Nghiệp vụ kinh doanh của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán là gì? Quy định về nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư của công ty quản lý quỹ
Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được phép thực hiện nghiệp vụ kinh doanh đó là: Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán. Trong bài viết này chúng tôi chia sẻ cụ thể về nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư.
Mục Lục
1. Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán là gì?
Luật chứng khoán năm 2019 giải thích: Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán là hoạt động quản lý trong việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán và các tài sản khác của quỹ đầu tư chứng khoán.
Khoản 3 Điều 2 Thông tư 99/2020/TT-BTC giải thích: Công ty quản lý quỹ là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, thực hiện nghiệp vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.
2. Nghiệp vụ kinh doanh của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán là gì?
Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh sau đây:
– Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;
– Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán;
– Tư vấn đầu tư chứng khoán.
Các nghiệp vụ kinh doanh này được cấp chung trong Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
3. Nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư chứng khoán
3.1. Quy định chung về hoạt động quản lý danh mục đầu tư chứng khoán
Điều 16 Thông tư 99/2020/TT-BTC quy định chung về hoạt động quản lý danh mục đầu tư chứng khoán như sau:
Một, công ty quản lý quỹ được thực hiện quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng ủy thác trên tài khoản đứng tên công ty quản lý quỹ hoặc trên tài khoản của khách hàng ủy thác theo hợp đồng ủy thác đầu tư ký với khách hàng ủy thác và quy định của pháp luật. Trường hợp khách hàng ủy thác là tổ chức, hợp đồng ủy thác đầu tư phải được ký bởi đại diện theo pháp luật của khách hàng ủy thác hoặc đại diện theo ủy quyền kèm theo văn bản ủy quyền được lập theo quy định của pháp luật.
Hai, Hợp đồng ủy thác đầu tư phải bao gồm những nội dung cơ bản theo quy định tạiphụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này và phải bảo đảm:
– Không có các điều khoản nhằm tạo điều kiện cho công ty quản lý quỹ có thể trốn tránh nghĩa vụ pháp lý bồi thường cho khách hàng ủy thác trong trường hợp do lỗi của công ty hoặc do hành vi sai phạm có chủ ý của công ty;
– Không có các điều khoản nhằm hạn chế phạm vi bồi thường, trách nhiệm tài chính của công ty đối với khách hàng ủy thác mà không có lý do chính đáng; hoặc chuyển rủi ro cho khách hàng ủy thác trong trường hợp do lỗi của công ty hoặc do hành vi sai phạm có chủ ý của công ty;
– Không có các điều khoản đối xử không công bằng đối với khách hàng ủy thác.
Ba, hợp đồng ủy thác đầu tư, các chấp thuận của khách hàng ủy thác cho phép công ty quản lý quỹ đứng tên chủ sở hữu tài sản ủy thác, thực hiện giao dịch, thông báo về hạn chế đầu tư, các chỉ thị đầu tư, chỉ thị thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản của khách hàng ủy thác quy định tại Điều này được lập bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử. Văn bản điện tử phải tuân thủ Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn. Công ty quản lý quỹ phải có hạ tầng công nghệ để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng, lưu trữ dữ liệu điện tử và cung cấp theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Bốn, khi sử dụng tài sản của khách hàng ủy thác để đầu tư, công ty quản lý quỹ phải đảm bảo:
a) Trường hợp hợp đồng ủy thác đầu tư không có quy định thì công ty quản lý quỹ chỉ được đầu tư vào tiền gửi, công cụ thị trường tiền tệ bao gồm giấy tờ có giá và công cụ chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, chứng khoán niêm yết, chứng khoán đăng ký giao dịch, chứng chỉ quỹ mở, chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục, công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, giao dịch mua bán lại (repo) công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương trên hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán;
b) Trường hợp hợp đồng ủy thác đầu tư có quy định cho phép, công ty quản lý quỹ mới được sử dụng tài sản của khách hàng ủy thác để tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch; đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, trái phiếu chưa niêm yết, dự án, bất động sản và các tài sản không phải là chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch; thực hiện các giao dịch mua bán lại (repo) đối với các tài sản không phải là công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương. Việc đầu tư, giao dịch các tài sản nêu trên phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc sau:
– Tài sản phải đăng ký sở hữu dưới tên của khách hàng ủy thác, trừ trường hợp khách hàng ủy thác có yêu cầu khác bằng văn bản. Trường hợp công ty quản lý quỹ được yêu cầu đứng tên chủ sở hữu tài sản thay mặt cho khách hàng ủy thác, trước khi thực hiện giao dịch, công ty quản lý quỹ phải được khách hàng chấp thuận bằng văn bản cho phép thực hiện giao dịch và báo cáo kết quả cho khách hàng sau khi hoàn tất giao dịch. Tài sản giao dịch, bản gốc các tài liệu pháp lý xác nhận quyền sở hữu tài sản hoặc bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng giao dịch, chứng từ thanh toán phải được lưu ký và gửi kho quỹ đầy đủ tại ngân hàng lưu ký do khách hàng ủy thác lựa chọn;
– Đối với giao dịch mua bán lại (repo) các tài sản không phải là công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, khách hàng ủy thác phải đứng tên là người giao dịch;
c) Trường hợp công ty quản lý quỹ được yêu cầu đứng tên chủ sở hữu tài sản thay mặt cho khách hàng ủy thác là doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty đại chúng; công ty quản lý quỹ có trách nhiệm yêu cầu khách hàng ủy thác nêu rõ hạn chế đầu tư bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với loại tài sản đầu tư, khối lượng tài sản đầu tư, giá trị đầu tư, hình thức thực hiện, bảo đảm phù hợp với các quy định về an toàn tài chính, an toàn vốn, pháp luật điều chỉnh hoạt động của khách hàng ủy thác, pháp luật về chứng khoán và Điều lệ của khách hàng ủy thác, đặc biệt trong các hoạt động dưới đây:
– Đầu tư vào chính khách hàng ủy thác: Trường hợp đầu tư vào cổ phiếu phát hành bởi khách hàng ủy thác, phải tuân thủ quy định của pháp luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
– Đầu tư vào công ty mẹ, công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết và các tổ chức khác là người có liên quan của khách hàng ủy thác; các tổ chức là người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của khách hàng ủy thác;
– Đầu tư vào bất động sản, các dự án đầu tư được phát triển, quản lý bởi khách hàng ủy thác, công ty mẹ, công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết của khách hàng ủy thác, hoặc của các tổ chức là người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của khách hàng ủy thác;
– Khách hàng ủy thác phải thông báo, báo cáo, công bố thông tin, lấy ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về các giao dịch, hoạt động đầu tư nêu trên theo quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động của khách hàng ủy thác; lấy ý kiến chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ sở hữu về các giao dịch, hoạt động đầu tư nêu trên cho phù hợp với Điều lệ của khách hàng ủy thác;
d) Trừ trường hợp khách hàng ủy thác đứng tên chủ sở hữu tài sản ủy thác, công ty quản lý quỹ hoặc khách hàng ủy thác không được sử dụng tài sản ủy thác để cho vay, bảo lãnh cho các khoản vay, cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược, đặt cọc, tín chấp hoặc làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch tài sản bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân, kể cả cho công ty quản lý quỹ hoặc chính khách hàng ủy thác;
đ) Trường hợp khách hàng ủy thác là cá nhân nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài, công ty quản lý quỹ được thực hiện các hoạt động đầu tư, tài trợ vốn cho doanh nghiệp theo chỉ định hoặc các điều khoản tại hợp đồng ủy thác đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.
Năm, trường hợp công ty quản lý quỹ quản lý danh mục trên tài khoản của khách hàng ủy thác, khách hàng có trách nhiệm thông báo cho công ty chứng khoán, thành viên lưu ký về việc ủy thác quản lý danh mục đầu tư chứng khoán cho công ty quản lý quỹ, kèm theo hợp đồng ủy thác đầu tư hoặc văn bản ủy quyền của khách hàng ủy thác cho công ty quản lý quỹ được phép thực hiện giao dịch trên tài khoản của khách hàng.
Sáu, trong thời gian hợp đồng ủy thác đầu tư trên tài khoản của khách hàng theo quy định tại khoản 5 Điều này còn hiệu lực, công ty chứng khoán, thành viên lưu ký chỉ được nhận, thực hiện lệnh giao dịch, chỉ thị đầu tư, thanh toán từ công ty quản lý quỹ và có trách nhiệm xác nhận về tình trạng lưu ký tài sản của khách hàng ủy thác tại báo cáo định kỳ về hoạt động quản lý danh mục đầu tư của công ty quản lý quỹ. Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của mình trong hoạt động quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, lưu ký tài sản, báo cáo sở hữu và công bố thông tin, thực hiện đầy đủ các quyền sở hữu, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền, lợi ích và nghĩa vụ của khách hàng ủy thác theo quy định của Thông tư này.
Bảy, trường hợp khách hàng chỉ định đầu tư, công ty quản lý quỹ phải bảo đảm:
a) Chỉ thị đầu tư của khách hàng ủy thác bằng văn bản và phải nêu rõ loại tài sản đầu tư hoặc tổ chức tiếp nhận vốn đầu tư, giá trị vốn đầu tư hoặc khối lượng tài sản đầu tư, thời điểm và thời gian thực hiện, tên người đăng ký chủ sở hữu tài sản đầu tư;
b) Trường hợp công ty quản lý quỹ được yêu cầu đứng danh chủ sở hữu thay mặt cho khách hàng ủy thác:
– Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm yêu cầu khách hàng ủy thác cung cấp đầy đủ thông tin bảo đảm khách hàng ủy thác và đối tác giao dịch, tổ chức tiếp nhận vốn đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện để giao dịch thực hiện được theo quy định tại khoản 4 Điều này và phù hợp với các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của khách hàng ủy thác, tổ chức tiếp nhận vốn đầu tư và các quy định pháp luật khác nếu có liên quan;
– Trường hợp đầu tư vào chứng khoán của công ty đại chúng, quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, khách hàng ủy thác có trách nhiệm tự thực hiện hoặc ủy quyền bằng văn bản yêu cầu công ty quản lý quỹ thực hiện việc báo cáo sở hữu, công bố thông tin theo quy định của pháp luật về chứng khoán áp dụng đối với người nội bộ, người có liên quan của người nội bộ (trong trường hợp khách hàng ủy thác là người nội bộ, người có liên quan của người nội bộ theo quy định của pháp luật chứng khoán) và đối với cổ đông lớn trong trường hợp khách hàng ủy thác là cổ đông lớn, nhà đầu tư sở hữu từ 5% trở lên tổng số chứng chỉ quỹ theo quy định của pháp luật chứng khoán (trong đó số lượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ thuộc sở hữu khách hàng ủy thác bao gồm số cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đăng ký đứng tên chủ sở hữu là khách hàng ủy thác và số cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mà khách hàng ủy thác chỉ định công ty quản lý quỹ thực hiện đầu tư và đứng tên chủ sở hữu thay mặt khách hàng ủy thác).
3.2. Chính sách đầu tư
Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm tổng hợp thông tin nhận biết khách hàng, bao gồm thông tin về người được hưởng lợi (nếu có); khả năng tài chính, kinh nghiệm đầu tư, thời hạn đầu tư, mục tiêu đầu tư, mức độ rủi ro có thể chấp nhận, các hạn chế đầu tư, danh mục đầu tư mẫu và các yêu cầu khác (nếu có) của khách hàng; các thông tin cần thiết có liên quan tới hạn chế đầu tư. Định kỳ hằng năm và trong trường hợp cần thiết, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm cập nhật thông tin, nhận biết khách hàng ủy thác này. Khi phát sinh thay đổi, khách hàng ủy thác có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin có liên quan cho công ty quản lý quỹ. Công ty quản lý quỹ có quyền từ chối thực hiện quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng ủy thác trong trường hợp khách hàng ủy thác không cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin theo yêu cầu.
Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm xây dựng nguyên tắc và chính sách đầu tư phù hợp với nhu cầu khách hàng ủy thác trên cơ sở thông tin đã tổng hợp theo quy định. Chính sách đầu tư phải rõ ràng, chi tiết, thể hiện đầy đủ thông tin cơ bản về mức độ rủi ro, loại hình rủi ro, cơ cấu danh mục đầu tư mẫu, chi phí quản lý, quyền và trách nhiệm của các bên và các thông tin quan trọng khác có liên quan. Chính sách đầu tư là một phần không tách rời của hợp đồng ủy thác đầu tư.
Trường hợp công ty quản lý quỹ không tuân thủ chính sách đầu tư quy định tại hợp đồng ủy thác đầu tư, công ty phải điều chỉnh lại danh mục đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày phát hiện sai lệch, chịu toàn bộ chi phí phát sinh liên quan tới giao dịch này và không được thu giá dịch vụ quản lý đối với phần danh mục không phù hợp với chính sách đầu tư.
Toàn bộ thiệt hại hoặc lợi nhuận phát sinh do hoạt động đầu tư không tuân thủ chính sách đầu tư, mục tiêu đầu tư, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng ủy thác theo thỏa thuận bằng văn bản giữa hai bên hoặc hạch toán mọi khoản lợi nhuận phát sinh vào danh mục của khách hàng ngay sau khi hoàn tất việc điều chỉnh danh mục đầu tư.
Trong trường hợp cơ cấu danh mục đầu tư sai lệch do các nguyên nhân sau đây thì Công ty quản lý quỹ không phải chịu trách nhiệm bồi thường:
a) Biến động giá trên thị trường của tài sản trong danh mục đầu tư của khách hàng ủy thác;
b) Các khoản thanh toán theo yêu cầu khách hàng ủy thác;
c) Do hoạt động hợp nhất, sáp nhập, chia, tách các tổ chức phát hành;
d) Trong thời gian 06 tháng kể từ ngày hợp đồng ủy thác đầu tư có hiệu lực.
3.3. Thực hiện đầu tư
Công ty quản lý quỹ phải bảo đảm khách hàng có đủ tiền và tài sản để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.
Công ty quản lý quỹ được thực hiện giao dịch tài sản giữa các danh mục đầu tư của các khách hàng Ủy thác theo các nguyên tắc sau:
a) Đối với tài sản giao dịch không phải là chứng khoán niêm yết, chứng khoán đăng ký giao dịch trên các Sở giao dịch chứng khoán, giao dịch phải được các bên tham gia giao dịch chấp thuận trước bằng văn bản. Ý kiến chấp thuận phải bao gồm mức giá, khối lượng giao dịch, thời điểm thực hiện;
b) Đối với các tài sản giao dịch là chứng khoán niêm yết, chứng khoán đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán:
Giao dịch phải được các bên tham gia giao dịch chấp thuận trước bằng văn bản hoặc thông báo sau cho các bên liên quan theo quy định tại hợp đồng; đồng thời, giá mua (bán) không được cao (thấp) hơn giá đóng cửa tại ngày giao dịch; hoặc giá giao dịch do công ty quản lý quỹ xác định trong phạm vi biên độ giá giao dịch tại ngày giao dịch theo quy định tại hợp đồng.
3.4. Lưu ký tài sản của khách hàng ủy thác
Trong nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư, công ty quản lý quỹ được mở tài khoản lưu ký đứng tên công ty quản lý quỹ tại nhiều ngân hàng lưu ký để lưu ký tài sản ủy thác theo các nguyên tắc sau:
a) Tại mỗi ngân hàng lưu ký, công ty quản lý quỹ được mở 01 tài khoản lưu ký cho các khách hàng ủy thác quản lý danh mục trong nước và 01 tài khoản lưu ký cho các khách hàng ủy thác quản lý danh mục nước ngoài;
b) Khách hàng ủy thác quản lý danh mục được lựa chọn một hoặc nhiều ngân hàng lưu ký nơi công ty quản lý quỹ mở tài khoản lưu ký theo quy định tại điểm a khoản này để lưu ký tài sản ủy thác;
c) Tài sản của khách hàng ủy thác quản lý danh mục phải được đăng ký, lưu ký đầy đủ, kịp thời tại ngân hàng lưu ký mà khách hàng lựa chọn, phải được quản lý tách biệt, độc lập và đảm bảo các nguyên tắc sau:
– Đối với các tài sản phải đăng ký sở hữu, bản gốc các tài liệu pháp lý xác nhận quyền sở hữu tài sản phải được lưu ký tại ngân hàng lưu ký trừ trường hợp là chứng khoán đã được đăng ký, lưu ký tập trung. Trường hợp chứng khoán phát hành dưới hình thức ghi số, hoặc chưa có tài liệu pháp lý xác nhận quyền sở hữu tài sản, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm lưu ký bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng giao dịch và chứng từ giao dịch tại ngân hàng lưu ký;
Đối với các tài sản phải đăng ký sở hữu nhưng chưa hoàn tất việc đăng ký sở hữu dưới tên của công ty quản lý quỹ, công ty quản lý quỹ phải lưu ký bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng giao dịch và chứng từ giao dịch tại ngân hàng lưu ký. Ngân hàng lưu ký có trách nhiệm xác nhận về tình trạng đăng ký, lưu ký của các tài sản này tại báo cáo định kỳ về hoạt động quản lý danh mục đầu tư của công ty quản lý quỹ cho đến khi hoàn tất việc đăng ký sở hữu;
– Đối với các tài sản không phải đăng ký sở hữu theo quy định của pháp luật, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm lưu ký bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng giao dịch và chứng từ giao dịch tại ngân hàng lưu ký;
– Đối với tiền gửi ngân hàng, hợp đồng tiền gửi, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ về các tài khoản tiền gửi, giá trị các hợp đồng tiền gửi cho ngân hàng lưu ký để ngân hàng lưu ký định kỳ mỗi tháng một lần đối soát với tổ chức nhận tiền gửi;
– Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm yêu cầu tổ chức phát hành, tổ chức tiếp nhận vốn đầu tư, tổ chức nhận tiền gửi hoặc tổ chức quản lý sổ đăng ký cổ đông định kỳ mỗi tháng một lần đối soát, xác nhận quyền sở hữu tài sản theo yêu cầu của ngân hàng lưu ký;
d) Việc thanh toán các giao dịch chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch phải tuân thủ các nguyên tắc giao chứng khoán đồng thời với thanh toán tiền và các nguyên tắc bù trừ, thanh toán theo quy định của pháp luật. Việc thanh toán các giao dịch tài sản khác thì phải thực hiện theo lệnh, chỉ thị hợp pháp của công ty quản lý quỹ và các quy định pháp luật khác nếu có liên quan. Mọi giao dịch chuyển khoản, thanh toán tiền, chuyển giao chứng khoán đều phải thực hiện đúng đến các đối tác giao dịch của khách hàng ủy thác, các tài khoản của khách hàng ủy thác. Giá trị thanh toán phải phù hợp với số lượng tài sản, chứng khoán và đúng với số tiền ghi trong các chứng từ thanh toán. Hóa đơn, chứng từ kế toán, thông tin điện tử, các tài liệu xác nhận việc thanh toán và thực hiện giao dịch cho khách hàng ủy thác phải được lưu trữ đầy đủ, chính xác. Trừ trường hợp thực hiện giao dịch tài sản giữa các danh mục đầu tư của các khách hàng ủy thác theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư này, công ty quản lý quỹ và ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát không được chuyển tiền và tài sản nội bộ giữa các tài khoản của khách hàng ủy thác quản lý danh mục;
đ) Ký hợp đồng lưu ký với ngân hàng lưu ký, lưu ký toàn bộ tài sản phát sinh tại Việt Nam và quản lý tài sản tách biệt tới từng khách hàng ủy thác. Hợp đồng lưu ký phải phù hợp với hợp đồng ủy thác đầu tư và bao gồm một số nội dung chính theo mẫu quy định tại phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 99.
Tài sản ủy thác, dạng vật chất hoặc phi vật chất, đăng ký sở hữu và lưu ký trên tài khoản lưu ký dưới tên của công ty quản lý quỹ nhưng thuộc sở hữu của khách hàng ủy thác và không phải là tài sản của công ty quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký. Công ty quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký không được sử dụng tài sản này để thanh toán, bảo lãnh thanh toán cho các khoản nợ của chính mình hoặc cho bên thứ ba hoặc cho chính khách hàng ủy thác.
Công ty quản lý quỹ bảo đảm khách hàng ủy thác được thừa hưởng toàn bộ quyền sở hữu đối với tài sản của khách hàng ủy thác có trên tài khoản ủy thác theo nguyên tắc sau:
a) Công ty quản lý quỹ chỉ là đại diện theo ủy quyền của khách hàng ủy thác và chỉ được phép thực hiện các hoạt động trong phạm vi ủy quyền đã được quy định tại hợp đồng ủy thác đầu tư;
b) Công ty quản lý quỹ chỉ được sử dụng và quản lý tài sản trên tài khoản của khách hàng ủy thác theo đúng những quy định trong hợp đồng ủy thác đầu tư hoặc theo chỉ thị bằng văn bản của khách hàng;
c) Công ty quản lý quỹ thực hiện quyền biểu quyết và các quyền sở hữu khác theo chỉ thị bằng văn bản của khách hàng ủy thác; kịp thời thông báo đầy đủ, chính xác cho khách hàng ủy thác về các quyền lợi phát sinh liên quan đến tài sản của khách hàng ủy thác.
3.5. Nhận và hoàn trả tài sản của khách hàng ủy thác
Trong hoạt động quản lý danh mục đầu tư, công ty quản lý quỹ được nhận tài sản không phải bằng tiền để quản lý. Các tài sản mà công ty nhận từ khách hàng ủy thác để quản lý phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:
a) Thuộc sở hữu của khách hàng ủy thác, có đầy đủ tài liệu pháp lý hợp lệ xác minh quyền sở hữu tài sản của khách hàng;
b) Là tài sản được tự do chuyển nhượng, không bị hạn chế chuyển nhượng tại thời điểm hợp đồng ủy thác đầu tư có hiệu lực;
c) Không phải là tài sản đang thế chấp, cầm cố, ký quỹ, ký cược, bảo lãnh, đặt cọc, tín chấp hoặc trong các giao dịch tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật dân sự.
Khách hàng ủy thác thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản trong danh mục ủy thác cho công ty quản lý quỹ quản lý theo nguyên tắc sau đây:
a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì khách hàng ủy thác làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó cho công ty quản lý quỹ theo quy định của pháp luật. Trường hợp tài sản ủy thác là chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch hoặc lưu ký tập trung, việc chuyển quyền sở hữu thực hiện thông qua Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và không chịu giá dịch vụ giao dịch. Đối với các tài sản khác, việc chuyển quyền sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan;
b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc ủy thác vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản ủy thác có xác nhận bằng biên bản. Biên bản giao nhận phải ghi rõ:
– Họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của khách hàng ủy thác là cá nhân;
– Số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương khác của khách hàng ủy thác là tổ chức; họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của khách hàng ủy thác là tổ chức; kèm theo biên bản họp và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, quyết định của chủ sở hữu về việc ủy thác tài sản cho công ty quản lý quỹ quản lý phù hợp với quy định tại Điều lệ của tổ chức ủy thác tài sản;
– Loại tài sản và số lượng tài sản ủy thác; giá trị tài sản ủy thác; ngày giao nhận; chữ ký của khách hàng ủy thác hoặc đại diện của khách hàng ủy thác và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty quản lý quỹ.
c) Tài sản chỉ được coi là đã ủy thác cho công ty quản lý quỹ quản lý khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty quản lý quỹ.
d) Giá trị tài sản ủy thác tại hợp đồng ủy thác đầu tư được xác định theo nguyên tắc xác định giá trị tài sản ròng theo quy định của pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán. Đối với các tài sản không phải là chứng khoán niêm yết, chứng khoán đăng ký giao dịch, công cụ chuyển nhượng, việc định giá tài sản ủy thác có thể do doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Công ty quản lý quỹ hoàn trả tài sản ủy thác cho khách hàng theo yêu cầu bằng văn bản của khách hàng trên cơ sở hợp đồng ủy thác đầu tư. Việc bàn giao, chuyển quyền sở hữu tài sản thực hiện theo chỉ định của khách hàng ủy thác và theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp hoàn trả tài sản là chứng khoán đăng ký, lưu ký tập trung, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện việc chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán theo yêu cầu bằng văn bản của công ty quản lý quỹ, khách hàng ủy thác, ngân hàng lưu ký.
3.6. Hoạt động quản lý danh mục đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Công ty quản lý quỹ thực hiện quản lý danh mục đầu tư gián tiếp ra nước ngoài sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp hạn mức nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Hoạt động quản lý danh mục đầu tư gián tiếp ra nước ngoài phải tuân thủ quy định về hoạt động quản lý danh mục đầu tư chứng khoán tại Thông tư 99, quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật ngân hàng.
Công ty quản lý quỹ phải ký hợp đồng ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài với tổ chức ủy thác; hợp đồng phải quy định số tiền ủy thác, thời hạn ủy thác, công cụ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, quyền, nghĩa vụ của các bên và tuân thủ các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 Thông tư 99 và quy định pháp luật có liên quan. Hợp đồng ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài phải tách biệt với hợp đồng ủy thác đầu tư trong nước.
Công ty quản lý quỹ phải đảm bảo việc ủy thác và nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Công ty quản lý quỹ ký hợp đồng lưu ký với tổ chức lưu ký tại nước ngoài để lưu ký tài sản đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Tổ chức lưu ký tại nước ngoài phải được phép thực hiện hoạt động lưu ký theo quy định của pháp luật nước ngoài.
Công ty quản lý quỹ ký hợp đồng với ngân hàng lưu ký tại Việt Nam; ngân hàng lưu ký tại Việt Nam được ủy quyền cho tổ chức lưu ký tại nước ngoài để lưu ký tài sản đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hoạt động lưu ký đã ủy quyền.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày công ty quản lý quỹ ký hợp đồng lưu ký với tổ chức lưu ký tại nước ngoài, ngân hàng lưu ký tại Việt Nam ký hợp đồng ủy quyền lưu ký với tổ chức lưu ký tại nước ngoài, hoặc khi thay đổi tổ chức lưu ký tại nước ngoài, công ty quản lý quỹ thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kèm theo hợp đồng lưu ký, hợp đồng ủy quyền lưu ký, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán hoặc tài liệu tương đương của tổ chức lưu ký tại nước ngoài.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật Minh Khuê