Nghề công tác xã hội là gì? Điều kiện cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề công tác xã hội năm 2022 như thế nào?


Tôi là công chức nhà nước quản lý về công tác xã hội nhưng có xô xát và gây thương tích với đồng nghiệp. Hiện tôi đang bị kiện về Tội cố ý gây thương tích. Tôi muốn biết liệu tôi có bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hay không? Mong được giải đáp thắc mắc. Tôi cảm ơn!

Nghề công tác xã hội được hiểu như thế nào?

Công tác xã hội là một nghề có vai trò giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và khó hòa nhập với cộng đồng, ví dụ, người khuyết tật, người già, người nghèo, người có bệnh nan y, những người không có khả năng tự chăm sóc,… Ngành Công tác xã hội ra đời với sứ mạng hàn gắn những rạn nứt của xã hội trong quá trình phát triển, giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội và hướng tới sự phát triển bền vững, nhân văn và nhân ái.

Nghề công tác xã hội là gì? Điều kiện cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề công tác xã hội năm 2022 như thế nào?

Nghề công tác xã hội là gì? Điều kiện cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề công tác xã hội năm 2022 như thế nào?

Người làm công tác xã hội là những đối tượng nào?

Theo Điều 20 Dự thảo Nghị định về Công tác xã hội quy định người làm công tác xã hội là các đối tượng sau:

– Công chức nhà nước làm công tác quản lý nhà nước về công tác xã hội.

– Viên chức nhà nước làm công tác xã hội tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

– Người làm công tác xã hội tại các đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, trại giam, trường giáo dưỡng và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

– Người làm công tác xã hội trong các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, hội, hiệp hội, doanh nghiệp và đoàn thể khác.

– Người làm công tác xã hội độc lập.

Theo đó người hành nghề công tác xã hội là người làm công tác xã hội, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội theo quy định tại Nghị định này (trừ trường hợp người hành nghề công tác xã hội là viên chức công tác xã hội) theo uy định tại Điều 21 Dự thảo nghị định về công tác xã hội.

Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội năm 2022 như thế nào?

Theo Điều 20 Dự thảo nghị định về công tác xã hội quy định điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội được chia thành từng đối tượng khác nhau như sau:

– Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam

+ Văn bằng chuyên môn liên quan đến công tác xã hội được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam.

+ Có văn bản xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội.

+ Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề công tác xã hội.

+ Đạt kỳ thi sát hạch theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

+ Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn công tác xã hội theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn công tác xã hội; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; không có tiền án, tiền sự liên quan đến xâm hại phụ nữ và trẻ em.

– Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài

+ Có đủ điều kiện quy định tại Điều 22 của Nghị định này.

+ Đáp ứng yêu cầu về giao tiếp ngôn ngữ trong hoạt động hành nghề công tác xã hội.

+ Có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xác nhận.

+ Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật về lao động.

+ Trường hợp người nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề công tác xã hội do nước ngoài cấp thì không tham gia kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội theo quy định tại Khoản 4 Điều 22.

– Điều kiện cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề

+ Có đủ điều kiện quy định tại Điều 22 của Nghị định này đối với người Việt Nam hoặc Điều 23 của Nghị định này đối với người nước ngoài, trừ điều kiện về văn bản xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội.

+ Có giấy chứng nhận đã cập nhật kiến thức công tác xã hội liên tục theo quy định.

Điều kiện thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hành nghề công tác xã hội?

Theo khoản 1 Điều 30 Dự thảo Nghị định về công tác xã hội quy định các trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề như sau:

– Chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền;

– Chứng chỉ hành nghề có nội dung trái pháp luật;

– Người hành nghề không hành nghề trong thời hạn 02 năm liên tục;

– Người hành nghề được xác định có sai sót chuyên môn công tác xã hội gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người;

– Người hành nghề không cập nhật kiến thức công tác xã hội liên tục trong thời gian 02 năm liên tiếp theo chương trình do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành;

– Người hành nghề không đủ sức khỏe để hành nghề;

– Người hành nghề thuộc một trong các người quy định tại khoản 5 Điều 22 của Nghị định này.

Theo khoản 3 Điều 30 Dự thảo Nghị định về công tác xã hội quy định về trường hợp đình chỉ một phần hoặc toàn bộ chuyên môn của người hành nghề công tác xã hội như sau: Trong trường hợp phát hiện người hành nghề có sai sót chuyên môn công tác xã hội mà không thuộc quy định tại điểm d khoản 1 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ sai sót, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trường hợp của bạn chỉ mới bị kiện về Tội cố ý gây thương tích cho nên chưa thuộc trường hợp phải thu hồi chứng chỉ hành nghề công tác xã hội. Tuy nhiên, nếu bạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bạn thuộc trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo điểm g khoản 1 Điều 30 Dự thảo nghị định về công tác xã hội.