NGƯỜI DÂN TÍCH CỰC CHĂM SÓC QUÝT SAU THU HOẠCH | Cổng thông tin điện tử huyện Bạch Thông
Thời điểm này người trồng quýt trên địa bàn huyện đã cơ bản thu hoạch hết quả trên cây, đây cũng là lúc các hộ dân tập trung chăm sóc, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.
Gia đình chị Bàn Thị Thủy ở thôn Nà Hin, xã Quang Thuận có hơn 600 gốc quýt. Vào thời điểm này, gia đình chị đang làm cỏ cho cây. Đặc biệt trong giai đoạn cây ra lộc, chuẩn bị ra hoa sẽ xuất hiện sâu nhớt nên chị đang phun thuốc diệt sâu nhớt để phòng trừ, tránh hiện tượng sâu ăn lộc và ăn hoa gây thiệt hại cho vụ quýt năm nay. Chị Thủy cho biết thêm: “Thu hoạch xong là đi phun rửa vườn, khi nào thấy nó ra lộc bé thì đi phun một lượt thốc sâu để chống sâu nhớt”
Tổng diện tích quýt trên địa bàn huyện đã lên đến hơn 1.500ha, tập trung tại 3 xã là Quang Thuận, Dương Phong và Đôn Phong, trong đó diện tích đang cho thu hoạch trên 1.200ha. Người dân ở đây thường xuyên được tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc cam, quýt. Tuy nhiên, không chủ quan trước diễn biến của bệnh dịch cũng như thời tiết, chính quyền địa phương luôn tuyên truyền đến bà con tại các các thôn, bản chú ý chăm sóc cây cam, quýt theo từng giai đoạn. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Bí thư Đảng ủy xã Đôn Phong cho biết: Sau thu hoạch xong thì chỉ đạo nông dân đăng ký mua phân bón để chăm sóc cây cam quýt, bón phân cho quýt rơi vào giai đoạn sau tết, thu hoạch xong là phải bón phân rồi, làm đất rồi bón luôn, khoét gốc ra để bón, chăm sóc giờ người dân có ý thức và kinh nghiệm nhiều rồi…” .
Còn theo khuyến cáo của ngành chức năng, ngoài việc chú ý vệ sinh vườn tược, phát dọn cỏ thì người trồng quýt cũng cần cần chú ý bổ sung chất dinh dưỡng cho cây bằng việc bón các loại phân chuồng hoặc phân NPK vào gốc để kích thích cây sinh trưởng. Ngoài ra, bà con cũng cần tăng cường kiểm tra, phòng tránh nấm bệnh phát triển tấn công cây. Nếu phát hiện sâu bệnh cần tiến hành phun thuốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của các sinh vật gây hại. Bên cạnh đó, để giúp cây cam quýt sinh trưởng khỏe mạnh, người dân cũng cần cắt bỏ những cành khô, cành gẫy để tập trung dinh dưỡng cho cây, tăng khả năng cây phục hồi. Đối với những cây bị bệnh nặng, không còn khả năng hồi phục cần tiến hành chặt bỏ ngay. Với những trường hợp cây bị bệnh nhẹ thì dùng thuốc có nguồn gốc thảo mộc hoặc chế phẩm hữu cơ sinh học để phun trừ nhằm đảm bảo ATTP, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đồng thời giúp cải tạo môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm./.
Đào Kiên-Trung tâm VH,TT&TT