Nguy kịch vì tự mua thuốc điều trị 2 vết cắn của bò cạp
Những tổn thương trên da này sẽ mất đi sau vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên mới đây, Bệnh viện Da liễu TP.HCM vừa tiếp nhận trường hợp biến chứng hiếm gặp sau khi bị bọ cạp cắn. Không những thế khi điều trị, bệnh nhân còn bị sốc thuốc phản vệ dẫn đến nguy kịch.
Hai vết đốt chí mạng
Được biết, các bác sĩ đã tìm ra chất độc của bọ cạp và phản ứng thuốc nên việc đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân Bích cũng đang được tiến hành. Theo một số bác sĩ, lúc nhập viện tình trạng bệnh nhân rất nặng, dù nhập viện muộn nhưng may mắn chất độc đã được khống chế. Trong trường hợp nếu bệnh nhân nhập viện muộn hơn một chút nữa thì nguy cơ bị nhiễm trùng máu là rất cao và sẽ dẫn đến tử vong. Hiện chị Bích đang trong quá trình hồi phục nhưng vẫn rất cần những tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân và bạn đọc gần xa giúp chị Bích và gia đình vượt qua được khó khăn, bệnh tật. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ phòng Chăm sóc đặc biệt, Khu C, Bệnh viện Da liễu (số 2, Nguyễn Thông, Q.3, TPHCM), hoặc qua SĐT 01218 087864 (mẹ chị Bích).
Những ngày gần đây, trường hợp chị Nguyễn Thị Bích (SN 1986) ngụ tại huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) phải nhập viện cấp cứu do bị bọ cạp cắn đã khiến dư luận xôn xao. Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Dương (SN 1966, mẹ chị Bích) cho biết: “Chị Bích và chồng là anh Trần Văn Khá vốn là công nhân làm thuê cho một xưởng gỗ tại Đồng Nai. Sáng ngày 7/7 vừa qua, trong lúc Bích đang lột vỏ cây thuê thì vô tình bị con bọ cạp cắn vào tay. Vì cứ nghĩ vết cắn của loài bọ này chỉ giống như muỗi chích, kiến cắn nên con tôi không mua thuốc uống. Ba ngày đầu, cháu nó vẫn đi làm bình thường. Sang ngày thứ 4, phần đùi bỗng nổi mụn nước và người nóng sốt. Nó lại nghĩ là rôm sảy bình thường nên vô tư lấy kim chích ra, rồi đi mua thuốc sát trùng và hạ sốt, rồi đi làm bình thường. Thật không may, ba ngày sau Bích lại bị bọ cạp lẫn trong đống gỗ đốt tiếp vào tay. Vì cho rằng vết cắn không có gì đáng lo ngại, phần vì đang đi làm mướn nên cháu nó không tiện xin phép nghỉ. Nhưng sau đó, con tôi cảm thấy chóng mặt, sốt cao và có ra hiệu thuốc gần nhà mua ba liều thuốc hạ sốt. Sau hơn hai tiếng uống thuốc, thân nhiệt cháu không có dấu hiệu giảm mà thay vào đó, nhiều vùng da trên người bị nổi mụn nước”.
Theo tìm hiểu được biết, chị Bích và anh Kha quê ở miền Tây nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên cả hai lên Đồng Nai lập nghiệp. Con trai đầu lòng của anh chị năm nay lên 8 tuổi, nhưng vì cái ăn còn lo chưa tới nên đến giờ đứa bé vẫn thất học. Bản thân chị Bích vừa sinh đứa con thứ hai được 11 tháng nên điều kiện kinh tế gia đình càng eo hẹp hơn. Công việc lột vỏ cây của chị và khâu ép cây của anh Kha miệt mài cả ngày cũng chỉ được 140.000 đồng. Bởi vậy, khi bị bọ cạp đốt đến lần thứ hai, chị Bích biets nguy hiểm nhưng vẫn cố chịu đựng vẫn cố chịu đựng. “Vợ chồng nó chăm chỉ làm ăn nhưng vẫn nghèo. Có được đồng lương nào, Bích nó cũng chi tiêu dè sẻn để dành tiền mua sữa cho con. Vậy nên, khi thấy chóng mặt và sốc thuốc, nó cũng không dám đi khám. Đến khi chồng giục mãi, nó mới lên Sài Gòn khám. Đến Bệnh viện Da Liễu (TP.HCM), qua một vài bước lâm sàng con tôi được các bác sĩ chỉ định nhập viện ngay, vì có dấu hiệu sốc thuốc phản vệ và trúng độc nặng”, bà Dương buồn rầu cho biết.
Cũng theo lời bà Dương, hôm nhập viện trong túi chị Bích vỏn vẹn chỉ có 400.000 đồng. Vì sợ chồng lo lắng nên chị đã gọi điện về cho mẹ ruột ở tận Kiên Giang nhờ lên chăm sóc. Lúc này, 2/3 thân thể chị Bích đã nổi đầy bọng nước gây đau nhức và khó chịu, các bọng nước nổi dày đặc nhất là phía trước ngực. Qua kiểm tra, các bác sĩ nhận định nguyên nhân gây ra các triệu chứng bất thường là do bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc và không đến bệnh viện kịp thời. Từ đó, khiến cơ thể bị nhiễm độc bọ cạp đốt và sốc phản vệ. Chỉ sau một ngày nhập viện, nhìn những vết tổn thương trên da của chị Bích không ai ngờ là do bọ cạp đốt. Thông thường, nọc của bọ cạp độc tính không cao như một số loài rết, rắn mà chỉ có thể gây nhức và sưng nhẹ ở vết cắn và sau đó sẽ tự khỏi. Nhưng trường hợp của chị Bích lại khá hy hữu. Các vết phồng rộp trên da của bệnh nhân sau đó còn bong tróc thành từng mảng giống như da bị tuột do phỏng. “Hôm cái Bích nhập viện chồng gọi điện hỏi sao chưa thấy về, con bé sợ chồng lo lắng nên bảo thứ 2 về. Thứ 2 không thấy vợ về, Kha nó hỏi tại sao thì vợ nó bảo ở lại vài hôm lấy thuốc thứ 4 về. Đến thứ 4 cũng không thấy vợ về, chồng sốt ruột nên dẫn cả hai con lên thăm mẹ. Nào ngờ, thấy cái Bích nằm trên giường mặt mày sưng phù, da dẻ bong tróc, thằng Kha xót vợ quá không cầm được nước mắt”, bà Dương nghẹn ngào nói.
Tổn thương trên da chị Bích do bị bọ cạp đốt.
Tận cùng bi đát
Theo các bác sĩ, đa số nọc độc của các loài bọ cạp là vô hại đối với con người. Tuy nhiên, một số trường hợp hy hữu có thể gây ra triệu chứng như toàn thân lạnh, sốt, nổi ban da, ngứa, chóng mặt, rối loạn nhịp tim, nhiễm khuẩn và nặng hơn là hoại tử tế bào. Bởi tất cả các loài bọ cạp đều có độc tố thần kinh là Chlorotoxin và một men gây sưng phồng.
Cho đến thời điểm này, bệnh nhân vẫn đang nằm trong phòng cách ly. Vì vậy, người nhà vào thăm rất hạn chế. Việc tắm rửa, lo sinh hoạt cho bệnh nhân cũng không hề dễ dàng. Là người trực tiếp túc trực bên giường bệnh con gái, bà Dương chia sẻ: “Cả đời tôi sống ở vùng sông nước từ bé đến giờ, nhưng chưa thấy ai bị bọ cạp cắn mà ra đến nông nỗi này. Mỗi lần vô phòng cách ly thăm con, thấy cháu nó ứa nước mắt mà tôi cũng mủi lòng theo. Nhất là khi tắm cho con, ngoài tôi còn có các điều dưỡng và bác sĩ nhưng thực sự tôi vẫn bị ám ảnh, bởi máu cứ chảy thành dòng, còn da thì cứ tuột từng mảng. Nó đau lắm nhưng nghĩ thương hai đứa nhỏ nên muốn xin về. Dù thế, tôi kiên quyết không cho”.
Bác sĩ Hà Anh Tuấn- Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM cho biết, bọ cạp là loài chân đốt có 8 chân. Ở phần đốt cuối trên đuôi bọ cạp luôn mang nọc độc, gồm một cặp tuyến độc và một mũi tiêm nọc độc. Bọ cạp ở Việt Nam có độc tính không cao. Ngược lại, một số loại bọ cạp ở châu Phi, châu Mỹ lại mang nọc độc chết người. Khi bị bọ cạp đốt cần phải xử lý kịp thời, sát trùng bằng Povidine 10% hoặc cồn 70 độ, chườm lạnh để giảm sưng. Nếu để quá 6 giờ có thể gây nhiễm khuẩn, đặc biệt với những người có sức đề kháng yếu có thể gây suy giảm miễn dịch. Đặc biệt, bệnh nhân không nên tự ý đi mua thuốc điều trị, điều này nếu chủ quan sẽ dễ gây những biến chứng khó lường.
Khôi Nguyên/Báo Gia đình & Xã hội