Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm

* Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này được quy định như sau:

 

– Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
 

– Vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định này bao gồm:
 

+ Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm;
 

+ Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm;
 

+ Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm;
 

+ Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.
 

 – Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.
 

* Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 2, theo đó, ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, một số cấp trong lực lượng Công an nhân dân còn có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, đ, e, g, h, i, k và l Khoản 3 Điều 2 đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính như sau:
 

– Buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, nguyên liệu, chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm có nội dung vi phạm; tang vật vi phạm; lô hàng thủy sản không bảo đảm an toàn thực phẩm;
 

– Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm vi phạm;
 

– Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm;
 

– Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm;
 

– Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm;
 

– Buộc ngừng việc sử dụng phương tiện vận chuyển;
 

– Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm, Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu;
 

– Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
 

* Các cấp của lực lượng Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 30, gồm:
 

1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ.
 

2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này.
 

3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất.
 

4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng An ninh kinh tế.
 

5. Giám đốc Công an cấp tỉnh.
 

6. Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu.
 

* Theo quy định tại Điều 30 của Nghị định này, Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức.
 

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu có quyền phạt tiền đến mức tối đa theo quy định tại Nghị định này (Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức).

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/10/2018./.