Người dân chờ đợi nhiều tháng khi làm căn cước công dân
TP HCMThiếu máy móc, sai lệch thông tin giữa khai báo của người dân và cơ sở dữ liệu quốc gia khiến nhiều trường hợp đợi cả năm chưa được cấp căn cước công dân.
Sáng 23/6, hơn trăm người dân đã đứng trước Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Thủ Đức chờ tới giờ làm căn cước công dân (gọi tắt là căn cước). 7h30, khi cảnh sát vừa mở cửa trụ sở, người dân đã ùa vào bên trong để lấy số thứ tự làm căn cước.
Trong buổi sáng, khoảng 40 người được làm căn cước, 40 người bốc số thứ tự cho lần sau, những người còn lại ra về. Người dân bốc số trong hôm nay được hẹn đến 9 ngày sau mới giải quyết vì quá tải.
Anh An cầm tờ số thứ tự từ 12 ngày trước làm căn cước công dân tại TP Thủ Đức, sáng 23/6. Ảnh: Đình Văn
Cầm trên tay tấm phiếu số thứ tự đã lấy từ ngày 11/6, anh Lê Hành An, 21 tuổi, hồi hộp chờ đến lượt. Đây là lần thứ tư anh đến trụ sở để làm giấy tờ tuỳ thân. Lần đầu anh An làm thủ tục vào tháng 5/2021, khi đó cảnh sát yêu cầu phải về quê Hậu Giang lấy mã số định danh do là người tạm trú.
Đã nộp đủ hồ sơ, nhưng đến tháng 12/2021, cơ quan chức năng vẫn từ chối cấp căn cước cho anh An vì “mất số liệu trong hệ thống” sau đợt dịch kéo dài. Khi anh đến khai báo lại vào tháng 5/2022, cảnh sát một nữa từ chối vì sai thông tin. “Hơn một năm, tôi vẫn chưa làm được hồ sơ cấp thẻ căn cước, đi lại nhiều lần rất mất thời gian nhưng không được giải thích cặn kẽ”, anh An nói.
Không chỉ người tạm trú gặp khó, phải đi lại nhiều lần để làm căn cước, nhiều trường hợp có hộ khẩu TP HCM cũng lâm vào cảnh tương tự. Chị Dung, 35 tuổi, ở phường 17, quận Gò Vấp, cho biết ba người trong nhà chị chờ cấp căn cước nửa năm qua dù đã nhiều lần làm lại hồ sơ.
“Ba tôi có CMND hết hạn vào tháng 7, còn chồng dùng CMND cũ thì không thể làm hộ chiếu. Do đó, chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi khám bệnh hoặc công tác nước ngoài”, chị Dung nói.
Người dân đứng trước Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Thủ Đức làm că cước công dân, sáng 23/6. Ảnh: Đình Văn
Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP HCM, tình trạng người dân nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức khi làm thẻ căn cước phải đợi nhiều ngày do số lượng máy, thiết bị do Bộ công an cấp cho thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ngoài ra, thông tin khai báo chưa chính xác nên không in được căn cước công dân khiến người dân phải làm lại nhiều lần. Trong đó nhiều thông tin về nơi sinh, nơi cấp đăng ký khai sinh, quê quán của người làm có sự sai lệch trong cơ sở dữ liệu quốc gia, điền trong tờ khai.
“Trước đây, do công an làm gấp và tập trung làm không có định tuyến theo hệ thống của Bộ Công an nên không phát hiện được các sai lệch”, thượng tá Hà nói và mong người dân chia sẻ về những bất cập này.
Hồi tháng 3 năm nay, Công an TP HCM từng lý giải việc chậm trả thẻ căn cước cho người dân do cán bộ nhập nhầm thông tin, khan hiếm chip, lực lượng công an phải tập trung chống dịch… Thành phố đã thu nhận hơn 5,3 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân gắp chip và đã trả hơn 3,9 triệu thẻ.
Cùng những lý do trên, việc chậm cấp căn cước công dân cũng xảy ra ở một số địa phương trên cả nước. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã có hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương rà soát thông tin công dân trên hệ thống và cập nhật, chỉnh sửa khi có yêu cầu.
Bộ Công an cũng điều chỉnh phần mềm cho phép công an cấp xã nơi tạm trú được cập nhật điều chỉnh dữ liệu cho công dân. Sau khi chỉnh sửa, công an nơi tạm trú sẽ gửi thông tin về công an thường trú phê duyệt yêu cầu. Việc này để hạn chế phiền hà khi người dân phải quay về nơi thường trú.
Theo Luật Căn cước công dân, người đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước và phải đổi khi 25, 40 và 60 tuổi. Trường hợp cấp mới, đổi căn cước công dân tại thành phố, thị xã từ 7 đến 15 ngày làm việc, ở huyện miền núi, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày… Số căn cước công dân là mã định danh cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đình Văn