NGHĨA VỤ CHỨNG MINH TRONG TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
NGHĨA VỤ CHỨNG MINH TRONG TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
Chứng minh trong Tố tụng hành chính đóng vai trò quyết định làm sáng tỏ các tình tiết, sự kiện của vụ án, là cơ sở để đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như là căn cứ để Toà án đưa ra các phán quyết cuối cùng. Như vậy, pháp luật quy định những chủ thể nào phải có nghĩa vụ chứng minh trong Tố tụng hành chính? Hãy cùng LS Law Firm tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Về nghĩa vụ chứng minh của đương sự
Theo quy định tại Điều 9 Luật Tố tụng Hành chính 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019 (“Luật TTHC”) về Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính:
“1. Các đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh như đương sự.
2. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án hoặc đương sự theo quy định của Luật này.”
Cụ thể hơn, Điều 78 Luật TTHC quy định nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh đối với từng đương sự:
“1. Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp bản sao quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước, bản sao quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), cung cấp chứng cứ khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do.
2. Người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho Tòa án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước hoặc có hành vi hành chính.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”
Đương sự là người có quyền và lợi ích liên quan trực tiếp đến vụ án khi có yêu cầu thì đều phải chứng minh yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Nếu đương sự không chứng minh được thì phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi trong quá trình xét xử của Tòa án.
Lưu ý: Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật TTHC:
“1. Những tình tiết, sự kiện sau đây không phải chứng minh:
a) Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận;
b) Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
c) Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp; trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của tình tiết, sự kiện trong văn bản này thì Thẩm phán có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đã cung cấp, giao nộp văn bản xuất trình văn bản gốc, bản chính.”
Nghĩa vụ chứng minh của những người tham gia tố tụng khác
-
Người đại diện của đương sự: tham gia tố tụng để thay mặt đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Như vậy, người đại diện của đương sự có quyền thay mặt đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ chứng minh. Người đại diện theo pháp luật của đương sự thực hiện tất cả nghĩa vụ chứng minh của đương sự; người đại diện theo ủy quyền của đương sự thực hiện nghĩa vụ chứng minh trong phạm vi được ủy quyền.
-
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự: điểm đ khoản 6 Điều 61 Luật TTHC “6. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây: đ) Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.” Do đó, họ có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ, lý lẽ để chứng minh tính hợp pháp và có căn cứ cho yêu cầu của đương sự mà họ bảo vệ.
Nghĩa vụ chứng minh của Tòa án
Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 84 Luật TTHC, đương sự được quyền: “Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ”.
Theo Điều 95 Luật TTHC 2015, Đánh giá chứng cứ:
“1. Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác.
2. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ.”
Để chứng minh, các chủ thể đều có quyền đánh giá chứng cứ nhưng vai trò của Tòa án trong việc đánh giá chứng cứ là quyết định nhất. Tòa án có nhiệm vụ rất lớn trong hoạt động chứng minh để làm rõ cơ sở cho quyết định của mình, bảo đảm giải quyết vụ án hành chính khách quan và đúng pháp luật.
Nghĩa vụ chứng minh của Viện Kiểm sát
Khoản 6 Điều 84 Luật TTHC 2015 quy định về Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ như sau:
“6. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án. Trường hợp kháng nghị bản án hoặc quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì Viện kiểm sát có thể xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc kháng nghị.”
Phạm vi nghĩa vụ chứng minh của Viện kiểm sát được thực hiện thông qua việc yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ hoặc tự mình thu thập chứng cứ trong trường hợp kháng nghị khi nhận thấy cần phải thêm chứng cứ để làm sang tỏ vụ án.
Như vậy, nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong Tố tụng hành chính là căn cứ để Tòa án kết luận về các tình tiết, sự kiện của vụ án, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác, khách quan và đúng quy định pháp luật.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Nghĩa vụ chứng minh trong Tố tụng hành chính dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: [email protected] để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.