Nghị luận về nói tục chửi thề: Dàn ý & văn mẫu chọn lọc

Nghị luận về nói tục chửi thề

Dàn bài nghị luận về nói tục chửi thề

Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về nói tục chửi thề. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.

Dàn ý nghị luận về nói tục chửi thề – Mẫu 1

Mở bài

  • Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và xã hội loài người, đảm bảo cho việc truyền đạt thông tin và hiểu biết lẫn nhau của các thành viên trong xã hội. Ngôn ngữ không chỉ truyền đạt thông tin mà còn tác động đến nhân cách, can thiệp vào bức tranh thế giới nhân cách, vào văn hóa ngôn ngữ của nó.

Nói tục chửi thề là một hiện tượng khá phổ biến trong trường học hiện nay. Đó là một thói hư tật xấu gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với đạo đức và hành vi ứng xử của học sinh

Thân bài

#1. Giải thích
  • Nói tục, chửi thề là dùng những lời lẽ thô tục, thiếu tế nhị, thiếu văn hóa trong giao tiếp nhằm bôi nhọ, sỉ nhục hay xúc phạm người khác.

#2. Thực trạng và nguyên nhân
  • Do sự phát triển của kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin kết hợp sự xâm nhập tràn lan của các nền văn hóa ngoại lai khiến cho nhận thức của học sinh về ngôn ngữ giao tiếp, văn hóa và đạo đức trở nên lệch lạc gây ra các hành vi giao tiếp thiếu chuẩn mực, thiếu trong sáng.

  • Bản thân chúng ta có lối sống đua đòi, thực dụng, dễ dãi của một số bạn trẻ dẫn đến sự suy thoái nhân cách và đạo đức, từ đó ảnh hưởng đến thế hệ học sinh trong trường học.

  • Nhận thức còn hạn chế về tác hại của việc nói tục, chửi thề.

  • Nhà trường và gia đình, xã hội thiếu quan tâm sâu sắc, buông lỏng giáo dục đạo đức nhân cách và ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực cho học sinh.

  • Người lớn chưa gương mẫu trong giao tiếp nên dẫn đến việc con em mình học theo,…

#3. Hậu quả
  • Nói tục chửi thề đã để lại hậu quả vô vô cùng nghiêm trọng đối với thế hệ trẻ và đối với xã hội. Thường xuyên nói tục chửi thề làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách, phẩm chất đạo đức của người học sinh bị suy đồi.

  • Nói tục, chửi thề còn ảnh hưởng rất lớn đến người khác. Nhất là trong trường hợp nói tục chửi thề với mục đích lăng mạ, sỉ nhục người đối diện. Hành động đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, lòng tự trọng của người bị lăng mạ.

  • Chúng ta thường thấy những gì có liên quan đến văn hóa thì hay có tính chất lan truyền. Thật sự sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta không ngăn chặn thói xấu này, dần dần sẽ tạo nên những hệ lụy khôn lường. Chẳng hạn như một người nói tục, cả bàn nói tục, cả lớp nói tục, cả trường nói tục,… lan rộng ra là cả xã hội,…

#4. Bài học nhận thức
  • Nhận thức nói tục, chửi thề là một hành vi vô đạo đức, làm mất nhân cách, nhân phẩm con người.

#5. Liên hệ bản thân
  • Là học sinh thì chúng ta không nên nói tục, chửi thề.

  • Mỗi học sinh cần phải rèn luyện nhân phẩm, phấn đấu học tập, trở thành những người có ích, để sau này có thể góp sức xây dựng quê hương đất nước văn minh, tiến bộ và từng bước hiện đại. chúng ta cũng không ngừng bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho bản thân, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, giữ gìn và phát huy sự trong sáng của Tiếng Việt trong thời buổi hội nhập.

Kết bài

  • Khẳng định lại vấn đề nghị luận.

Dàn ý nghị luận về nói tục chửi thề – Mẫu 2

Mở bài

+) Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận, “Nói tục chửi thề”.

Thân bài

– Giải thích về nói tục, chửi thề: Nói tục chửi thề chính là nói những lời lẽ thô tục, cộc cằn, khó nghe, thiếu văn hóa đến mọi người xung quanh.

– Nguyên nhân của nói tục chửi thề: Do gia đình không quan tâm, vô tình học được từ môi trường học đường, nơi công cộng. Bản thân cũng không có ý thức trong việc này.

– Tác hại của nói tục chửi thề:

+) Đối với người nói: Cách giao tiếp sẽ ngày càng đi xuống, ảnh hưởng nhân cách, không được mọi người tôn trọng,….

+) Đối với người nghe: Bị tổn thương, gây khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý, nặng thì còn có thể ảnh hưởng đến tình mạng,..

+) Đối với xã hội: Làm cho văn hóa xã hội đi xuống, gây ảnh hưởng đến nhận thức của các em nhỏ,…

– Lên án phê phán những người dùng lời lẽ không tốt để công kích người khác, hoặc nhóm người cùng hùa vào công kích cá nhân, bạo lực mạng,….

– Các biện pháp khắc phục:

+) Bản thân nên tự ý thức được vấn đề này, chú ý cách sử dụng ngôn từ đối với mọi người.

+) Học sinh cần chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức cá nhân, không học thói hư tật xấu,…

+) Gia đình và nhà trường cần dành sự quan tâm nhiều hơn đến con trẻ cũng như các bạn học sinh, có biện pháp khắc phục đúng đắn, tổ chức các hoạt động để tuyên truyền việc sử dụng ngôn từ phù hợp,….

+) Các cơ quan quản lý mạng cần quản lý chặt chẽ, răn đe, ngăn chặn những hành vi cố ý công kích, bình luận lời lẽ khiếm nhã đến người khác thông qua các trang mạng xã hội.

Kết bài

– Liên hệ bản thân rút ra bài học.

– Nhấn mạnh nói tục chửi thề là một hành vi vi phạm đạo đức, khiến xã hội xuống cấp.

Nghị luận về nói tục chửi thề – Mẫu 1

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và xã hội loài người, đảm bảo cho việc truyền đạt thông tin và hiểu biết lẫn nhau của các thành viên trong xã hội. Ngôn ngữ không chỉ truyền đạt thông tin mà còn tác động đến nhân cách, can thiệp vào bức tranh thế giới nhân cách, vào văn hóa ngôn ngữ của nó. Nói tục chửi thề là một hiện tượng khá phổ biến trong trường học hiện nay. Đó là một thói hư tật xấu gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với đạo đức và hành vi ứng xử của học sinh.

Hiểu một cách đơn giản nói tục chửi thề là dùng những lời lẽ thô tục, thiếu tế nhị, thiếu văn hóa trong giao tiếp nhằm bôi nhọ, sỉ nhục hoặc xúc phạm nhân cách người khác. Ông bà ta có câu “ chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” ở đây muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng khi giao tiếp với mọi người trong xã hội chúng ta phải biết cách ăn nói như thế nào để không gây mất lòng đối với người nghe vừa đem lại cảm giác dễ chịu cho người nghe tránh nói những lời không hay mà ảnh hưởng đến cuộc nói chuyện giữa hai người và những người xung quanh. Tuy nhiên hiện nay vấn đề nói tục chửi thề lại rất phổ biến ở  mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong đó có giới trẻ. Học sinh dung những lời lẽ thiếu văn hóa để nói chuyện với nhau, nói với thầy cô tại trường học. Việc sử dụng ngôn ngữ thiếu lịch sự, tục tĩu, phản cảm đang có xu hướng lan rộng và trở thành ngôn ngữ “ cửa miệng”. Nó vừa gây mất mỹ quan, mà còn gây nên sự khó chịu đối với người nghe và cả những người xung quanh, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của lớp trẻ hiện nay. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, nó không những ảnh hưởng đến lối sống, suy nghĩ, nhận thức mà còn ảnh hưởng đến văn hóa giao tiếp trong xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến nói tục chửi thề có thể là do sự phát triển của kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin kết hợp sự xâm nhập tràn lan của các nền văn hóa ngoại lai khiến cho nhận thức của học sinh về ngôn ngữ giao tiếp, văn hóa và đạo đức trở nên lệch lạc gây ra các hành vi giao tiếp thiếu chuẩn mực, thiếu trong sáng, lễ độ. Sự phát triển của kinh tế luôn kéo theo những hệ lụy do mặt trái của quá trình mở cửa để hội nhập thúc đẩy phát triển kinh tế như hiện nay, đây cũng là thời cơ để cho văn hóa nước ngoài có cơ hội du nhập vào nước ta chính vì lẽ đó nếu chúng ta tiếp thu, học đòi theo những cái xấu của văn hóa nước ngoài thì chúng ta cũng sẽ dần đánh mất đi giá trị văn hóa của dân tộc, của chính bản thân mình. Chẳng hạn như chúng ta hãy học những thói hư, tật xấu đó thông qua phim ảnh, qua các trang mạng xã hội,… Không phải cứ học theo những thói hư tật xấu đó là hay mà chúng ta cần biết tiếp thu những cái hay cái đẹp, phù hợp với bản thân. Học những cái hay không học lại đi học cách ăn mặc hở hang, đánh nhau, nói tục, chửi thề, hút thuốc lá,…

Cũng do bản thân chúng ta có lối sống đua đòi, thực dụng, dễ dãi của một số bạn trẻ dẫn đến sự suy thoái nhân cách và đạo đức, từ đó ảnh hưởng đến thế hệ học sinh trong trường học. Từ một vài cá nhân, nói tục chửi thề trở thành một hiện tượng tràn lan và ngày càng ảnh hưởng sâu sắc trong lứa tuổi học sinh. Hầu như trong giới trẻ hiện nay chỉ những số học sinh hay tụ tập ăn chơi, đua đòi cho bằng bạn bằng bè, với lối sống phóng khoáng, thực dụng rất dễ bị người khác lôi kéo, kích động.

Nói tục, chửi thề xuất phát từ ý thức cá nhân của mỗi học sinh chưa tốt, chưa ý thức được tác hại và bản chất của việc lệch lạc ngôn ngữ. Dù đã được giáo dục từ nhà trường, thế nhưng nhiều học sinh chưa có quan niệm chín chắn về thói nói tục, chửi thề. Họ xem đây là cách hơn thua, thể hiện bản thân vô cùng xấu xí. Do ảnh hưởng từ môi trường sống thiếu lành mạnh là một yếu tố gây nên hiện tượng nói tục, chửi thề tràn làn trong học sinh ngày nay. Bạn bè nói tục, chửi thề, người lớn nói tục, chửi thề, ngôn ngữ và hành vi thiếu gương mẫu vô tình lại để cho các bạn trẻ học theo. 

Bên cạnh đó còn do gia đình, nhà trường và xã hội thiếu quan tâm sâu sắc, buông lỏng giáo dục đạo đức, nhân cách và ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực cho học sinh. Việc thiếu nghiêm khắc trong vấn đề xây dựng và rèn luyện thế hệ học sinh trong vấn đề văn hóa và hành vi ứng xử khiến cho hiện tượng nói tục chửi thề xảy ra tràn lan mà không được nhắc nhở hay xử lý hiệu quả. Người lớn thiếu gương mẫu, trở thành tấm gương xấu cho học sinh làm theo.

Nói tục chửi thề đã để lại hậu quả vô vô cùng nghiêm trọng đối với thế hệ trẻ và đối với xã hội. Thường xuyên nói tục chửi thề làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách, phẩm chất đạo đức của người học sinh bị suy đồi. Biến con người mình thành kẻ thiếu học thức, bị mọi người xung quanh đánh giá là vô văn hóa, thậm chí còn bị mọi người xa lánh, ghét bỏ. Việc nói tục, chửi thề tùy tiện trong khi giao tiếp trở nên xấu xí trong mắt người khác, bị mọi người khinh thường. Đồng thời việc nói tục, chửi thề  làm cho kỹ năng giao tiếp của  học sinh trở nên yếu kém vì những phát ngôn lệch chuẩn.

Nhiều người trong khi giao tiếp thường hay sử dụng những ngôn ngữ thô lỗ, tục tĩu là tự đánh mất vẻ đẹp văn minh của xã hội, làm giảm đi giá trị của một con người, khiến cho bản thân họ không nhận được sự tôn trọng đánh giá cao từ những người xung quanh. Chẳng hạn như trong môi trường học đường chúng ta cũng hay bắt gặp những bạn học sinh nói chuyện với nhau thường hay dùng những từ tục tĩu, hoặc khi chửi nhau cũng vậy. Những lời lẽ đó nó không tôn lên cái đẹp của bản thân bạn đó trước mặt những người khác mà còn làm xấu đi hình ảnh của những bạn học sinh đang còn trong sáng như trang giấy trắng  trong mắt các thầy cô, các bậc phụ huynh. Những bạn nam thì sẽ mất điểm trước những bạn nữ vì ăn nói vô duyên, xấu xí không kiểm soát như vậy. 

Không chỉ như vậy nói tục, chửi thề còn ảnh hưởng rất lớn đến người khác. Nhất là trong trường hợp nói tục chửi thề với mục đích lăng mạ, sỉ nhục người đối diện. Hành động đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, lòng tự trọng của người bị lăng mạ. Nếu việc này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể gây tâm lý bức bối, ức chế, không kiểm soát được bản thân dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Thực sự đã có nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra cũng chỉ vì một câu nói tục, hay từ một cái nhìn đểu. Đây cũng chính là nguyên nhân làm tăng sự mâu thuẫn và tranh chấp giữa người với người trong xã hội có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như đánh nhau hoặc có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Nói tục chửi thề không phải là hay, không phải là cách để thể hiện bản thân mình trước mặt người khác, nó cũng không phải là cách để cho các cậu con trai “lấy le”, thể hiện mình trước những đám bạn cùng trang lứa, trước những cô gái. Thậm chí có nhiều người nói tục, chửi thề bây giờ đã thành những câu nói cửa miệng, nói một hai câu nói bình thường mà không thêm, không nếm cho vài câu nói tục thì kiểu không chịu được. Càng hay nói tục, chửi thề càng suy thoái về đạo đức, càng thất bại trong cuộc sống. Người có nhân cách cao quý, có học thức sẽ không bao giờ cẩu thả trong lời nói và hành vi ứng xử. Và ngược lại, người có lời nói thô tục, hành vi đáng bị coi thường không thể là người có đạo đức. Ông bà ta có câu nói rất hay về cách răn dạy thế hệ con cháu về cách ứng xử trong giao tiếp đó là : “ uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Qua đây muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng trong giao tiếp phải biết chọn những lời hay, ý đẹp mà nói để vừa được khen ngợi lại không làm mất lòng ai. Chẳng hạn như bạn làm việc trong một công ty và được giao cho đi ký bản hợp đồng với đối tác, chắc chắn bạn phải là người có tài ăn nói thì công ty mới dám cử bạn đi ký hợp đồng chứ không thể nào đưa cho một người có kỹ năng giao tiếp kém, nói năng thì thô lỗ đi làm công việc như vậy được. Đây cũng là cách để tôn vinh những người có văn hóa, có kỹ năng và trình độ chuyên môn tốt.

Người hay nói tục chửi thề thường thấy ở họ luôn bộc lộ là những người có thói kiêu căng, ngạo mạn, tự cao, tự đại, nóng nảy, coi thường người khác, sống thiếu tôn trọng. Họ sẵn sàng sỉ nhục, chà đạp nhân cách, nhân phẩm, danh dự người khác bằng những lời lẽ khó nghe. Và những người như vậy thường nhân lại cái kết tương xứng với những gì mà họ đã làm đối với người khác.

Chúng ta thường thấy những gì có liên quan đến văn hóa thì hay có tính chất lan truyền. Thật sự sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta không ngăn chặn thói xấu này, dần dần sẽ tạo nên những hệ lụy khôn lường. Chẳng hạn như một người nói tục, cả bàn nói tục, cả lớp nói tục, cả trường nói tục,… lan rộng ra là cả xã hội. Khi đó xã hội văn minh sẽ biến mất mà thay vào đó là một xã hội thiếu văn hóa trầm trọng, đây là những hình ảnh xấu xí trong mắt bạn bè và quốc tế nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về cả nhân cách, đạo đức và lối sống của một đất nước, một dân tộc.

Để khắc phục vấn nạn nói tục, chửi thề trước hết các bạn học sinh cần phải tích cực học tập chăm chỉ, ra sức rèn luyện nhân cách đạo đức, phẩm chất cho bản thân. Tích cực tham gia vào cách hoạt động văn hóa lành mạnh, học hỏi những tấm gương người tốt việc tốt xung quanh chúng ta. Tích cực học hỏi và tiếp thu những cái hay cái đẹp,…Tích cực trau dồi ngôn ngữ chuẩn mực, học tập lối sống lành mạnh, văn minh. Ăn nói lịch sự, đối xử hòa nhã với bạn bè. Đặc biệt có ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Không dùng những từ ngữ thiếu tế nhị, lịch sự, không dùng tiếng lóng, từ ngữ địa phương một cách tùy tiện, hướng đến sự giao tiếp hiệu quả, tôn trọng, hiện đại và văn minh.

Bản thân chúng ta phải biết tôn trọng danh dự nhân phẩm của người khác. Biết kính trên nhường dưới, lễ phép với người lớn. Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào để  có thể giao tiếp với mọi người nhằm rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho bản thân. Xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh, trong sáng, có chuẩn mực, tránh xa các thói hư tật xấu.

 Nhà trường, gia đình và xã hội cần có sự quan tâm và điều chỉnh hợp lí trong cách giáo dục và chăm sóc trẻ. Nhà trường nhanh chóng nâng cao chương trình và chất lượng giáo dục đạo đức, ngôn phong cho học sinh. Gia đình xây dựng văn hóa giao tiếp chuẩn mực và nghiêm khắc trong giáo dục lời nói và thái độ giao tiếp cho con em mình. Xã hội quyết liệt lên án, phê phán những hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp hàng ngày.

Các cơ quan chức năng nên có sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các văn hóa phẩm trước khi phát hành. Cần xử phạt nặng các hành vi phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, thiếu chuẩn mực, nhạy cảm.

Nói tục, chửi thề có thể coi là hành vi phi đạo đức, phản văn minh và đi ngược lại với xu hướng phát triển văn hoá chung của nhân loại. Nói tục, chửi thề là dấu hiệu của suy thoái nhân cách con người và là một trong những con đường dẫn đến góc tối tệ nạn xã hội. Chính vì lẽ trên chúng ta cần phê phán lên án đối với những hành vi nói tục chửi thề đặc biệt là trong môi trường học đường hiện nay. Là học sinh thì chúng ta không nên nói tục, chửi thề. Mỗi học sinh cần phải rèn luyện nhân phẩm, phấn đấu học tập, trở thành những người có ích, để sau này có thể góp sức xây dựng quê hương đất nước văn minh, tiến bộ và từng bước hiện đại. chúng ta cũng không ngừng bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho bản thân, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, giữ gìn và phát huy sự trong sáng của Tiếng Việt trong thời buổi hội nhập.

Xã hội đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng hiện đại hơn đòi hỏi con người cũng cần trau dồi, phát triển bản thân để trở nên văn minh hơn. Một trong những điều cần thay đổi cấp thiết là những lời nói thô tục, trau dồi lời hay ý đẹp để góp phần tạo nên phong cách đẹp cho con người thời đại mới.

Nghị luận về nói tục chửi thề – Mẫu 2

Người xưa có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”, có nghĩa là trước khi học tập về chữ nghĩa, kiến thức văn hóa thì điều đầu tiên chúng ta cần học là các lễ nghĩa, rèn luyện đạo đức, tu dưỡng nhân cách. Chúng ta đều biết, ngôn ngữ chính là phương tiện quan trọng trong việc giao tiếp, kết nối giữa người với người, và thông qua việc sử dụng ngôn từ chúng ta có thể biết được tính cách của một người là như thế nào. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay của chúng ta, nhất là ở lứa tuổi học sinh vẫn còn tồn tại hiện tượng nói tục chửi thề. Nếu ngôn ngữ đã là phương tiện quan trọng trong giao tiếp và cũng là một phần trong phạm vi đạo đức, phẩm chất của con người như thế, thì tại sao chúng ta lại không sử dụng những câu từ tử tế hướng đến người nghe thay cho những câu nói tục chửi thề nhỉ?

Để có thể tìm được câu trả lời cũng như các biện pháp khắc phục cho vấn đề đó, trước tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem “nói tục chửi thề” có nghĩa là gì nhé! Khi nhắc đến nói tục chửi thề thì chắc rằng trong số chúng ta, ai ai cũng khá là quen thuộc phải không nào? Tuy nhiên, để giải thích một cách hợp lý thì nói tục chửi thề chính là lối sử dụng ngôn từ xấu, sử dụng những câu từ thô thiển khó nghe, lời lẽ thiếu văn hóa, thiếu tế nhị, nhạy cảm nhằm xúc phạm, bôi nhọ đến người nghe hay một ai đó, hoặc có thể là thể hiện cảm xúc, và cũng có thể là để thể hiện bản thân có “một vốn từ ngữ bá đạo, đẳng cấp”. Như đã nói ở trên thì đây là một hiện tượng khá là phổ biến, nhất là ở lứa tuổi học sinh và hiện nay nó đang có xu hướng ảnh hưởng nghiêm trọng đến những thế hệ trẻ tiếp theo khi đang ngày một tràn lan khủng khiếp trong đời sống cũng như các phương tiện truyền thông của thời đại công nghệ tiên tiến.

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì có rất là nhiều nguyên nhân dẫn đến việc “nói tục chửi thề” luôn luôn thông dụng ở lứa học sinh hiện nay, nhưng trong đó có năm nguyên nhân phổ biến. Đầu tiên là gia đình thiếu quan tâm giáo dục con cháu về lời ăn tiếng nói thật chuẩn mực ngay khi các em bắt đầu học nói (nên nói gì, không được nói gì và tại sao như vậy), từ khi các em còn bé (dạy con từ thuở còn thơ). Người lớn trong nhiều gia đình chưa thật sự làm gương, thiếu gương mẫu trong giao tiếp, còn văng tục, chửi thề một cách thoải mái trước mặt con cháu và không kịp thời giáo dục, nhắc nhở, uốn nắn khi các em vi phạm, không xử phạt nghiêm minh khi các em tái phạm. Thứ hai là chương trình môn giáo dục đạo đức chưa thật sát với từng lứa tuổi, đặc biệt với học sinh mầm non, tiểu học là đối tượng cần “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Môn học này chưa chú trọng đúng mức đến việc rèn kỹ năng giao tiếp cho các em. Thứ ba, là ở trường học, tuy trong bản nội quy từng trường đều có quy định học sinh không được nói tục, chửi thề,… những việc này không được quan tâm thường xuyên khi sinh hoạt toàn trường, trong tiết sinh hoạt hàng tuần của giáo viên chủ nhiệm, trong tiết học môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân,…. khi phát hiện học sinh nói tục, chửi thề thì không ít giáo viên làm ngơ, không kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh (một phần do ngại đụng chạm, nhất là học sinh vi phạm không học ở lớp mình làm giáo viên chủ nhiệm). Học sinh vi phạm nói tục, chửi thề nhiều lần chưa được xử lý nghiêm minh, giáo dục đến nơi đến chốn với những biện pháp giáo dục phù hợp. Thứ tư là học sinh bị tác động bởi môi trường giao tiếp từ trong gia đình, khu phố, ngoài xã hội và trên các trang mạng xã hội. Và thứ năm là bản thân học sinh còn hạn chế về nhận thức, chưa thấy việc nói tục, chửi thề là một tật xấu (vì nhiều người lớn xung quanh mình vẫn nói thường xuyên ở mọi nơi, mọi lúc nhưng có ai bị sao đâu?). Có em coi việc nói tục, chửi thề là “model” của thời đại hiện nay, thể hiện bản lĩnh cá nhân của mình.

Và còn nhiều nguyên nhân phụ khác nữa khiến cho việc nói tục, chửi thề trở thành thói hư tật xấu gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với đạo đức, nhân phẩm của người học cũng gây ảnh hưởng đến những người phải hứng chịu lời lẽ đó. Đối với người nói, thì khi đã vô tình học phải thói hư tật xấu đó, tần suất sử dụng ngày càng nhiều thì cũng khó bỏ, dần dần nó sẽ nằm ở một mức độ gần như là hòa nhập vào cuộc sống của chúng ta, khiến cho việc sử dụng lời lẽ thô tục không còn là bắt chước nữa mà còn trở thành những câu cửa miệng khi muốn phát ngôn hay truyền tải thông tin gì đó đến người nghe. Và điều đó làm ảnh hưởng đến việc giao tiếp của bản thân, khiến cho kỹ năng giao tiếp ngày càng đi xuống vì các từ ngữ lệch chuẩn. Và nhân phẩm cũng sẽ đi xuống, biến thành một con người cộc cằn, tục tĩu, hung bạo và ngang tàn. Và những người như vậy thì thường sẽ bị mọi người xa lánh, không muốn nói chuyện, không muốn chơi chung cũng như không nhận được sự tôn trọng từ bất cứ ai. Không những vậy, mà đối với người nghe cũng có tác hại như gây tổn thương, khó chịu trong lòng, cũng như gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Chỉ riêng việc này thôi chúng ta cũng có thể chia ra từng mức độ gây ra tác hại đối với những người nghe. Ở mức độ nhỏ là làm cho người nghe cảm thấy phiền hà, khó chịu. Ở mức trung thì nó làm tổn thương đến tình cảm của người bị nghe những lời lẽ xúc phạm đó, khiến cho tinh thần của họ không được ổn định, trở nên nhút nhát và rụt rè trong các mối quan hệ. Chuyện này còn rất hay gặp ở môi trường học đường, khi các bạn học sinh hiền lành, ngoan ngoãn bị bắt nạt và phải nghe những lời lẽ thiếu văn hóa đó mỗi ngày. Và còn gây ảnh hưởng đến nhận thức của các em nhỏ chưa hiểu chuyện. Còn ở mức độ nặng hơn là khiến cho người bị xúc phạm, nhạo báng đó có những suy nghĩ tiêu cực như không dám đi học, không dám tham gia các hoạt đông người, hoặc tệ hơn là còn ảnh hưởng đến tính mạng. Không những vậy mà còn dễ dẫn tới việc đánh nhau, xô xát ảnh hưởng đến tình cảm của bạn bè. Mà cũng không riêng gì ở môi trường học đường, chúng ta có thể bắt gặp những câu nói thiếu văn hóa đó ở nơi công cộng, đặc biệt là ở các phiên chợ, hay các môi trường lao động. Một người nói tục, một nhóm nói tục, cả khu nói tục, nguyên một chợ nói tục và khi chuyện buôn bán không được như ý lại đem những câu từ thô thiển về nhà, vô tình đổ lên đầu những đứa con, đứa cháu trong nhà, khi đó một học sinh nói tục, cả bàn nói tục, một lớp nói tục, cả trường đều nói tục. Và những điều đó ảnh hưởng đến hệ lụy sau này và còn làm cho nền văn minh của xã hội ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Và với thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay, thì những nơi như facebook, youtube, twitter, game online,….. cũng vô tình là những “mầm mống nuôi cấy” cho việc nói tục chửi thề ngày càng thô bạo hơn khi người dùng chỉ cần gõ lách cách vào cái bàn phím ở nhà là có thể truyền đi bao lời lẽ tục tĩu không có giới hạn thông qua tài khoản cá nhân, và những người chuyên đi bình luận “dạo” với những lời lẽ thiếu văn hóa đó thường được gọi là “anh hùng bàn phím”. Họ ỷ vào việc không sợ bị lộ mặt mũi, không sợ bị lộ danh tính cá nhân nên cứ vậy mà “luyện tay” tham gia vào những chuyện như showbiz, giới idol,… tóm lại là những chuyện đều không liên quan đến mình nhưng vẫn vào bình luận những lời lẽ khiếm nhã, xúc phạm nhằm hạ thấp giá trị của người nào đó bị đưa tin tức. Hoặc những trang báo, mạng cố tình đưa ra một tin tức làm dấy lên làn sóng bất đồng quan điểm giữa hai hay nhiều “phe phái” nào đấy nhằm tăng like, câu view mà không quan tâm là những người bị kích động ấy sẽ sử dụng bao nhiêu ngôn từ không đẹp đẽ. Hay là khi có người bị vu oan vì một chuyện gì đó, những “anh hùng bàn phím” sẽ không chờ cho người đó cơ hội được giải thích mà thay vào đó là cả nhóm cùng vào công kích một cá nhân, nhưng cho đến khi nhận ra mọi chuyện chỉ là hiểu lầm thì người bị xỉa xói kia đã bị ảnh hưởng đến mức tinh thần không ổn định, mà cũng không nhận được lời xin lỗi nào từ những người vô tâm kia. Và những người đó sớm muộn gì cũng sẽ gánh chịu hậu quả tương xứng. Qua đó chúng ta có thể thấy, những điều này không những ảnh hưởng đến nhận thức của những lớp trẻ sử dụng mạng xã hội sớm mà còn làm cho xã hội mang một màu sắc đen tối, u ám.

Tuy là đôi lúc nói ra những câu từ không hay sẽ đỡ bực mình nhưng chúng ta cũng không nên để những lời lẽ xấu xí đó tồn tại mãi trong người được, bởi cứ còn tồn tại là vẫn sẽ tùy thời, tùy lúc có câu từ để chửi rủa. Và để khắc phục được điều này ở xã hội thì mỗi người chúng ta cần chú ý, cẩn trọng trong lời nói hơn. Ở môi trường học đường, thì mỗi học sinh cần nâng cao ý thức học tập, cố gắng rèn luyện đạo đức, nhân cách của mình và hãy học hỏi ở những người có lối sống mẫu mực, có tấm gương sáng trong giao tiếp ở xung quanh mình. Và ở gia đình, nhà trường cũng cần có sự quan tâm và điều chỉnh hợp lý cách giáo dục ngôn phong cho học sinh. Không những vậy mà nhà nước và cơ quan cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ, răn đe, ngăn chặn đối với những trang mạng hay những nhóm người tác oai tác oái thông qua tài khoản cá nhân. Xã hội quyết liệt lên án phê phán những hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp hằng ngày. Bên cạnh đó, chúng ta cũng hãy tự nâng cao ý thức cá nhân, “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” và học hỏi những lời hay ý đẹp để sử dụng trong giao tiếp, làm tăng vốn từ như đọc sách hằng ngày. Chúng ta hãy mở mang kiến thức và hoàn thiện nhân cách để ngày một phát triển chứ không nên làm bản thân ngày càng trở nên khó tiếp nhận trong mắt mọi người xung quanh.

Có thể nói, hành vi nói tục chửi thề là vi phạm đạo đức, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của xã hội. Nói tục, chửi thề làm ảnh hưởng, tổn thương đến tình cảm của người nghe, gây ra nhiều mâu thuẫn. Lời ăn tiếng nói của một người phản ánh sâu sắc đến nhân cách và văn hóa của họ. Bởi vậy nên người xưa mới có câu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Cho nên mỗi cá nhân chúng ta hãy cùng rèn luyện lời ăn tiếng nói sao cho đúng đắn, phù hợp. Hãy thực hiện ở bản thân của mình trước rồi lan tỏa từ hay ý đẹp đến mọi người và môi trường xung quanh để xã hội của chúng ta có thể phát triển một cách văn minh hơn, xây dựng nên một đất nước văn minh, tốt đẹp.

Mạnh Khôi

Tốt nghiệp cử nhân ngôn ngữ Anh năm 2010, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy về Tiếng Anh. Nguyễn Võ Mạnh Khôi là một trong những biên tập viên về mảng ngoại ngữ tốt nhất tại VerbaLearn. Mong rằng những chia sẽ về kinh nghiệm học tập cũng như kiến thức trong từng bài giảng sẽ giúp độc giả giải đáp được nhiều thắc mắc.