Nghề gốm Thanh Hà trong Lịch sử 550 Danh xưng Quảng Nam
Kể từ đó đến nay đã tròn 550 năm, trải qua các lần điều chỉnh, tách nhập địa giới, địa danh, Quảng Nam là địa danh của một đơn vị trực thuộc chính quyền Trung ương qua các thời kỳ. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu sự đóng góp của làng gốm Thanh Hà, một trong những làng nghề tiêu biểu của xứ Quảng có thời gian hình thành và phát triển tương ứng với lịch sử 550 Danh xưng Quảng Nam.
Qua tài liệu khảo sát làng xã Quảng Nam 1941 – 1943 của Viện Viễn đông bác cổ cho thấy: Xã Thanh Hà có 8 tộc tiền hiền hay còn gọi là bát tôn tiền hiền gồm Nguyễn Văn, Nguyễn Viết, Nguyễn Đức, Nguyễn Kim, Ngụy Như, Bùi Phước, Võ Đình, Võ Văn, Nguyễn Tấn. Ngoài ra, còn có một số tộc họ lớn khác là Nguyễn Công, Lê,… Dựa vào gia phả, tộc Nguyễn Viết đã trải qua 16 đời, tộc Nguyễn Văn, Nguyễn Đức đã có 15 đời, như vậy, thời gian các tộc này định cư ở Thanh Hà vào đầu thế kỷ XVI (mỗi đời/thế hệ được tính 30 năm). PGS.TS Huỳnh Công Bá lại có nhận định về thời gian thành lập làng của làng Thanh Hà còn sớm hơn nữa. Đa phần các tộc họ ở Thanh Hà có nguồn gốc từ Thanh Hóa, Nghệ An. Trong gia phả tộc Nguyễn Viết năm 1806, bản dịch Việt ngữ năm 2004, ghi nguồn gốc của tộc như sau: … Cơ nghiệp lẫy lừng xin tạc dạ/ Gia phong rực rỡ nguyện ghi tâm/ Ngàn thu danh chấn miền Thanh Hóa/Vạn đại ân truyền xứ Quảng Nam.
Làng gốm Thanh Hà
Đến thời Nguyễn, xã Thanh Hà có 12 ấp (diện tích tính từ địa bạ Gia Long năm thứ 17 (1819) xã là 2.294 mẫu = 11,470km2) gồm An Bàng, Nam Diêu, Bộc Thuỷ, Thanh Chiếm, Bàu ốc, Bàu Súng (nay thuộc phường Thanh Hà), Đồng Nà, Bến Trễ, Trà Quế, Trảng Kèo, Cửa Suối (nay thuộc xã Cẩm Hà), Cồn Động (nay thuộc phường Cẩm An). Xã lúc bấy giờ thuộc tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau đó, khoảng cuối thế kỷ XIX, ấp Hậu Xá mới được sát nhập vào Thanh Hà và làng có 13 ấp cho đến năm 1945. Về tên gọi Thanh Hà cho đến nay được thấy sớm nhất qua gia phả tộc Trần vào năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782), một số văn tự Hán Nôm đang lưu tại nhà số 132 Trần Phú và được Lê Quý Đôn nhắc đến trong sách Phủ biên tạp lục. Nhiều thợ gốm cho rằng thủy tổ các tộc tiền hiền nói trên là Tổ nghề gốm Thanh Hà. Cũng có một số cư dân làng gốm kể giai thoại về Tổ nghề gốm là Bà Phước và Bà Tích. Sản phẩm của làng gốm đã được người làng Minh Hương mua để sử dụng trồng một số loại hoa quý, biếu quan Cai Án kiêm Tri Tàu vụ qua bản kê khai xã Minh Hương năm Cảnh Hưng 7 (1746). Vào năm Duy Tân thứ III (1909), sản phẩm gốm Thanh Hà đã được chính sử triều Nguyễn ghi danh trong sách Đại Nam Nhất Thống chí, quyển V, phần thổ sản Quảng Nam.
Ở làng gốm Thanh Hà đã có nhiều thợ giỏi được triều đình nhà Nguyễn phong tước, phong hàm, được triệu tập làm tại tượng cục Long Thọ của Kinh thành Huế. Ông Nguyễn Văn Đằng là Vân hầu tước, Cai đội dinh võ vệ lục đội năm Gia Long nguyên niên (1802), ông Bùi Phước Châu làm nghề nấu ngói, hàm tùng cửu phẩm tượng mục năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), ông Bùi Phước Thạch/Thạnh thợ nấu ngói, gạch lưu ly được phong hàm chánh cửu phẩm tượng mục năm Minh Mạng thứ 10 (1829). Trong văn bia trùng tu miếu Thái giám thuộc Khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu (niên đại1893) có tên nhiều chức dịch cúng tiền là: Tượng mục (1 người), Ngõa tượng – thợ làm ngói (2 người), đốc công, cựu hương mục (1 người)…
Muộn nhất là vào thế kỷ XIX, làng gốm có sự phân hóa thành hai đội ngũ: thợ gốm, lái buôn gốm (ở các chợ lân cận Hội An, buôn bằng ghe bầu hoặc buôn bằng ghe đi nguồn – các huyện Tây Quảng Nam). Ông Lê Bàn có ông nội là ông Lê Từ – một lái buôn gốm giàu có vào cuối thế kỷ XIX, đã chở gốm đến các tỉnh duyên hải miền Trung… để bán. Ở Thanh Hà có những chủ ghe bàu lớn như ông Ngụy Như Dư, Ngụy Cường, Nguyễn Liên, Nguyễn Thiết… với 7 chiếc ghe bầu, tải trọng mỗi chiếc từ 40 – 45 tấn. Làng gốm Thanh Hà trước đây sản xuất gốm, sành, gạch, ngói âm dương, vôi ở nhiều ấp như Nam Diêu, Thanh Chiếm, An Bang, Hòa Yên, Hậu Xá. Theo hồi ức của các vị cao niên, cách đây khoảng 70 năm trở về trước, ở ấp Nam Diêu có 50 hộ sản xuất gốm, 30 – 40 bàn xoay chuốt, 8 lò nung sành và hàng chục hộ buôn gốm với tổng lao động là 200 – 300 lao động. Cũng có một số hộ sản xuất gốm, sành, gạch, ngói, vôi ở ấp Thanh Chiếm (giáp Nam Diêu ở Đông Bắc), ấp An Bang (giáp Nam Diêu ở phía Bắc), ấp Hậu Xá (cách Nam Diêu 1km về phía Đông Bắc).