Ngôn ngữ trong văn bản pháp luật là gì ? Yêu cầu đối với ngôn ngữ trong văn bản pháp luật
Thưa luật sư, tôi là sinh viên khoa ngôn ngữ học và có một chuyên đề về tìm hiểu ngôn ngữ trong xây dựng pháp luật mà tôi không biết cách tìm tài liệu hoặc định hướng nghiên cứu vấn đề này. Xin luật sư tư vấn, định hướng ạ ? Cảm ơn! (Phương Nga, Đại Học KHXHNV, TP Hà Nội).
Trả lời:
Mục Lục
1. Khái niệm ngôn ngữ trong văn bản pháp luật
Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng hàng đầu để thể hiện ý chí của cấp có thẩm quyền. Thông qua ngôn ngữ, chủ thể ban hành văn bản thể hiện ý chí của mình và qua đó người đọc văn bản tiếp nhận, thực hiện những hành vi cần thiết, phù hợp với văn bản đã nhận được, đáp ứng yêu cầu của chủ thể ban hành.
Vì ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng nên khi xây dựng văn bản pháp luật không thể không quan tâm tới vấn đề ngôn ngữ. Có thế nói, trình độ sử dụng ngôn ngữ của người soạn thảo văn bản có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc tới chất lượng của văn bản. Nhằm mục đích tạo ra những văn bản pháp luật gọn gàng, rõ nghĩa, dễ hiểu và dễ thi hành thì việc sử dụng các đơn vị ngôn ngữ trong quá trình xây dựng văn bản là một yêu cầu rất quan trọng đối với người soạn thảo.
Hiểu một cách khái quát nhất, ngôn ngữ trong văn bản pháp luật là hệ thống những từ được kết hợp theo quy tắc trong tiếng Việt, được Nhà nước sử dụng đế thể hiện nội dung các văn bản pháp luật.
Là hình thức pháp lý đặc thù của quyết định quản lý nhà nước, văn bản pháp luật phải được thể hiện bằng ngôn ngữ viết.
Sử dụng ngôn ngữ viết, nhà quản lý có thể lựa chọn các từ ngữ có tính chính xác cao; lập các câu có kết cấu ngữ pháp chặt chẽ, hoàn chỉnh, nhờ đó có thể trình bày cụ thể, rõ ràng ý chí của mình và tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thi hành văn bản nắm bắt được đúng đắn, đầy đủ nội dung của văn bản pháp luật. Đồng thời, cách thức thể hiện này cũng giúp các cơ quan nhà nước thuận lợi trong việc sao gửi, nghiên cứu, lưu trữ thông tin nhằm phục vụ hoạt động quản lý của mình.
Văn bản pháp luật phải được viết bằng tiếng Việt, phải tuân theo những quy tắc chung của tiếng Việt. Sử dụng tiếng Việt để soạn thảo các văn bản pháp luật không chỉ là yêu cầu mang tính pháp lý mà còn là vấn đề khoa học, vì trong một quốc gia đa dân tộc và mỗi dân tộc lại có ngôn ngữ riêng như ở Việt Nam, tiếng Việt là tiếng được đại đa số người dân trên mọi miền đất nước biết đến. Tiếng Việt được quy định là quốc ngữ và được đưa vào giảng dạy trong giáo dục, vì vậy nó mang tính thông dụng, phổ biến. Văn bản pháp luật được soạn thảo bằng tiếng Việt thì mới có thể phổ biến tới nhiều người và nhiều người cùng hiểu được nội dung của văn bản, nhờ đó hiệu quả thực hiện văn bản cũng cao hơn.
Hiện nay, pháp luật đã có quy định về việc sử dụng tiếng Việt để soạn thảo một số loại văn bản pháp luật. Với nhóm văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt (Xem: Khoản 1 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. thức và kĩ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước cũng quy định: Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt. Đồng thời, trong nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thông tư hướng dẫn về thể thức và kĩ thuật trình bày văn bản đều có quy định: Phông chữ sử dụng để trình bày văn bản phải là các phông chữ tiếng Việt (Xem: Phụ lục I Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngàỵ 05/3/2020 của Chính phủ quy định về công tác văn thư; Điều 69 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Như vậy, để soạn thảo các văn bản pháp luật trên máy vi tính, người soạn thảo chỉ được lựa chọn ngôn ngữ duy nhất là tiếng Việt hoặc Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14/3/2017 của ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể.
Pháp luật cũng quy định văn bản quy phạm pháp luật có thể được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số để tạo thuận lợi cho việc tuyên truyền, phổ biến, thực hiện pháp luật nhưng không có nghĩa là được sử dụng tiếng các dân tộc thiểu số để soạn thảo văn bản pháp luật và bản dịch chỉ có giá trị tham khảo.
Văn bản pháp luật là tiếng nói chính thức của cơ quan công quyền, đại diện cho Nhà nước. Vì vậy, ngôn ngữ trong văn bản pháp luật mang phong cách hành chính. Yêu cầu của phong cách hành chính đòi hỏi ngôn ngữ trong văn bản pháp luật phải trang trọng, điển hình và mang tính khuôn mẫu, được Nhà nước sử dụng chính thức. Đe diễn đạt các chủ trương, chính sách, các mệnh lệnh cụ thể phục vụ hoạt động công quyền, Nhà nước đặt ra những yêu cầu nhất định đối với hệ thống ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản. Chính những yêu cầu đó đã tạo ra sự đặc thù của ngôn ngữ văn bản pháp luật, làm cho nó không hoàn toàn giống ngôn ngữ thông thường mặc dù nó xuất phát từ tiếng Việt. Có thể hiểu, ngôn ngữ sử dụng trong văn bản pháp luật là một bộ phận của tiếng Việt nhưng phải đạt được độ chuẩn mực cao hơn so với tiếng Việt thông dụng.
2. Yêu cầu đối với ngôn ngữ trong văn bản pháp luật
2.1 Bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan
Tính nghiêm túc, khách quan của ngôn ngữ văn bản pháp luật được hiểu là việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản phải trang trọng, lịch sự, phi cá tính; vừa thể hiện rõ sự uy nghiêm của pháp luật đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với các đối tượng chịu sự tác động của văn bản.
Ban hành văn bản là hình thức pháp lý quan trọng để các chủ thể quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình tiến hành hoạt động quản lý. Văn bản pháp luật không phải tiếng nói riêng của cá nhân nào mặc dù các văn bản có thể giao cho một hoặc một số cá nhân soạn thảo. Văn bản pháp luật thể hiện ý chí của một cơ quan, tổ chức, nhân danh Nhà nước nhằm giải quyết các việc công nên ngôn ngữ trong văn bản phải bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan. Điều này thể hiện được quyền uy của chủ thể quản lý và tính văn minh, lịch sự của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nếu ngôn ngữ trong văn bản pháp luật thiếu tính nghiêm túc sẽ ảnh hưởng lớn đến sự trang nghiêm, uy quyền của người ban hành văn bản. Sự thiếu nghiêm túc của ngôn ngữ văn bản pháp luật còn tạo ra tâm lý coi thường Nhà nước, coi thường pháp luật, đồng thời có thể ảnh hưởng tới tính chính xác của văn bản. Ngược lại, nếu ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản pháp luật bảo đảm tính nghiêm túc, lịch sự sẽ tạo ra sự thiện chí và sự tự giác thực hiện ở người tiếp thu văn bản, nhờ đó pháp luật được tôn trọng.
Yêu cầu bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan được biểu hiện ở tất cả các đơn vị ngôn ngữ trong văn bản. Việc sử dụng các từ khẩu ngữ, tiếng lóng (như “xin đểu”, “xe dù”, “bến cóc”, “bảo kê”, “com đen”, “hàng trắng”…), từ thô tục, thể hiện thái độ thiếu nhã nhặn, châm biếm, miệt thị (chẳng hạn gọi bị cáo là y, thị, hắn…) hoặc các từ ngữ bộc lộ tình cảm, quan điểm cá nhân của người soạn thảo không phù hợp với văn phong hành chính – công vụ. Văn bản pháp luật cũng cần tránh lối hành văn tả cảnh, văn vần hay cách diễn đạt hình tượng với những biện pháp tu từ như trong văn chương (chẳng hạn: “cần phải huỷ bỏ lệnh “cấm chợ ngăn sông” hoặc “cần nhanh chóng đẩy nước về sông để chấm dứt đợt úng lụt, cứu vãn mùa màng, ổn định đời sống nhân dân trong huyện”); không dùng các kiểu câu cảm thán, nghi vấn. Bởi lẽ, điều này ảnh hưởng lớn tới tính chính xác về mặt nghĩa của từ cũng như không bảo đảm tính nghiêm túc, lịch sự của văn bản quản lý nhà nước. Văn bản pháp luật cần sử dụng lối hành văn nghị luận khách quan, nghiêm túc.
2.2 Bảo đảm tính chính xác, rõ ràng
Tính chính xác, rõ ràng của ngôn ngữ trong văn bản pháp luật được hiểu là các đơn vị ngôn ngữ được sử dụng để truyền đạt thông tin trong văn bản phải bảo đảm thể hiện đầy đủ, đúng đắn ý đồ của nhà quản lý để các nội dung trong văn bản được mọi đối tượng hiểu giống nhau, không cho phép có nhiều cách hiểu và cách giải thích khác nhau. Tính chính xác của ngôn ngữ văn bản pháp luật giúp cho việc thể hiện ý chí của Nhà nước được rõ ràng, tạo ra cho người tiếp nhận văn bản một cách hiểu chung, thống nhất về nội dung của văn bản.
Nếu ngôn ngữ trong văn bản pháp luật được sử dụng thiếu chính xác có thể làm cho văn bản tối nghĩa, dẫn đến tình trạng người tiếp nhận văn bản không hiểu, do vậy không biết được mình cần phải làm gì và làm như thế nào để đáp ứng yêu cầu của văn bản. Mặt khác, sự thiếu chính xác trong việc dùng từ, sự lủng củng, thiếu mạch lạc trong việc diễn đạt câu… trong văn bản pháp luật có thể tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau về cùng một quy định; dẫn đến việc giải thích, áp dụng không thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bản và hiệu quả quản lý nhà nước. Việc sử dụng ngôn ngữ không chính xác khi soạn thảo văn bản pháp luật còn có thể tạo ra “kẽ hở” để các văn bản này bị lợi dụng. Có thể nói, không có lĩnh vực nào của đời sống xã hội mà việc sử dụng ngôn ngữ thiếu chính xác, diễn đạt thiếu mạch lạc, sự không ăn khóp giữa ngôn ngữ và ý tưởng lại có thể gây ra hậu quả trực tiếp và tai hại như trong lĩnh vực hành chính – pháp luật. Chính vì thế, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định:
“Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu ”. (Xem: Khoản 1 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).
Để bảo đảm tính rõ ràng, chính xác của ngôn ngữ cần tránh sử dụng các từ nhiều nghĩa hoặc nghĩa không xác định, nên dùng các từ đom nghĩa. Mỗi từ trong văn bản pháp luật phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt và chỉ được hiểu theo một nghĩa duy nhất, không làm phát sinh nhiều cách hiểu. Cách viết câu, lập đoạn cũng phải bảo đảm sự ngắn gọn, rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, dễ hiểu, sử dụng lối trình bày trực tiếp; tránh việc dùng các từ thừa hay lối nói vòng, ẩn dụ…
2.3 Bảo đảm tính phổ thông, thống nhất
Tính phổ thông (tính thông dụng) của ngôn ngữ văn bản pháp luật được hiểu là ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên trên phạm vi toàn quốc.
Văn bản pháp luật được ban hành để tác động đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Trong khi đó, trình độ học vấn và nhận thức pháp luật giữa các vùng miền và dân tộc có sự khác nhau. Vì vậy, tính phổ thông của ngôn ngữ trong văn bản pháp luật sẽ giúp cho mọi người dễ dàng tiếp nhận được thông tin trong văn bản.
Văn bản pháp luật được ban hành để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân, vì vậy ngôn ngữ của văn bản phải gần gũi với ngôn ngữ thông dụng trong nhân dân. Chỉ có bám sát ngôn ngữ phổ thông thì pháp luật mới có thể có tính chất đại chúng, dễ hiểu để mọi người dân đều có thể nắm bắt đầy đủ, đúng đắn nội dung văn bản, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện văn bản theo đúng yêu cầu của nhà quản lý.
Mặt khác, ngôn ngữ văn bản pháp luật phải có tính thống nhất. Việc sử dụng ngôn ngữ thông dụng trong văn bản pháp luật ở chừng mực nhất định đã mang lại tính thống nhất cho ngôn ngữ văn bản. Bên cạnh đó, yêu cầu về tính thống nhất của ngôn ngữ còn đòi hỏi các từ, thuật ngữ phải được sử dụng thống nhất trong từng văn bản riêng rẽ cũng như trong toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật và trên phạm vi toàn quốc. Đó là điều kiện cần thiết để giúp cho mọi người có thể hiểu và thực hiện pháp luật thống nhất. Ngôn ngữ văn bản không thống nhất thì nội dung văn bản cũng không được hiểu thống nhất và tất nhiên văn bản pháp luật cũng sẽ được thực hiện theo những cách khác nhau.
Để ngôn ngữ văn bản pháp luật bảo đảm tính thống nhất và thông dụng cần tránh sử dụng các từ ngữ địa phương (phương ngữ), từ cổ; không sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành hay từ nước ngoài trong những trường hợp không thật cần thiết; ưu tiên sử dụng các từ ngữ quen thuộc, phù hợp vói thời đại, dễ hiểu với các đối tượng chịu sự tác động của văn bản. Đồng thời, cần chú ý sử dụng các từ, thuật ngữ cho có sự thống nhất trong cùng một văn bản và trong cả hệ thống văn bản pháp luật, không nên dùng nhiều từ khác nhau để chỉ một khái niệm trong cùng một văn bản; cùng một thuật ngữ được sử dụng trong các văn bản pháp luật khác nhau phải được hiểu theo một nghĩa giống nhau. Mặt khác, khi trình bày nội dung văn bản pháp luật cũng cần chú ý diễn đạt đơn giản, phù hợp với tư duy thông thường của người đọc. Điều này bảo đảm cho văn bản pháp luật có một kết cấu chặt chẽ, thống nhất khiển người đọc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu và như vậy đã đáp ứng được yêu cầu về tính phổ thông.
Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)