyxin B (Neosporin) kết hợp để bảo vệ khỏi nhiễm trùng khác trong khi vết thương lành lại.

3.6 Uống thuốc giảm đau không kê đơn

Thuốc giảm đau không kê đơn có thể cần thiết để làm dịu cơn đau và tình trạng viêm do nhọt gây ra. Uống ibuprofen (Advil) hoặc paracetamol (Tylenol) theo hướng dẫn trên bao bì.

mụn ở âm đạo

4. Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ phụ khoa để được thăm khám và điều trị y tế. Một số triệu chứng cho thấy mụn nhọt có thể cần được điều trị y tế từ bác sĩ, bao gồm:

  • Sốt
  • Ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi lạnh
  • Mụn nhọt phát triển nhanh chóng
  • Nốt mụn khiến bạn cực kỳ đau đớn
  • Mụn nhọt to
  • Nhọt xuất hiện trên mặt bạn
  • Nhọt vẫn chưa khỏi sau hai tuần
  • Mụn nhọt tái phát
  • Vùng kín của bạn xuất hiện rất nhiều nhọt
  • Bạn bị sưng hạch bạch huyết.
  • Bạn bị đái tháo đường hoặc suy yếu hệ thống miễn dịch

Bác sĩ thường có hai lựa chọn điều trị chính nếu nhọt quá nặng:

  • Nếu nhọt cực kỳ đau và nghiêm trọng, bác sĩ có thể rạch hoặc cắt nốt mụn nhọt để dẫn lưu mủ và dịch. Bác sĩ của bạn sẽ sử dụng thiết bị vô trùng, vì vậy đừng cố gắng thực hiện việc này tại nhà. Trường hợp mụn nhọt vùng kín bị nhiễm trùng nặng có thể cần phải dẫn lưu nhiều lần.
  • Thuốc kháng sinh: Nhiễm trùng nặng hoặc tái phát có thể cần thuốc kháng sinh để ngăn ngừa mụn nhọt trong tương lai. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh sau khi mụn nhọt được rút ra để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp.

mụn nhọt ở vùng kín

5. Các biện pháp giúp phòng ngừa mụn nhọt âm đạo là gì?

Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa mụn nhọt âm đạo, đặc biệt nếu bạn bị suy giảm hệ miễn dịch. Có một số biện pháp bạn có thể áp dụng để làm giảm nguy cơ bị mụn nhọt âm đạo:

  • Rửa sạch vùng kín bằng xà phòng diệt khuẩn để tránh vi khuẩn tích tụ và gây nhiễm trùng.
  • Nếu bạn cạo lông mu, hãy cạo theo chiều lông mọc. Thay dao cạo thường xuyên vì dao cạo xỉn màu có thể làm tăng nguy cơ lông mọc ngược. Thay dao cạo hoặc lưỡi dao ba đến bốn tuần một lần. Lưu ý không dùng chung dao cạo với người khác
  • Không dùng chung xà phòng, khăn tắm, khăn mặt hoặc các vật dụng khác chạm vào âm đạo của bạn.
  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi chạm vào bộ phận sinh dục.
  • Thay quần lót hàng ngày và sau khi tập thể dục.
  • Nhẹ nhàng tẩy tế bào chết vùng mu: Nếu bạn cạo hoặc tẩy lông vùng mu của mình, hãy giảm nguy cơ lông mọc ngược của bạn bằng cách tẩy tế bào chết nhẹ nhàng vùng này hai lần một tuần. Tẩy tế bào chết có thể giúp mở các nang lông bị tắc nghẽn và cho phép lông phát triển.
  • Nếu bạn thừa cân, giảm cân có thể hữu ích vì vi khuẩn có thể tồn tại trên các nếp gấp của da
  • Uống đầy đủ liệu trình thuốc kháng sinh: Nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, hãy hoàn thành toàn bộ liệu trình điều trị. Việc không tuân thủ đúng liệu trình kháng sinh có thể dẫn đến đề kháng và tăng nguy cơ tái nhiễm, thậm chí lần tái nhiễm sau sẽ nặng hơn cả lần đầu.
  • Điều trị tụ cầu: Nếu bạn bị nhọt tái phát, bác sĩ có thể lấy mủ từ mụn nhọt và xét nghiệm để xác định vi khuẩn gây ra nhọt. Biết loại vi khuẩn gây bệnh có thể giúp bác sĩ điều trị và ngăn ngừa nhọt tốt hơn. Staphylococcus aureus là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trên da. Nó có thể khiến mụn nhọt tái phát nhiều lần và gây ra các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm khác. Nếu vi khuẩn này là nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các liệu trình điều trị chuyên biệt cho nó.

Mụn nhọt ở âm đạo là một bệnh nhiễm trùng da phổ biến thường tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên khi xuất hiện các triệu chứng cho thấy nhiễm trùng nghiêm trọng như sốt cao, nhọt sưng to, tái phát nhiều lần,… hãy liên hệ với các bác sĩ phụ khoa để được thăm khám và hỗ trợ điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số

hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, my.clevelandclinic.org, womenshealthmag.com