Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 ra đời như thế nào?
Khởi nguồn từ một cuộc đình công của các nữ công nhân ở thành phố New York (Mỹ), Quốc tế Phụ nữ 8/3 đã thực sự trở thành ngày hội của phái đẹp trên toàn thế giới.
Năm 1908, khoảng 15.000 phụ nữ đã tuần hành khắp thành phố New York để yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm và quyền được bỏ phiếu.
Ảnh: globalcitizen
Theo một tuyên bố của Đảng Xã hội Mỹ, ngày Phụ nữ Quốc gia (NWD) đầu tiên đã được tổ chức trên toàn nước Mỹ vào ngày 28/2/1909. Phụ nữ Mỹ tiếp tục kỷ niệm NWD vào Chủ nhật cuối cùng của tháng Hai cho tới năm 1913.
Những cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ II tổ chức vào ngày 8 tháng 3 năm 1910, Chủ tịch hội nghị là bà Clara Zetkin (người Đức) đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để kỷ niệm những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới.
Tháng 8/1910, đại hội lần thứ 2 của phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Copenhagen (thủ đô Ðan Mạch), về dự có 100 nữ đại biểu của 17 nước, đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Ảnh: History
Năm 1911, ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 19 tháng 3 ở Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ, với hơn một triệu người tham gia.
Ảnh: Auntiebellum
Liên Hợp Quốc bắt đầu kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ trong Năm Quốc tế Phụ nữ – năm 1975. Năm 1977, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã mời các quốc gia thành viên tuyên bố ngày 8 tháng 3 là Ngày của Liên Hợp Quốc về quyền phụ nữ và hòa bình thế giới.
Ảnh: Reuters
Từ đó đến nay, ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng và cũng từ đó, phụ nữ tiến bộ khắp năm châu tổ chức ngày 8/3 với những nội dung và hình thức phong phú.
Ảnh: Reuters