Ngôi làng ‘một quả thận’ ở Nepal: Vấn nạn bán thận và thị trường chợ đen nở rộ
Hokse là một ngôi làng nhỏ nằm ở phía Đông của Nepal. Đất nước này được biết đến là một trong những nước nghèo nhất ở châu Á. Hầu hết dân làng ở Hokse hầu hết nghèo đến nỗi đã phải bán thận của họ trên thị trường chợ đen.
Số tiền họ bán thận cũng chỉ đủ mua một mảnh đất để trồng rau và tồn tại. Với một số người kém may mắn, thậm chí họ còn chẳng nhận được tiền từ những kẻ buôn bán nội tạng hoặc số tiền quá ít ỏi nếu so với giá thị trường chợ đen.
Bốn người đàn ông vạch ra vết sẹo mổ sau khi bán thận. Ảnh: CNN.
Bán thận để thoát nghèo
Những người này sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó không có cơ hội phát triển để hướng tới một cuộc sống chất lượng hơn. Vì không có nhiều việc làm nên hầu hết họ phải bán một quả thận để nuôi gia đình. Thị trường mua bán thận chợ đen đã trở thành một ngành sinh lời với hơn 650 triệu USD lợi nhuận mỗi năm.
Những kẻ buôn bán nội tạng này làm việc trong một tổ chức toàn cầu và họ đặc biệt tập trung vào các quốc gia nghèo đói.
Chúng thường lợi dụng những người vô tội bằng cách bắt cóc và cưỡng bức cắt thận của họ. Trong khi đó ở Hokse, mọi người sẵn sàng làm điều đó vì một số tiền ít ỏi.
Minh chứng rõ ràng nhất cho vấn nạn bán thận ở Hokse, Nepal. Ảnh: NDTV.
Trong số các nạn nhân của những kẻ buôn bán nội tạng đầy thủ đoạn phải kể đến bà mẹ bốn con có tên Geetha. Người phụ nữ 37 tuổi này đã bị chính chị dâu dẫn sang Ấn Độ bán thận chỉ với giá 2.000 USD (khoảng 40 triệu đồng).
Geetha chia sẻ: “Trong suốt 10 năm qua, người ta tới đây để thuyết phục chúng tôi bán thận nhưng tôi luôn trả lời là không”.
Thế nhưng khi những đứa con lớn lên, Geetha lại khao khát có một ngôi nhà kiên cố cùng một mảnh đất để chăn nuôi. Vì vậy cô đã đồng ý theo người chị dâu đi bán thận.
Cuộc phẫu thuật kéo dài trong nửa tiếng đồng hồ nhưng Geetha phải nằm lại bệnh viện khoảng 3 tuần.
Geeta không phải là trường hợp duy nhất bán thận mua nhà ở Hokse bởi chẳng phải đâu xa, ngay chồng cô cũng đã bán đi một quả thận trước đó. Hầu hết đàn ông và phụ nữ ở Hokse đều bán đi một quả thận để kiếm tiền.
Những tay môi giới buôn bán nội tạng thường xuyên lảng vảng ở Hokse và cố gắng thuyết phục người dân đến các bệnh viện ở miền nam Ấn Độ bán thận. Chúng sử dụng nhiều mánh khóe để dụ dỗ nạn nhân bán thận, một trong số đó là tìm cách lừa nạn nhân rằng, thận có thể mọc trở lại.
Hầu như tất cả đàn ông và phụ nữ ở đây đều chỉ còn một bên thận. Ảnh: CNN.
Không có giá chính xác, nhưng giá thận mỗi quả thận trên thị trường chợ đen nằm trong khoảng từ 30.000 – 70.000 USD. Tuy nhiên, đôi khi những người bị cắt bỏ thận cũng chẳng hoàn toàn tự nguyện.
Một bà mẹ đơn thân của 4 đứa con đã bị những kẻ buôn bán nội tạng thuyết phục để hiến thận chỉ với giá 1.500 USD. Khi người ta rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, họ tuyệt vọng đến mức không có sự lựa chọn và họ cũng không thể thương lượng với những kẻ buôn bán nội tạng.
Năm 2007, chính phủ Nepal đã ra lệnh cấm hiến thận để đổi lấy tiền. Nhưng điều này lại mở ra cơ hội làm ăn cho những kẻ buôn bán nội tạng. Người ta ước tính rằng hơn 10.000 ca lấy thận diễn ra mỗi năm.
Bà mẹ đơn thân bán thận với giá 1.500 USD. Ảnh: CNN.
Thị trường chợ đen – nơi tình người không tồn tại
Sau trận động đất, người dân Hokse trở lại điểm xuất phát là người vô gia cư. Vì chán nản, nhiều người dân đã tìm đến rượu khiến sức khỏe giảm sút trầm trọng.
Sau động đất khủng khiếp vào năm 2015, làn sóng người dân tìm đến con đường bán thận có xu hướng gia tăng mạnh.
Các chuyên gia y tế dự đoán, Nepal có thể trở thành “ngân hàng thận” với số người dân tìm cách bán thận tăng gấp đôi trong vài năm tới.
Nepal là quốc gia hứng chịu nhiều trận động đất kinh hoàng. Ảnh: NDTV.
Theo một báo cáo của Global Financial Integrity thì mỗi năm có đến 7.000 quả thận được “giao dịch” bất hợp pháp. Bản báo cáo này cũng cho hay, buôn bán nội tạng mang lại khoản lợi nhuận khoảng 650 triệu bảng Anh mỗi năm.
Tiến sĩ Rishi Kumar Kafle, Giám đốc Trung tâm Thận Nepal, cho biết, thận bán trên thị trường chợ đen thường có giá cao gấp 6 lần so với số tiền mà người bán nhận được.
Tội phạm buôn bán nội tạng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như: bắt cóc nạn nhân sau đó lấy đi một số cơ quan nội tạng; tìm kiếm nạn nhân gặp khó khăn về tài chính và dụ dỗ bán nội tạng; lừa để nạn nhân tin rằng, cần cắt bỏ một số bộ phận nội tạng nào đó trong cơ thể và điều này không gây ảnh hưởng gì cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, một số nạn nhân bị sát hại để lấy nội tạng đem bán.
Bán thận và cướp thận – quốc nạn ở Nepal. Ảnh: CNN.
Ganesh Bahadur Damai, một nạn nhân “bị cướp thận”, đến Ấn Độ để tìm việc làm. Một hôm, ông bị một nhóm người lạ chuốc rượu đến say khướt.
“Tôi bị tiêm một thứ chất gì đó và trở nên bất tỉnh trong một ngày. Khi thức dậy, tôi nằm trên giường bệnh và người ta đã lấy mất một quả thận của tôi”, ông nhớ lại.
Ba tháng sau đó, Damai nhận được 150 USD và được đưa về quê hương, nơi ông dùng số tiền này để mua một mảnh đất nhỏ.
“Thịt sẽ lành lại”
Năm 2000, chàng thanh niên vạm vỡ Pariyar đang làm việc ở công trường thì quản đốc rỉ tai anh với lời đề nghị “nếu để bác sĩ cắt một tảng thịt từ cơ thể của anh sẽ được trả 30.000 USD”. Ông này dĩ nhiên không cho Pariyar biết “tảng thịt” đó chính là quả thận của anh.
“Ông ta nói rằng thịt sẽ lành lại. Lúc đó tôi nghĩ nếu thịt lành lại và được khoảng 30.000 USD, sao mình không thử nhỉ. Ông ta còn cho tôi ăn ngon, mặc đẹp và đưa tôi đi xem phim”, Pariyar kể lại.
“Cò” săn thận sẽ không từ mọi thủ đoạn để lừa bán thận với giá rẻ mạt. Ảnh: NDTV.
Sau đó, người quản đốc này đưa Pariyar đến một bệnh viện ở Chennai, bang miền nam của Ấn Độ. Tại đây, những kẻ buôn lậu đã đặt cho Pariyar một tên giả và thông báo với bệnh viện anh là người thân của bệnh nhân cần ghép thận.
Lúc đó vì nghe lời dụ dỗ của bọn buôn lậu, tôi đã nói dối mình đúng là em trai của bệnh nhân. Tôi nghe họ nhiều lần nói đến chữ “thận” nhưng lúc đó tôi có biết “thận” là cái gì đâu”, Pariyar nhớ lại.
Pariyar nói vì không biết tiếng Ấn Độ nên anh không thể hiểu nội dung đối thoại giữa bọn buôn lậu và êkip y tế thực hiện ca mổ.
Sau khi bị lấy mất thận, Pariyar bị bọn buôn lậu đưa về và chỉ đưa 206 USD với lời hứa anh sẽ nhận được phần còn lại khi về tới quê nhà. Nhưng Pariyar không nhận thêm được đồng nào và cũng không bao giờ tìm thấy bọn người mất nhân tính trên.
Về đến Nepal, Pariyar đi bệnh viện mới biết mình đã bị cắt mất một quả thận. Sức khỏe anh hiện rất xấu và ngày càng tồi tệ. Pariyar chỉ là một trong rất nhiều trường hợp ở Kavre bị cướp thận mà không hề hay biết.