NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CÓ ĐƯỢC SỞ HỮU NHÀ Ở TẠI VIỆT NAM HAY KHÔNG? – Vietnam Lawyers
Hiện nay, ngày càng có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, do đó, họ sẽ thường có nhu cầu và mong muốn được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay thì người nước ngoài có được sở hữu nhà ở tại Việt Nam hay không? Nếu có, thì họ phải đáp ứng các điều kiện nào? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết này của KAV Lawyers (KAV Lawyers sẽ không đề cập đến trường hợp người nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam trong bài viết này).
1. Đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 159; khoản 3 Điều 60 Luật nhà ở năm 2014 và khoản 1 Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 30/2021/NĐ-CP) (“Nghị định 99”) thì cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi người đó có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
2. Hình thức người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 159 Luật nhà ở năm 2014 và khoản 1 Điều 75 Nghị định 99 thì cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây: Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với cá nhân nước ngoài
Khoản 2 Điều 76 Nghị định 99 quy định: tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của Nghị định này và chỉ được nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc nhận tặng cho nhà ở của tổ chức trong số lượng nhà ở theo quy định của Nghị định này tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép sở hữu.
Ngoài điều kiện nêu trên, theo quy định của Luật nhà ở năm 2014 và Nghị định 99 thì cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở trong phạm vi số lượng nhà ở được phép sở hữu theo quy định.
4. Thời hạn được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân nước ngoài
Theo điểm c khoản 2 Điều 161 Luật nhà ở năm 2014 thì cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định nếu có nhu cầu. Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
Trên đây là một số thông tin có liên quan đến quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam mà KAV Lawyers mong muốn chia sẻ đến Quý Khách hàng. Trong trường hợp Quý Khách hàng có thắc mắc hoặc cần tư vấn pháp luật liên quan đến việc mua, thừa kế, tặng cho, tranh chấp…. nhà ở tại Việt Nam có liên quan đến người nước ngoài, xin vui lòng liên hệ với KAV Lawyes theo thông tin như sau:
Email: [email protected] hoặc [email protected].
Số điện thoại: (+84) 28 6270 7075 hoặc (+84) 949 761 861.
KAV Lawyers – Công ty Luật uy tín xin hân hạnh được phục vụ quý khách.
KAV Lawyers là một công ty luật, một tổ chức hành nghề luật sư, có trụ sở tại Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh (Sài Gòn), Việt Nam. Với đội ngũ luật sư, nhân sự chuyên nghiệp, tận tâm, uy tín, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật kinh doanh bất động sản, các vấn đề pháp lý liên quan đến người nước ngoài, các luật sư của KAV Lawyers có thể cung cấp các dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực này cho Quý Khách hàng.