Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn (có dàn ý và bài làm chi tiết)

Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn (có dàn ý và bài làm chi tiết)

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài (Viết theo kiểu gián tiếp):

* Đi từ cái chung đến cái riêng:

– Cuộc sống hiện tại của mỗi người rất sung sướng à Sự sung sướng ấy là nhờ công lao của những người đi trước; thầy cô giáo, cha mẹ…

* Nêu luận điểm chính, trích dẫn vấn đề:

– Chúng ta cần biết ơn những người đã tạo ra thành quả cho ta hưởng thụ.

– Việc làm đó cũng chính là góp phần phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc

2. Thân bài: Tuần tự làm theo các bước của một bài văn nghị luận xã hội về tư tưởng, đạo lí:

2.1. Giải thích câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”

– Nghĩa đen: Khi ta uống nước thì phải đến nhờ đến nguồn cội của dòng nước ấy

– Nghĩa bóng (giải thích sâu hơn):

+ “Uống nước” là hưởng thụ thành quả, công lao từ người khác

+ “Nguồn” là những nơi, những người đã tạo ra thành quả cho ta hưởng thụ

+  “Nhớ nguồn” là thể hiện lòng biết ơn, tri ân và trả ơn những người đã mang lại những điều tốt đẹp cho ta hưởng thụ

=> Ý nghĩa của câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” : Khi chúng ta nhận được những điều tốt đẹp, hưởng thụ những thành quả từ người khác thì chúng ta phải biết ơn và trả ơn những con người đó.

2.2. Đánh giá, chứng minh câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”

a/ Đánh giá:

– Câu tục ngữ không chỉ là một lời khuyên tốt đẹp mà còn là một lời dạy, một đạo lí tốt đẹp à trở thành truyền thống quý báu của nhân dân Việt Nam

– Đó chính là lòng biết ơn sâu sắc, trân trọng của thế hệ sau đối với thế hệ đi trước.

b/ Chứng minh (Biểu hiện “Uống nước nhớ nguồn” trong đời sống):

*Lòng biết ơn hiện diện chung trong xã hội:

 Lòng biết ơn đối với những người có công với đất nước:

+ Khắp đất nước đều có các đền thờ, miếu thờ lớn

+ Các lễ hội khắp mọi miền đất nước: giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Huyền Trân công chúa, hội Gióng,…

+ Các ngày lễ quan trọng được chọn ra trong năm: Ngày 27/7 (Ngày thương binh liệt sĩ); ngày 22/12 (Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam)…

+ Các chính sách của Nhà nước đối với các bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh; truy tìm và an táng hài cốt liệt sĩ,…

* Lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên:

+ Các ngày: kị, chạp, giỗ, tảo mộ; bàn thờ gia tiên

+ Ngày 20/10, 8/3, lễ Vu lan báo hiếu… là dịp để những người con thể hiện lòng hiếu thảo đến những bậc sinh thành

* Lòng biết ơn trong nhà trường:

+ Lòng biết ơn của học sinh đối với thầy (cô) giáo: những ngày 20/11; chăm chỉ học bài, đạt nhiều điểm 10; ngoan ngoãn, vâng lời;…

+ Học sinh tìm gặp thầy cô giáo cũ sau bao nhiêu năm xa cách: Những ngày hội khóa, 20/11,…

* Lòng biết ơn của các bệnh nhân đối với bác sĩ:

+ Chữa bệnh cứu người là một việc làm nhân đức à Những vị lương y như từ mẫu cần được biết ơn, được mọi người biết đến

+ Ngày 27/02 (Ngày thầy thuốc Việt Nam) là ngày để mọi người tri ân công lao lớn của những y, bác sĩ tận tụy, nhân đức.

Truyền thống tốt đẹp (lòng biết ơn) mà câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn nêu ra tồn tại trong đời sống rất đa dạng, nhân văn và sẽ trường tồn mãi mãi.

2.3. Những việc làm cá nhân

* Đi từ nét chung của mọi người đến nét riêng của bản thân, phần này nên viết theo đường hướng khách quan:

– Tự hào về đất nước, về bề dày lịch sử và văn hóa của đất nước

– Phát huy những truyền thống tốt đẹp và bài trừ những hủ tục của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nước ngoài

– Học tập và lao động để trở thành những người công dân tốt, cống hiến sức mình cho đất nước, cho lợi ích nhân dân

– Sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả những gì cha anh để lại để phát triển cho cá nhân và xã hội.

2.4. Mở rộng, nâng cao vấn đề:

– “Uống nước nhớ nguồn” là một truyền thống văn hóa đẹp của dân tộc. Mỗi cá nhân và xã hội cần tích cực gìn giữ và phát huy nó như một đạo lí làm người không thể thiếu.

– Trong cuộc sống, vẫn còn những việc làm (1-2 dẫn chứng) đi ngược với đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” à cần phê phán và khắc phục, ra sức loại bỏ

– Giúp đỡ người khác không phải để được nhận lại sự trả ơn (1-2 dẫn chứng) mà là để phát huy truyền thống dân tộc, để lan tỏa tình yêu thương.

3. Kết bài

– Tổng kết lại ý nghĩa của câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống quý báu mà nó nêu lên

– Suy nghĩ của người viết về đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”

nghi luan ve uong nuoc nho nguon - Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn (có dàn ý và bài làm chi tiết)

Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn

Bài làm tham khảo

Cuộc sống hiện tại của tôi, của các bạn vô cùng đầy đủ, sướng sung. Ai cũng được ăn no mặc ấm, được đến trường, được vui chơi trong nền hòa bình, độc lập. Những điều chúng ta được hưởng không phải ngẫu nhiên mà có. Đó là nhờ công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ; công lao dạy dỗ của thầy cô; là nhờ sự hy sinh lớn lao của các anh hùng dân tộc… Để ghi nhớ công ơn to lớn ấy, chúng ta cần sống và làm theo câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Câu tục ngữ ấy cũng chính là một truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Ý nghĩa của câu tục ngữ trên mang một tính chất như một bài học, một lời khuyên. Vì tục ngữ thì thường đúc kết một kinh nghiệm, một lời răn dạy của người xưa. Tục ngữ cũng thường có hai lớp nghĩa là nghĩa đen và nghĩa bóng, câu “Uống nước nhớ nguồn” cũng không phải là ngoại lệ. Xét về nghĩa đen, câu tục ngữ muốn khuyên ta rằng khi uống nước thì phải nhớ đến cội nguồn, những yếu tố đã làm ra dòng nước ấy. Song một câu tục ngữ hay và đa nghĩa như vậy thì không dừng lại ở nghĩa đen mà đi sâu hơn là nghĩa bóng. “Uống nước” là hình ảnh ẩn dụ cho sự hưởng thụ thành quả, công lao từ người khác. “Nguồn” là những người hay những nơi đã tạo ra thành quả cho ta tận hưởng nên “nhớ nguồn” là biết ơn, là trân trọng những con người ấy. Câu tục ngữ đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ gần gũi để nhắc nhở người đời cần trân trọng, biết ơn những người đã có ơn, đã tạo ra thành quả cho mình hưởng thụ. Xét về giá trị ý nghĩa, câu tục ngữ quả là một đạo lí tốt đẹp, đầy tính nhân văn cao cả và đúng đắn hoàn toàn.

Với nội dung khuyên răn sâu sắc ấy, “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành một truyền thống quý báu lâu đời của nhân dân Việt Nam ta. Truyền thống ấy, như đã nói, là sự biết ơn, tri ân, đền ơn đáp nghĩa những người đã có ơn với mình. Quả là một câu tục ngữ nhân văn và ý nghĩa, biểu hiện là nó đã trở thành truyền thống của cả một dân tộc anh hùng!

Đến nay, con cháu Việt Nam chúng ta vẫn đang ngày ngày tiếp bước cha anh, luôn học tập và làm theo câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Chúng ta quyết tâm giữ gìn và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” thiêng liêng. Trong thực tế, có rất nhiều việc làm tình nghĩa minh chứng cho điều đó. Xã hội chúng ta luôn bày tỏ lòng biết ơn chung đến những con người đã mang lại một đất nước thái bình như hiện tại. Nhân dân cùng với Đảng và Nhà nước ta luôn có chính sách, việc làm động viên, giúp đỡ các bà mẹ Việt nam anh hùng hay các thương binh, bệnh binh,… Ở một số nơi, chính quyền địa phương còn triển khai truy tìm hài cốt liệt sĩ để mang họ về với quê hương yêu dấu. Rồi khắp cả nước, đâu đâu cũng có các đền thờ, lăng tẩm như đền Hùng, đền thờ Ngô Quyền, lăng Bác Hồ,… Mỗi chúng ta, chắc hẳn một lần ra thăm lăng Bác, đều muốn được như Viễn Phương:

“… Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”

Ý nghĩ ấy cũng là ý nghĩ chung của mọi người, cũng là cảm xúc chung khi đến thăm các vị anh hùng, lãnh tụ một thời đã khuất: Ngô Quyền, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung, Võ Nguyên Giáp… Chúng ta đã luôn là những người con trung hiếu, đã luôn “Uống nước nhớ nguồn” phải không? Cùng với việc lập các đền thờ lớn nhỏ, nhân dân ta cũng tổ chức các lễ hội hằng năm như hội Gióng, ngày giỗ tổ Hùng Vương, tết Đoan Dương giỗ mẹ Âu Cơ, lễ hội Huyền Trân công chúa,… Có lẽ trong dân gian luôn lưu truyền các bài ca dao:

“Tháng năm ngày tết Đoan Dương

Là ngày giỗ mẹ Việt thường Văn Lang”

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba…”

Chúng ta truyền miệng chúng cho nhau để cùng biết ơn, trân trọng những vị anh hùng vĩ đại ấy. Và có lẽ các lễ hội được tổ chức cũng đều hướng tới tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc chứ không đơn thuần là cái vui, cái chơi. Trong tiếng cười, sự vui vẻ; người Việt Nam ta cũng nhớ đến ông cha. Bằng những việc làm đó, chúng ta thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ sau được hưởng thành quả tốt đẹp đến với các thế hệ tiền nhân hôm qua. Những việc làm nhân văn, giàu ý nghĩa như vậy cần được giữ gìn và phát huy trong thời gian tới rất nhiều.

Không chỉ xã hội nói chung mà mỗi tế bào gia đình nói chung cũng cần làm theo câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Những ngày xuân, bạn có đi chơi Tết không? Chắc chắn là có. Nhưng dù có vui chơi ở đâu thì bạn cũng không thể quên mâm cơm cúng tổ tiên với bàn thờ nghi ngút khói hương. Cắm một cây hương trên bàn thờ, lòng người bồi hồi, xao xuyến nhớ về ông bà, gia tiên mà ấm lòng hơn. Ngày mồng một tết, nhiều nhà dành riêng để đi tảo mộ, sửa soạn cho phần mộ tổ tiên. Ngay cả trong lúc sức sống căn trào mạnh mẽ nhất, trong tim con người vẫn phải có tổ tiên, ông bà. Rồi vào trong năm, ta cũng không thể quên đi những ngày giỗ, chạp của dòng họ. Điều đó chính là phần nào lòng biết ơn cao cả của ta đối với những thế hệ trước. Tâm tư ấy có lẽ là hai câu ca dao sau:

“Ngó lên nuột lạc mái nhà

Bao nhiêu nuột lạc nhớ ông bà bấy nhiêu”

Gần hơn với chúng ta còn là cha mẹ của mỗi người. Bạn có yêu cha mẹ mình không? Bạn có hiếu thảo với họ không? Chắc chắn là có rồi nhỉ! Ngay trong những tổ ấm nhỏ bé, ngay trong những tâm hồn nhỏ bé, cũng đầy ắp đạo lí nhân văn, tình người. Hãy gìn giữ tấm lòng ấy nhé!

Trong nhà trường, nơi kiến thức và kĩ năng ngày ngày được lĩnh hội, cũng tồn tại đạo lí thiêng liêng ấy. Nó tồn tại trong sự kính trọng, biết ơn của học sinh đối với thầy cô; nó tồn tại trong những đóa hoa hồng, những tấm thiệp hay bông hoa điểm 10 mà học trò dâng tặng thầy cô nhân những ngày 20-11, dịp hội khóa về lại trường xưa…

Như vậy, ta có thể thấy giá trị của câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” tồn tại trong đời sống với rất nhiều mặt, đa dạng, phong phú và sẽ mãi mãi trường tồn. Chúng ta cần góp sức vào việc gìn giữ và phát huy giá trị nhân văn của câu tục ngữ ấy. Tự hào về đất nước, về bề dày lịch sử và văn hóa của quê hương là việc đầu tiên mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Muốn vậy, ta phải tìm hiểu văn hóa, thiên nhiên, con người của quê hương, đất nước. Sau đó, tiếp tục phát triển và bài trừ những hủ tục không đáng có. Đồng thời, ta cũng tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nước ngoài để làm giàu cho tinh hoa văn hóa dân tộc. Đối với học sinh, các bạn cần học tập và lao động để trở thành những người công dân tốt. Lớn lên, các bạn dần dần cống hiến sức mình cho đất nước, cho lợi ích nhân dân. Sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả những gì cha anh để lại, người khác tạo ra để phát triển cho cá nhân và xã hội cũng là việc làm dễ dàng mà các bạn có thể thực hiện. Những việc như tìm hiểu lịch sử, danh nhân đất nước; gìn giữ đền đài, cổ vật; tiết kiệm điện nước;… thật không lấy gì làm quá khó.

Khi đã nắm rõ những việc cần làm, chúng ta cần đi sâu vào câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” hơn để phân biệt những biểu hiện phải-trái, đúng-sai của truyền thống này. Đây là một truyền thống văn hóa đẹp của dân tộc. Mỗi cá nhân và xã hội loài người cần tích cực gìn giữ và phát huy nó như một đạo lí làm người không thể thiếu. Tuy nhiên; trong cuộc sống, vẫn còn những việc làm đi ngược với đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” như “ăn cháo đá bát”, “lấy oán báo ân”, phục bạc cha mẹ… Như gần đây, có một cậu cháu trai đánh chết ông bà chỉ vì thiếu tiền chơi điện tử hay nhiều vụ con cái đánh đập mẹ vì say rượu, nghiện ma túy…Xã hội cần lên tiếng phê phán và khắc phục, trừng trị những hành vi xấu xa ấy. Hơn nữa, cần hiểu rằng giúp đỡ người khác không phải để được người “uống nước nhớ nguồn đúng cách”  mà là để phát huy truyền thống dân tộc, để lan tỏa tình yêu thương. Như bộ luật Quốc tế đã từng quy định không cho người được hiến tạng và người hiến tạng biết đến nhau một phần cũng là vì lí do đó. Tuy vậy, con người vẫn là con người, vẫn luôn yêu thương nhau và giữ vững lí trí.

Đất nước Việt Nam nói riêng và xã hội loài người nói chung; với mọi tầng lớp, giai cấp; đều làm theo đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Từ học sinh, phụ huynh đến các công chức, viên chức; từ người dân đến Đảng và Nhà nước; họ đều không quên “Uống nước nhớ nguồn”. Họ sống cùng nó, tôn trọng và gìn giữ nó.

Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” quả là một nét đẹp của văn hóa dân tộc. Con người cần phát huy tốt giá trị của nó, làm sao cho ý nghĩa của nó không bao giờ bị băng hoại. Bằng con tim chân chính và nhiệt huyết, tôi – một học sinh có thể khẳng định rằng: Đạo lí này là một nét đẹp! Nét đẹp ấy mãi mãi trường tồn! Nhất định sẽ trường tồn!

Nguyễn Đức Minh

Lớp 9/1 – Trường THCS Thủy Phương, Tx Hương Thủy, Thừa Thiên Huế

Từ khóa tìm kiếm:

  • https://hocvanvanhoc com/nghi-luan-xa-hoi-ve-cau-tuc-ngu-uong-nuoc-nho-nguon-co-dan-y-va-bai-lam-chi-tiet html