Nghị luận xã hội về Uống nước nhớ nguồn chọn lọc hay nhất
Từ ngàn đời nay truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” vẫn luôn là một đạo lý được gìn giữ và phát huy bởi biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Bài viết dưới đây Luật Minh Khuê xin gửi tới bạn đọc một số bài văn mẫu nghị luận xã hội về “Uống nước nhớ nguồn”. Mời quý bạn đọc tham khảo
1. Nghị luận xã hội về “Uống nước nhớ nguồn” – mẫu 1
Đất nước ta đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã cùng nhau đứng lên để chống lại giặc ngoại xâm, tạo nên biết bao những chiến công, những mốc son chói lọi trong lịch sử, để lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Và trong những năm tháng đầy gian khổ ấy đã tạo nên một truyền thống quý báu của dân tộc ta, đó là “Uống nước nhớ nguồn” – thể hiện sự biết ơn với những người đi trước đã gây dựng nên những thành quả để lại cho bao thế hệ sau này.
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Về mặt ngữ nghĩa, “uống nước” là một hành động thể hiện cho sự hưởng thụ những thành quả, những kết quả của vật chất và tinh thần được để lại. “Nguồn” chính là nơi mà dòng nước mát lành ấy xuất phát, có thể từ những mạch nước ngầm nơi rừng sâu, từ những con suối trên núi cao đã đưa đến một thứ nước trong mát, ngọt lành nhất. Và “nguồn” còn có thể hiểu rằng đó chính là nguồn cội của lịch sử, nguồn gốc của những giá trị vật chất, tinh thần mà con người chúng ta đang được hưởng. “Nhớ nguồn” chính là một hành động thể hiện sự tri ân, luôn luôn nhớ đến những người đã không quản ngại khó khăn, gian khổ để tạo ra những thành quả ấy. Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” chính là một lời răn dạy của cha ông, muốn thế hệ con cháu sau này luôn phải nhớ đến, luôn biết ơn những công lao của cha ông để lại và phát huy những giá trị của thành quả đó.
Với mỗi người Việt Nam, lòng biết ơn chính là điều cơ bản, cốt lõi để hình thành nên nhân cách cũng như tạo nên một xã hội tốt đẹp. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đã có biết bao những người anh hùng dân tộc, biết bao con người đứng lên để giải phóng dân tộc, biết bao nhiêu nhân dân ta đã ngã xuống, đã lấy máu xương của mình để đổi lại một đất nước độc lập, tự do như ngày hôm nay. Những con người nhỏ bé ấy nhưng hành động lại thật vĩ đại để đưa dân tộc thoát khỏi cảnh lầm than, giúp đất nước ta ngày càng tiến bộ và theo kịp các cường quốc ở khắp năm châu. Bởi vậy, chúng ta không bao giờ được phép quên đi công lao của cha ông, những người đã hy sinh oanh liệt để bảo vệ đất nước, bảo vệ quê hương mình. Và quả thực, điều này đến ngày này vẫn được phát huy mạnh mẽ trên khắp mọi miền của đất nước ta. Ở tất cả các địa phương trên khắp đất nước Việt Nam nơi đâu cũng được xây dựng các đền, chùa, miếu, tượng đài…. để thờ phụng, để tôn vinh và tỏ lòng thành kính đối với các vị anh hùng, với những người có công với đất nước, với dân tộc. Hằng năm, cả nước đều có những dịp để thực hiện những việc làm đền ơn đáp nghĩa, để tri ân tới những gia đình của các thương binh, liệt sĩ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Có thể nói rằng khó có thể thấy được ở nơi đâu sự tri ân, đền ơn đáp nghĩa lại được lan tỏa rộng rãi và trở thành một phần trong đạo lý, trong lẽ sống như ở Việt Nam.
“Uống nước nhớ nguồn” không chỉ thể hiện ở những điều lớn lao như biết ơn, tri ân tới những người có công với đất nước mà nó còn gần gũi hơn trong cuộc sống. Đó là sự biết ơn với ông bà, cha mẹ, những người trong gia đình luôn yêu thương, che chở cho chúng ta. Có thể nói rằng tình yêu thương, sự bao bọc, che chở của gia đình chính là lá chắn bảo vệ giúp chúng ta đương đầu với những khó khăn, thách thức ngoài kia, là nguồn động lực to lớn để chúng ta ngày càng lớn khôn, trưởng thành. Bởi vậy, mỗi chúng ta đều luôn phải ghi nhớ công ơn của ông bà, cha mẹ đã cho chúng ta một cơ thể lành lặn, một cuộc sống ấm no, đủ đầy. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần phải dành sự biết ơn tới thầy cô, những người đã không quản ngại khó khăn, vất vả mà truyền thụ cho chúng ta những tri thức, những kiến thức quan trọng, bổ ích để ta có thể bay cao, bay xa, tự tin vững bước trên con đường tương lai của chính mình. Nhờ những công lao to lớn ấy mà chúng ta khôn lớn, thành công trên con đường mà mình đã chọn.
“Nhớ nguồn” không chỉ là sự biết ơn, bảo vệ những thành quả mà cha ông đã để lại mà còn là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ để tạo thêm nhiều những thành quả khác, để cho “nguồn” của dân tộc luôn được làm đầy không bao giờ vơi cạn. Chỉ có như vậy thì đất nước, xã hội của chúng ta mới ngày càng phát triển, cuộc sống mới trở nên ngày càng tốt đẹp hơn. Là một người học sinh, chúng ta có thể đóng góp vào “nguồn nước” ấy bằng cách luôn cố gắng tự trau dồi kiến thức, nhân cách để bản thân trở thành một công dân tốt, một người có ích cho xã hội và mang những kiến thức mình tiếp thu được để sau này xây dựng đất nước ngày càng lớn mạnh hơn.
“Uống nước nhớ nguồn” dù chỉ là một lời nhắn nhủ, nhắc nhở đầy giản dị thế nhưng nó đã trở thành một truyền thống, một chân lý được lưu truyền muôn đời. Truyền thống ấy đã để lại những bài học sâu sắc, những giá trị thiết thực cho tới hiện tại và đến mãi mai sau. Lòng biết ơn thực sự đã trở thành một nét đẹp, một giá trị đạo đức của dân tộc từ ngàn đời nay. Đó chính là kết quả của cả một quá trình tu dưỡng và thấm nhuần những tư tưởng, đạo lý ấy của mỗi con người.
2. Nghị luận xã hội về “Uống nước nhớ nguồn” – mẫu 2
Từ ngàn đời nay, lòng biết ơn luôn là một nét đẹp trong cách ứng xử của mỗi con người Việt Nam. Bài học được gửi gắm qua câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” đã thấm sâu vào tâm hồn, vào hành động của biết bao thế hệ người dân Việt Nam từ xưa đến nay.
Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” đã cụ thể hoá bài học về lòng biết ơn vào những hình ảnh cụ thể, quen thuộc. ” Uống nước” là sự hưởng thụ, sử dụng những thành quả mà cha ông ta đã tạo ra và để lại. “Nguồn” chính là nơi bắt nguồn của dòng nước trong mát ấy, hay hiểu rộng ra đó chính là cội nguồn, là những người đi trước đã tạo ra những thành quả về vật chất và tinh thần để lại cho con cháu đời sau. “Nhớ nguồn” chính là việc ghi nhớ, tri ân và phát triển những thành quả ấy để nó luôn tồn tại trong suốt hành trình phát triển của lịch sử nước nhà. Câu tục ngữ đó chính là một bài học quý báu, là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc của cha ông ta với những thế hệ sau, những người đã, đang và sẽ được hưởng thụ những thành quả mà thế hệ đi trước đã để lại.
Trong cuộc sống này mỗi chúng ta đều được hưởng thụ những thành quả từ cha ông, từ những người đi trước đã cố gắng tạo ra. Bởi vậy mà chúng ta cần phải luôn ghi nhớ, luôn biết ơn những người đã tạo ra những thành quả ấy cho chúng ta được hưởng thụ. Để có được một đất nước hoà bình, để chúng ta được sống một cuộc sống không chiến tranh khói đạn, một cuộc sống no ấm đủ đầy như ngày nay thì đã biết bao thế hệ cha ông ta phải hy sinh tính mạng, đổi bằng máu xương để giành lại đất nước từ tay những kẻ ngoại xâm ấy. Hay ở một phạm vi nhỏ hơn chính là trong mỗi gia đình, chúng ta cũng phải dành sự biết ơn tới ông bà, cha mẹ – những người đã sinh thành, nuôi dưỡng và dành cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất để có thể phát triển đủ đầy. Và chúng ta cũng luôn phải biết ơn tới thầy cô, những người không quản ngại khó khăn để truyền thụ cho ta tri thức, để chắp cho chúng ta một đôi cánh vững chắc làm hành trang tiến vào con đường tương lai. Tất cả đều là cội nguồn, là những người mà chúng ta luôn phải nhớ, phải biết ơn họ.
Lòng biết ơn chính là cốt lõi, là cơ sở để xây dựng lên một đất nước tốt đẹp, một xã hội mà con người luôn hướng đến những đạo lý tốt đẹp. Ở Việt Nam, từ Nam ra Bắc đến đâu chúng ta cũng có thể thấy các đền, chùa, miếu… được xây dựng lên để tưởng niệm, để ghi nhớ những công lao to lớn của các vị anh hùng dân tộc, của cha ông ta ngày trước đã có công dựng nước và giữ nước. Hay hằng năm, trên khắp mọi miền Tổ quốc mọi cơ quan, cá nhân đều luôn hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa để tri ân tới những người có công với cách mạng, những thương binh, liệt sĩ hay những bà mẹ Việt Nam anh hùng trong thời chiến, và cả những tấm gương anh hùng trong thời bình đã ngã xuống vì bình yên của nhân dân, của đất nước. Đó chính là những hành động thể hiện cho truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp ngàn đời nay của dân tộc ta.
Bên cạnh việc ghi nhớ, biết ơn và luôn bảo vệ những thành quả mà cha ông để lại, “nhớ nguồn” còn là những sự cố gắng cống hiến, tạo dựng nên những thành quả mới để khiến cho “nguồn nước” ấy mãi đầy, không bao giờ vơi cạn. Chỉ có như vậy thì những thành quả mà cha ông ta đã đạt được trong quá khứ mới có thể trường tồn cùng năm tháng, đất nước và dân tộc ta mới ngày càng phát triển mạnh mẽ, cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Là những người học sinh, chúng ta cũng cần phải góp một phần nhỏ công sức của mình trong việc xây dựng đất nước từ những việc làm nhỏ nhất như cố gắng chăm chỉ học tập, trau dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức của bản thân để trở thành một công dân có ích cho xã hội.
Câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” đã trở thành một đạo lý, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được lưu truyền qua biết bao thế hệ từ ngàn đời nay. Mỗi chúng ta bên cạnh quyền được hưởng thụ những thành quả, những điều tốt đẹp mà cha ông đã gây dựng và để lại thì cũng phải có nghĩa vụ, có trách nhiệm giữ gìn và phát triển những thành quả ấy, để đất nước và dân tộc Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và sánh vai với các cường quốc khác trên thế giới.
Hy vọng bài viết trên của Luật Minh Khuê đã cung cấp cho quý bạn đọc những kiến thức hữu ích, chúc các bạn học tốt.