Nghề Giáo Việt Nam – Góc Nhìn Qua Từng Thời Đại
Trong thời đại xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống cùng với tình cảm của con người bị cuốn theo dòng thời gian hối hả. Đối với người dân Việt Nam, nghề “gõ đầu trẻ” hay “người lái đò” là một nghề vô cùng thiêng liêng và cao quý. Và ngày 20-11 chính là ngày đặc biệt của những người gánh vác công việc “trồng người” cho đất nước. Vậy ngày 20-11 có tự bao giờ và hình ảnh của nghề giáo qua từng thời đại thay đổi ra sao?
1. Tại sao lại lấy ngày 20-11 làm ngày kỷ niệm nghề giáo Việt Nam?
Nhắc đến tháng 11, chắc hẳn mỗi người dân Việt Nam đều nghĩ ngay đến ngày 20-11 – Ngày Nhà Giáo Việt Nam (hay còn gọi là: Ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam). Quay ngược lại dòng lịch sử Việt Nam, vào tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ đã được thành lập tại Paris, Pháp với tên gọi là: Liên Hiệp Quốc Tế Các Công Đoàn Giáo Dục (tên tiếng Pháp là: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants – FISE). Tổ chức này được lập ra nhằm mục đích chống lại những quan điểm giáo dục lạc hậu, phản động hay phản khoa học; xây dựng nền giáo dục tiến bộ và bảo vệ quyền lợi cho các nhà giáo.
Trong những ngày Việt Nam còn chìm trong màu sắc u ám của thời kỳ bị đô hộ, các tổ chức Công đoàn đã luôn tìm cách để bảo vệ quyền lợi của người dân Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp tri thức. Và không ngoài sự hi vọng, năm 1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam chính thức được kết nạp vào tổ chức FISE.
Đến năm 1957, Hội nghị FISE với 57 quốc gia tham dự trong đó có Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Ngay sau đó, ngày 20/11/1958, lần đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam đã tổ chức thành công ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”.
Khi Việt Nam được thống nhất cùng với nguyện vọng của giáo giới trong cả nước, hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ Việt Nam) chính thức ban hành Quyết định số 167/HĐBT, quyết định ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.
2. Sự thay đổi của nghề giáo Việt Nam theo từng thời đại
Mối quan hệ giữa thầy và trò
Nhắc đến sự thay đổi, điều đầu tiên phải nói đến mối quan hệ giữa người giáo viên và học trò. Truyền thống “Tôn Sư Trọng Đạo” là truyền thống tốt đẹp, thiêng liêng của dân tộc ta. Từ xa xưa, xã hội đã luôn dành cho người làm nghề “gõ đầu trẻ” một sự kính trọng và những lễ nghi đặc biệt. Cũng vì thế mà những câu ca dao, tục ngữ hay những lời chúc tốt đẹp cho “người lái đò” được dân gian truyền nhau theo từng thế hệ:
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy
hay
Nhất tự vi sư, bán tự vi sư
Chỉ những điều đó thôi cũng thể hiện được sự tôn kính của người học trò dành cho thầy giáo và khoảng cách giữa người thầy – học trò là khoảng cách khác biệt.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, khoảng cách giữa giáo viên và học trò cũng đã được trở nên gần gũi hơn. Phương châm “làm bạn với học trò” để thấu hiểu tâm lí, nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập trong ngành giáo dục đang được các giáo viên ngày nay thực hiện. Nếu như ngày xưa, quan niệm “thầy nghiêm tạo ra trò giỏi” thì ngày nay, người giáo viên không chỉ đóng vai người thầy nghiêm khắc trên giảng đường mà còn đóng vai người bạn tâm giao của học trò sau những giờ lên lớp.
Ngày xưa, thầy và trò chỉ có thể trò chuyện trao đổi với nhau ở trên lớp học, những câu chuyện xoay quanh vấn sách vở, học hành thì trong thời đại mới, những câu chuyện giữa thầy – trò không chỉ gói gọn trong giáo dục mà còn được mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác. Trước đây, học sinh muốn trao đổi với thầy, cô thì chỉ có thể đến trường, tuy nhiên trong thời đại bây giờ, học trò đã có nhiều phương thức trao đổi với thầy, cô hơn như dùng điện thoại hay các công cụ kết nối mạng xã hội…
Phương thức liên hệ giữa nhà trường và phụ huynh
Chắc hẳn chúng ta đã quá quen với hình ảnh những người thầy vùng cao cần mẫn đến từng hộ gia đình vận động các bậc cha mẹ cho con mình đi học để xóa nạn mù chữ phải không nào. Khi mà các phương thức liên lạc chưa được phổ biến, thì hình ảnh người giáo viên cần mẫn đến từng nhà báo cáo tình hình học tập của học sinh cho các bậc phụ huynh luôn là hình ảnh đẹp trong mắt người Việt Nam.
Đối với quan niệm ngày trước về người giáo viên luôn phải giữ hình tượng chỉn chu, nghiêm túc, phong thái đạo mạo không tùy tiện thì trong xã hội hiện đại, người ta đã cởi mở hơn trong quan niệm về hình ảnh người giáo viên. Ngoài sự nghiêm túc, thậm chí có chút cứng nhắc trong giờ lên lớp, người giáo viên cũng có thể tham gia các hoạt động vui chơi giải trí cùng học trò của mình một cách thoải mái mà không sợ mất hình ảnh trang nghiêm, lịch sự.
Ngày nay, các phương thức liên lạc đã phổ biến hơn. Phổ biến nhất là điện thoại và sổ liên lạc điện tử. Hai phương thức này đã giúp ích cho giáo viên rất nhiều trong việc liên lạc với phụ huynh học sinh. Mối quan hệ ba bên nhà trường – học sinh – gia đình là trụ cột trong ngành giáo dục. Khi xã hội phát triển, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục cũng đồng nghĩa với việc mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh cần được thắt chặt hơn.
Sổ liên lạc luôn là công cụ để các bậc cha mẹ theo dõi kết quả học tập của con mình, tuy nhiên có nhược điểm là chậm trễ việc thông báo tình hình từ phía nhà trường. Chính vì thế sổ liên lạc điện tử đã được ra đời để hỗ trợ việc nắm bắt thông tin từ phía phụ huynh đối với nhà trường. Bên cạnh việc sử dụng sổ liên lạc điện tử thì ngày nay nhà trường cũng có nhiều phương thức liên lạc khác với phụ huynh như zalo, facebook…
Đổi mới trong phương thức dạy học
Ai cũng biết viên phấn và bảng viết là công cụ gắn với hình ảnh người thầy từ xa xưa. Theo năm tháng trôi đi, hình ảnh người thầy cầm phấn đứng trên bục giảng vẫn là hình ảnh đẹp nhất trong lòng người dân Việt Nam.
Ngày nay, xã hội là thời đại của công nghệ số, chính vì thế ngành giáo dục cũng cập nhật xu hướng công nghệ hóa trong giảng dạy. Từ việc sử dụng giáo án điện tử đến việc dạy học online đã được phổ biến, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 vừa đi qua thì việc giảng dạy online qua các phần mềm được ngành giáo dục và các phụ huynh ưa chuộng hơn bao giờ hết.
Thay đổi quan niệm định hướng phát triển tương lai
Từ xưa, trong các câu chuyện dân gian chúng ta thường thấy hình ảnh của những cô cậu học trò lều chõng đi thi với hi vọng thi đỗ để được “áo gấm về làng”. Có thể thấy quan niệm của người xưa về việc học tập đã rất quan trọng. Họ luôn có suy nghĩ chỉ có những gia đình khá giả mới có điều kiện cho con đi học và chỉ có học giỏi mới có thể đổi đời, thoát nghèo.
Tuy nhiên ngày nay, trong thời đại xã hội không ngừng cải cách thì việc đi học đã được dễ dàng hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn. Những chương trình định hướng trong nhà trường cũng góp phần hỗ trợ định hướng đúng theo năng lực của học sinh. Những gia đình có điều kiện còn cho con mình tiếp xúc với nền giáo dục nước ngoài để nhận được những kết quả tốt nhất. Từ đó các em học sinh cũng có thể tìm ra lựa chọn phù hợp với năng lực bản thân thay vì chỉ có một sự lựa chọn như ngày trước.
Quan niệm về người giáo viên
Hình ảnh thầy đồ mặc áo dài khăn xếp tay cầm phấn từ lâu đã khắc sâu trong tâm trí mỗi người Việt Nam. Không chỉ nam giới mới có thể cầm phấn dạy học mà sau này, hình ảnh những cô giáo dạy học cũng đã xuất hiện nhiều sau thời kỷ mở cửa cải cách. Quan niệm bình đẳng giới đã được người dân đón nhận. Ngày nay chúng ta thấy những cô giáo mặc áo dài đứng trên giảng đường không chỉ là một hình ảnh đẹp trong nghề giáo mà còn thể hiện vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Quan niệm về trang phục đối với giáo viên ngày nay cũng được đổi mới hơn trong thời hiện đại. Khi mà văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam thì những bộ Âu phục là lựa chọn hàng đầu bởi tính tiện lợi, lịch sự và thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày.
3. Ý nghĩa của nghề giáo viên có thực sự thay đổi theo thời đại?
Chắc chắn khi còn đi học chúng ta đều nghe đến những câu nói như “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha” hay “Cô giáo như mẹ hiền”… Có thể thấy thầy, cô là những người cha người mẹ thứ hai trong cuộc đời của mỗi con người. Bên cạnh những hình ảnh đẹp về người thầy giáo, cô giáo thì đâu đó trong xã hội ngày nay chúng ta thấy những sự việc đau lòng do sự thiếu trách nhiệm của một số bộ phận giáo viên.
Vậy nghề giáo có thực sự thay đổi hay không? Câu trả lời là: Nghề giáo không hề thay đổi, vẫn là một trong những nghề cao quý nhất. Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, vẫn luôn xuất hiện những hình ảnh người thầy, người cô hết lòng với nghề “trồng người”.
Ngày 20-11 đã đến, hãy dành những lời chúc tốt đẹp những tình cảm thiêng liêng trong sáng nhất để gửi tặng đến những người thầy, người cô đã mang kiến thức đến cho mình nhé.