Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày nào? Lịch sử, ý nghĩa ngày 20/11
Dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay đã có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Điều đó đã khẳng định tầm quan trọng của giáo dục nói chung và vai trò của những thầy giáo, cô giáo nói riêng, đi cùng với nó luôn luôn là lòng biết ơn và tri ân sâu sắc. Hằng năm, các thế hệ học trò vẫn có một ngày để tri ân các thầy giáo, cô giáo của mình, đó là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn về lịch sử, ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam bạn nhé !
Mục Lục
Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày nào?
Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức vào ngày 20 tháng 11 hằng năm, là ngày Hiến chương Nhà giáo, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các nhà giáo, của ngành giáo dục nói chung đối với sự phát triển của toàn xã hội như lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”
Lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam
* Ngày Nhà giáo Việt Nam ra đời gắn liền với lịch sử của Tổ chức Giáo giới tiến bộ trên thế giới.
Một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris vào tháng 7/1946 đã lấy tên là Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục.
Năm 1949, tại hội nghị tổ chức tại thủ đô Vacsava của Ba Lan, liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục đã xây dựng một bản Hiến chương các nhà giáo. Tháng 7/1953, Công đoàn Giáo dục Việt nam được gia nhập vào tổ chức Giáo giới Quốc tế này.
Vào tháng 8/1945, bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương đã được tổ chức Công đoàn của các nhà giáo tiến bộ và cách mạng thế giới nhất trí thông qua. Bản “Hiến chương Nhà giáo” gồm có một số nội dung chủ yếu là:
– Đấu tranh chống lại các quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học.
– Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dậy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của các nhà giáo.
– Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao nghề dạy học.
Từ ngày 26 đến 30/8/1957, vẫn tại Thủ đô Vacsava của Ba Lan, Hội nghị Quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày “Hiến chương các Nhà giáo”
* Lễ kỉ niệm ngày Hiến chương Nhà giáo đầu tiên ở Việt Nam:
Ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta.
Khi đất nước thống nhất, ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của Giáo giới Việt Nam.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đối ngũ giáo viên, cũng như để khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của nhân dân ta, theo đề nghị của Bộ giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 167 QĐ – HĐBT ngày 28/9/1982. Quyết định nêu rõ: “Hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam”
Theo quyết định đó, ngày 20/11/1982 là ngày lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tổ chức trọng thể trên cả nước ta.
Ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 được tổ chức kỉ niệm hàng năm đã tiếp tục cho thấy truyền thống “tôn sư trọng đạo” và một lần nữa khẳng định, ngợi ca, tôn vinh những cống hiến, đóng góp xứng đáng của các thế hệ nhà giáo nói riêng và của toàn ngành giáo dục nói chung đối với sự phát triển của xã hội.
Đây cũng là ngày để các thế hệ học trò trên cả nước bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc đối với các thầy giáo, cô giáo mẫu mực, tận tụy, tâm huyết với nghề. dù trong thời chiến hay ở thời bình thì họ cũng luôn là những chiến sĩ cách mạng kiên cường và những nhà giáo chân chính, cần cù, sáng tạo trong lao động dạy học,…
Những trang sử về nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã ghi nhận những thế hệ nhà giáo ngày đêm tận tụy với nghề, lao động quên mình, cống hiến cả thanh xuân để mang hình hài con chữ, mang ánh sáng văn hóa đến với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Những giải thưởng cao quý như Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Huân chương vì sự nghiệp giáo dục,… chính là sự động viên, khích lệ tinh thần to lớn để các thầy cô tiếp tục cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Ôn lại truyền thống Nhà giáo Việt Nam để giúp các bậc phụ huynh, các em học sinh nhớ đến công ơn to lớn của những “người lái đò thầm lặng”; cũng là để mỗi thầy giáo, cô giáo thêm yêu nghề, phát huy những truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực, là một tấm gương sáng về tự học và sáng tạo, hoàn thành một cách vẻ vang xứ mệnh mà Đảng, nhân dân và xã hội giao phó.
Những món quà tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam
Trong ngày Hiến chương Nhà giáo, các thế hệ học trò thường sẽ gửi đến các thầy giáo, cô giáo của mình những món quà nho nhỏ để thể hiện lòng biết ơn của mình.
Đó có thể là một bó hoa tươi, những cuốn sổ nhỏ và cây bút mực, những cuốn sách hay, tấm khăn choàng, … hoặc có thể là một cuộc hội ngộ thầy trò sau nhiều năm ra trường, khi mà mỗi người đều đã chọn cho mình mỗi hướng đi riêng. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sự ngoan ngoãn, chăm học của mỗi học sinh cũng chính là một món quà quý đối với bất cứ ai là những thầy giáo, cô giáo. Tất cả các món quà dù ít, dù nhiều cũng sẽ trở nên vô cùng ý nghĩa khi chúng ta gửi gắm trong đó sự thành kính và lòng biết ơn sâu sắc dành cho những thầy giáo, cô giáo của mình.
Ai đó đã nói rằng “Ở những nơi có ánh sáng mặt trời, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Thật vậy, hãy bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân của mình đối với các thầy cô, để cho ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 với các thầy cô thực sự là một ngày ý nghĩa.