Người phụ nữ bận thanh y làm “bố” của 9 đứa trẻ bị bỏ rơi
Hơn 10 năm vừa làm bố, vừa làm mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng 9 đứa trẻ bị bỏ rơi ngay tại cổng chùa Mạc Thượng khi vừa mới chào đời, sư cô Thích Đàm Quyết không kìm được nước mắt khi nói về lý do bầy con đặc biệt gọi bà là… bố.
17h chiều, một bầy trẻ nhỏ lóc nhóc kéo nhau về chùa Mạc Thượng (xóm 2, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), sau giờ tan học. Không gian vốn tĩnh mịch, trầm mặc của ngôi chùa làng bỗng chốc rộn rã tiếng cười đùa huyên náo của lũ trẻ, từ trong tăng xá ra tới sân vườn.
Xen lẫn tiếng nô đùa, chọc phá nhau của bọn trẻ có giọng một phụ nữ hơi trầm khàn gọi, nhắc, giục giã đứa này đứa kia đi tắm, thay đồ, tưới rau, dọn cơm; trách mắng một cậu nhóc nghịch ngợm trêu em phát khóc. Cảnh tượng “om xòm” ấy thường kéo dài cả buổi tối. Bữa cơm tối, khi cả bầy trẻ lớn bé tranh nhau cái bát, cái thìa, đôi đũa… lại cần vài lời la lối, cần người đứng ra làm trọng tài phân xử, thưởng phạt…
Vừa làm “người phán xử” xong, “trọng tài” lại phải động viên, hô hào bầy trẻ nhỏ ăn cho nhiều, để mắt xem cô cậu nào uể oải, chán ăn, bỏ bữa. Bà mẹ nhà đông con đi vòng quanh mâm, ghé tai một bé gái nhắc: “H.A. không ăn là các anh chị ăn hết, đói phải chịu con nhé…”. Ánh mắt bà mẹ lấp lánh vui, tủm tỉm cười nhìn bầy trẻ nhỏ thi nhau ăn, đứa nào đứa nấy mập mạp, lém lỉnh, sôi nổi trong bữa cơm tối có phần huyên náo của một gia đình đông con.
“Ngày nào cũng như “đánh trận” vậy đó, vì tôi có tới 9 đứa con tất thảy. Không la mắng thì không thể dứt mấy đứa mải chơi khỏi trò đùa đang dở dang” – người phụ nữ giọng trầm khàn, cạo đầu, mặc bộ áo nâu sòng bật cười chỉ tốp trẻ đang túm tụm với một trò tinh nghịch phía ngoài cửa tăng xá.
Người phụ nữ ấy là sư cô Thích Đàm Quyết – trụ trì chùa Mạc Thượng. Giữa tiết trời se lạnh, sư cô đầu trần, bận bộ thanh y cũ, bạc màu vui vẻ ra đón khách. Người phụ nữ đã ngoài 50 vẫn tất bật với việc chăm sóc trẻ nhỏ kể, hơn 10 năm qua, chùa Mạc Thượng có duyên nghiệp, trở thành mái nhà chung của nhiều trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, không người thân thích. Từ mái ấm này, những đứa trẻ đã dần lớn lên, trong sự từ bi hỉ xả, đứa lớn nhất nay đã 14 tuổi, nhỏ nhất mới 4 tuổi.
Chùa Mạc Thượng khiêm tốn, nằm khuất sâu ở xóm 2, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ít ai biết việc sư trụ trì đã một tay nuôi dạy 9 đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa. Những đứa trẻ mang họ Phạm của sư cô nhưng thông tin về cha, mẹ trên giấy khai sinh đều bỏ trống.
Từ năm 2009 đến nay, chùa Mạc Thượng đã cưu mang 5 bé trai và 6 bé gái, tất cả đều bị cha mẹ bỏ rơi khi vừa mới lọt lòng. Hai bé đã mất trong thời gian được nuôi dưỡng ở chùa, do bệnh bại não và tim bẩm sinh, hiện còn 9 bé.
Sư cô Thích Đàm Quyết còn nhớ như in đứa trẻ đầu tiên được trao vào tay bà. Đó là một bé gái nặng chừng 2kg, bị bỏ lại cổng chùa 13 năm trước (ngày 7/4/2009). Bé được sư Quyết đặt tên là Phạm N.T.Q.Tr, với ý nghĩa sẽ quyết tâm nuôi cháu nên người.
Một tuần sau, vào khoảng 12h trưa, khi vừa ăn cơm xong và đang ru bé Tr. ngủ, sư Quyết thấy có người gọi cửa chùa. Khi đó, một cặp nam nữ bế một đứa trẻ đến xin làm lễ tại chùa. Sau đấy, cặp đôi gửi em bé nhờ sư cô trông giúp. Họ nói “cho con gửi cháu một lát để đi mua đồ lễ”, rồi lên xe ô tô đi. Nhưng đến tối muộn, nhà chùa vẫn không thấy hai người quay lại.
Kiểm tra túi đồ của cháu bé thì mới phát hiện ra một chiếc túi nilon được để lại, trong có mấy bộ quần áo trẻ sơ sinh và một tờ giấy ghi vỏn vẹn dòng chữ: “Vì điều kiện hoàn cảnh không nuôi được cháu, con phải đem cháu tới nương nhờ cửa Phật, mong thầy chùa và dân làng cưu mang, cho cháu được làm người”.
Đứa trẻ thứ 2 đến với chùa Mạc Thượng trong hoàn cảnh không ngờ đến như vậy. Sư cô Thích Đàm Quyết sau đó đặt tên cho bé là Phạm Q.T.
Năm 2011, có 2 trẻ bị bỏ rơi tại cổng chùa Mạc Thượng đã được nhà báo Phạm Huy Hoàn, nguyên Tổng biên tập báo điện tử Dân trí đặt tên là Phạm Nhân Sinh và Phạm Nhân Từ. Sau đó, đến tháng 4/2012, thêm một em bé bị bố mẹ bỏ lại đây được nhà báo Phạm Huy Hoàn đặt tên là Phạm Nhân Bản. Các bé là những nhân vật trong các bài báo được đăng tải trên chuyên mục “Nhân ái” của Dân trí, thuộc nhóm những đứa trẻ có tên họ “Nhân” mà Quỹ Tấm lòng nhân ái, các nhà hảo tâm thông qua báo nhận đỡ đầu.
Sư cô Thích Đàm Quyết nhớ lại, bé gái Phạm Nhân Sinh được phát hiện vào tháng 6/2011. Khoảng 4h sáng, khi chuẩn bị dậy quét sân chùa thì sư Quyết nghe tiếng chó sủa ngoài cổng. Ra kiểm tra, bà phát hiện một thùng xốp để trước cổng, bên trong có một trẻ sơ sinh, chỉ còn thoi thóp thở. Do bị sinh non tháng nên cháu bé chỉ được 1,4kg. Sư cô lập tức đưa cháu bé vào viện điều trị và bắt đầu hành trình hơn một tháng nuôi bệnh tại viện Nhi Trung ương.
Đến dịp Noel năm đó, lại thêm một bé sơ sinh bị bỏ ở cửa chùa, trong cái rét cắt da cắt thịt giữa đông. Đó là bé Phạm Nhân Từ. Em bé đỏ hỏn nặng 2,2kg, do bị bỏ rơi nhiều giờ ngoài trời nên khi được phát hiện, cháu bé đã tím tái, hơi thở yếu ớt. Dù nhiều người lo ngại, can gián sư cô rằng em bé chắc không qua khỏi nhưng sư Quyết không nản, ôm chặt bé áp vào ngực, ngồi gần máy sưởi, liên tục xoa bóp đôi bàn tay, bàn chân nhỏ xíu, lạnh giá của con, chà xát khắp thân thể để làm ấm cho bé. Nỗ lực khoảng một tiếng sau thì da dẻ em bé hồng hào trở lại.
Thấy cháu bé hồi tỉnh, sư Quyết liền lấy sữa của Nhân Sinh thấm nhẹ lên miệng bé thì thấy cháu liếm sữa, miệng chóp chép. Tiếp tục nửa ngày ôm bé, sưởi ấm, cho ăn như vậy thì sinh linh nhỏ bé tỉnh dần. Tuy nhiên, “bà mẹ áo nâu” vẫn phải ôm con vào viện điều trị thêm một tuần sau đó.
Dần dần, những đứa trẻ bị người sinh thành bỏ lại cổng chùa Mạc Thượng mỗi ngày một nhiều hơn. Các bé Phạm M.T, Phạm P.A, Phạm M.A, Phạm P.L, Phạm T.A, Phạm H.A, Phạm M.Đ đều đến “nương tựa” cửa chùa trong hoàn cảnh bị bố mẹ bỏ rơi.
Trường hợp 2 cháu bé bệnh nặng, một bị bệnh tim bẩm sinh, một bị bại não, dù sư cô Thích Đàm Quyết đã đưa các con đi khắp những bệnh viện nổi tiếng ở miền Bắc chạy chữa, đều về với Phật sau đó. Đến nay, sư cô vẫn không ngừng day dứt với việc không cứu được hai con.
Thời điểm mới nhận nuôi Q.Tr, em bé đầu tiên bị bỏ trước cổng chùa, sư cô Thích Đàm Quyết nhận vô số lời bàn tán, đồn thổi xung quanh việc tự nhiên xuất hiện một bé sơ sinh tại đây. Dân làng thậm chí nghi ngờ, bé Tr. là con đẻ của sư trụ trì….
Bỏ qua lời bàn tán xôn xao, đến khi em bé thứ hai – Q.T được trao vào cửa chùa, sư cô chỉ nói: “Là con của ai cũng được, con thầy cũng được, không phải con thầy cũng được, nhưng khi đã đến nương nhờ cửa chùa, thầy quyết không bỏ rơi bọn trẻ…”.
Khi mà dân làng đã tin, đồng cảm với việc làm thiện tâm của sư trụ trì chùa Mạc Thượng thì cũng là lúc mà số lượng trẻ bị bỏ ở cổng chùa tăng nhanh. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng các bé tại chùa gặp vô vàn khó khăn, sư trụ trì chùa chia sẻ, nhà chùa may mắn có các phật tử, nhà hảo tâm khắp nơi ủng hộ nên mới phần nào cáng đáng được.
Nặng lòng nhất với người trụ trì chùa Mạc Thượng là những lần các con ốm đau, phải đi viện. Mỗi lần đi nuôi bệnh là một lần sư Quyết thấy “lòng đau như cắt”. Những ngày phải một mình chạy đi chạy lại giữa bệnh viện và chùa để vừa lo đứa ốm, vừa tất tả chăm những đứa nhỏ nheo nhóc ở nhà vừa vất vả, vừa bất an. “Hôm nào nhờ được các vãi, các già còn yên tâm, chứ hôm nào một mình xoay thì cả ngày, lòng dạ tôi lúc nào cũng bồn chồn, như lửa đốt” – bà mẹ đông con chia sẻ.
Sư Quyết kể, năm 2018, bé Phạm M.T đau ruột thừa phải nhập viện mổ cấp cứu. Từ chùa đến bệnh viện Đa khoa huyện Hưng Hà, Hưng Yên đi mất 30km mà ngày nào bà cũng chạy đi chạy lại giữa chùa và bệnh viện.
“Lúc mổ cấp cứu, thầy mang theo người có mấy triệu đồng, không đủ nộp viện phí, đành gọi về nhà vay mượn các phật tử xung quanh. Sau khi mổ xong, thầy bảo bé T. thầy về nhé thì bé mếu máo khóc, “xin bố ở lại với con, con đau lắm”. Lúc ấy xót con lắm, nhưng cũng phải nịnh bé để “bố” về nấu cơm, chăm các anh chị em ở chùa, chứ giờ ở đây với con, ai nấu cơm cho các em ăn? Thế là bé T. mới mếu máo, gạt nước mắt chấp nhận. T. nằm viện một tuần, thầy cũng phải nhờ chị gái đến viện chăm sóc bé 3 ngày và những ngày này, thầy vẫn cứ đi đi về về chứ ở nhà cũng sốt ruột lắm …”, bà mẹ đặc biệt của bầy con đông đúc nhớ lại.
Giải thích về việc bọn trẻ gọi mình là “bố”, sư cô Thích Đàm Quyết ngồi lặng, lau vội đôi mắt đỏ hoe, kể: “Đến tuổi đi học, một hôm bé T. hỏi: “Thầy ơi, ở lớp, mỗi khi tan học, các bạn thường được bố, mẹ đón về. Thế bố mẹ con đâu?”. Lúc ấy, thầy phải nghĩ một lúc mới dám trả lời bé là bố mẹ con đi làm kiếm tiền gửi thầy nuôi các con, động viên bọn trẻ, ở đây, thầy vừa là bố, vừa là mẹ của con rồi và ân cần hỏi “con thích gọi thầy là bố hay là mẹ?”. Bé T đáp ngay: “Là bố ạ!”. Thế là từ đó, cả 9 đứa trẻ đều gọi thầy là bố”.
Sư Quyết cười hiền, chùa làng vốn nghèo, nên trụ trì chùa phải nghĩ đủ mọi cách kiếm thêm tiền để chăm lo cho bọn trẻ. Sư Quyết trồng rau, rồi chăn nuôi thêm. Cũng may là những trẻ lớn hiện giờ biết giúp “bố” những việc nhỏ như quét nhà, quét sân, nhặt rau…Vừa rồi, sư Quyết chạy vạy khắp nơi, vay mượn thêm các phật tử đã đủ tiền xây thêm một căn nhà, chia ra làm nhiều phòng để bọn trẻ sinh hoạt. Ngôi nhà nằm trong khuôn viên chùa Mạc Thượng, khởi công năm 2019, đến nay mới hoàn thành được. 10 người trong gia đình “bà mẹ đơn thân” đông con ấy đang phân nhau từng việc lau dọn, vệ sinh căn nhà mới để sớm vào ở được.
“Mỗi khi đi làm lễ xa cứ về đến nhà, đám trẻ lại thi nhau quấn lấy thầy hỏi thăm “bố”… Chỉ cần được như vậy, thì thầy có mệt mấy cũng hoan hỉ”.
“Dù không phải “máu mủ, ruột già” nhưng hơn 10 năm qua, những đứa trẻ này do một tay thầy chăm bẵm, nuôi nấng. Thầy hiểu tính cách từng đứa và giờ đứa nào thầy cũng xem là “khúc ruột” của mình. Cha mẹ các cháu đã gửi gắm con vào chùa, vì lý do gì đi nữa, dù có trách, thầy cũng vẫn thương nhiều hơn. Với 9 đứa trẻ thì các con không có tội tình gì cả, thầy thương yêu vô cùng. Với thầy, đó là thứ tình cảm thiêng liêng như tình mẫu tử vậy. Lạy Phật! Chỉ mong các con lớn lên khỏe mạnh, bình thường là thầy hoan hỉ lắm”, sư Quyết tâm sự.
Nội dung: Đức Văn
Thiết kế: Thủy Tiên
15/04/2022