Nghìn năm lịch sử nghề… shipper
Xuất hiện từ thời đại của các cửa hàng Thermopolium La Mã cổ, đến khi có những nhà hàng cho phép order trực tuyến, dịch vụ giao thức ăn tận nhà đã trải qua một chặng đường dài phát triển. Ngày nay, nghề giao thức ăn, hay còn gọi là “shipper”, đã trở thành một trong những ngành nghề nóng sốt được nhiều người trẻ lựa chọn làm thêm. Vậy nhưng ít ai biết rõ nguồn gốc của nghề này từ đâu mà có, hay trong dòng lịch sử phát triển của nó đã từng xảy ra những câu chuyện thú vị gì.
Khái niệm “phục vụ đồ ăn nhanh” đã xuất hiện từ khoảng năm 753 TCN đến năm 476 SCN tại La Mã cổ đại, tức có thể nói nền móng phát triển của nghề shipper đã có từ tận 2.774 năm trước. Thời ấy có những cửa hàng Thermopolium, theo tiếng Hy Lạp nghĩa là “nơi bán đồ nóng”. Người ta bày bán và phục vụ những món ăn nóng hổi đựng trong những niêu đất lớn đặt trên một quầy thức ăn – điều này nghe thật quen, vì nó cũng chẳng khác là bao cái cách chúng ta bán đồ ăn nhanh ngày nay. Thời gian này chưa có những “tay lái giao hàng” hay trang web đặt đồ ăn trực tuyến, nhưng phần lớn người La Mã đều lựa chọn mua đồ ăn tại các nhà hàng Thermopolium rồi mang đi, do điều kiện nhà ở chật hẹp khiến việc bếp núc tại gia trở nên rất khó khăn. Vì thế, Thermopolium có thể được coi như phiên bản sơ khai của cửa hàng fastfood thời hiện đại.
Tua nhanh đến thế kỷ 18, đây chính là mốc thời gian khi khái niệm “giao đồ ăn tận nhà” bắt đầu phát triển và được biết đến rộng rãi. Lần giao đồ ăn đầu tiên được ghi nhận là dịch vụ giao naengmyeon (mì lạnh) tại Hàn Quốc dưới thời Joseon (1392-1910). Trong cuốn sách của mình, học giả Hwang Yun-seok (1729-1791) cũng có ghi rằng ông đã gọi naengmyun để ăn trưa với các đồng nghiệp sau kỳ thi gwageo (một kì thi công chức thời Joseon), hôm đó là một ngày tháng 7 năm 1768.
Có vẻ như naengmyun, một món ngon được yêu thích trong cung đình, đã trở nên phổ biến trong giới quý tộc, dẫn đến sự ra đời của dịch vụ giao hàng. Trong cuốn sách của Lee Yu-won, vua Sunjo (1800-1834) thường ra lệnh cho người hầu mua mì lạnh và mang về cung điện để thưởng thức khi ngắm trăng với các quan trong những năm đầu trị vì. Món súp Haejang-guk cũng được chế biến và mang đến tận nơi phục vụ giới quý tộc Lưỡng ban trong những năm 1800. Theo thời gian, đến những năm 1930, việc giao đồ ăn đã mở rộng sang nhiều loại súp và mì khác nhau, trở thành một loại hình dịch vụ phổ biến. Sau đó, quảng cáo giao hàng và phục vụ đồ ăn bắt đầu xuất hiện trên báo vào năm 1906. Thậm chí, từng có bài báo mô tả một ngày của một người giao đồ ăn đã được đăng trên báo Hàn. Thời kỳ hoàng kim của dịch vụ giao đồ ăn tại Hàn bắt đầu vào những năm 1990 với sự ra đời của các thương hiệu gà rán và pizza, thị trường “ship hàng” phát triển theo cấp số nhân kể từ thời điểm này.
Dich vụ giao đồ ăn cũng đã xuất hiện ở Nhật Bản vào giữa thời Edo từ những năm 1700. Các lãnh chúa phong kiến sẽ sai người hầu đến nhà hàng để truyền đạt yêu cầu của chủ nhân mình, sau đó nhân viên nhà hàng sẽ mang thức ăn đến tận nơi ở của lãnh chúa. Hình thức giao hàng này được gọi là demae (nghĩa đen là “đi trước”).
Theo thời gian, demae đã phát triển thành một loại hình dịch vụ phổ biến và được mọi tầng lớp người dân ưa thích, từ học sinh sinh viên đến nhân viên văn phòng. Thời kỳ không có điện thoại, người giao mì Soba sử dụng một kỹ thuật đặc biệt để xếp các bát mì hay đồ ăn thành một chiếc tháp cao rồi vác trên vai, sau đó đạp xe đến nhiều địa điểm khác nhau, chẳng hạn như các trường đại học, để bán cho những khách hàng quen thuộc. Nhiều cửa hàng mì Soba từ thời kỳ này vẫn mở cửa, trong đó Honke Owariya là nhà hàng lâu đời nhất còn hoạt động cho đến ngày nay. Cửa hàng này nằm ở Tokyo, Nhật Bản và được thành lập vào năm 1465, chủ nhân hiện tại là Ariko Inaoke, cô là con cháu đời thứ 16 trong gia đình.
Trong khi đó, năm 1785, dịch vụ giao sữa cũng nhen nhóm hình thành ở Hoa Kỳ. Thời ấy, sữa tươi là món xa xỉ mà ai cũng thèm muốn. Dần dần, quá trình công nghiệp hoá phát triển kéo dài, thành thị mọc lên và người dân trở nên bận rộn, mọi người bắt đầu bảo nhau mua sữa từ các trang trại địa phương, dẫn đến sự ra đời của dịch vụ giao sữa tận nhà. “Đơn hàng” sữa đầu tiên được cho là của một gia đình có em bé mới sinh thiếu sữa mẹ, vào năm 1785 tại vùng nông thôn Vermont, Mỹ. Nghề “shipper” giao sữa bắt đầu phổ biến và nhanh chóng lan ra toàn thế giới.
Một “đơn hàng khủng” khác cũng được nhiều người biết đến là lần “gọi ship” đồ ăn của nữ hoàng Margherita xứ Savoy, vương hậu của vua Umberto Đệ nhất. Trong chuyến viếng thăm Naples, Ý vào tháng 6 năm 1889 của mình, nữ hoàng muốn nếm thử món ăn của người dân – những chiếc pizza. Nhà làm bánh pizza nổi tiếng lúc bấy giờ, Raffaele Esposito, đã chọn những nguyên liệu tươi ngon nhất, đặc trưng nhất của Ý là cà chua, phô mai mozzarella và lá húng, cũng là để đại diện cho lá cờ Ý với 3 màu đỏ – trắng – xanh. Tương truyền, nữ hoàng yêu thích vị pizza này đến mức đã viết riêng một bức thư tay gửi tới ông bày tỏ lòng cảm kích. Raffaele sau đó đã tự hào đặt tên sáng tạo của mình theo tên nữ hoàng để vinh danh người, từ đó chúng ta có món pizza Margherita nổi tiếng năm châu.
Gần 125 năm trước, vào cuối thế kỷ 19, khi Ấn Độ còn nằm dưới sự cai trị của Anh, lực lượng lao động ở các khu thành thị của Ấn gia tăng chóng mặt, tạo tiền đề cho sự phát triển của dịch vụ giao đồ ăn phục vụ nhu cầu của nhóm lao động này. Những người giao hàng được gọi là Dabbawalas, nghĩa đen là “người mang một chiếc hộp”. Các Dabbawalas có một nhiệm vụ duy nhất là mang bữa trưa nóng hổi đến cho “khách hàng”, đa phần là ở khu vực đô thị, đông dân cư (như Mumbai). Hệ thống Dabbawalas vẫn tồn tại cho đến ngày nay và người Ấn cũng đã quen thuộc với hình ảnh những “shipper” cầm hộp đồ ăn trên xe máy hoặc tàu hoả.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhiều quan chức cấp cao phải tìm chỗ ẩn nấp trước nguy cơ bị đánh bom bất cứ lúc nào. Do đó, chính phủ các nước bắt đầu tuyển một số đầu bếp và các tình nguyện viên nhằm mục đích mang thức ăn đến tận nhà cho họ. Đây chính là hình thức giao đồ ăn điển hình mà chúng ta hay thấy ngày nay. Hình thức này đặc biệt phổ biến ở London (Anh) và thậm chí còn góp phần giúp các cựu chiến binh bình phục trở lại. Sau đó, cả Úc và Hoa Kỳ đều áp dụng cách thức này, dần dần, dịch vụ giao đồ ăn tận nhà xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới.
Có thể bạn đã biết, các “shipper” không chỉ “cưỡi” chiếc xe đạp, đi xe máy hay thậm chí rảo bước trên đôi chân mình, đôi khi họ còn lái xe tải nữa. Ý tưởng về xe tải chở thức ăn xuất hiện lần đầu vào năm 1960, nhằm mục đích đảm bảo khẩu phần ăn cho người lao động tại nơi làm việc. Ban đầu, những chiếc xe này rất có vấn đề về vệ sinh, nhưng điều đó đã được cải thiện một cách nhanh chóng, và cho đến nay thì dùng xe tải để chở đồ ăn nhanh vẫn là một hình thức phổ biến ở hầu hết các quốc gia.
Cuối cùng, với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và sự phủ sóng rộng khắp của các thiết bị điện tử, chúng ta có thể ngồi nhà mà vẫn dễ dàng “gọi ship” một bữa ăn ngon lành – bằng cách đặt đồ ăn trực tuyến. Từ năm 2004 đến nay, việc đặt đồ ăn online bắt đầu bùng nổ và trở thành hình thức đỉnh cao của dịch vụ giao đồ ăn. Các trang web của các hãng thức ăn cùng những app đặt hàng mọc lên vô số, cung cấp sự tiếp cận vô hạn đến mọi thương hiệu ẩm thực.
Copyright © 2012 Travellive. All rights reserved
Nhà xuất bản Thế Giới/ Thế Giới Publishers
Chịu trách nhiệm xuất bản/ Editor-In-Chief: Phạm Trần Long
Tòa soạn/ Travellive Editorial Board: 3rd Floor, 59 Tho Nhuom, Hoan Kiem, Hanoi.
Tel: 024. 3936 8349 – Fax: 024. 3936 8350
Văn phòng TP. Hồ Chí Minh/ HCM Office: 6th Floor, TSA Building, 84B Tran Quoc Toan Street, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
Tel: 028 6276 1569
Giấy phép xuất bản số/ Publication permit: 05/GP-XBĐS