Nghệ thuật vị nhân sinh

“Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, đó là câu nói thời gian gần đây đang dậy sóng trên mạng xã hội về cách ứng xử giữa nghệ thuật và pháp luật được ca sĩ Tuấn Hưng đăng trên trang cá nhân của mình, sau khi sự việc nam ca sĩ này hát ở ban công nhà bị UBND quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội xử phạt 12,5 triệu đồng. Anh đã biết sai với quy định của địa phương và vui vẻ nộp phạt, đồng thời đăng dòng trạng thái nêu trên lên mạng xã hội. Điều đó cho thấy cách ứng xử rất chuyên nghiệp của một nghệ sĩ khi vi phạm, thể hiện anh là một người của công chúng, biết nhận ra sai sót và sửa chữa lỗi lầm, đồng thời định hướng công chúng.

Cách hành xử của nam ca sĩ nêu trên đã theo đúng chuẩn mực, biết sai thì sửa. Tuy nhiên, lợi dụng sự việc này, cắt ghép cùng với những sự việc trước đó như: Họa sĩ Bùi Chát bị phạt 25 triệu đồng vì triển lãm tranh không phép; Châu Bùi rút bài, xin lỗi vì thương tiếc Nữ hoàng Anh… Việt Tân đã thể hiện ngay trình độ “khóc mướn” của mình bằng dòng tít “dồn dập những tin tức về văn hóa, xã hội liên quan đến giới nghệ sĩ, giải trí”. Trong bài, Việt Tân cho rằng đang có một làn sóng chỉ trích nhằm vào giới văn nghệ sĩ ở Việt Nam. Những người làm nghệ thuật đang bị kiểm soát gắt gao bởi chính quyền và đám dư luận viên. Cuối cùng Việt Tân chốt một câu: “Chừng nào Đảng Cộng sản còn tồn tại cùng với cơ chế kiểm duyệt khắt khe thì chừng đó giới văn nghệ sĩ trong nước vẫn khó cất cánh, không thể vươn lên hòa nhập với văn minh nhân loại được”. 

Trước tiên cần phải khẳng định, tự do trong sáng tác, biểu diễn chính là yếu tố quan trọng nhất trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Người nghệ sĩ chỉ thể hiện hết tài năng của mình nếu họ có sự tự do trong tư tưởng, suy nghĩ và hành động. Qua đó, chúng ta thấy yếu tố tự do đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật. Tuy nhiên, tự do nào cũng phải trong khuôn khổ nhất định, đặc biệt lĩnh vực nghệ thuật liên quan rất nhiều đến yếu tố đạo đức, tư tưởng và định hướng những giá trị con người. Những giá trị mà con người đạt được sau khi thưởng thức tác phẩm văn hóa nghệ thuật là tính “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, giá trị nhân văn. Đó mới chính là ý nghĩa của sự tự do trong sáng tác, biểu diễn văn học nghệ thuật nhằm mục đích phát triển xã hội. 

Mặt khác, cái tôi cá nhân trong chủ thể sáng tạo là cái gắn liền với văn hóa nghệ thuật. Nét riêng biệt của một tác phẩm thể hiện ở cái tôi cá nhân, đó là bản sắc hay giá trị riêng biệt nó mang lại. Đối với một tác phẩm, nếu không có bản sắc thì thiếu sức sống, mờ nhạt, ít giá trị. Nhìn ở góc độ nào cũng thấy sự cần thiết của cá tính sáng tạo. Tuy nhiên, nếu cái tôi cá nhân đó không được nhận thức đúng đắn, trong sáng thì dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy, nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng và chủ nghĩa xã hội”. Thực tiễn cho thấy, ở bất kỳ nơi nào chủ nghĩa cá nhân phát triển mạnh thì đều dẫn tới hậu quả tiêu cực, khó lường và trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng không phải ngoại lệ.

Tuy nhiên gần đây, thực tế hoạt động nghệ thuật cho thấy, bên cạnh những tác phẩm chất lượng cao, những cách thể hiện, biểu diễn hướng đến cộng đồng thì cũng xuất hiện không ít sản phẩm văn hóa nghệ thuật bị tầm thường hóa. Chính việc đề cao mục đích giải trí đã làm cho thiên chức nghệ thuật bị lung lay. Mặt khác, cuộc cách mạng 4.0 đã tạo ra nhiều hình thức sáng tác nghệ thuật và trình diễn khác nhau. Một số nhà văn, nghệ sĩ đã hướng đến thị trường nước ngoài để công bố sự ra đời hoặc thể hiện tác phẩm của mình. Trong nước, hình thức tự sản xuất, xuất bản rồi đăng lên mạng xã hội cũng là một trào lưu và xu hướng nghệ thuật nở rộ, thịnh hành hiện nay. Cùng với đó là tình trạng buông lỏng quản lý trong hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật của một số địa phương và sự bất hợp tác của một số cá nhân, tổ chức cũng gây khó cho cơ quan quản lý. Và cái được gọi “rác văn hóa” là những sản phẩm có nội dung dung tục, nhảm nhí xuất hiện ngày càng nhiều. Cơ quan quản lý có thẩm quyền đã tiến hành thu hồi, cấm phát hành; một số chương trình triển lãm, biểu diễn nghệ thuật bị rút giấy phép, không được cấp phép hoặc bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Sáng tác, biểu diễn hay quảng bá những tác phẩm văn hóa nghệ thuật lệch lạc là một trong những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Đảng ta đã đề cập tại Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Để ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện này cần phải phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Thực tiễn cho thấy đã và đang có không ít ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều về quan niệm tự do trong sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Khi đề cập đến vấn đề này, để tránh tình trạng bất đồng quan điểm, yêu cầu đầu tiên là cần có sự thống nhất trong cách đánh giá, tránh suy diễn, xuyên tạc vì mục đích không trong sáng. Các thế lực thù địch đã lợi dụng những điều này để tăng cường chiêu bài về dân chủ, dân quyền, tự do trong sáng tác văn học, nghệ thuật. Từ đó chúng phủ nhận thành tựu và xuyên tạc đường lối phát triển văn hóa nghệ thuật của Đảng, đời sống tinh thần của nhân dân ta. 

Nhà văn, nhà thơ, giới nghệ sĩ… đã được tự do sáng tạo sau khi Nghị quyết số 05-NQ/TW của Đảng ra đời vào năm 1987 về “đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật, văn hóa phát triển lên một bước mới” được ban hành. Từ đó đến nay đã ra đời nhiều tác phẩm, chương trình biểu diễn có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao, đạt được nhiều tiếng vang trong nước và quốc tế. Quyền tự do sáng tạo, biểu diễn tác phẩm văn hóa nghệ thuật luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tôn trọng. Ngược lại, những người hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực này cũng cần có trách nhiệm trong công cuộc xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật lành mạnh, phục vụ cộng đồng, dân tộc và góp phần đánh bay những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, cơ hội chính trị.