Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị Trung ương tháng 10-1930
Hội nghị đề ra Nghị quyết: Thủ tiêu Chánh cương, Sách lược và Điều lệ của Đảng.
Cho đến hôm nay, nội dung được thông qua tại Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 gây cho nhiều người băn khoăn: Liệu đồng chí Nguyễn Ái Quốc có dự không, mà Hội nghị lại bác bỏ hầu hết những văn kiện do Hội nghị hợp nhất thông qua trước đó 9 tháng?
Bác Hồ đón Tết Trung thu với các cháu thiếu nhi quốc tế. Ảnh tư liệu.
Sự kiện Nguyễn Ái Quốc tham dự Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930 đã được các nhà viết tiểu sử Hồ Chí Minh của Viện Hồ Chí Minh ghi nhận khi biên soạn cuốn “Hồ Chí Minh – Tiểu sử”, do GS Song Thành chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật xuất bản năm 2006 và tái bản năm 2010. Tuy nhiên, cho đến nay, trong giới nghiên cứu Lịch sử Đảng và Hồ Chí Minh học, vẫn còn ý kiến tồn nghi liệu sự kiện đó có chính xác không? Tôi tán thành ý kiến của Viện Hồ Chí Minh, thông qua 8 tư liệu hiện có, thuộc 4 khối tài liệu hiện đang có ở Kho tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh:
– Tài liệu do chính đồng chí Nguyễn Ái Quốc báo cáo.
– Báo cáo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
– Hồi ký của những người đã từng tham dự Hội nghị này.
– Tài liệu mật thám.
I. Tài liệu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc
1.Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị cho Hội nghị
Thư đề ngày 2-9-1930 gửi Ban Phương Đông – Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc cho biết Người dự kiến chương trình nghị sự của Hội nghị sẽ gồm có 4 việc:
a. Tự phê bình trong quá khứ
b. Kế hoạch công tác tiến tới Đại hội Đảng
c. Kế hoạch cho Đại hội Đảng
d. Kế hoạch gửi học viên đi đào tạo tại Mát-xcơ-va
2. Ngày 29-9-1930, Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, cho biết: “Ba Ủy viên Trung ương từ Nam Kỳ đã tới đây ngày 19-9, chờ các đồng chí ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ tới…”.
3. Ngày 28-10-1930, báo cáo nhanh gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc thông báo Hội nghị đã họp từ 12-10 và kết thúc 27-10, tóm tắt những Nghị quyết Hội nghị đã thảo luận và thông qua, như Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; nhiệm vụ trước mắt của Đảng; bầu Tổng bí thư… kèm báo cáo tài chính chi tiêu cho Hội nghị.
II. Báo cáo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương
1. Thư của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi cho các cấp đảng bộ ngày 9-12-1930, viết: “Đồng chí ấy (tức Nguyễn Ái Quốc – Chu Đức Tính chú thích) nay đã nhận rõ những sai lầm và cũng đồng ý với Trung ương mà sửa đổi những chỗ sai lầm lúc trước”.
2. Báo cáo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Quốc tế Cộng sản ngày 17-4-1931 cho biết “Các Nghị quyết của phiên họp đầu tiên của Ủy ban Trung ương, chúng tôi đã gửi các đồng chí qua đồng chí Quốc và nhờ đồng chí Quốc dịch ra tiếng Anh hoặc tiếng Pháp”.
III. Hồi ký của đồng chí Bùi Lâm
Đồng chí Bùi Lâm là người được Nguyễn Ái Quốc giác ngộ cách mạng từ hồi còn ở Pháp. Năm 1927, học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va, rồi về công tác ở Văn phòng Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Năm 1931, đồng chí Bùi Lâm về nước tham gia Xứ ủy Nam Kỳ, sau đó bị địch bắt và bị tù… Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Bùi Lâm công tác ở Tòa án Quân sự Liên khu III, Tòa án Hà Nội, Bộ Tư pháp, rồi Viện trưởng Viện Công tố, Đại sứ Việt Nam tại Bun-ga-ri. Trước khi từ trần năm 1974, là Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Tạp chí Cộng sản số ra tháng 9-1982 đăng Hồi ký của Bùi Lâm, do Thế Tập ghi, về Nguyễn Ái Quốc với Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương tháng 10-1930: “Hội nghị thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng khai mạc dưới sự chủ tọa của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tại một nhà (không nhớ số) ở phố Cửu Nghĩa (Hương Cảng)… Tuy có vị trí và uy tín lớn trong Hội nghị này, nhưng đồng chí Nguyễn Ái Quốc rất khiêm tốn, lắng nghe và tôn trọng những ý kiến của tập thể. Chúng tôi thấy rất rõ ở Người ý thức tổ chức và tinh thần trách nhiệm rất cao. Ngay sau Hội nghị kết thúc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã báo cáo ngay với Quốc tế Cộng sản và Ban Phương Đông về kết quả của Hội nghị, đồng thời Người cũng trình bày thêm với các đồng chí lãnh đạo Ban Phương Đông về những Nghị quyết của Hội nghị”.
IV. Tài liệu mật thám Pháp
1. Hồ sơ về Nuolens:
Nuolens tức Paul Ruegg – Trưởng ban Viễn Đông của Quốc tế Cộng sản, phụ trách Chi nhánh Ban Phương Đông tại Thượng Hải. Theo tài liệu của Kho lưu trữ lịch sử chính trị – xã hội quốc gia Nga (ký hiệu 495.153.569) và tài liệu mật thám Pháp (bản dịch lưu Kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh) thu được trong hồ sơ của Nuolens, có tài liệu tóm tắt về Đông Dương, trong đó có một văn bản ghi “Tháng 10-1930, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã được nhóm họp. Theo báo cáo của đồng chí K.V (tức Nguyễn Ái Quốc, chú thích của tài liệu) mà chúng tôi nhận được từ chính đồng chí ngày 16-11-1930 thì đã có 6 đồng chí tham dự tại Hồng Kông, dưới sự chủ tọa của Nguyễn Ái Quốc”.
2. Lời khai của Ngô Đức Trì:
Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện lưu bản dịch “Lời khai của Ngô Đức Trì với mật thám Pháp” trong tháng 5 và 6-1931, do đích thân Viện trưởng Hà Huy Giáp dịch từ bản tiếng Pháp. Theo tài liệu thì Ngô Đức Trì đã khai rõ mình cùng Trần Phú từ Liên Xô về Việt Nam. Cuối tháng 8-1930, Ban Chấp ủy Nam Bộ nhận được thư của Nguyễn Ái Quốc triệu tập các ủy viên Trung ương ở Nam Bộ sang Hồng Kông để họp Hội nghị Trung ương vào tháng 9. Ngày 4-9-1930, Ngô Đức Trì và Nguyễn Trọng Nhã (Sáu) xuống tàu Holiko đi Hồng Kông, đến nơi được đồng chí Lương (Hồ Tùng Mậu) đưa đi gặp Nguyễn Ái Quốc tại gác 2, nhà số 49, đường Khải Nghĩa, Cửu Long. Ngô Đức Trì còn khai với mật thám Pháp vì bị đau ruột thừa nên không tham dự suốt thời gian Hội nghị họp, nhưng “… cuối tháng 10, Sáu có đến thăm Trì tại bệnh viện và báo cho Trì biết Hội nghị đã kết thúc. Quốc và Lý Quý (Trần Phú) sẽ đi Thượng Hải trong vài ngày tới để liên lạc với Ban thư ký Bộ Đông Phương…”.
Như thế, câu hỏi “Nguyễn Ái Quốc có tham dự Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 không?” đã có câu trả lời là có. Vậy sẽ xuất hiện câu hỏi thứ hai: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc có mặt, vậy tại sao Hội nghị lại bác bỏ hầu hết những văn bản của Hội nghị hợp nhất do Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì? Câu trả lời này ở ngay thư của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi các cấp đảng bộ ngày 9-12-1930. Ngay đầu thư, Thường vụ Trung ương đã phê phán: “Đảng hiệp nhất kể đã có sinh hoạt gần một năm rồi nhưng vẫn chưa có thể thống gì, đó là vì:
1. Hội nghị hiệp nhất chủ trương các công việc rất sơ sài, mà có nhiều điều không đúng với chủ trương của quốc tế.
2. Lâm thời Trung ương cử ra sau lúc Hội nghị hiệp nhất đã không nhóm một lần hội nào”.
Thư thông báo “Nay toàn thể Trung ương Hội nghị lần thứ nhất đã xong” và chỉ ra nguyên nhân vì sao chủ trương của Hội nghị hợp nhất lại có nhiều chỗ không đúng với chủ trương của Quốc tế Cộng sản?, bởi là vì: “Đồng chí đứng ra triệu tập Hội nghị hợp nhất năm trước kia thì được Quốc tế cho về tùy hoàn cảnh mà làm việc chứ chưa có được kế hoạch rõ ràng gì. Khi đồng chí ấy về đến nơi thì thấy phong trào cộng sản tuy mới nổi nhưng đã chia rẽ rồi, nên mới tự ý hành động có nhiều việc sai lầm không đúng với kế hoạch của quốc tế… Đồng chí ấy nay đã nhận rõ những điều sai lầm và cũng đồng ý với Trung ương mà sửa đổi những sai lầm lúc trước”.
Do nhiều nguyên nhân, trong đó rõ nhất là ảnh hưởng tả khuynh của Đại hội lần thứ VI – Quốc tế Cộng sản năm 1928, mà Quốc tế Cộng sản đã đánh giá chủ trương của Hội nghị hiệp nhất có nhiều điểm không đúng với chủ trương của Quốc tế Cộng sản, nên tất yếu Hội nghị Trung ương lần thứ nhất tháng 10-1930 phải “sửa đổi những sai lầm trong công việc của Hội nghị hợp nhất” và như thế, dù Nguyễn Ái Quốc là người tổ chức Hội nghị, hay chỉ tham dự Hội nghị thì nhất định phải tuân thủ chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, phải tự giác “nhận rõ sai lầm” và buộc phải sửa chữa sai lầm. Đây đúng là một sự trớ trêu nhưng đã diễn ra trong lịch sử. Vì ngay khi đó, Nguyễn Ái Quốc đã tin tưởng rằng mình đúng, không sai, nhưng không thể không chấp hành chỉ thị cấp trên. Đó là nguyên tắc số một của xây dựng Đảng: “Tập trung dân chủ” – nghĩa là cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, bộ phận phục tùng toàn thể. Nguyễn Ái Quốc đúng mà bị hiểu sai – tình trạng đó không phải một năm mà kéo dài gần hết thập kỷ 30. Nhưng chính thời kỳ đó càng lấp lánh bản lĩnh kiên cường, trí tuệ và tấm lòng son sắt của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với sự tồn tại và phát triển của Đảng, như chính người đồng chí – học trò của Người, Lê Hồng Phong đã nhận xét năm 1935: “Tôi biết rằng đồng chí Quốc rất tích cực trong hoạt động cách mạng và các vấn đề sự nghiệp của Đảng luôn được đồng chí đặt cao hơn cuộc sống cá nhân. Có thể nói rằng đồng chí ấy luôn sống và làm việc vì Đảng”.