Người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam: Vì sao số lượng còn khiêm tốn?

(TBTCVN) – Ông Trương Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, những điểm thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật liên quan đến quyền sở hữu, kinh doanh nhà ở của người nước ngoài (NNN) khiến số lượng NNN sở hữu nhà ở tại Việt Nam còn khá khiêm tốn.

nguoi

Việc mở rộng đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho NNN cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.

* PV: Thưa ông, nhìn lại 5 năm thực hiện quy định NNN được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo Luật Nhà ở năm 2014, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện quy định trên thời gian qua?

– Ông Trương Anh Tuấn: Luật Nhà ở năm 2014 đã mở rộng đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo đó, cá nhân nước ngoài chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự là được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đây được coi là điểm mới tiến bộ đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào đầu tư, làm việc, sinh sống tại Việt Nam được sở hữu nhà ở. Đồng thời, việc mở rộng đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho NNN cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, qua đó đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện quy định này cho thấy vẫn còn hạn chế, bất cập khiến số lượng NNN sở hữu nhà ở tại Việt Nam trên thực tế còn rất khiêm tốn.

tuan

Ông Trương Anh Tuấn

* PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hạn chế, bất cập mà ông vừa đề cập?

– Ông Trương Anh Tuấn: Luật Nhà ở năm 2014 cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua việc mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013, thì NNN không được liệt kê trong số các đối tượng có quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Sự không nhất quán trong các văn bản luật nêu trên liên quan tới việc sở hữu nhà ở và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, dẫn đến việc cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam không có quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được dùng để xây nhà ở đó. Điều đó cũng dẫn đến, nếu không có quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, thì khi NNN có nhu cầu chuyển nhượng nhà ở không thể bán nhà ở gắn với quyền sử dụng đất, như được quy định tại Khoản 1, Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 là “việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”.

Mặt khác, theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013 lại quy định sở tài nguyên và môi trường là cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Do đó, để giải quyết mâu thuẫn trên, tôi cho rằng, cần phải bổ sung chủ thể “cá nhân nước ngoài” là người sử dụng đất vào Điều 5 Luật Đất đai 2013, đồng thời cần bổ sung vào Luật Đất đai một số điều khoản quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là “cá nhân nước ngoài” để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, một vấn đề tôi cũng quan ngại là mặc dù pháp luật đã cho phép NNN được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, song vấn đề thực thi vẫn còn nhiều hạn chế, khiến số lượng người thực hiện được quyền này còn rất ít, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai…

* PV: Thưa ông, Luật Nhà ở năm 2014 quy định mức sở hữu căn hộ hoặc nhà ở đối với NNN. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định trên chưa thu hút được NNN sở hữu loại tài sản này để đầu tư. Quan điểm của ông về vấn đề trên như thế nào?

– Ông Trương Anh Tuấn: Theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014, NNN chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà. Tôi cho rằng, đây là một giới hạn về quyền sở hữu nhà ở của NNN, có thể cũng khiến hạn chế NNN sở hữu loại tài sản này để đầu tư.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn, theo tôi đó là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tế. Cụ thể, hiện nay, ở nhiều địa phương trên cả nước việc thực hiện xác định dự án đủ điều kiện bán nhà ở cho NNN vẫn còn chưa rõ ràng, cũng như thực hiện chưa đồng bộ. Song song với đó, quá trình xác định số lượng căn hộ, nhà ở bán cho NNN đủ số lượng hoặc chưa đủ số lượng vẫn khó khăn… Do đó, NNN vẫn còn gặp những khó khăn nhất định khi muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

* PV: Từ những vấn đề chia sẻ ở trên, dưới góc độ hiệp hội, ông có đề xuất, kiến nghị gì để có thể thu hút nhiều hơn nữa NNN sở hữu nhà, đầu tư nhà ở tại Việt Nam trong thời gian tới?

– Ông Trương Anh Tuấn: Hiện nay, lượng NNN sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng. Theo đó, nhu cầu về sở hữu nhà ở, kể cả nhu cầu đầu tư bất động sản nhà ở tại Việt Nam của NNN cũng tăng lên. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ để thu hút nhiều hơn nữa NNN sở hữu nhà, đầu tư nhà ở tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trước hết, như tôi đã đề cập ở trên, cần tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cũng như đảm bảo đầy đủ quyền lợi của NNN khi mua nhà, từ đó tạo sự yên tâm cho NNN khi có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc thực thi các chính sách pháp luật liên quan đến quy định cho NNN sở hữu nhà ở tại Việt Nam cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, sự vào cuộc có trách nhiệm của chính quyền địa phương… để quy định pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.

Ngoài ra, quá trình thực hiện các thủ tục hành chính trong việc xét duyệt dự án đủ điều kiện bán nhà cho NNN, thủ tục xét duyệt cho NNN được mua nhà tại Việt Nam… của các cơ quan chức năng cần đảm bảo thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người mua nhà…

* PV: Xin cảm ơn ông!

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, sau 5 năm thực hiện quy định NNN được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo Luật Nhà ở năm 2014, đến nay có khoảng gần 800 tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung tại các địa phương như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ…

Diệu Thiện (thực hiện)