Nghị luận xã hội về tinh thần tự học | Suy nghĩ về vấn đề tự học

     Nghị luận về tinh thần tự học – Gợi ý cách làm, lập dàn ý chi tiết và tham khảo top 6+ bài văn mẫu hay nghị luận bàn về vai trò, ý nghĩa của tinh thần tự học đối với học sinh hiện nay.

Hướng dẫn làm bài

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về tinh thần tự học trong học sinh hiện nay.

* Tinh thần tự học là ý thức tự rèn luyện tích cực để thu nhận kiến thức và hình thành kỹ năng cho bản thân. Tự học cũng có nhiều hình thức: có khi là tự mày mò tìm hiểu hoặc có sự chỉ bảo, hướng dẫn của thầy cô giáo… Song dù ở hình thức nào thì sự chủ động tiếp nhận tri thức của người học vẫn là quan trọng nhất.

1.

Phân tích đề

– Yêu cầu: trình bày suy nghĩ về tinh thần tự học của học sinh hiện nay.

– Dạng đề: Nghị luận về một hiện tượng đời sống.

– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : những sự việc, con người quan sát được trong thực tế đời sống.

– Phương pháp lập luận chính : giải thích, phân tích, bình luận.

2.

Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Giải thích khái niệm về tinh thần tự học.

Luận điểm 2: Vai trò, lợi ích của tinh thần tự học

Luận điểm 3: Làm thế nào để tự học có hiệu quả ?

3.

Lập dàn ý chi tiết

a) Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tinh thần tự học.

Ví dụ: Muốn học tập thật tốt, mỗi học sinh chúng ta không chỉ tiếp thu những kiến thức mà thầy cô dạy trên lớp mà còn cần có một phương pháp học tập phù hợp, có tinh thần tự học, có ý thức tự giác trong học tập.

b) Thân bài:

* Giải thích khái niệm

– Học là thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức cho mình.

– Tự học là tự nỗ lực, khám phá và tìm kiếm các kiến thức một cách chủ động, tự lập tích cực.

– Tinh thần tự học là thái độ nghiêm túc, chăm chỉ cần mẫn, rèn luyện bền bỉ, không ngại khó khăn, vất vả của bản thân khi chủ động tiếp thu và lĩnh hội tri thức không thụ động.

-> Tinh thần tự học là phương pháp học tập tốt giúp chúng ta tiến bộ trong học tập.

* Vai trò, lợi ích của tinh thần tự học

– Tinh thần tự học giúp ta nắm bắt kiến thức sâu rộng và chủ động hơn.

– Tiếp thu và làm chủ kiến thức nhanh chóng

– Củng cố và giúp nắm vững kiến thức đã học

– Giúp ta ghi nhớ lâu và vận dụng những kiến thức đã học một cách hữu ích hơn trong cuộc sống.

– Phát huy khả năng sáng tạo của bản thân.

– Kết quả học tập được nâng cao.

– Bài học trở nên hứng thú, nhiệt tình và say mê hơn.

– Giúp học sinh năng động hơn trong học tập.

– Phát triển kĩ năng tìm kiếm, phân tích và tổng hợp thông tin.

– Xây dựng cho bản thân tính dẻo dai, bền bỉ và nghị lực vượt khó.

* Làm thế nào để tự học có hiệu quả ?

– Cần tích cực suy nghĩ, ghi chép, sáng tạo khi nghe giảng, đọc sách hay làm bài tập nhằm rút ra những kiến thức cần thiết, hữu ích cho bản thân.

– Chủ động mày mò tìm hiểu hoặc có sự chỉ bảo, hướng dẫn của giáo viên.

– Tự học ở trường, tự học ở nhà, tự học ngoài xã hội…

– Với những vấn đề chưa rõ, chưa hiểu, cần phải trình bày ý kiến của mình với người dạy để hiểu và nắm chắc kiến thức.

– Biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế đời sống

– Có kế hoạch tự học theo hướng dẫn hoặc theo hệ thống để đạt hiệu quả cao hơn

– Học cách tư duy và chủ động tiếp cận nguồn tri thức…

– Không tiếp cận, hiểu kiến thức một cách thụ động, nông cạn

* Bài học nhận thức và hành động

– Mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức, tinh thần tự học, tự tìm tòi khám phá, năng động sáng tạo, không lười nhác

– Cần chủ động, tích cực, sáng tạo, độc lập trong học tập để chiếm lĩnh tri thức, vươn tới những ước mơ, hoài bão của mình.

– Phê phán lối học tủ, học vẹt, học đối phó

– Phê phán những người coi học tập là việc bị ép buộc và không có ý thức học hành.

c) Kết bài:

– Khẳng định lại vai trò to lớn của tinh thần tự học.

– Liên hệ bản thân.

4.

Sơ đồ tư duy

nghị luận về tinh thần tự học

Sơ đồ tư duy nghị luận bàn về tinh thần tự học

Đoạn văn ngắn 200 chữ

bàn về tinh thần tự học

Đoạn văn số 1:

Trong cuộc sống, chúng ta phải có tinh thần tự học vì việc học tập có tầm quan trọng rất lớn đối với mỗi con người. Nếu không coi trọng việc học thì chúng ta không thể đáp ứng được nhu cầu trí thức cao trong giai đoạn đổi mới của đất nước hiện nay. Một trong những phương pháp học tập hiệu quả là người học phải có tinh thần tự học. “Tinh thần” là thái độ, ý nghĩ định hướng cho hành động của con người. “Tự học” là chủ động học tập, thực hành, tự thu thập kiến thức từ người khác hoặc từ sách vở. Vậy, “tinh thần tự học” là ý thức tự chủ, tự giác trong việc tiếp thu kiến thức, luyện tập kỹ năng. Những biểu hiện cụ thể của tinh thần tự học là chăm chú nghe thầy cô giảng bài, ghi chép đầy đủ trọng tâm bài học, tự giác làm bài tập và chủ động tìm kiếm thêm các tài liệu hay bài tập có liên quan để mở rộng kiến thức. Phương pháp tự học chắc chắn sẽ mang lại nền tảng kiến thức vững chắc và những kết quả học tập tốt, hoàn toàn trái ngược hẳn với lối học thụ động, chỉ trông chờ vào người khác. Tóm lại, mỗi học sinh nên tự rèn luyện cho mình tinh thần tự học để việc học tập luôn có được hiệu quả tốt nhất.

Đoạn văn số 2:

Xã hội đang hướng đến nền kinh tế của kiến thức. Mà để có được kiến thức vững chắc, thì tinh thần tự học lại là yếu tố quyết định. Tự học là sự chủ động, tích cực tìm hiểu kiến thức qua hướng dẫn của thầy cô. Tự học mà không cần người khác nhắc nhở mình. Tự học giúp chúng ta tiếp nhận kiến thức bằng niềm đam mê, hứng thú, chủ động. Còn giúp chúng ta có thói quen không dựa dẫm vào những thứ có sẵn, mà còn giúp ta sáng tạo, linh hoạt hơn trong mọi việc. Muốn thực hiện ước mơ, thì tự học là con đường giúp ta biến ước mơ trở thành hiện thực. Chúng ta cần lĩnh hội được những kiến thức trọng tâm, sáng tạo trong cách học… không chỉ tiếp nhận kiến thức trong trường học mà còn cả trong gia đình và xã hội. Dù ở hình thức nào thì tự học vẫn là yếu tố quan trọng nhất, có vậy thì chúng ta mới thành công. Ngược lại, bên cạnh còn có những thái độ học tập không tốt như: học để đối phó với thầy cô, học mà ỉ lại vào bạn bè mà bản thân không tự làm lấy. Qua đây mỗi người cần rút ra bài học cho bản thân: chúng ta cần có tinh thần ham học, say mê tìm tòi, giàu khát vọng và kiên trì trên con đường chinh phục tri thức. Chủ động sáng tạo, độc lập trong học tập. Như vậy, mới có thể tiếp nhận đầy đủ kiến thức để vươn tới những ước mơ của mình.

Tham khảo thêm top 3 bài nghị luận hay bàn về vấn đề học tập suốt đời để mở rộng ý nghĩa to lớn của việc học tập nói chung và tự học nói riêng.

Top 6+ bài văn hay

nghị luận về tinh thần tự học

Nghị luận về tinh thần tự học lớp 8,9 –

Mẫu 1

:

Trong thời đại khoa học công nghệ đang phát triển không ngừng, chúng ta thừa kế những bài học từ các nghiên cứu đó. Tuy nhiên tinh thần tự học là điều mà mỗi người nên rèn luyện và phát huy hằng ngày. Tinh thần tự học sẽ giúp cho chúng ta ngày càng hoàn thiện bản thân hơn.

Tự học là gì? Tự học chính là tự tìm hiểu, tự mày mò, tự khai thác kiến thức bằng những gì mắt nghe tai thấy. Tự học là tinh thần đáng học hỏi, đáng ngưỡng mộ và cần phải phát huy. Mỗi một con người, từ khi sinh ra không phải cái gì cũng biết, cái gì cũng thông thạo, cần phải có quá trình tìm tòi để có thể tìm ra được điều mà mình muốn. Điều này sẽ giúp cho bản thân không những lĩnh hội được nhiều điều mà còn mở mang được kiến thức, rèn luyện mình ngày càng phát triển hơn.

Những điều mà tự bản thân mình tìm tòi ra sẽ nhớ được lâu hơn, hiểu được sâu hơn những gì lĩnh hội từ người khác. Người xưa từng nói không biết thì phải học, phải hỏi. Vậy cớ sao không biết mà bản thân không chịu đi tìm tòi, học hỏi, ỉ lại người khác truyền đạt lại. Như vậy thật sự rất lãng phí thời gian.

Tuy nhiên cách học của nhiều học sinh hiện nay lại không mang lại hiệu quả tốt vì họ không thường xuyên rèn luyện và trau dồi tinh thần tự học. Học sinh chỉ dựa vào những bài giảng vẻn vẹn 45 phút ở trên lớp mà không chịu đi tìm hiểu, khám phá ở bên ngoài. Chính vì lệ thuộc vào thầy cô như vậy mà học sinh luôn rơi vào trạng thái bị động, không biết cách ứng phó với những đề bài có hướng gợi mở.

Chính thầy cô phải là người rèn luyện tính tự học ấy ở các em. Thầy cô không nên rập khuôn bài giảng mà nên giảng theo hướng mở để các em có thể theo đó mà tìm tòi thêm. Đây cũng chính là vấn đề nan giải của nền giáo dục nước nhà khi quá lệ thuộc vào sách giáo khoa. Và hậu quả là điều mà các em phải nhận. Tình trạng học vẹt, học chay, học tủ cũng từ đó mà xuất hiện.

Các em học sinh hổng kiến thức rất nhiều những không chịu tìm tòi, khai phá. Việc dựa dẫm quá nhiều vào tài liệu tham khảo, văn mẫu, tài liệu mẫu đã có sẵn đáp số sẽ làm hỏng các em. Chính vì các em học sinh lười tư duy, lười tự học nên mới rơi vào tình trạng này. Đây là vấn đề đáng lo ngại.

Thực tế này đã một lần nữa khẳng định rằng tinh thần tự học cực kỳ quạn trọng, cần rèn luyện và vận dụng thường xuyên. Khi chúng ta có thể xây dựng cho mình thói quen tự học sẽ hình thành được một cách tư duy theo hướng mới, không hề phụ thuộc vào bất cứ ai, bất cứ tài liệu nào.

Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng cho tinh thần tự học mà mỗi người chúng ta cần phải học hỏi, noi theo. Bác ra đi bằng hai bàn tay trắng, làm rất nhiều nghề để kiếm sống, tự học tiếng nước ngoài để giao tiếp. Bác không có tiền, nhưng bác có lòng ham học hỏi, ham hiểu biết nên sự thành công của Người là một điều dễ hiểu.

Nếu không tự học thì chúng ta sẽ bị tụt hậu về sau, vì không có ai dẫn đường, chỉ lối chúng ta không biết đường ra. Hậu quả của việc ỷ lại thực sự nghiêm trọng như vậy đó. Mỗi người, mỗi công dân cần phải hằng ngày rèn luyện tinh thần tự học để trau dồi bản thân hơn.

Nghị luận về tinh thần tự học lớp 8,9 –

Mẫu 2

:

Ngày nay, khi khoa học kĩ thuật phát triển thì việc học tập cũng phát triển theo. Chính vì vậy giới học sinh chúng ta đã sáng tạo ra rất nhiều cách học nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho bản thân. Nhưng theo tôi: trong học tập, tự học là cách học tốt nhất giúp ta tiến bộ hơn trong khi học. Và khi nói đến vấn đề này, tôi muốn mọi người hiểu được trước nhất là ý nghĩa của việc học rồi mới đến cách tự học. Vậy học là gì? Tự học là gì?

Học là quá trình con người tiếp thu những kiến thức, kĩ năng do người khác truyền lại và tự học là việc con người phát huy những kiến thức, kĩ năng đã được truyền lại bằng chính sức lực, khả năng của riêng mình. Thực tế ngày nay cho thấy các cách học của các bạn chưa mang lại hiệu quả cao.

Học sinh ngày nay đã quá phụ thuộc vào các bài giảng của thầy cô trên lớp, thầy cô dạy như thế nào thì lại hiểu và học như thế ấy dẫn đến quá trình thụ động, thiếu suy nghĩ và sáng tạo trong lúc học để đào sâu kho tàng kiến thức còn ẩn sau các bài giảng của thầy cô.

Và cũng chính vì chỉ học cô đọng trong các bài giảng bốn mươi lăm phút trên lớp của thầy cô mà dẫn đến tình trạng học sinh phải đi học thêm tràn lan. Mà khi đã học thêm tràn lan thì lại càng khiến mọi người không chịu tự học, càng thêm phụ thuộc vào việc học thêm. Thêm việc ngày nay khi việc học được nâng cao thì có quá nhiều sách tham khảo, văn mẫu, hướng dẫn… dẫn đến việc học sinh đâm lười suy nghĩ trong khi làm các bài tập.

Hậu quả của những việc trên rất nặng nề vì như vậy sẽ dễ dẫn đến hiện tượng “học vẹt”: học thuộc bài nhưng không hiểu nội dung, vấn đề được nêu ra trong bài dẫn đến việc học xong là quên ngay, kiến thức không bền và sẽ không làm được các bài tập thực hành. Chỉ học lí thuyết suông, kiến thức sẽ ngày càng rỗng, thành tích học tập sẽ càng sút kém khiến mọi người đâm nản chí. Một khi kiến thức đã trang bị không chắc chắn thì kết quả sẽ không bao giờ cao.

Chính những thực tế được nêu trên lại càng khẳng định việc tự học cho bản thân là rất quan trọng. Nó chính là một chiếc chìa khóa đưa ta đến kho tàng tri thức, là điều kiện giúp ta thành công trong học tập. Nếu chúng ta biết tự học cho bản thân thì chúng ta chắc chắn sẽ thành công và nâng cao được tri thức của chính mình. Tự học giúp con người có được ý thức tốt nhất trong quá trình học: chủ động suy nghĩ, tìm tòi, khám phá, nghiên cứu và nắm được bản chất vấn đề từ đó tự học giúp ta tiếp thu được kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau như sách, báo, từ truyền hình ti vi, từ bạn bè hoặc từ những người xung quanh, những kinh nghiệm sống của nhân dân.

Tự học giúp ta có thể chủ động ghi nhớ các bài giảng trên lớp, tiết kiệm được thời gian, có thể tiếp thu một lượng kiến thức lớn mà vẫn hiểu và nắm chắc bài học. Và qua tự học, từ lí thuyết, chúng ta biết chủ động luyện tập thực hành, giúp ta có thể nhanh chóng hình thành kĩ năng, củng cố và nâng cao kiến thức đã học. Vì vậy, chủ động tự học sẽ giúp ta tìm ra được phương pháp học tốt nhất mang lại hiệu quả cao cho chính bản thân mình.

Ví như các vị danh nhân nổi tiếng trên thế giới thành đạt trong sự nghiệp học tập, có được kiến thức uyên thâm cũng là nhờ biết chủ động tự học mà dẫn đến thành công như Thần đồng Lương Thế Vinh khi xưa, nhờ cố gắng chủ động tự học cộng với phẩm chất thông minh trời ban mà sau đỗ trạng, chế ra bảng cửu chương còn lưu truyền mãi đến ngày nay… hay Trạng nguyên lừng danh Mạc Đĩnh Chi, lúc nhỏ nhờ biết chủ động tự học, sáng tạo cách học bắt đom đóm bỏ vỏ trứng mà sau đỗ trạng, đi xứ làm rạng danh nước nhà, được phong “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên” vang danh hai nước, ghi vào sử sách nhân loại về những tấm gương tự học sáng ngời.

Tuy phương pháp tự học đã có từ lâu đời những đó là một phương pháp rất có hiệu quả cho việc học tập. Tôi khẳng định rằng tự học là chìa khóa, là con đường đưa ta đến thành công… Vị lãnh tụ vĩ đại ngày trước của dân tộc Việt Nam ta cũng đã từng nỗ lực tự học, Bác đã tự say mê tìm tòi học hỏi và đã thành công, thông thuộc được nhiều ngôn ngữ của các nước trên thế giới và tìm ra được con đường cứu nước, đưa cả dân tộc Việt Nam ra khỏi ách đô hộ của giặc Tây tàn ác, hướng đến nền độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc ngày nay.

Chính vì vậy, tự học là cách tốt nhất giúp ta tiến bộ hơn trong học tập, mang lại một kết quả học tập cao nhất có thể. Nếu chúng ta biết nỗ lực tự học, chúng ta sẽ thành công, sẽ mở được một tương lai rộng mở cho chính mình. Nếu chúng ta học tập thành công, chúng ta sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, cho đất nước, đưa đất nước ngày càng đi lên, phát triển đến một tầm cao mới.

    Có thể xem lại bài soạn về cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí để nắm vững cách làm một bài nghị luận áp dụng cho bài viết của mình.

Nghị luận về tinh thần tự học lớp 10 –

Mẫu 3

:

Xã hội ngày càng phát triển, con người cũng vậy, phải không ngừng nỗ lực để có thể theo kịp sự thay đổi của cuộc sống. Có thể ngày hôm nay như vậy, nhưng tương lai không biết sẽ ra sao. Chính vì vậy, chúng ta phải có ý thức tự chủ động tìm hiểu kiến thức, tự học, tự trau dồi bản thân để có thể bắt kịp với guồng quay của nhịp sống xã hội.

Khái niệm của việc tự học rất đơn giản. Đó chính là tự vận động bản thân mình, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp thu những kiến thức mới, những điều ta được trải nghiệm trong cuộc sống mà không phải chờ đợi người khác chỉ bảo, dạy dỗ lại. Tự học là điều rất cần thiết bởi với nhịp sống xã hội không ngừng phát triển ngày nay, nếu không tự học, chúng ta sẽ bị thụt lùi so với thời đại. Không chỉ thế, kiến thức là điều vô hạn, chỉ có con người là hữu hạn. Không phải điều gì chúng ta cũng biết, cũng thông thạo am hiểu. Cần phải có một quá trình học tập, trau dồi mới có thể học được những thứ ta cần, để phục vụ cho công việc. Nhưng khi ta chưa kịp nắm vững về lĩnh vực này, thì ngày mai xã hội lại có những ý tưởng, những sáng kiến mới, do đó buộc chúng ta phải luôn không ngừng rèn luyện, học tập để có được những hiểu biết, cũng như kiến thức nhất định để phục vụ cho công việc cũng như cuộc sống.

Nhưng tại sao lại phải tự học, vì khi có điều kiện, chúng ta có thể đi học trường nọ lớp kia. Điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi những gì ta tự học, tự mày mò tìm hiểu, chắc chắn sẽ để lại trong chúng ta ấn tượng sâu sắc hơn, so với những kiến thức khô khan trên lớp. Chúng ta đam mê một điều gì đó, rồi tự khám phá, tìm hiểu, vấn đề sẽ được giải quyết một cách triệt để hơn. Tất nhiên trong quá trình tự học, ta có thể tham khảo từ những người xung quanh, bạn bè, thầy cô, trường lớp… nhưng quan trọng nhất vẫn phải là bản thân chúng ta, bởi chẳng ai có thể học và ghi nhớ thay bản thân ta được.

Bên cạnh những người đã biết chủ động học tập, thì thế hệ trẻ hiện nay một số đông đang có tính ỷ lại, học tập một cách bị động, học gạo, không mang lại hiệu quả cao. Các em học tập theo một cách đối phó, chỉ để chống đối với cha mẹ, thầy cô, hoặc để có thành tích tốt, bảng điểm đẹp, nhưng kết quả thực chất lại không có gì. Lý do bởi các em đâu có đam mê, đâu có hứng thú, chỉ học cho có, vì trách nhiệm mà thôi. Cũng có những người lại tự mãn, quá tin vào bản thân. Họ cho rằng những gì họ biết đã là quá đủ, đủ để phục vụ cho cuộc sống, nhưng họ đâu biết rằng, đến một ngày cuộc sống, cũng như xã hội thay đổi, những gì họ biết đã không còn là đủ. Khi đó, họ sẽ trở thành những con người đi chậm lại so với xã hội, dẫn đến tình trạng chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống.

Có rất nhiều tấm gương về tinh thần tự học, tiêu biểu chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta. Người đi khắp nơi, làm mọi nghề, tự học mọi thứ mà không cần thầy cô, trường lớp nào. Mỗi người hãy noi theo những tấm gương sáng đó, ngày đêm trau dồi, rèn luyện bản thân học tập thật tốt, để trở thành người có ích cho xã hội, cũng như tạo được những niềm vui cho riêng bản thân nhờ vào việc học.

Nghị luận về tinh thần tự học lớp 10 –

Mẫu 4

:

Cuộc sống thay đổi không ngừng, chính vì vậy, kiến thức trong mọi lĩnh vực ngày càng được mở rộng phong phú, không ai có thể nắm bắt hết được. Để có thể có thêm tri thức, con người ta phải không ngừng học hỏi, mở mang tri thức. Có rất nhiều cách để chúng ta có thể học tập, trong đó, tự học là cách đơn giản nhưng mang lại hiệu quả vô cùng lớn cho chúng ta so với những cách học khác.

Khi chúng ta tự học, tức là chúng ta tự tìm cách học hỏi, tự tìm hiểu những kiến thức, kĩ năng mới mẻ bằng chính bản thân ta. Chúng ta không thụ động, phụ thuộc vào thầy cô giáo. Bởi một phần lý do học sinh học tập chưa có hiệu quả bởi các em quá phụ thuộc vào những bài giảng của thầy cô. Các em chưa biết tự tìm tòi, tự thực hành mà chỉ dựa vào những bài giảng sơ sài của thầy cô để học. Cùng với đó, các em học thêm tràn lan, kiến thức không đồng nhất khiến cho việc tiếp thu bị cản trở, bị sai lệch bản chất. Một lý do nữa, là bởi nền giáo dục của đất nước ta chưa thực sự tốt, các em học sinh hay thậm chí là cả các thầy cô vẫn diễn ra tình trạng học tủ, ôn tủ, học chống đối. Khi đó các em không nắm bắt được bản chất của vấn đề, dẫn đến tình trạng mất gốc, hổng kiến thức, ảnh hưởng đến việc học lâu dài của các em.

Khi biết cách tự học, chúng ta sẽ có thể hiểu hết được bản chất của vấn đề, từ đó đưa ra phương án giải quyết vấn đề nhanh chóng và chính xác nhất. Không có con đường nào đến tri thức nhanh hơn con đường tự học. Khi chúng ta biết được lợi ích của việc tự học đem lại cho bản thân ta những gì, ta sẽ chủ động học tập, chủ động tìm kiếm, suy nghĩ, từ đó nắm bắt được bản chất của vấn đề. Khi ta có tinh thần tự học, ta sẽ thường xuyên chủ động tiếp thu kiến thức từ rất nhiều phương diện khác nhau trong cuộc sống như qua báo đài, ti vi, qua giao tiếp với bạn bè, xã hội… Ta cũng sẽ chủ động học tập ở trên lớp cũng như ở nhà, khi ta có thời gian rảnh dỗi hơn, yên tĩnh hơn để học tập. Và khi đã có nền tảng kiến thức vững chắc, ta cũng cần chủ động thực hành, làm bài tập thường xuyên để rèn luyện những kỹ năng cần có.

Việc tự học là rất quan trọng, là chìa khóa thành công, quyết định tương lai của chúng ta sau này. Nếu chúng ta biết cố gắng phấn đấu, phát huy tinh thần tự học, chắc chắn ta sẽ có thành công. Hãy nhớ đến những tấm gương tự học trong xã hội như Lương Thế Vinh, Mạc Đĩnh Chi, hay Bác Hồ kính yêu…đó đều là những con người điển hình của tinh thần tự học trong cuộc sống. Từ việc tự học, họ không chỉ giúp ích cho bản thân mà còn cho cả xã hội, cho đất nước.

Như vậy, nhận thức được tầm quan trọng của việc tự học, chúng ta hãy cố gắng rèn luyện, có ý thức tự giác học tập. Hơn hết, phải biết tìm được phương pháp học tập phù hợp, không sa đà lan man gây lãng phí thời gian và công sức, tiền bạc của bản thân. Tự học đúng cách, đúng phương pháp sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, giúp ích cho chính bản thân và cho gia đình, cho xã hội.

Nghị luận xã hội về tinh thần tự học

Nghị luận về tinh thần tự học lớp 12 –

Mẫu 5

:

Người xưa từng nói: “Dựa vào người khác chi bằng dựa vào chính mình”. Tất cả những người thành công đều có phần tự lập trong học vấn của mình. Khả năng tự học quyết định sự sự thành bại của đời người. Bởi thế, tinh thần tự học là một trong những năng lực cần phải có ở mỗi con người.

Tự học là tự mình tiếp thu cái mới, tự mình bổ sung, trau dồi các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, giá trị, nhận thức hoặc sở thích của bản thân. Khả năng tự học hỏi là năng lực chỉ có ở loài người. Trước khi biết tổ chức học tập con người đã biết tự học. Con người đã tự biết tìm tòi tri thức và sáng tạo một cách tự giác. Năng lực ấy mãi còn duy trì cho đến ngày nay. Trải qua thời gian, nó không ngừng được củng cố và nâng cao.

Người có tinh thần tự học là người biết tự giác học tập. Họ biết hoạch định một kế hoạch học tập cho chính mình. Và thực hiện kế hoạch ấy một cách nghiêm khắc. Họ biết xác định mục tiêu và tạo động lực học tập cho bản thân. Tri thức đối với họ luôn là một nguồn cảm hứng lớn, đầy sức lôi cuốn.

Ngoài việc tiếp nhận tri thức trong trường học, người có năng lực tự học còn biết học hỏi từ nhiều nguồn khác. Họ biết đánh giá, chọn lọc và tiếp nhận tri thức cần thiết. Không bao giờ họ quá tham lam ôm đồm nhiều thứ. Bởi họ biết rằng, tri thức là vô tận còn năng lực con người thì hữu hạn.

Vừa tiếp nhận tri thức, họ vừa rèn luyện và hoàn thiện các năng lực. Từ đó, tiến tới hoàn thiện bản thân theo những yêu cầu cuộc sống cần có. Mục đích của quá trình này là vươn đến sự sáng tạo hữu ích.

Những người thành công trong cuộc sống luôn là những tấm gương tiêu biểu của tinh thần tự học. Bởi tri thức trong trường học chỉ là tri thức căn bản làm nền tảng. Muốn vượt lên để sáng tạo và thành công họ phải biết tự học.

Có biết bao thiên tài không bằng cấp đáng để chúng ta học tập, tự hào và ngưỡng mộ. Michael Faraday từ người phụ tá phòng thí nghiệm trở thành nhà khoa học vĩ đại. Steven Paul Jobs – tỉ phú, nhà sáng chế vĩ đại người Mỹ, đã từng đi học ké ở các lớp học lập trình. Soichiro Honda từ một thợ sửa xe trở thành nhà chế tạo nổi tiếng. Bill Gates – một huyền thoại của thời đại từng bỏ học để tự mở công ty riêng mình…

Và còn biết bao tấm gương sáng ngời khác nữa về ý chí tự học vươn lên đủ sức khơi bừng cảm hứng cho muôn thế hệ. Trước khi trở thành người nổi tiếng, họ đã đã vượt qua biết bao khó khăn, thất bại để vươn đến sáng tạo và thành công trong cuộc sống.

Ở nước ta cũng có nhiều tấm gương tự học sáng ngời. Mạc Đĩnh Chi đã tự học mà thi đỗ Trạng nguyên. Hồ Chí Minh góp nhặt tri thức trên đường đời bôn ba mà trở nên am hiểu sâu sắc nhiều nền văn hóa các dân tộc trên thế giới. Thầy Nguyễn Ngọc Kí đã tự học viết chữ bằng chân và trở thành người thầy mẫu mực…

Bởi tri thức là vô tận và nó không ngừng tăng tiến theo thời gian. Sự tiếp nhận của con người luôn có giới hạn. Không gian sống và cơ hội tiếp cận tri thức cũng có giới hạn. Bởi thế, phải biết tự học để tự bồi dưỡng cho mình sự hiểu biết về thế giới bao la.

Chương trình học tập trong nhà trường chỉ là một bản tóm tắt ngắn gọn và hết sức ít ỏi của tri thức. Nó chỉ có vai trò định hướng tiếp cận tri thức chứ chưa thực sự là tri thức. Muốn nắm vững kho tri thức nhân loại bắt buộc ta phải biết tự học tập thêm những gì chưa biết hoặc chưa được rèn luyện.

Học tập là một quá trình diễn ra liên tục và dài lâu. Bởi không phải học một lần là đã xong. Như Dacuynh đã từng nói: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Tinh thần ấy thật đáng để chúng ta tôn quý tinh thần tự giác học tập của con người.

Tự học khẳng định năng lực tự lập của con người. Người sớm biết tự lập thường thành công hơn hẳn người khác. Tự mình quyết định tiếp nhận tri thức nào, lựa chọn con đường nào trong cuộc sống mỗi các nhân phải nỗ lực tìm đến lĩnh vực tri thức đó. Không nên là một nhà thông thái bởi năng lực con người có hạn. Hãy là một người lựa chọn thông minh, chỉ nhận lấy những gì mình cần để thành công.

Tự mình kiện toàn tri thức và năng lực vươn đến sáng tạo là trách nhiệm của mỗi con người. Thế nhưng, tri thức luôn có sức thu hút kì diệu của nó. Tự học thể hiện niềm say mê, trân trọng đối với tri thức nhân loại. Đồng thời đó cũng là thái độ tri ân của chúng ta đối với những thế hệ đi trước đã dày công bồi đắp nền ti thức.

Trước hết là phải biết tự giác trong học tập. Tự học bài, làm bài, tự nghiên cứu mà không cần ai chỉ bảo hoặc nhắc nhở. Tự giác hoàn thành kế hoạch, mục tiêu học tập một cách tốt nhất. Có khát vọng học tập, khát khao chiếm lĩnh tri thức để sáng tạo và thành công. Không có khát vọng chiếm lĩnh tri thức sẽ không thể tự học. Chính khát vọng cỗ vũ con người hăng say học tập, tìm kiếm tri thức mới.

Biết định hướng mục tiêu học tập theo những chủ đề tri thức nhất định. Phải xây dựng kế hoạch học tập đúng đắn, khoa học và hiệu quả. Không nên học tràn lan. Bởi tri thức là vô tận. Học sinh cần phải có định hướng cụ thể. Phải biết mình cần tri thức nào và tìm kiếm nó ở đâu.

Biết kỉ luật để thực hiện kế hoạch học tập nghiêm khắc. Biết vượt qua khó khăn, khắc phục trở ngại để đạt đến mục tiêu đã đặt ra. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả tự học. Từ đó rút kinh nghiệm và tự đánh giá hiệu quả tiến trình của mình. Tự học chính là động lực của sự sáng tạo và tiến bộ.

Những kẻ lười học thường xem việc học là khổ sở, là bắt buộc. Thế nên họ chán học, lười hoc, thù ghét tri thức. Những người như thế thường bất mãn với cuộc sống và không thể thành công. Nhiều học sinh tự hài lòng với bản thân mà thiếu nghị lực phấn đấu. Nhiều học sinh khác chỉ lo học tủ, học vẹt, học đối phó. Họ xem thường vai trò và sức mạnh của tri thức nên học tập qua loa, sơ xài… Những người như thế thật đáng chê trách.

Muốn tiến bộ và thành công cần phải biết tự học. Là học sinh phải biết tự học, tự hoàn thiện bản thân trở để thành người hữu ích trong xã hội, mai này đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước. Tự học là một trong những năng lực cần có ở mỗi con người. Từ xưa đến nay, tự học chính là động lực phát triển xã hội loài người. Hãy biết tự học để luôn thành công trong đời sống này. Không có tinh thần tự học để vươn đến hiểu biết và thành công trong cuộc sống là sống một cuộc đời uổng phí.

Nghị luận về tinh thần tự học lớp 12 –

Mẫu 6

:

Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng: “Nếu còn trẻ mình chẳng chịu học hành thì khôn lớn sẽ chẳng làm được việc gì có ích” hoặc “Bất học bất tri lí”. Vậy thì chúng ta cần học thế nào cho đúng, cho có kết quả? Và qua kinh nghiệm bao đời được đúc kết, người ta đã nhận ra rằng chỉ có tự học mới là phương pháp hữu hiệu nhất.

Suốt lịch sử phát triển mấy nghìn năm, nhân loại đã tích lũy được một kho tàng tri thức khổng lồ. Vì thế, muốn tiếp thu những tinh hoa ấy, con người chỉ có một cách duy nhất là phải học suốt đời. Bác Hồ đã từng dạy: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”, Lê – nin đã khuyên: “Học, học nữa, học mãi”. Vì thế, tự học là xác định được ý thức, học có mục đích và học một cách tự giác.

Thực tế đã cho ta thấy những tấm gương tự học như Mạc Đĩnh Chi vì nhà nghèo, không có tiền mua dầu thắp sáng nên ông đã bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng thay đèn để học bài. Hay nhà toán học Lương Thế Vinh từ một đứa trẻ chăn trâu vẫn luôn tu chí học hành, hoặc không ai xa là Bác Hồ từ một anh Ba phụ bếp, người thợ ảnh ở ngõ nhỏ đến người thợ quét tuyết trong công viên, Bác vẫn không ngừng tiếp thu và học tập để nâng cao hiểu biết về văn hóa, lịch sử nhân loại, rút ra những kinh nghiệm bổ ích và Người đã trở thành một danh nhân văn hóa thế giới…

Những minh chứng trên phải chăng đã quá sáng tỏ để nhận ra rằng, có tự học, chúng ta mới xác định được năng lực của bản thân. Khổng Tử đã dạy: “Bể học không bờ”, vì thế ta không nên nản lòng khi thấy việc học của ta còn nông cạn, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm và ta cần phải cố gắng bồi đắp bằng ý chí và nghị lực của mình bởi việc tích lũy kiến thức của con người như “Kiến tha lâu đầy tổ”. Càng học chúng ta mới nhận ra rằng có tự học, chúng ta mới tiến bộ nhanh và có những kết quả vững chắc. Tự học sẽ giúp chúng ta có thêm nghị lực, niềm tin trong cuộc sống. Ngạn ngữ Hi Lạp có câu: “Học vấn như những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào”. Vì thế bước đường tự học bao giờ cũng sẽ bắt đầu với nhiều trở ngại, khó khăn dễ làm ta chùn bước nhưng nếu ta có ý chí, quyết tâm vươn lên trở ngại khó khăn thì những đắng cay sẽ cho ta những hoa quả ngọt ngào. Lúc bấy giờ, ta mới thấy được hết giá trị của học vấn. Như cô bé Trần Bình Gấm bán khoai đã đậu ba trường đại học, nhận học bổng “Học trò giỏi – hiếu thảo” của báo Tuổi trẻ bằng tinh thần tự học, bằng sự cần cù, siêng năng, vượt qua khó khăn, không ngừng nâng cao kiến thức của bản thân mình là một tấm gương cho bạn trẻ hôm nay.

Nhưng lại có một phần các bạn trẻ ngày nay được học ở trường dưới sự dìu dắt của thầy cô nhưng chỉ học chày, học vẹt, học dựa dẫm thì kết quả sẽ không có hoặc chỉ là những điểm ảo. Một khi các bạn ấy tự bơi ngoài biển rộng, họ sẽ chìm ngập vì không có phao, không có bàn tay của thầy. Phải chăng đó là điều các bạn muốn? Để tự tin hơn trong học tập cũng như cuộc sống sau này, mỗi người cần phải trang bị một khối lượng kiến thức cũng như một cách học phù hợp, phải xác định đúng mục đích và động cơ học tập; học để nắm vững những kiến thức cơ bản, học và làm bài đầy đủ để cũng cố kiến thức… tham khảo trong cuộc sống để mở rộng vốn hiểu biết… Học ở sách là một trong những phương pháp tự học tốt nhất nhưng việc học này cần phải được thực hiện thật nghiêm túc, tức là đọc có chọn lọc, suy nghĩ, có hệ thống chứ không phải là chép, học thuộc để đối phó… Vẫn còn rất nhiều phương pháp tự học, vì vậy, mỗi người cần phải tự chọn cho mình một cách học phù hợp và hiệu quả nhất.

Tự học là phương pháp tốt nhất để tiếp thu, tích lũy những điều thú vị ở quanh ta. Mỗi người cần tập dần tính tự học để có kiến thức uyên bác làm giàu cho đất nước. Thế hệ trẻ ngày nay muốn chiếm lĩnh được đỉnh cao khoa học, làm chủ cuộc sống và tương lai thì phải xác định được phương pháp học tập đúng đắn nhất là tự học.

-/-

Qua tuyển tập những bài Nghị luận xã hội về tinh thần tự học trên đây, hi vọng các em đã có những ý tưởng hay cho nội dung bài viết văn của mình bàn về tinh thần tự học. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu lớp 8 do Đọc Tài Liệu sưu tầm, tổng hợp để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các bạn học tốt !