Ngày thế giới phòng, chống bệnh AIDS và nâng cao tiếp cận bình đẳng cho người nhiễm HIV/AIDS

Ngày thế giới phòng, chống bệnh AIDS và nâng cao tiếp cận bình đẳng cho người nhiễm HIV/AIDS

Thứ Tư, ngày 1 tháng 12 năm 2021 – 16:47

Đã xem: 1148

  • A+
  • A-

Hơn 30 năm sau khi bằng chứng lâm sàng đầu tiên về hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải được báo cáo, AIDS đã trở thành một trong những căn bệnh quái ác nhất mà loài người từng phải đối mặt.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Kể từ khi dịch bắt đầu, hơn 60 triệu người đã bị nhiễm vi rút và gần 30 triệu người đã chết vì các nguyên nhân liên quan đến HIV/AIDS đã trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ sáu trên toàn thế giới [1]. Ở Việt Nam, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 12 năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh. Dịch HIV/AIDS bắt đầu bùng nổ từ năm 1993 trong nhóm những người nghiện chích ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó dịch bắt đầu lan ra các tỉnh. Đến cuối tháng 12/1998, toàn bộ 61 tỉnh, thành trong cả nước đều đã phát hiện có người bị nhiễm HIV.

Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day) được tổ chức hàng năm vào ngày 1 tháng 12, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về đại dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, kêu gọi các quốc gia toàn thế giới trong nỗ lực phòng chống HIV/AIDS. Năm nay, trong bối cảnh đại dịch Covid -19 chủ đề của ngày lễ này trên toàn cầu là “Chấm dứt đại dịch HIV: Tiếp cận bình đẳng, Tiếng nói của mọi người” (“Ending the HIV Epidemic: Equitable Access, Everyone’s Voice”). Do đó, một trong những nội dung đáng chú ý là vấn đề bảo đảm tiếp cận bình đẳng cho những người nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ.

Tiếp cận bình đẳng gắn bó chặt chẽ với sự lây lan và tác động của HIV đối với các cá nhân và cộng đồng trên toàn thế giới. Sự thiếu tôn trọng đối với con người thúc đẩy sự lây lan và làm trầm trọng thêm tác động của căn bệnh này, đồng thời HIV cũng làm suy yếu tiến bộ trong việc thực hiện bình đẳng. Mối liên hệ này rõ ràng ở tỷ lệ mắc và sự lây lan của bệnh không cân đối giữa một số nhóm nhất định, tùy thuộc vào tính chất của dịch bệnh và các điều kiện xã hội, luật pháp và kinh tế hiện hành, bao gồm phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là những người sống trong cảnh nghèo đói trên thế giới. Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, tại các nước đang phát triển, việc phải gánh chịu “đại dịch kép” nơi dịch bệnh đe dọa làm đảo ngược những thành tựu quan trọng trong sự phát triển của con người. AIDS, Covid-19 và đói nghèo hiện đang gây gia tăng ở nhiều nước đang phát triển.

Có thể nhận định, nơi mà các cá nhân và cộng đồng có thể được giáo dục, liên kết miễn phí, thông tin và quan trọng nhất là không phân biệt đối xử – thì các tác động cá nhân và xã hội của HIV và AIDS được giảm thiểu. Một môi trường cởi mở và hỗ trợ cho những người nhiễm HIV; được bảo vệ khỏi bị phân biệt đối xử, được đối xử công bằng và được tiếp cận với điều trị, chăm sóc và hỗ trợ sẽ là điều kiện tối ưu. Đổi lại, những người nhiễm HIV có thể đối phó với tình trạng của mình một cách hiệu quả hơn, bằng cách tìm kiếm và được điều trị, hỗ trợ tâm lý xã hội và bằng các biện pháp ngăn ngừa lây truyền sang người khác, do đó giảm tác động của HIV đối với bản thân và những người khác trong xã hội.

Một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn đại dịch HIV là việc bảo vệ và thúc đẩy quyền bình đẳng trong việc ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh và giảm thiểu tác động kinh tế và xã hội của đại dịch. Điều này thể hiện trên 3 phương diện: Đầu tiên, việc thúc đẩy và bảo vệ con người làm giảm tính dễ bị tổn thương do lây nhiễm HIV bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của nó. Thứ hai là tác động bất lợi đối với những người bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV sẽ giảm bớt, các cá nhân và cộng đồng yếu thế có khả năng ứng phó với đại dịch cao hơn. Cuối cùng, một phản ứng quốc tế và quốc gia được bảo đảm thực hiện hiệu quả nhất có thể đối với đại dịch phải được dựa trên cơ sở tôn trọng bình đẳng và phát triển, phù hợp với các tiêu chuẩn, chuẩn mực từng quốc gia và nguyên tắc quốc tế.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức của cán bộ và Nhân dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thay đổi tích cực, có nhiều chuyển biến; sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng đối với người bị HIV/AIDS giảm rõ rệt; nhiều người nhiễm HIV đã tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS từng bước được xây dựng đồng bộ và khá toàn diện. Nhà nước, xã hội và cộng đồng quốc tế đã có sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ về nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Công tác phòng, chống HIV/AIDS của nước ta đã đạt được mục tiêu: Giảm số người nhiễm HIV; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS; phấn đấu đến năm 2030 chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS [2].

Trong bối cảnh phải gánh chịu đại dịch kép, các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới đã và đang chung tay, nỗ lực nâng cao nhận thức và kiến thức để chúng ta có một tương lai không còn người nhiễm mới HIV, không còn phân biệt đối xử và không còn người tử vong do AIDS – mong muốn tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.

 

  1. HIV/AIDS and Human Rights, OHCHR, UN https://www.ohchr.org/en/issues/hiv/pages/hivindex.aspx
  2. Chính phủ, 2019, Quyết định số 681/QĐ-TTg “Về việc ban hành lộ trình  thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030”.

Đỗ Hồng Thanh