Nguyễn Lộ Trạch – nhà cải cách, nhà thơ

            (Mai Cao Chương, In trong “Những vấn đề ngữ văn” (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa Văn học

và Ngôn ngữ)

             Nguyễn Lộ Trạch (1853 – 1898) là nhà cải cách có tên tuổi ở nước ta vào cuối thế kỉ XIX .Tác phẩm của ông chứa chan lòng ưu thời mẫn thế, niềm phẫn uất đối với sự ươn hèn bất lực của triều đình nhà Nguyễn và một tinh thần tự nhiệm rất cao của người trí thức đối vận mệnh của đất nước.

            Xuất thân trong một nhà gia đình có truyền thống nho học và thuộc tầng lớp quan lại phong kiến, nhưng Nguyễn Lộ Trạch lại không đi theo con đường của ông cha – lúc trẻ ông theo đòi bút nghiên, nhưng không ôm ấp mộng khoa bảng công danh như hầu hết nho sĩ đương thời . Ông dành thì giờ xôi kinh nấu sử cho việc nghiên cứu tìm hiểu tình hình chính trị và những tri thức văn hóa mới trên thế giới. Nguyễn Lộ Trạch không đi thi để đỗ ông nghè ông bảng nhưng lại nổi tiếng là người uyên bác, có kiến thức mới mẻ đặc biệt là có tầm nhìn xa trông rộng vượt hẳn nho sĩ đương thời. Người ta biết Nguyễn Lộ Trạch qua các điều trần nổi tiếng của ông như: Thời vụ sách thượng, Thời vụ sách hạ, Thiên hạ đại thế luận… Đương thời người đời cũng khâm phục ông ở nhân cách cứng cỏi, lối sống giản dị không ham giàu sang phú quí và lòng yêu nước sâu sắc , chân thành của ông .

            Trước cảnh đất nước ngày càng nguy khốn do cuộc xâm lược của thực dân Pháp và sự ươn hèn, bất lực của triều đình nhà Nguyễn, Nguyễn Lộ Trạch ôm ấp hoài bão đem những kiến thức đã tích lũy được vận dụng vào việc cứu nguy cho dân tộc. Nối gót Nguyễn Trường Tộ và một số trí thức tiến bộ khác , Nguyễn Lộ Trạch lúc mới 25 tuổi đã dâng lên triều đình đứng đầu là vua Tự Đức bản điều trần đầu tiên vào năm đinh sửu 1877. Đặt tên cho điều trần của mình là “Thời vụ sách”, ông muốn nói rằng đây là những biện pháp có chính sách lược cứu nguy cấp thời trước mắt. Đúng như vậy , chúng ta không thấy ông trình bày một hệ thống cải cách có tính chất toàn diện như Nguyễn Trường Tộ mà chỉ tùy theo tình hình trước mắt mà nêu những biện pháp ứng phó kịp thời để chặn đứng sựp sụp đổ có thể trông thấy. Tính chất “ thời vụ” còn thể hiện rõ 2 bản điều trần cách nhau 5 năm : ở Thời vụ sách thượng , ông đã thấy là quá muộn để có thể tiến hành những cải cách lâu dài, nhưng ông vẫn chủ trương hết sức cố gắng “cứu vãn sau khi việc đã xảy ra” hơn là “chần chừ khiếp sợ” để cho “cái khó càng khó mà việc đời không còn có ngày có thể làm gì được nữa”. Đến Thời vụ sách hạ thì “đại thế ngày nay không như trước nữa. Ngày trước có thể làm được mà không làm , ngày nay muốn làm gì thì làm không kịp”. Do đó chủ yếu Nguyễn Lộ Trạch nêu những biện pháp có tính chất cấp bách trước mắt. Tuy vậy cũng không nên cho là Nguyễn Lộ Trạch chỉ lo cứu nguy trước mắt mà không có cái nhìn lâu dài. Nhiều biện pháp của ông chẳng những để đối phó với tình hình trước mắt, mà còn tạo điều kiện thoát khỏi nguy khốn, làm chỗ dựa cho công cuộc tự cường, tự trị lâu dài, rồi dần dần tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Hơn nữa những biện pháp đối phó đó cũng đòi hỏi phải được đặt trên nền tảng cải cách đổi mới, nghĩa là phải đoạn tuyệt với sự thủ cựu về tư tưởng và thái độ cầu an, sợ địch vốn ngự trị trong những người cầm quyền thì mới thực sự đã không diễn ra trong đầu óc cũng như trong hành động của vua quan nhà Nguyễn, cho nên điều trần của Nguyễn Lộ Trạch đã bị xếp xó giống như bao nhiêu bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, người đi trước ông và của nhiều người đương thời với ông.

            Tuy điều trần của Nguyễn Lộ Trạch không được thực hiện, nhưng ý nghĩa của nó rất quan trọng đối với lịch sử và văn hóa dân tộc.

Thời vụ sách thượng được viết vào năm Đinh sửu  1877, sau hòa ước Giáp tuất có 3 năm , tức là lúc quân Pháp đã nuốt gọn sáu tỉnh Nam kì và bước đầu đặt chân thôn tính cả nước ta . Thời vụ sách thượng biểu hiện những lo âu trăn trở của ngưới trí thức trẻ tuổi không thể im lặng ngồi yên trước thảm họa của dân tộc sắp xảy ra , trong khi kẻ cầm quyền lại đang say sưa tự mãn , mất cảnh giác trước âm mưa của giặc.

            Một nét đặc sắc của Thời vụ sách thượng là quan niệm về chiến – thủ – hòa rất đúng đắn. Lúc này phái chủ hòa đang thắng thế, phái chủ chiến gặp khó khăn. Nguyễn Lộ Trạch phê phán kịch liệt quan niệm chủ hòa mà không chiến, Ông cũng không tán thành chủ trương chỉ thủ một cách bi động của một số võ thần. Ông không tách rời chiến – thủ – hòa ra, mà phân tích quan hệ tương hỗ giữa chiến – thủ – hòa một cách hết sức sáng suốt để đi đến đích cuối cùng là đánh địch và thắng địch. Có thể nói quan điểm chiến lược của Nguyễn Lộ Trạch lúc này là chiến để thủ, và trên cơ sở thủ vững  chắc mới có thể thực hiện chữ hòa để tự cường tự trị.

            Trong tình hình hiện tại, xét đơn thuần về quân đội và vũ khí thì có sự chênh lệch quá xa giữa địch và ta. Nguyễn Lộ Trạch chủ trương khắc phục chênh lệch đó, bằng cách học lấy cái sở trường của địch, tức là tàu và súng để thể hiện đại hóa quân đội ta “làm cách nào cho thế và lực ngang với họ”. Ông mạnh dạn đề nghị phòng thủ tích cực trên biển để hạn chế sở trường của địch, chứ không nên cố thủ một cách thụ động.

            Bàn luận chiến – thủ, Nguyễn Lộ Trạch không phải hoàn toàn duy ý chí, vì ông đặt nó trên cơ sở tự cường tự trị, nước giàu dân mạnh, và coi đó là bí quyết thành công: “Về cách chống giặc, nói rõ ra từng mục thì rất nhiều, nhưng điều quan trọng nhất chẳng qua chỉ một tiếng “tự trị” mà thôi”.

            Với Thời vụ sách thượng, Nguyễn Lộ Trạch đã thể hiện một nhãn quan sáng suốt, tầm nhìn xa rộng, một kiểu suy nghĩ mới lạ và nhiệt tình yêu nước cháy bỏng của mình. Tiếc thay ý kiến của ông đã không được tirều đình tiếp thu. Tuy vậy ông không nản chí mà vẫn tiếp tục theo dõi thời cuộc và có dịp là trình bày những điều mình suy nghĩ trăn trở và đề ra biện pháp khả dĩ cứu nguy cho đất nước.

            Năm 1882, quân Pháp tiến ra Bắc Kỳ, hạ thành Hà Nội, rồi tấn công Nam định. Hòa cuộc coi như không còn, chiến tranh bùng lên dữ đội ở các tỉnh Bắc Kỳ. Nguyễn Lộ Trạch được gợi ý viết điều trần để hiến kế cứu nguy. Thời vụ sách hạ đã ra đời trong hoàn cảnh ấy.

            So với hồi viết Thời vụ sách thượng, thì tình hình đã biến chuyển khác rồi. Chiến tranh tái phát, nội tình đất nước càng rối ren, đánh giữ đều hết sức khó khăn, nguy cơ mất toàn bộ lãnh thổ đã xuất hiện. Tuy vậy Nguyễn Lộ Trạch vẫn cố gắng đề nghị lên triều đình những phương sách hành động tích cực để cứu vãn tình thế.

            Trong tình hình rối ren phức tạp, phe chủ hòa vỡ mộng, không còn dám khoe khoang phép lạ làm cho “thiên hạ tự nhiên vô sự… không phải lo lắng gì?” như trước, nhưng lại chỉ “ngồi nhìn mà than thở, buông xuôi bất lực” mà thôi. Còn phe chủ chiến, có người lại liều lĩnh định “thu thập tàn lực quyết chiến một phe”. Nguyễn Lộ Trạch phê phán cả hai loại chủ trương sai lầm ấy. Để đối phó với tình hình cực kỳ khó khăn, ông đề nghị 5 biện pháp tích cực có tính chất cứu nguy:

1.      Dựa vào địa thế hiểm yếu để giữ vững gốc nước.

2.      Tích lũy tiền gạo để có đủ lương thực.

3.      Huấn luyện binh lính để có đủ binh lực.

4.      Học kỹ thuật để chống giặc.

5.      Ngoại giao rộng rãi đê nhờ ủng hộ.

              So với Thời vụ sách thượng, thì những biện pháp này bao quát hơn, cụ thể hơn và có thể tiến hành ngay. Lúc này Pháp đã xé bỏ Hòa ước Giáp tuất (1874) nên không còn cái gì có thể ràng buộc triều đình trong việc thực hiện các biện pháp tự vệ, do đó mà có những điều cấm kỵ trước đây như học kỹ thuật, ngoại giao rộng rãi đã được đề cập đến như những khả năng có thể thực hiện được. Tuy là biện pháp cụ thể, nhưng Thời vụ sách hạ vẫn cho ta thấy tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Lộ Trạch. Nguyễn Lộ Trạch không chỉ đề xuất sách lược chung mà còn dự kiến khá cụ thể điều kiện thực hiện. Trong bức thư gửi lên quan chấp chính (Nhâm ngọ niên nhị nguyệt thướng chấp chính thư) viết trước Thời vụ sách hạ mấy tháng (chúng tôi đã nói ở trên), Nguyễn Lộ Trạch xin nhận lấy trách nhiệm khó khăn là đi giao thiệp với nước ngoài.

              Trong Thời vụ sách ha lần này ông nói tiêu chuẩn cụ thể hơn trong việc chọn người bí mật ngoại giao, cách thức tiến hành cũng như thế :

“Tôi xin hãy chọn người nào biết giữ gìn tiết tháo và chưa từng vinh hiển (…), dùng danh nghĩa là người đi buôn, cấp nhiều tiền của để làm phí tổn cho việc giao du rộng rãi, nội trong môt hian ăm tất phải có kết quả để báo mệnh triều đình”.

              Hy vọng nhiều vào chủ trương này, nhưng đầu óc sáng suốt của nhà chiến lược Nguyễn Lộ Trạch không bao giờ cho rằng chỉ trông cậy vào sự giúp đỡ của nước ngoài là đủ. Trong Nhâm ngọ niên nhị nguyệt thướng chấp chính thư và cả Thời vụ sách ha, Nguyễn Lộ Trạch luôn luôn nhấn mạnh đến tự cường tự trị, lấy đó làm cái gốc vững chắc, rồi mới bổ sung bằng ngoại vịên.

              Ý kiến thực là xác đáng. Đương thời, tưởng không có ai có một tầm nhìn chiến lược, một chủ trương đúng đắn được đến như vậy ! Tiếc rằng Nguyễn Lộ Trạch không có quyền quyết định số phận của những bản điều trần này.

              Trước thời cuộc không còn hy vọng gì xoay chuyển được nữa mà sự sụp đổ lại diễn ra đúng như chiều chuyển hướng mình đã thấy trước và đã cố gắng tìm biện pháp ngăn chặn mà không được, vì triều đình thiển cận ươn hèn, Nguyễn Lộ Trạch ngồi nhà đem điều trần xếp vào thành một tập đặt tên là Quỳ ưu lục, tự viết bài tựa đề ngày 16 tháng 9 năm Giáp Thân (1884), và lời đề cuối tập sách này. Cà hai bài đều thể hiện nỗi xót xa, đau buồn của người trí thức có tâm huyết, thấy trứơc được tai hoạ cho dân tộc, đã cố gắng tìm lối thoát bằng những điều trần gửi lên người cầm quyền mà không được dùng. Cuối cùng chỉ còn lại nỗi uất hận và được tiếng hão là người tiên tri, còn dân tôc thì vẫn bị chìm đắm, bị dày xéo trước gót giày xâm lăng:

“Than ôi !  Ta nhọc nhiều lời, không đựơc dùng đến, mắt thấy buổi khó, kể chẳng ai làm, mà sự đời lại thay đổi như lời ta tiên đoán. Thế thì đời ta, không mảy may bổ ích, có tội với đời, chẳng nhiều lắm sao…Những người bàn định  việc đời có xúc động khi đọc sách này chăng ?

Mi Sơn Tô Lão Tuyền có nói : “Thiên hạ sắp bị tai họa mà ta được tiếng tiên tri ,đáng buồn thay !”

Ơ sách này ta cũng nói như thế !”

              Trong bài tựa, ông so sánh những cố gắng của mình như Giả Nghị đời Hán, Trương Cửu Linh đời Đường và Văn Thiên Tường đời Tống : thấy trứơc đựơc tai hoạ mà  không làm gì được, những điều mình viết để giúp đời cuối cùng chỉ còn lại như những tác phẩm văn chương. Giọng văn của ông lâm ly mà bao hàm nỗi phẫn uất, xúc động lòng người:

“Trương Quảng Khê vịnh Giả Nghị có câu rằng:

Ngã diệc vị quân trường thái tức

“Trị an” đồ tác Hán văn chương.

(Ta cũng vì ông than thở mãi.

“Trị an” một áng văn chương)

Ta thường đọc đi đọc lại câu ấy mà rơi nước mắt”.

              Viết những dòng này, Nguyễn Lộ Trạch muốn bày tỏ nỗi khổ tâm của mình với hậu thế.

              Thất vọng, đau buồn nhưng lòng Nguyễn Lộ Trạch không bao giờ nguội lạnh việc đời, ông đi dạo khắp núi sông, giao du với những người cùng chí hướng. Lớp nho sĩ, hậu học có nhiệt tâm nhiệt huyết với đất nước coi ông như bậc đàn anh. Chí lớn cứu đời vẫn thôi thúc ông, nên 10 năm sau Thời Vụ sách hạ, Nguyễn Lộ trạch lại viết một luận văn có tiếng vang rất lớn đương thời, đó là bài Thiên hạ đại thế luận.

              Nếu như 15 năm về trứơc, Nguyễn Lộ Trạch viết Thời vụ sách thượng vì phản ứng lại một đầu đề kỳ thi hội, thì lần này nhân đầu đề kỳ thi đình có hỏi về đại thế hoàn cầu, tuy không đi thi, nhưng ông lại thấy đây là dịp tốt để bày tỏ quan điểm của mình đối với thời cuộc, nhằm tác động vào triều đình và giới trí thức đương thời.

              Những điều trần và tài liệu của Nguyễn Lộ Trạch được soạn thảo cách chúng ta hơn một thế kỷ rồi, những vấn đề mà nó nên lên bị thời gian vượt qua, nhưng không ai nghi ngờ về giá trị to lớn của nó trong bối cảnh lịch sử xã hội đương thời. Đọc Nguyễn Lộ Trạch, chúng ta tự hào và khâm phục bản lĩnh kiên cường và tầm hiểu biết sâu rộng của người trí thức áo vải. Nếu như chúng ta kính phục Nguyễn Trường Tộ, nhà cải cách đi tiên phong có những điều trần mới mẻ và táo bạo, thì chúng ta càng quý trọng Nguyễn Lộ Trạch, coi ông như người nối tiếp sự cải cách mà Nguyễn Trường Tộ còn làm dang dở.

              Dù cho những quan điểm canh tân đất nước của Nguyễn Lộ  Trạch không đựơc triều đình thực hiện, hoặc thực hiện nửa vời không đi đến đâu, nhưng toàn bộ tư tưởgn cải cách của Nguyễn Lộ Trạch đã đựơc nhiều thế hệ đánh giá cao. Nguyễn Lộ Trạch đã để lại cho đời nhiều di sản quý báu. Ngày nay đọc Nguyễn Lộ Trạch không chỉ tìm hiểu tư liệu lịch sử đã lui vào dĩ vãng, mà trái lại, những vấn đề mà Nguyễn Lộ Trạch đặt ra, nêu lên ở thời  đại ông vẫn nóng hổi tính thời sự đối với chúng ta khi mà đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh.

                                                            *

              Nguyễn Lộ Trạch không chỉ viết các bản điều trần ông còn làm thơ, và thơ ông cũng rất hay. Năm 1932, trên báo Tiếng Dân, Bồ Cảng (có lẽ là bút hiệu của nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng) có viết về thơ của ông như thế này: Tiên sinh “có 8 bài hoạt thi Thu hứng Đỗ Phủ, ký giả có nhớ vài câu:

Cần lao nẫm tải dư thường ngạc,

Văn hiến thiên niên cạnh thực âu

         ….

                        Thập vạn hoàng mai chỉ thủ tiếu

            Quân khan thu thảo mãn thành phì.

                        (…)

Xem hai câu thơ trên đủ thấy tấm lòng khảng khái cảm phẫn là thế nào.”[1]

            May mắn là chúng tôi đã sưu tập được khá nhiều thơ của ông, trong đó có bài thơ nói ở trên. Xin giới thiệu dưới đây mấy bài thơ của ông[2]:

 

                             THU HOÀI – BÁT THỦ

                        Dụng Đỗ Lăng Thu hứng bát thủ chi vận

                        (Nỗi lòng mùa thu – 8 bài 

                        dùng vần 8 bài Thu hứng của Đỗ Phủ)

                                                I

                        Cực mục tiêu sơ hồng diệp lâm,

                        Thiên sơn tĩnh lập ảnh sâm sâm

                        Tiều lâu đoạn giác minh sương lãnh

                        Chiến lũy trầm lân khốc nhật âm

                        Thảo muội kinh dinh tiên thế nghiệp

                        Giang hồ ưu ái hủ nho tâm

                        Vạn gia chinh phạt hàn y tận,

                        Sầu sát thu khuê xứ xứ châm.

 

                        Đầy rừng lá đỏ cảnh tiêu sơ,

                        Sừng sững nghìn non bóng tỏa mờ.

                        Tiếng giốc trên đồn sương lạnh lẽo,

                        Lửa ma dưới lũy bóng âm u.

                        Gian nan dựng nghiệp, công tiền bối,

                        Phiêu bạt lo đời, chí hậu nho.

                        Chinh chiến muôn nhà không áo rét,

                        Phòng khuê đứt ruột tiếng chày thu.

 

II

                        Bình Sơn lập mã nhật tà tà

                        Liệu vọng đương niên ức tuế hoa.

                        Đại địa tiêu trầm hoàn hạo kiếp,

                        Cửu châu ly hợp tận phù tra.

                        Thanh phần Hán khuyết hà nhân kiếm,

                        Minh nguyệt Hồ thiên kỷ xứ già.

                        Thượng uyển thu đường hồng lịch lịch,

                        Nhất thời hóa tác đỗ quyên hoa.

 

                        Ghìm cương núi Ngự bóng chiều tà,

                        Nhớ lại năm nào độ tuổi hoa.

                        Tai họa đắm chìm hình đất nước.

                        Mảng bè trôi nổi cảnh sơn hà.

                        Trời Hồ kèn vọng đêm trăng sáng,

                        Cửa Hán gươm tuôn, khí độc lòa.

                        Thượng uyển hải đường thu đỏ rực,

                        Chợt nhìn như thể đỗ quyên hoa.

 

                                                III

                        Thương tâm vô kế vãn tà huy,

                        Nhẫn hướng song tiền phú Thức vi.

                        Cấn nhạc tân dư hoa thặng lệ,

                        Ô, Y trần hậu yến cô phi.

                        Long xà dược thạch biên trù thiết,

                        Đàn điếm binh xa quốc kế vi.

                        Thập vạn kiếm hoành chỉ thủ tiếu

                        Quân khan thu thảo mãn thành phì.

 

                        Lòng đau khôn kéo ánh tà huy,

                        Song vắng ngậm ngùi đọc Thức vi.

                        Hoa khóc lửa tàn miền Cấn Nhạc,

                        Bụi mờ én lạc ngõ Ô Y.

                        Biên phòng cấp bách điều trần rõ,

                        Hòa hội sai lầm, quốc sách nguy.

                        Chục vạn tay gươm vô tích sự,

                        Đầy thành cỏ dại phủ xanh rì.

 

                                                VIII

                        Âm phù độc mặc dạ di di,

                        Thủ phách Long tuyền lệ thạch phi(pha).

                        Hồ mã khởi năng du bắc tái,

                        Việt cầm chung tự luyến nam chi.

                        Ngang tàng mạn tác vân khê dật,

                        Trì mộ không lân tuế nguyệt di.

                        Kỷ xứ xung quanh ca Bạch thủy,

                        Tiêu tiêu hàn vũ mãn giang thùy.

 

                        Binh thư lặng lẽ đọc đêm dài

                        Tay tuốt Long Tuyền tựa đá mài.

                        Ải bắc ngựa Hồ khôn thể vượt,

                        Cành nam chim Việt nở nào rời.

                        Ngang tàng ẩn dật khe mây vắng,

                        Già cả long đong năm tháng trôi.

                        Bạch thủy giọng ca đầy phẫn khích,

                        Trên sông mưa lạnh mịt mù rơi.

                                                            (Mai Cao Chương dịch)

 

THƠ TẶNG NGƯỜI BẠN TRUNG HOA HỌ TRÌNH[3]

 

                                                I

                        Thôn hồng dật khí trực hoành thâu,

                        Cao ngọa Nguyên Long bách xích lâu.

                        Kiếp lý âm phù tiên đố hóa,

                        Phiêu nhiên nhất diệp Phạm Lê (Lãi) châu.

 

                              Nuốt mây chí lạ ngang trời,

            Nằm cao ngạo nghễ thói đời đáng khinh.

                              Trong rương hóa mọt sách binh,

            Thuyền đơn Phạm Lãi bồng bềnh rong chơi.

                       

                                                II

                        Lạc lạc trần hoàn khuynh cái nhân,

                        Oanh hoa tam nguyệt ẩm quân thuần.

                        Dao liên đại sấu hàn mai tứ,

                        Trù trướng thiên nhai cố cố xuân.

 

                  Trên đời mấy kẻ tri âm,

                        Tháng ba hoa nở mời ông rượu đào

                              Xương mai lạnh, ý thương sao,

                        Nhớ xuân xưa, dạ buồn đau cuối trời.

 

            III

                        Gia sơn cựu trú Vũ Di điên,

                        Hung lý thâm điền vạn khoảnh yên.

                        Thân thị Nhạc Dương tam túy khách,

                        Vị ưng lâu thượng tọa Quỳnh Tiên.

 

                              Vũ Di nơi ấy quê nhà,

                        Trong tim vạn dặm la đà khói vương.

                              Thân mình say khướt Nhạc Dương,

                        Bao giờ thỏa ước Đoàn Lang cùng ngồi.

                                                                   (Đoàn Lê Giang dịch)

[2] Để tránh cho bài viết dài quá, chúng tôi xin lược phần dịch thơ và chú thích. Xin xem toàn bộ trong Nguyễn Lộ Trạch, điều trần và thơ văn, Mai Cao Chương, Đoàn Lê Giang biên  soạn, Nxb. Khoa học Xã hội, 1995.