Người cao tuổi hay bị mỡ máu cao, tại sao vậy? – Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Bác Nguyễn Thế An (Hà Đông, Hà Nội) bị mỡ máu cao trong độ tuổi 60. Đây là căn bệnh phổ biến và có xu hướng gia tăng. Vậy tại sao mỡ máu cao thường gặp ở người cao tuổi. Chế độ ăn thế nào, tập luyện ra sao để cải thiện tình trạng này. Mời quý vị đọc bài viết dưới đây. 

1. Tại sao mỡ máu cao thường gặp ở người cao tuổi?

Theo thống kê từ Bộ Y tế, khoảng 26% người Việt Nam trong lứa tuổi từ 25-74 bị máu nhiễm mỡ. Và đối với những người cao niên trên 60 tuổi, tình trạng mỡ máu cao hoàn toàn không hề hiếm gặp.

Nếu ở người trẻ tuổi, họ cần ăn uống mỗi ngày từ 2.000 – 2.500 calo, thì đối với người cao tuổi, nhu cầu chỉ cần khoảng 1.800 đến 2.000 calo. Việc tiêu thụ calo ít hơn tại người già vì giai đoạn này hệ tiêu hóa đã bắt đầu suy giảm chức năng, nhất là các cơ quan có vai trò điều tiết mỡ máu (gan, mật…), tuyến nước bọt tiết ra ít hơn… khiến những người cao tuổi cảm thấy khó tiêu, ăn không ngon. 

Bác An bị mỡ máu cao cũng không ngoại lệ khi bản thân đã có tuổi, thói quen ăn uống và sinh hoạt lại thiếu khoa học. Gần đây, ông còn cảm thấy tê bì chân tay thường xuyên, thi thoảng có vài cơn đau thắt ngực. 

Ngoài ra, một số nguyên nhân như ít vận động, béo phì, lão hóa cơ xương khớp hạn chế di chuyển cũng có nguy cơ làm tăng mỡ máu. Có thể điểm lại một vài lý do chính khiến mỡ máu cao thường gặp ở người cao tuổi và giải pháp cho các nguyên nhân này:

Ít vận động

Năm nay hơn 60 tuổi, bác Trần Đức Hoàn (Cầu Giấy – Hà Nội) đã bị đau xương khớp, đau lưng và có chỉ số BMI là 30 (béo phì độ 1) khiến các hoạt động thể chất bị hạn chế, không còn linh hoạt. 

Nếu tình trạng này kéo dài, bác Hoàn sẽ gặp các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt chóng mặt, tê bì chân tay, tăng nguy cơ lắng đọng mỡ ở các thành mạch máu…ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe. 

Do đó, bác Hoàn cần được sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng và các bác sĩ để có kế hoạch giảm cân an toàn. Bên cạnh đó, việc tập thể dục thường xuyên ở người cao tuổi sẽ cải thiện được sức khỏe, giảm mỡ máu cao và các biến chứng tim mạch.

Một số bài tập hiệu quả nhất để giảm mỡ máu cao là chạy bộ, đạp xe, bơi lội, yoga. Đặc biệt là chạy bộ nhẹ nhàng và thường xuyên, đây là bài tập an toàn và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. 

Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ nên đi bộ khoảng 60 phút, chia làm 2 – 3 lần, không nên đi bộ liên tục 60 phút và không nên đi bộ vào lúc trời nắng hoặc thời tiết lạnh.

Người cao tuổi cần tuân theo các nguyên tắc khởi động làm ấm cơ thể. Đồng thời cần tập từ từ chậm rãi và tăng dần tốc độ, duy trì bài tập tối thiểu 30 phút và không hoạt động quá mạnh, kết hợp uống đủ nước. 

Làm gì để giảm mỡ máu

Chế độ ăn 

Còn với bác Nguyễn Thế An (Hà Đông, Hà Nội), nguyên nhân gây nên tình trạng mỡ máu cao chủ yếu do chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa như bơ, mỡ động vật, các loại thịt đỏ, thịt mỡ… Cộng thêm việc sử dụng nhiều rượu bia gây ra cholesterol xấu trong máu tăng và ứ đọng trong suốt thời gian dài. Vì vậy nguyên tắc đầu tiên trong chế độ ăn là phải giảm tiêu thụ các thực phẩm giàu cholesterol.

Việc đầu tiên, bác An chỉ nên bổ sung dưới 30% calo từ chất béo và hấp thụ tối đa khoảng 1.500 đến 2.000 calo/ngày. Chất béo chưa bão hòa có nhiều trong cá hồi, cá chép… hoặc các loại họ nhà đậu: đậu đen, vừng, đậu đỏ… Đây là cách ăn uống để giảm mỡ máu đơn giản và bền vững nhất.

Xem thêm: 17 loại thực phẩm càng ăn càng giảm mỡ máu cao

Việc tăng cường chất xơ, vitamin cho cơ thể cũng đóng vai trò quan trọng làm giảm hàm lượng cholesterol và chất béo hấp thụ vào cơ thể. Chất xơ có từ nguồn rau, củ, các loại hoa quả, ngũ cốc, nấm hương,… Nên lựa chọn những thực phẩm hấp, luộc, tránh những thực phẩm đồ ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu mỡ.

Về nhu cầu chất đạm ở người cao tuổi chỉ từ 60-70g/ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30%. Các thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, cua cũng rất cần thiết (100g tép chứa 910mg canxi, 100g cua đồng chứa 5.040mg canxi). Nên ăn cá nhỏ, kho nhừ để hấp thụ thêm canxi từ xương cá giúp phòng bệnh loãng xương ở người cao tuổi. Ngoài ra, bác An cũng cần lưu ý về chế độ ăn nhạt để có lợi cho tim. 

Thường xuyên thay đổi thực đơn, tránh đơn điệu, chú ý các món ăn mềm, thái nhỏ hầm kỹ, các món canh chất lượng dễ tiêu.

Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối, tuyệt đối không ăn đêm vì khi nằm, dạ dày căng to sẽ đẩy cơ hoành lên chèn ép cản trở hoạt động của tim.

Sau khi ăn xong, chúng ta nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút nhằm giúp dạ dày nhào trộn tiêu hóa thức ăn để chuyển xuống ruột non dễ dàng hơn

2. Tết đến, ăn uống gì để giảm mỡ máu ở người cao tuổi?

Mỡ máu cao là bệnh lý diễn tiến chậm nên khó phát hiện ngoại trừ đi kiểm tra sức khỏe. Vì vậy trước khi đón Tết, các bác hãy dành khoảng 1 tiếng để tới các cơ sở y tế để xét nghiệm máu kiểm tra mức độ cholesterol và có biện pháp điều chỉnh chế độ ăn uống kịp thời. Các bộ xét nghiệm mỡ máu cơ bản như: định lượng ure (thận), hoạt độ AST, ALT (gan), cholesterol, tryglycerid, axit uric vv.vv. Các bác có thể tham khảo thêm tại đây: http://vienhuyethoc.vn/chi-phi-xet-nghiem-cho-tuoi-trung-nien/

Tham khảo thêm: Xét nghiệm máu ở đâu tốt?

Xét nghiệm mỡ máu cơ bản như: định lượng ure (thận), hoạt độ AST, ALT (gan), cholesterol, tryglycerid, axit uric sẽ tầm soát được bệnh tật

Ngoài ra, những người cao tuổi như bác An, bác Hoàn nên chuẩn bị thêm cân điện tử trong nhà để thường xuyên kiểm soát cân nặng, kết hợp thể dục hằng ngày để cải thiện vóc dáng, phòng những biến chứng nguy hiểm mà mỡ máu cao gây ra.

Hơn nữa, có một số thực phẩm có tác dụng giảm mỡ máu như giá đỗ, rau cần, bí đao, nấm, những món ăn gần gũi, dễ chế biến, áp dụng được trong hầu hết bữa ăn ngày Tết. Nếu các bác muốn quan tâm hơn có thể xem thêm 17 loại thực phẩm giảm mỡ máu bên trên. 

Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bác đang bịmỡ máu cao luôn có những suy nghĩ tích cực, không bao giờ sợ mỡ máu tăng nếu tuân thủ đúng các hướng dẫn của chuyên gia, bác sĩ về dinh dưỡng. Chúc bác và gia đình mạnh khỏe, an khang.  

(Tên nhân vật của bài viết đã được thay đổi)

Gia Thắng (tổng hợp)