Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng nghiện game online
Viết đoạn văn ngắn về hiện tượng nghiện game online 200 chữ
Bài làm 1
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, bên cạnh những hiệu
quả, thành tựu lớn như công nghệ 4.0, tự động hóa,… thì game hay trò chơi điện tử lại
nổi lên như một hiện tượng tiêu cực của xã hội, đặc biệt là với học sinh. Game là từ
tiếng anh, để chỉ trò chơi điện tử nói chung, nghĩa là các trò chơi sử dụng thiết bị điện
tử để tạo ra một hệ thống tương tác mà người chơi có thể chơi. Hiện tượng nghiện
game là hiện tượng tâm lí rối loạn, dành quá nhiều đam mê, tâm trí vào các trò chơi
điện tử. Hiện tượng nghiện game thường xảy ra ở giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học
sinh, thanh thiếu niên. Biểu hiện của hiện tượng này là người chơi dành quá nhiều
thời gian, tiền bạc vào việc chơi game. Ở lứa tuổi học sinh, chúng ta có thể thấy tình
trạng các em bỏ học, trốn học, ăn trộm tiền của bố mẹ, bạn bè để chơi game, nạp thẻ
vào game,…Nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Game với những đặc điểm nổi
trội như đa dạng hình thức, lôi cuốn, hấp dẫn với hệ thống đồ họa, thao tác và cách
thức chơi gây tác động mạnh vào thị hiếu của người chơi. Cũng cần xét đến bản thân
người chơi chưa có chính kiến, chưa hiểu rõ về hoạt động giải trí dẫn đến việc nghiện
game không kiểm soát. Riêng đối với các em học sinh thì nguyên nhân của nghiện
game còn đến từ sự thiếu quan tâm của phụ huynh, thầy cô, chưa có phương pháp
giáo dục đúng đắn, nghiêm khắc. Game là một trong những hoạt động giải trí được xã
hội chấp nhận, thế nhưng nghiện game lại gây ra những hậu quả khôn lường đối với
cả bản thân người chơi lẫn xã hội. Chính vì vậy, chúng ta – thế hệ học sinh cần phải
hiểu rõ bản chất của game nói riêng và hoạt động giải trí nói chung, sử dụng nó một
cách văn minh, hợp lý nhất.
Bài làm 2
Trò chơi điện tử (game) đang được giới trẻ hết sức ưa chuộng, ra đời với mục đích
đem đến sự giải trí cho con người sau những giờ làm việc căng thẳng .Nhưng đối với
một bộ phận giới trẻ, trò chơi điện tử đang để lại những hậu quả nghiêm trọng cả về
thể chất và tinh thần. Trước hết, khi dành quá nhiều thời gian cho chúng, người chơi
sẽ mất đi thời gian để học tập, tham gia các hoạt động xã hội cũng như dễ gặp tật khúc
xạ, cột sống. Đồng thời, dưới tác động từ các yếu tố bạo lực, nhân cách của họ – đặc
biệt là trẻ chưa đến tuổi vị thành niên – sẽ dễ bị thay đổi, trở nên cộc cằn, hung hãn
hơn. Nhưng đó vẫn chưa phải điều kinh khủng nhất, một khi đã nghiện trò chơi điện
tử, người chơi sẽ không còn thiết gì đến cuộc sống xung quanh, bỏ bê tất cả công việc
và tìm đủ mọi cách để được đắm mình trong thế giới của những “anh hùng, chiến
binh, thủ lĩnh”. Chắc hẳn, dư luận xã hội vẫn chưa quên vụ án hai anh em họ ở Thái
Nguyên giết bà để lấy tiền chơi game hay việc một nam công nhân giết người yêu để
lấy tiền trả nợ do chơi trò chơi điện tử. Đó là những hồi chuông mạnh mẽ, cảnh tỉnh
mọi người về mối hiểm họa ẩn tàng trong phương thức giải trí phổ biến bâc nhất hiện
nay. Đứng trước hiện tượng này, tất cả chúng ta cần ý thức được tác hại của trò chơi
điện tử để tránh sa đà vào nó, tích cực tham gia vào các hoạt động thể chất hoặc dành
thời gian cho việc đọc sách. Xây dựng nếp sống lành mạnh, sống gắn bó se chia với
những người xung quanh, thoát khỏi sự lệ thuộc vào thế giới ảo. Có như vậy chúng ta
mới hạn chế được những tác hại từ trò chơi điện tử.
Bài làm 3
Hiện nay nhu cầu dùng Internet để thu thập thông tin cũng như giải trí đang ngày một
gia tăng. Học sinh sử dụng mạng vào việc chơi game online đã trở thành một vấn nạn
học đường đáng quan tâm. Về vấn đề này, Báo Dân trí có bài: “Vì sao giới trẻ nghiện
game online?”, ngày 30-7-2015. Bài báo nhấn mạnh hiện tượng nghiện game online
trong giới trẻ (trích dẫn bài báo).
Game online ban đầu vốn là để cho mọi người được giải tỏa căng thẳng sau khi
học tập và làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, do game online có sức hút mạnh, đặc biệt là
với giới trẻ, dẫn đến việc một bộ phận không nhỏ số lượng học sinh bị sa đà vào các
trò chơi vô bổ: đua xe, đánh nhau, bắn tỉa,… Những trò chơi đó đang dần dần chiếm
lĩnh phần lớn thời gian của các bạn, nên giờ đây hầu như không còn mấy ai biết đến
những thú vui khi chơi đá banh, chọi gà, …Thế giới trong game rất sống động và hấp
dẫn. Trong game, chúng ta có thể làm được những điều mà không thể làm được ngoài
đời. Mặt khác, một số game online còn có chức năng mua bán vật phẩm, vũ khí, nạp
tiền… nên nhiều người “cày game” không biết mệt để kiếm tiền. Đó là nguyên nhân
cơ bản dẫn đến hiện tượng nghiện game ở học sinh.
Xuất phát vốn là để đem lại lợi ích cho con người, tuy nhiên hiện nay game online
lại đang đem lại nhiều tác hại. Những quán net mọc xung quanh các trường học đã tạo
“điều kiện” để học sinh tiếp cận và lao vào thú vui vô bổ. Các bạn có thể mải chơi đến
quên ăn, quên ngủ. Không đảm bảo cân bằng giờ giấc sinh hoạt thường ngày, các bạn
dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, vì vậy thường hay ngủ gật trên lớp, không tiếp thu được
bài giảng của thầy cô. Rồi khi về nhà, vì mải chơi game mà các bạn cũng không làm
bài tập, dẫn đến việc học hành sa sút, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Không chỉ vậy,
để có tiền chơi ở các quán net, nhiều bạn còn nói dối để xin tiền bố mẹ, thậm chí là ăn
trộm tiền của gia đình, bạn bè xung quanh. Game online đã dần dần hủy hoại sức
khỏe, kiến thức và cả đạo đức của chính bạn.
Chính vì vậy, nhà trường và gia đình cần có những biện pháp quản lí, nhắc nhở kịp
thời để tránh trường hợp học sinh bỏ học chơi game, cá độ, mua bán vật phẩm trong
game online. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần siết chặt khâu quản lí đối với các
cơ sở kinh doanh, xử phạt nghiêm khắc những trường hợp vi phạm. Thay vì để bản
thân bị sa đà vào những trò chơi vô bổ, chúng ta cần phải làm chủ chính mình, sắp
xếp thời gian biểu hợp lí giữa việc chơi và học. Để không bị game online cám dỗ và
ảnh hưởng tới cuộc sống, chúng ta cần tự giác tìm cho mình những thú vui khác
không chỉ mang tính giải trí mà còn tốt cho sức khỏe cũng như trí tuệ của bản thân.