Người sử dụng trái phép chất ma túy là gì? Phân biệt với người nghiện

Kinh tế ngày càng phát triển kéo theo nhiều sự suy thoái và tệ nạn của xã hội. Một trong số đó là tệ nạn nghiện hút ma túy đang diễn ra rất phổ biến hiện nay. Trong bài viết dưới đây Luật Minh Khuê xin gửi tới quý khách hàng thông tin về: Thế nào là người sử dụng trái phép chất ma túy? Phân biết người sử dụng chất ma túy trái phép và người nghiện

1. Ma túy là gì?

Theo định nghĩa của Tổ chức Liên Hợp Quốc: Ma túy được hiểu là “Các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO): Ma túy theo nghĩa rộng nhất là “Mọi thực thể hóa học hoặc là những thực thể hỗn hợp khác với tất cả những cái được đòi hỏi, để duy trì một sức khỏe bình thường, việc sử dụng những cái đó sẽ làm biến đổi chức năng sinh học và có thể cả cấu trúc của vật”. Từ đó có thể hiểu ma túy là chất kích thích thần kinh gây cảm giác như giảm đau, hưng phấn, dễ chịu, buồn ngủ mà nếu dùng nhiều lần sẽ phải sử dụng lại chất này nếu không cơ thể sẽ cảm thấy rất khó chịu và ma túy còn gây tổn hại đến sức khỏe của người dùng. Có thể phân loại ma túy thành các dạng sau:

– Ma túy tự nhiên: Đây là các chất ma túy có sẵn trong tự nhiên, là alcaloid của một số thực vật như cây thuốc phiện (anh túc), cây cần sa (cây gai dầu), cây coca (cocain).

– Ma túy bán tổng hợp: Là các chất ma túy được tổng hợp một phần từ một số loại ma túy có sẵn trong tự nhiên, có tác dụng mạnh hơn chất ma túy ban đầu. Ví dụ: Morphin, heroin

– Ma túy tổng hợp: Là nhóm các chất ma túy không có trong tự nhiên. Ma túy tổng hợp được tổng hợp nên từ các loại hóa chất (các hóa chất này được gọi là tiền chất): ví dụ: Amphetamin, MDMA, ecstasy, ma túy đá…

Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành. Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng. Chất hướng thần là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện với người sử dụng. 

 

2. Khái niệm người sử dụng trái phép chất ma túy 

Người sử dụng ma túy ngày càng gia tăng Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình hàng năm phát hiện khoảng 140.000 người sử dụng trái phép chất ma túy. Tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng. Cụ thể, năm 2017 phát hiện hơn 128.000 người, năm 2018 phát hiện hơn 135.000 người, năm 2019 phát hiện hơn 143.000 người sử dụng trái phép chất ma túy. Riêng năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng dồn sức chống dịch, nhiều địa phương áp dụng giãn cách, các dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn không được hoạt động nên số lượng người sử dụng ma túy mới bị phát hiện tăng không đáng kể. Trong khi đó, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện hành chỉ bị xử phạt hành chính cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng nên không đủ sức răn đe, ngoài ra, không có biện pháp quản lý nào khác.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã bổ sung khái niệm “người sử dụng trái phép chất ma túy”. Căn cứ Khoản 10 Điều 2 Luật phòng, chống ma túy 2021 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) có quy định: Người sử dụng trái phép chất ma túy là người có hành vi sử dụng chất ma túy mà không được sự cho phép của người hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể có kết quả dương tính. Đồng thời có 1 chương riêng về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. 

Trong đó, xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể được thực hiện đối với người thuộc trường hợp sau đây:

a) Người bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

b) Người mà cơ quan, người có thẩm quyền có căn cứ cho rằng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;

c) Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý;

d) Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; đang cai nghiện ma túy; đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy.

 

3. Phân biệt người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện

Mối liên hệ giữa người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy là hành vi sử dụng các loại chất ma túy mà không tuân thủ các quy định pháp luật hoặc không đáp ứng được nhu cầu cơ bản của cuộc sống mà phải dùng chất ma túy để giảm stress, giảm đau hay tạo cảm giác thoải mái, thay vì để điều trị các bệnh lý hay các vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự giống nhau giữa người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy không đồng nghĩa với việc hai nhóm này có thể được đối xử một cách như nhau. Việc phân biệt đúng giữa người sử dụng trái phép và người nghiện ma túy là rất quan trọng để có thể đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp và hỗ trợ đúng đắn cho từng trường hợp. 

– Về bản chất, khái niệm:

+ Người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy là hai khái niệm khác nhau. Khoản 10 Điều 2 Luật phòng, chống ma túy 2021 có quy định: Người sử dụng trái phép chất ma túy là người có hành vi sử dụng chất ma túy mà không được sự cho phép của người hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể có kết quả dương tính. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng các chất ma túy trái phép, mua bán, vận chuyển hoặc phân phối các chất này.

+ Căn cứ Khoản 12 Điều 2 Luật phòng, chống ma túy 2021 có quy định: “Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này.” Người nghiện ma túy là những người đã phát triển phụ thuộc về mặt tâm lý và vật lý vào việc sử dụng các chất ma túy

– Về mục đích sử dụng:

+ Họ sử dụng do thói quen ăn sâu vào nhận thức hoàn toàn bị phụ thuộc để không cảm thấy khó chịu, bứt rứt. Người nghiện ma túy lại không kiểm soát được việc sử dụng và rất khó để họ tự ngừng sử dụng ma túy.

+ Trong khi người sử dụng trái phép chất ma túy có thể sử dụng ma túy cho mục đích giải trí, kiểm soát cảm xúc hay tạm thời giảm stress.

– Thời gian sử dụng:

+ Người sử dụng trái phép chất ma túy thường sử dụng ma túy trong một khoảng thời gian ngắn và không bị lệ thuộc vào nó.

+ Trong khi đó, người nghiện ma túy đã phụ thuộc vào việc sử dụng ma túy và khó có thể kiểm soát được việc sử dụng của mình. 

– Hậu quả:

+ Nghiện ma túy là một căn bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả tâm lý và thể chất, và có thể dẫn đến các hậu quả xấu như suy giảm chức năng tinh thần, sức khỏe yếu, rối loạn cảm xúc, suy giảm trí nhớ, tình trạng phân liệt, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nghiện rất khó chữa cần có những biện pháp quản lý đưa trại giáo dưỡng. Phương pháp cai nghiện ma túy ở nước ta hiện nay đối với người nghiện ma túy dạng thuốc phiện gồm điều trị cắt cơn, giải độc; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu; học văn hóa, học nghề; lao động sản xuất và hội nhập cộng đồng. Các bài thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc hướng thần, thuốc Bông Sen, Cedemex, CAMAT và phương pháp điện châm. Ngoài ra còn điều trị chống tái nghiện ma túy nhóm có nguồn gốc thuốc phiện bằng thuốc đối kháng Natrexone.

+ Người sử dụng trái phép chất ma túy trước mắt khi bị phát hiện họ bị xử phạt. Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 không còn quy định về Tội sử dụng trái phép chất ma túy, do vậy, người sử dụng ma túy không được coi là tội phạm. Tuy nhiên, sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi vi phạm pháp luật, vì thế người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng, ngoài ra còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Nếu việc sử dụng nhiều lần gây ảnh hưởng đến sức khỏe, các mối quan hệ khác.

Tóm lại, người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy là hai khái niệm khác nhau, và việc phân biệt giữa chúng là cần thiết để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp trong việc hỗ trợ và điều trị cho từng trường hợp. Dù vậy, cả hai nhóm đều có nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe và xã hội, và cần được hỗ trợ và điều trị để có thể giải quyết vấn đề của mình. Việc giải quyết vấn đề ma túy là một vấn đề lớn đòi hỏi sự hợp tác giữa các bộ phận chức năng của xã hội như chính phủ, các tổ chức tình nguyện, các chuyên gia y tế, xã hội học và chuyên gia tâm lý học để có thể đưa ra các giải pháp tốt nhất. 

Trên đây là bài viết mà Luật Minh Khuê cung cấp đến quý bạn đọc về Người sử dụng trái phép chất ma túy là gì? Phân biệt người sử dụng trái phép chất ma túy với người nghiên? Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, nếu như quý bạn đọc còn thắc mắc hay quan tâm đến vấn đề này quý bạn đọc vui lòng liên hệ với chúng tôi 19006162 để được hướng dẫn, hỗ trợ sớm nhất. Trân trọng cảm ơn!