Nghiên cứu về điểm số thuận lợi kinh doanh ở Việt Nam thông qua mô hình đa nhân tố

Đặt vấn đề

Qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế.

Khu vực kinh tế FDI đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, xét tổng thể tăng trưởng đầu tư của khu vực này có phần chững lại trong một số năm gần đây, phân bổ nguồn lực chưa cân đối và không hiệu quả, mà nguyên nhân sâu xa từ khả năng thiếu cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu là “tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030”.

Do vậy, việc tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong kinh doanh và thu hút nhiều vốn FDI có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong kinh doanh và thu hút nhiều vốn FDI chất lượng trong thời gian tới, cần phải đo lường và đánh giá tác động của nhiều yếu tố đến điểm số DB score ở Việt Nam.

Tổng quan về Điểm số thuận lợi kinh doanh

Báo cáo mức độ thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh (Doing Business – DB) của Ngân hàng Thế giới là Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát về các quy định dẫn tới thúc đẩy hoặc hạn chế hoạt động kinh doanh. Đây là báo cáo thường niên, lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2003 xem xét 5 chỉ số và 133 nền kinh tế. Đến năm 2018, Doing Business 2019 (công bố ngày 31/10/2018) xếp hạng 190 nền kinh tế; gồm cả những nền kinh tế nhỏ nhất và một số nước nghèo nhất. Qua các năm, số lượng các chỉ số và các nước khảo sát được mở rộng. Ngân hàng Thế giới (2020) cũng làm rõ khái niệm Kinh doanh (Doing business) trong báo cáo của DB 2020, được hệ thống hóa trong Bảng 1.

Nghiên cứu về điểm số thuận lợi kinh doanh ở Việt Nam thông qua mô hình đa nhân tố - Ảnh 1

Các chỉ số trong Doing Business thể hiện các nội dung sau: Đo lường chất lượng các quy định, đánh giá được tính phức tạp thể hiện qua các quy định; Đo lường thời gian và chi phí tuân thủ các quy định (chẳng hạn như thời gian và chi phí thực hiện hợp đồng, thủ tục phá sản hay thương mại qua biên giới,…); Đo lường mức độ bảo vệ quyền sở hữu (ví dụ, bảo vệ nhà đầu tư); Đo lường gánh nặng thuế và các khoản phải nộp của doanh nghiệp; Đánh giá các khía cạnh khác nhau trong quy định về việc làm.

Theo CIEM (2019), các chỉ số trong báo cáo Doing Business cung cấp những thông tin rất chi tiết để các nhà hoạch định chính sách xác định được những lĩnh vực nên cải cách và hoàn thiện. Các kết quả trong báo cáo đã thúc đẩy quá trình thảo luận về chính sách trên toàn thế giới và tạo điều kiện tăng cường nghiên cứu về ảnh hưởng của các quy định ở cấp độ doanh nghiệp tới kết quả hoạt động chung của các nền kinh tế.

Từ những thực tiễn tốt được triển khai, năng lực cạnh tranh, năng suất và hiệu quả của nền kinh tế tăng lên rõ rệt. Như vậy, báo cáo Doing Business là một nguồn đánh giá độc lập, khách quan về mức độ thuận lợi của các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; từ đó phản ánh môi trường kinh doanh tại mỗi nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là kênh thông tin quan trọng giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài để tìm kiếm cơ hội, đầu tư kinh doanh ở quốc gia khác.

Chỉ số thuận lợi kinh doanh (EBDI – Ease of Doing Business Index) là chỉ số được đề ra bởi Ngân hàng Thế giới. Đây là một con số tổng hợp bao gồm các thông số khác nhau xác định mức độ dễ dàng kinh doanh ở một quốc gia. Chỉ số thuận lợi kinh doanh nói lên đánh giá các quy tắc ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh, không phản ánh trực tiếp những trạng thái chung như quốc gia ở cạnh một thị trường lớn, đặc trưng cơ sở hạ tầng, lạm phát hoặc tội phạm. Thứ hạng cao chỉ ra rằng các quy tắc cho kinh doanh tốt hơn, đơn giản hơn và bảo vệ quyền sở hữu mạnh hơn.

Về nguyên tắc, Điểm số DB score được tính toán bằng cách tổng hợp khoảng cách đến điểm số biên của các nền kinh tế khác nhau. Khoảng cách đến điểm số biên sử dụng các phương pháp hay nhất về quy định để kinh doanh làm thông số và điểm chuẩn nền kinh tế theo thông số đó.

Ngoài chỉ số DB, để nghiên cứu về năng lực cạnh tranh nói chung và mức độ thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh của một quốc gia nói riêng hiện nay còn có chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI). Theo đó, từ năm 2005, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố chỉ số GCI. WEF sử dụng chỉ số này như một công cụ để đo lường các yếu tố kinh tế vi mô và vĩ mô ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia; những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế các nước. Xếp hạng này cũng phản ánh các nhân tố ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của một quốc gia, vốn cũng là các yếu tố cơ bản đối với tăng trưởng kinh tế bền vững. WEF đưa ra các nhóm chỉ số được tổ chức theo 6 cấp độ. Chỉ số GCI được tính trên cơ sở bình quân gia quyền của các chỉ số thành phần khác nhau; mỗi chỉ số thành phần đo lường các khía cạnh khác nhau của năng lực cạnh tranh (Hình 1).

Nghiên cứu về điểm số thuận lợi kinh doanh ở Việt Nam thông qua mô hình đa nhân tố - Ảnh 2

Các nghiên cứu liên quan

Kể từ năm 2004, Ngân hàng Thế giới đánh giá 190 các nền kinh tế dựa trên các chỉ số điều tiết kinh doanh và bỏ qua các yếu tố có thể liên quan đến môi trường kinh doanh. Kết quả phân tích cho thấy tương quan âm và đáng kể giữa Chỉ số dễ kinh doanh (EDB) và chi phí thủ tục khởi sự kinh doanh (CBS), Tỷ lệ phụ thuộc vào độ tuổi (ADR), Thời gian cần thiết để có điện (TRGE) và các thủ tục đăng ký kinh doanh (SPRB).

Tuy nhiên, một mối tương quan tích cực và đáng kể đã được tìm thấy giữa EDB, SLRI và Chỉ số tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân (DCPS). Mô hình hồi quy tuyến tính cho thấy, SLRI và DGPS ảnh hưởng tích cực và đáng kể đến EDB. Mặt khác, TRGE và SPRB ảnh hưởng tiêu cực đến EDB. Tuy nhiên, họ cũng nên giảm TRGE và SPRB để cải thiện EDB. Các nghiên cứu trước đây được tóm tắt trong Bảng 3.

Nghiên cứu về điểm số thuận lợi kinh doanh ở Việt Nam thông qua mô hình đa nhân tố - Ảnh 3

Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu

Tác giả sử dụng cả phân tích định tính (phương pháp tổng hợp, phân tích, giải thích) và mô hình hồi quy OLS. Đồng thời, tất cả dữ liệu được thu thập từ các nguồn đáng tin cậy như DBscore từ báo cáo Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Bộ Đầu tư và Kế hoạch. Tất cả dữ liệu được thu thập cho mô hình hồi quy OLS.

Đối tượng nghiên cứu: Chỉ số DB score tại Việt Nam trong giai đoạn 2014 -2019.

Kết quả nghiên cứu

Hình 2 cho thấy, tất cả các yếu tố đều có mối tương quan thuận với DB Score tại Việt Nam trong giai đoạn 2014-2019.

Nghiên cứu về điểm số thuận lợi kinh doanh ở Việt Nam thông qua mô hình đa nhân tố - Ảnh 4

Thông qua việc hồi quy 4 nhân tố bao gồm: tác động CPI, xuất khẩu, nhập khẩu và FDI đăng ký (hình 3), có thể thấy, cả FDI đăng ký và xuất khẩu đều có mối tương quan thuận với điểm DB, trong khi CPI và Nhập khẩu có mối tương quan nghịch với điểm DB trong phương trình dưới đây, trong đó CPI và đăng ký FDI có hệ số cao hơn:

Y = 0,4 * Xuất khẩu -0,54 * Nhập khẩu + 0,59 * FDI_REGIS – 19,3 * CPI + 64,4, R squaredg = 0,98, SER = 0,78

Kết luận và hàm ý chính sách

Từ kết quả nghiên cứu và thực trạng hiện nay của Việt Nam, tác giả đưa ra một số hàm ý:

Nghiên cứu về điểm số thuận lợi kinh doanh ở Việt Nam thông qua mô hình đa nhân tố - Ảnh 5

Một là, qua mô hình hồi quy trên, cần lưu ý rằng CPI và nhập khẩu có mối tương quan nghịch với điểm DB ở Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần kiểm soát tốt chỉ số CPI, không nên tăng lạm phát mục tiêu quá mức vì sẽ tác động làm giảm điểm DB.

Hai là, nâng cao hiệu quả quản trị sử dụng vốn vay, vốn tự có của DN. Mô hình hồi quy trên cho thấy R (lãi suất cho vay) tương quan thuận với DB score, do đó, không nên hạ lãi suất cho vay quá nhiều sẽ làm giảm điểm DB score. Ngoài ra, cần tăng cường minh bạch thông tin trong quản trị DN.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu gánh nặng về chi phí; đẩy nhanh hiệu quả trong thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số nhằm thúc đẩy tính năng động sáng tạo trong kinh doanh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2019), Tìm hiểu về chỉ số Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới;
  2. Antoine, N. (2021), Management and Economics Journal Investigating Factors Related to Easy of Doing Business Score in Asian Countries, Management and Economics Journal (MEC-J) 5(1):14. DOI:10.18860/mec-j.v5i1.11530;
  3. Antoine, N. (2021), Interdisciplinary Studies. Examining factors affecting ease of doing business in developing countries, Project: Economic Growth Determinant in Developing Countries;
  4. Bonga, Wellington G., & Mahuni, Kenneth. (2018), Assessing the Impact of Ease of Doing Business and Corruption on Economic Growth for Africa Free Trade Zone (AFTZ) Member States, MPRA Paper 88932;
  5. Canare, T. (2018), The Effect of Ease of Doing Business on Firm Creation, Annals of Economics and Finance, 19(2): 555–584;
  6. Cepel, M., Belas, J., Rozsa, Z., & Strnad, Z. (2019), Selected economic factors of the quality of business environment, Journal of International Studies, 12(2), 228-240. doi:10.14254/2071-8330.2019/12-2/14;
  7. LTV Nga et al. (2021), Reforming specialized inspection procedures to improve business environment in vietnam for trade facilitation implementation, Management 25 (1);
  8. Moorthy, V., & Jason, A.A. (2016), The Ease of Doing Business Rank: An Assessment of its Macroeconomic Relevance, EDB Working Paper 521;
  9. World Bank Doing Business Report (2020), Retrieved from: https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/32436/9781464814402_Ch01.pdf?sequence=5&isAllowed=y.

* Đàm Thị Hiền – Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 6/2022